Sau vụ Monsanto: Đấu tranh vì nạn nhân chất độc da cam vẫn tiếp diễn

Thời sự | 08:33:35 25/04/2017

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết, Hội Nạn nhân chất độc (màu) da cam Việt Nam sẽ đấu tranh đến cùng đòi lại công bằng cho các nạn nhân.

Mới đây, Tòa án quốc tế Monsanto tại La Hay, Hà Lan đã chính thức công bố những tội ác của Công ty hóa chất Monsanto, trong đó có tội huỷ hoại môi trường và tội gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của nhân dân Việt Nam. Về vấn đề này, trong trao đổi với VOV.VN, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam khẳng định, Việt Nam quyết đấu tranh đến cùng để đòi lại công lý, quyền lợi cho những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của sự kiện Toà án quốc tế tại La Hay đã đưa ra Tuyên cáo tham vấn về tội ác Công ty hóa chất Monsanto phạm phải trong cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Ngày 18/4/2017, bà  thẩm phán Françoise Tulkens, Chánh án Tòa án Monsanto đã thay mặt các thẩm phán của Toà tuyên bố Tuyên cáo tham vấn về tội của Monsanto - 1 trong 2 công ty hóa chất cung cấp nhiều chất độc hóa học nhất cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam (cùng Dow Chemical).

vov_thong_tuong_nguyen_van_rinh_kdcn
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cho biết Hội sẽ tiếp tục đấu tranh đến cùng vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Tòa án Monsanto thực chất là một tòa án công luận triệu tập theo sáng kiến của các tổ chức xã hội dân sự. Tại phiên toà, 3 tội danh được nêu lên khi xét xử Công ty Monsanto là “vi phạm nhân quyền”, “chống nhân loại” và “hủy diệt sinh thái”.

Dù không có giá trị về mặt pháp lý, nhưng điều đó có một ý nghĩa hết sức to lớn. Trong tình hình thực tế hiện nay, khi Toà án Monsanto công bố tuyên cáo này, đương nhiên Chính quyền Mỹ và Công ty hóa chất Monsanto sẽ phải chịu sức ép rất lớn từ dư luận xã hội. Từ trước đến nay, các công ty hóa chất Mỹ chưa từng công nhận những lỗi lầm mà mình gây ra.

Toà án Monsanto đã huy động một lượng lớn các thẩm phán có tên tuổi do đó sức ảnh hưởng càng rộng khắp hơn nữa.

Ngoài ra, việc Toà vạch trần tội ác của công ty Monsanto  cũng sẽ cung cấp thêm thông tin cho các cơ quan Liên Hợp Quốc tiếp tục xem xét. Từ đó củng cố niềm tin cho cuộc đấu tranh của nạn nhân chất độc da cam, vận động nhân dân Mỹ trong cuộc đấu tranh này, ủng hộ niềm tin cho cuộc đấu tranh có lẽ sẽ còn rất dài hơi này.

PV: Nhân sự kiện lần này, phía Việt Nam sẽ có những động thái tiếp theo như thế nào để đòi lại quyền lợi cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam tại Việt Nam, thưa ông?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Thực tế từ năm 2004 đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam vẫn luôn đấu tranh đòi bồi thường cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam.

Vào năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cũng đã đệ đơn kiện Monsanto cùng các công ty hóa chất khác của Mỹ, nhưng đơn kiện này đã bị 3 cấp tòa án Mỹ bác bỏ. Luận điểm chính mà họ đưa ra là chất độc da cam, mặc dù có chất dioxin, nhưng là chất khai quang, không phải chất độc.

Thực tế, trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ đã rải xuống Việt Nam hơn 70 triệu lít chất độc da cam trên khoảng 2,6 triệu ha ở Miền Nam Việt Nam. Các nhà khoa học Nga nói rằng, trong số thuốc diệt cỏ mà Mỹ rải xuống có hàng tấn dioxin, nhưng các nhà khoa học Mỹ lại chỉ ra rằng chỉ có 366kg dioxin.

Dù vậy, đây vẫn là chất độc cực mạnh. Chỉ cần 80gram dioxin đưa vào nước là đã đủ để tiêu diệt dân số một thành phố khoảng 8-9 triệu dân. Tuy nhiên, họ không thừa nhận việc đó. Vì nếu thừa nhận, họ sẽ trở thành tội phạm chiến tranh và điều đó đồng nghĩa với việc thừa nhận đã vi phạm các điều luật về chiến tranh, vốn đòi hỏi phải phân biệt rõ giữa mục tiêu quân sự và tránh các mục tiêu dân sự được ghi nhận trong Công ước Geneva năm 1949, cũng như trong các quy định của Tòa án Hình sự Quốc tế.

Mặc dù phủ nhận tính độc hại của loại thuốc diệt cỏ rải xuống Việt Nam, nhưng tại Mỹ, công ty hóa chất này đã bị buộc tội và phải chấp nhận một khoản bồi thường cho các cựu chiến binh Mỹ. Một vụ kiện khác của cựu chiến binh Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam cũng đã đưa ra, không phải xem xét các điều khoản liên quan đến chiến tranh mà là trên cơ sở xem xét trách nhiệm đối với sản phẩm. Tháng 7/2013, Tòa án Tối cao của Hàn Quốc tuyên bố công ty Monsanto và Dow Chemical phải bồi thường cho 39 cựu chiến binh này.

Trong các vụ kiện trên, dù Monsanto không bị quy tội ác chiến tranh, nhưng rõ ràng hậu quả đối với sức khỏe của các cựu chiến binh Mỹ, New Zealand, Úc đã được minh chứng là do họ tiếp xúc với chất độc da cam. Những phát hiện đó cũng đã gián tiếp khẳng định những tổn thương gây ra cho nhân dân Việt Nam là do loại chất độc này.

Về bước đi của ta, ta có thể chấp nhận những hình thức khác nhau, nhưng không bao giờ bỏ cuộc, không chấp nhận chính phủ  Mỹ và các công ty của Mỹ không đền bù cho những gì họ đã gây ra tại Việt Nam.

Hội cũng đã có những bước đi cụ thể trong việc này. Chúng ta vẫn sẽ tiếp tục tiến hành vụ kiện, đấu tranh ngoài tòa, vận động quốc hội Mỹ thực hiện vấn đề này, tiếp nữa là tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng thế giới.

PV: Chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm. Những nhân chứng của lịch sử ngày càng ít đi. Đây có phải là một trong những khó khăn đối với cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam không thưa ông?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Phải khẳng định rằng cuộc đấu tranh đòi lại công bằng cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam là hành trình đầy gian khổ, lâu dài.

Đến nay, những người trực tiếp chỉ huy rải chất độc da cam xuống Việt Nam cũng không còn. Các công ty hóa chất thì né tránh trách nhiệm, đổi lỗi cho Chính phủ Mỹ đã mua và rải chất độc hóa học. Qua nhiều năm, đến nay các công ty này đã được mua đi bán lại… chỉ còn 1 vài công ty lớn như Monsanto.

Mặc dù đến nay, Mỹ đã cam kết tẩy độc ở một số căn cứ quân sự trước đây như sân bay Đà Nẵng, hỗ trợ nhân đạo cho người khuyết tật Việt Nam, trong đó có cả nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Song những hỗ trợ và việc tẩy độc này vẫn chưa thấm tháp gì so với hậu quả, nỗi đau mà chất độc dioxin gây ra cho Việt Nam.

Trong những năm vừa qua, một số nghị sĩ Mỹ đã trình lên Quốc hội Mỹ 4 dự luật hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Tuy nhiên đến nay chưa dự thảo luật nào được thông qua.

Dù lâu dài đến mấy, chúng tôi vẫn sẽ đấu tranh đến cùng để đòi lại công bằng cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo vov.vn

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam