Bàn về văn hóa pháp luật của thanh niên Việt Nam hiện nay

Giới trẻ, Nhịp sống trẻ | 10:22:15 26/05/2017

TNV - Văn hóa pháp luật là một bộ phận của văn hóa, phản ánh tổng thể những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lĩnh vực pháp luật, được biểu hiện ở tính chân, thiện, mỹ của hệ thống pháp luật và các thiết chế pháp luật, trong ý thức, hành vi và lối sống theo pháp luật của mỗi thành viên trong cộng đồng.

PL Ảnh minh họa

Thanh niên Việt Nam là lớp người đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện về nhiều mặt. Tâm sinh lý của thanh niên có những nét đặc thù so với những đối tượng khác. Đây là lứa tuổi trẻ trung và sôi nổi, ham học hỏi, ôm ấp nhiều khát vọng và hoài bão, sẵn sàng cống hiến tất cả sức lực và nhiệt huyết. Họ đang có mặt khắp nơi và đóng vai trò xung kích trong mọi hoạt động của xã hội. Thanh niên nước ta hiện nay cơ bản được sống, học tập và rèn luyện trong môi trường tốt, được trang bị tri thức đã có sự hiểu biết nhất định về pháp luật, có tình cảm và hình thành niềm tin vào pháp luật của Việt Nam. Nhiều người đã thành danh trên các lĩnh vực và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, hiện nay trước những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường thì thanh niên luôn là lực lượng phải chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Có thể thấy thời gian qua các phương tiện thông tin, báo chí, truyền hình, Internet đã phản ánh nhiều về thực trạng thanh niên Việt Nam rất hạn chế về văn hóa pháp luật. Biểu hiện cụ thể là lối sống lệch lạc, thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật; có lối sống thực dụng, ăn chơi đua đòi, ma túy, cờ bạc, mại dâm, cá độ, đua xe, trộm cắp, game online… ngày càng gia tăng đã dẫn họ vào con đường phạm tội. Thực trạng đó đã đặt ra cho các chủ thể cần phải tăng cường giáo dục văn hóa pháp luật cho thanh niên ở nước ta hiện nay với những giải pháp cụ thể: Phát huy vai trò của gia đình trong giáo dục văn hóa pháp luật của Thanh niên Việt Nam hiện nay Trong mỗi gia đình, cha mẹ là “nhà giáo” đầu tiên khởi nguồn cho việc hình thành và phát triển ở con em những nét nhân cách phù hợp với yêu cầu của xã hội. Vì vậy, họ phải là những tấm gương mẫu mực trong cuộc sống hàng ngày để con em noi theo. Cả cha và mẹ đều phải luôn cập nhật kiến thức về pháp luật, đồng thời, họ phải thấy rõ trách nhiệm của mình để có sự phối hợp với nhà trường, xã hội  quản lý, giáo dục con em một cách thống nhất. Gia đình thường xuyên giáo dục, yêu cầu các thành viên trong gia đình thực hiện lối sống tuân theo pháp luật. Lối sống của gia đình quan hệ chặt chẽ với lối sống của thành viên trong gia đình. Vì vậy, nếu gia đình có lối sống tốt, có bầu không khí hòa thuận thì sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới lối sống các thành viên. Để đẩy mạnh rèn lyện văn hóa pháp luật trong gia đình, có thể vận dụng các hình thức như: phân tích cho con em những quy định của pháp luật, giá trị của những nét văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc; xây dựng những quy định, yêu cầu riêng cho lối sống gia đình để yêu cầu con em phải có trách nhiệm thực hiện, khi đó thanh niên sẽ có khả năng vượt qua được những ảnh hưởng xấu từ bên ngoài. Phát huy vai trò của các tổ chức, nhất là tổ chức đoàn và nhà trường trong rèn luyện văn hóa pháp luật của thanh niên Đối với các nhà trường và tổ chức đoàn các cấp, cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chương trình, nội dung giáo dục pháp luật cho thanh niên ở tất cả các cấp học; cung cấp kịp thời tri thức về pháp luật giúp cho thanh niên có nhận thức đúng đắn để hình thành thái độ, niềm tin pháp luật, trên cơ sở đó có ý chí quyết tâm chuyển biến từ nhận thức thành hành động có văn hóa pháp luật. Để giáo dục tốt thì cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp, rèn luyện văn hóa pháp luật cho thanh niên; kết hợp lồng ghép linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp mới trong giáo dục pháp luật, rèn luyện kỷ luật; tổ chức tốt các hoạt động thực tiễn chấp hành pháp luật Nhà nước cho thanh niên. Đối với các tổ chức xã hội khác, tùy theo nhiệm vụ, chức năng cần thực hiện mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa pháp luật lành mạnh trong toàn xã hội; kịp thời phát hiện và dự báo xu hướng biến động về văn hóa pháp luật trong thanh niên để có những giải pháp thích hợp. Các tổ chức thường xuyên thông qua các phương tiện thông tin đại chúng truyền tải sâu rộng trong xã hội, nhất là lực lượng thanh niên những hành vi phản văn hóa pháp luật và hậu quả của lối sống không theo văn hóa pháp luật gây ra; kịp thời nhân điển hình tiên tiến các cá nhân, tổ chức tích cực, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội. Phát huy vai trò của Thanh niên trong tự giáo dục, tự rèn luyện văn hóa pháp luật đáp ứng yêu cầu của xã hội Tự giáo dục, rèn luyện văn hóa pháp luật của thanh niên là quá trình thanh niên tự tổ chức các hoạt động của mình phù hợp với nội dung, yêu cầu của pháp luật Nhà nước, hình thành ý thức, thói quen, hành vi chấp hành pháp luật trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Bản chất của quá trình này là thanh niên huy động cao nhất những tri thức, phẩm chất, năng lực, kĩ năng, kĩ xảo của bản thân để tự tích luỹ kinh nghiệm, tự mình vượt qua những khó khăn; xây dựng động cơ, thái độ trách nhiệm, tinh thần tự giáo dục, rèn luyện.. Qua đó, họ tự xác định cho mình nội dung, hình thức, phương pháp tiếp thu, lĩnh hội hệ thống tri thức, nguyên tắc chuẩn mực cần thiết, lựa chọn hình thức, biện pháp phù hợp nhằm phát triển văn hóa pháp luật của bản thân, điều chỉnh hành vi làm cho nhân cách của họ ngày càng phát triển hoàn thiện. Bên cạnh đó, cần xây dựng tinh thần ham hiểu biết pháp luật cho thanh niên. Tuy nhiên, tri thức pháp luật có tính đặc thù là hệ thống các văn bản có các điều khoản mang tính khô khan, cứng nhắc nên dễ gây nhàm chán cho thanh niên khi tiếp cận. Cùng với việc tiếp thu những kiến thức cơ bản về pháp luật được trang bị khi ngồi trên ghế nhà trường thì gia đình, tổ chức xã hội cần duy trì các hình thức giáo dục để mỗi thanh niên tìm hiểu thêm các kiến thức đó trên các phương tiện thông tin, sách báo, tạp chí và trong thực tiễn. Cùng với quá trình đó, cần chú trọng rèn luyện thói quen, lối sống và hành động theo hiến pháp và pháp luật cho thanh niên để phát huy nỗ lực chủ quan của họ trong tự giáo dục, rèn luyện, phát triển văn hóa pháp luật được cụ thể hóa bằng các công việc hàng ngày như không mắc các tệ nạn xã hội, tuân thủ luật giao thông... Việc rèn luyện thói quen, lối sống và hành động theo hiến pháp, pháp luật cho thanh niên phải tuân theo quy luật từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ nhận thức đến hành động, nâng cao dần yêu cầu rèn luyện theo từng tuổi.

Đại úy Nguyễn Văn Bách

                                    (Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng)

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam