Bàn về cam kết của ông Nguyễn Đức Chung ở Đồng Tâm

Thời sự | 07:28:51 24/04/2017

1. Ngày này đúng 5 năm trước, trong vụ cưỡng chế đất đai ở Văn Giang, tôi và phóng viên Phi Long bị hành hung, đưa về trụ sở lấy lời khai. Cùng bị bắt với chúng tôi còn có 11 nông dân khác. Họ dự đoán rằng, giống như những lần trước, họ sẽ bị xử về tội “Chống người thi hành công vụ” hoặc “Gây rối trật tự công cộng” - hai tội danh rất dễ áp dụng trong cưỡng chế đất đai, đặc biệt với nông dân mất đất, bức xúc do giá đền bù rẻ mạt.

Sau những ồn ào về xử lý hành hung hai nhà báo, Hưng Yên đã không “xử tù” 11 người bị bắt cùng chúng tôi hôm đó.

ong_chung_o_dong_tam_vov6_j_gjkr
Ông Nguyễn Đức Chung cam kết không xử lý hình sự người dân Đồng Tâm

Đầu năm ngoái, hàng ngàn ngư dân Sầm Sơn tụ tập biểu tình 10 ngày trước cổng trụ sở Ủy ban tỉnh Thanh Hóa. Một quyết định khởi tố vụ án được ban hành. Nhưng, sau khi đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy thành công, ngư dân yên tâm trở về, không thấy người nào tham gia biểu tình bị bắt, bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng. Người dân khi trả lời báo chí cũng mong muốn điều đó, cho dù họ thừa nhận sai phạm, nhưng vì cuộc sống, vì sự bức bối mà cùng nhau đòi quyền lợi.

Vụ việc Đồng Tâm, ông Nguyễn Đức Chung đã cam kết bằng văn bản không khởi tố người dân ở đây khi họ bắt và giam giữ trái phép 38 cán bộ, chiến sĩ - Một quyết định vô cùng dũng cảm và khó khăn của người đã từng làm Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra, Giám đốc công an thành phố. Tất nhiên, ông Chung không thể quyết một mình.

Đây là lần thứ ba tôi được chứng kiến cách hành xử không quá căng thẳng của chính quyền với người dân sau xung đột.

2. Tuy nhiên đã có không ít ý kiến đặt vấn đề về tính pháp lý trong “Cam kết” của Chủ tịch Hà Nội.

Theo tôi trong trường hợp này (và hai trường hợp nên trên) thì thực tiễn cuộc sống mới là căn cứ quan trọng và là điều đáng quan tâm hơn cả. Bởi, pháp luật của ta có hai chức năng cơ bản là giáo dục và trừng trị. Với ai thì giáo dục và với ai thì nên trừng trị? Có lẽ không cần bàn. Còn mục tiêu của người cầm quyền khi sử dụng pháp luật là tạo sự cân bằng, yên ổn trong xã hội và tạo được sự đồng thuận của nhiều người.

Chính quyền khi quyết như vậy trong 3 vụ việc trên đã trả lời được một loạt câu hỏi “Vì sao những người nông dân kia lại vi phạm pháp luật? Mục đích của họ là gì? Có cần phải trừng trị họ hay không? Trừng trị họ thì được nhiều hơn - hay mất nhiều hơn?”...

Pháp luật bao giờ cũng đi sau cuộc sống. Pháp luật do con người sinh ra và cũng do con người áp dụng, sửa đổi hay hủy bỏ. Người khôn ngoan sẽ áp dụng nó một cách hợp lý nhất.

3. Nhiều ý kiến đặt vấn đề sẽ “tạo tiền lệ xấu” nếu không xử hình sự vụ Đồng Tâm.

Tôi lại không nghĩ như vậy! Điểm nóng sẽ tiếp tục xuất hiện; Vi phạm pháp luật tương tự sẽ tiếp tục xảy ra nếu ở đâu đó mất dân chủ, mất công bằng và lợi ích của người dân tiếp tục bị xâm phạm một cách vô lối mà không được chính quyền giải quyết thỏa đáng.

Lịch sử đã chứng minh, pháp luật của chế độ phong kiến vô cùng hà khắc, tàn bạo, lấy trừng trị làm mục đích, nhưng các cuộc nổi dậy của nông dân vẫn xảy ra ngày càng nhiều. Hình phạt khắc nghiệt và vô tình thì sự phản kháng sẽ mạnh mẽ và khó lường hơn.

Theo vov.vn

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam