Đền thờ cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ linh thiêng nơi cội nguồn đất tổ

Văn hóa | 07:31:46 04/04/2017

TNV - Từ ngàn đời nay, câu chuyện cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ với "Bọc trăm trứng" (cùng bọc mẹ - nghĩa đồng bào), một huyền thoại mở đất, mở nước từ thời đại các Vua Hùng, trải qua bao tháng năm và thăng trầm của lịch sử vẫn mãi tồn tại trong tâm thức mỗi con dân đất Việt. Nghĩa “đồng bào” luôn là sức mạnh nội lực có sức lan tỏa mãnh liệt để cố kết mối đại đoàn kết toàn dân tộc chúng ta từ quá khứ tới hiện tại và tương lai.

 Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Câu ca xưa đã đi vào lòng mỗi con dân đất Việt từ thuở ấu thơ qua lời ru của bà, của mẹ như một lời nhắc nhở đạo hiếu, tri ân không bao giờ phai nhạt. Trong sâu thẳm tư duy mỗi người Việt Nam: Cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ là khởi nguồn của cộng đồng dân tộc, gắn với nghĩa Đồng Bào. Các Vua Hùng là những người có công dựng nước, là niềm tự hào thiêng liêng không bao giờ nguôi của mỗi người con mang dòng máu Lạc Hồng.

Để tưởng nhớ công ơn của các bậc thuỷ tổ đã có công khai thiên lập quốc, với mục đích quy tụ các giá trị văn hoá tâm linh thời đại các vua Hùng và đời đời ghi nhớ công ơn Tổ tiên cùng các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, đền thờ quốc Tổ Lạc Long Quân và đền thờ Tổ mẫu Âu Cơ là những công trình kiến trúc tín ngưỡng đã được xây dựng trong quần thể Di tích lịch sử Đền Hùng ở thế kỷ XXI.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên viết vào thế kỷ XV: “…Lạc Long Quân tên huý là Sùng Lãm, lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai, là tổ tiên của Bách Việt. Một hôm Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng:  Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thuỷ hoả khắc nhau chung hợp thật khó bèn từ biệt nhau chia 50 người con theo cha xuống biển, 49 người theo mẹ lên núi, còn người con cả ở lại được suy tôn làm vua nối nghiệp gọi là Hùng Vương. Hùng Vương lên ngôi đặt quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, chia nước làm 15 bộ,... truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương ”.  (Đại Việt sử ký toàn thư - tập 1, NXBKHXH - HN1993).

 Đền thờ cha Lạc Long Quân được khởi công xây dựng ngày 26 tháng 3 năm 2007 tại đồi Sim, xã Chu Hóa, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Và khánh thành vào ngày 29 tháng 3 năm 2009 đúng vào dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm Kỷ Sửu. Theo truyền thuyết và sử sách ghi lại thì Quốc Tổ Lạc Long Quân vốn là giống rồng, vì vậy khi xây dựng đền thờ các nhà nghiên cứu đã tìm tòi, khảo sát rất kỹ lưỡng để chọn một vị trí đẹp và phải hợp về phong thủy để xây dựng đền. Nhưng sau một thời gian đi khảo sát mà vẫn chưa chọn được vị trí thích hợp để xây dựng thì các nhà nghiên cứu tiếp tục vạch lối, băng rừng lên khu vực núi Sim, nơi có bạt ngàn rừng thông xanh vút. Và thật kỳ diệu trên đỉnh núi cao ấy họ đã phát hiện ra một khối đá có hình dáng giống đầu một con rồng đang vươn lên. Cả đoàn khảo sát vô cùng vui mừng, thật đúng là "Thụy ứng long tường " (dịch nghĩa là: Điềm lành ứng với rồng) như nội dung bức đại tự hiện đang được treo ở chính giữa đền.

khdt_ftas

Đền thờ quốc Tổ Lạc Long Quân

Đền Lạc Long Quân kiến trúc kiểu chữ Đinh, quay về phía nam, gồm các hạng mục: Đền chính, cổng, trụ biểu, cổng biểu tượng, phương đình, tả vu, hữu vu, lầu hoá vàng, các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích đất là 13,79 ha. Các kiến trúc và họa tiết trang trí được mô phỏng theo các hoa văn trên trống đồng Đông Sơn được cách điệu như: hình ảnh người giã gạo, hình ảnh chim lạc...đều được thể hiện sinh động, độc đáo đã mang lại nét kiến trúc đặc trưng riêng của ngôi đền mà vẫn không mất đi sự cổ kính, linh thiêng.

  Trong hậu cung của đền là nơi đặt pho tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân được đúc bằng chất liệu đồng, nặng 1,5 tấn, cao 1,98m ở tư thế ngồi trên ngai đầy uy linh và dũng mãnh.

khdt_ftas

                  Tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân

Cách đền Quốc Tổ Lạc Long Quân 1,5 km du khách đi theo con đường uốn lượn quanh quanh dưới chân "Tam sơn cấm địa", hành hương qua 525 bậc thềm đá rêu phong để chiêm bái đền thờ mẫu Âu Cơ. Đền được xây dựng trên đỉnh núi Vặn (tên chữ là Ốc Sơn), có độ cao 171m so với mặt biển. Đền  thờ mẫu được khởi công xây dựng ngày 18/9/2001 và khánh thành ngày 18/01/2005.

Đền thờ mẫu Âu Cơ kiến trúc kiểu chữ Đinh (J), quay theo hướng Đông - Nam, gồm hai toà: Tiền tế và hậu cung. Kiến trúc đền được xây theo kiểu truyền thống vừa tạo nên sự gần gũi mà cổ kính, uy linh của nơi thờ Tổ mẫu.

 Bước vào không gian thiêng của đền, chúng ta không khỏi bâng khâng khi đọc đôi câu đối được khắc ghi như một lời tâm niệm:

 Tòng lai thiên thượng hữu tiên biệt thành vũ trụ

 Thí vấn nhân gian vô mẫu hà đẳng càn khôn.

 Dịch nghĩa:

  Xưa nay trên trời có tiên tạo thành vũ trụ

  Thử hỏi ở đời không mẹ sao nên đất trời?

 Trong hậu cung của đền là nơi đặt khám thờ, bên trong là tượng mẹ Âu Cơ ở tư thế ngồi được đúc bằng đồng, dát vàng. Bức tượng mẫu thể hiện sự kết tinh, hội tụ những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: thông minh, dịu dàng, phúc hậu, nhân từ. Vào hậu cung thắp một nén nhang dâng Tổ mẫu, lòng ta thấy thấy thật nhẹ nhàng, thanh thản và bình yên như đang được mẹ vỗ về an ủi, chở che…

khdt_ftas

                            Tượng Tổ mẫu Âu Cơ

  Lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam chúng ta không chỉ chống trọi với thiên tai mà phải chống giặc ngoại xâm để bảo vệ cuộc sống và lãnh thổ. Muốn chiến thắng được thiên tai và kẻ thù hung bạo, người Việt Nam luôn biết đoàn kết cộng đồng, luôn có niềm tin vào quá khứ vào Tổ tiên mình, tin vào sức mạnh đoàn kết của dân tộc, để vượt qua mọi thử thách. Từ ngàn đời nay, câu chuyện cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ với "Bọc trăm trứng" (cùng bọc mẹ - nghĩa đồng bào), một huyền thoại mở đất, mở nước từ thời đại các Vua Hùng, trải qua bao tháng năm và thăng trầm của lịch sử vẫn mãi tồn tại trong tâm thức mỗi con dân đất Việt. Nghĩa “đồng bào” luôn là sức mạnh nội lực có sức lan tỏa mãnh liệt để cố kết mối đại đoàn kết toàn dân tộc chúng ta từ quá khứ tới hiện tại và tương lai.

khdt_ftas

Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ

Hàng năm dòng người hành hương về cội nguồn ngày càng đông, đến Đền Hùng hôm nay, du khách không chỉ thắp hương tri ân công đức các Vua Hùng mà sẽ có thêm những điểm du lịch tâm linh mới, đến thăm viếng đền Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và đền thờ Tổ mẫu Âu Cơ - một sự quy tụ các giá trị văn hoá tâm linh đầy ý nghĩa thể hiện tâm thức và đạo hiếu của con dân đất Việt - đưa cha mẹ về phụng thờ nơi đất thiêng, đất phát tích cội nguồn của dân tộc. Để cha Rồng, mẹ Tiên mãi mãi là huyền thoại linh thiêng, bất diệt; để tình mẹ trải dài khắp non sông, nghĩa cha luôn thấm cùng trời đất.

Hoàng Oanh – Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam