Văn Chấn: Những tín hiệu vui khi đưa cán bộ huyện về cơ sở

Thời sự | 13:42:00 16/06/2017

TNV - Thời gian về cơ sở chưa dài, nhưng những chuyển biến tích cực mà các cán bộ huyện mang về cơ sở, có khi lại là mục tiêu của nhiều nhiệm kỳ trước chưa làm được; nhưng hơn tất cả, cách họ nghĩ, việc họ làm đã thắp lên niềm tin cho bà con nhân dân địa phương về một lớp cán bộ trẻ có năng lực và thực sự biết lo cho dân, chứ không phải là lớp cán bộ đi “tráng men” cho đủ “tiêu chuẩn” để rồi chờ đề bạt như mọi người vẫn thường nghĩ.

 

Bà con bản Noong Phai (xã Phúc Sơn) hội họp ở nhà văn hóa thôn mới được xây cất. Ảnh: Phạm Quỳnh

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25/01/2002 của Bộ chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, Huyện ủy Văn Chấn (Yên Bái) đã xây dựng Phương án luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2013 - 2020 và Kế hoạch thực hiện Đề án số 08-ĐA/TU về đào tạo cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực.

Hiện nay, số cán bộ luân chuyển từ huyện về xã ở Văn Chấn là 06 đồng chí; trong đó có 04 đồng chí giữ chức vụ Bí thư đảng ủy xã, thị trấn; 02 đồng chí giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã, thị trấn.

Các cán bộ được luân chuyển đến đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo để cải tiến lề lối làm việc, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội của địa phương.

Hầu hết cán bộ được luân chuyển đều là cán bộ trẻ, tiếp cận nhanh với điều kiện, môi trường làm việc, giải quyết được nhiều vấn đề cấp thiết đang đặt ra ở địa phương, tạo ra những xung lực mới làm thay đổi diện mạo địa phương theo hướng khởi sắc đi lên.

Đoàn kết nội bộ, trẻ hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt

Sau khi xử lý kỷ luật, cho nghỉ công tác đối với 03 cán bộ chủ chốt của xã Phúc Sơn là bí thư, chủ tịch và phó chủ tịch UBND xã vào năm 2010, cho đến nay, Huyện ủy Văn Chấn đã điều động 03 cán bộ về xã Phúc Sơn làm bí thư đảng ủy (trong đó có 02 cán bộ huyện và 01 cán bộ từ xã Phù Nham). Đặc biệt, trong thời gian ông Hà Biên Cương, sinh năm 1972 (Uỷ viên Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy) được luân chuyển về xã làm Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sơn từ tháng 3/2015 đến nay thì những lỗ hổng về công tác cán bộ tồn tại nhiều năm qua đã được giải quyết căn cơ; 9 cán bộ trẻ có trình độ năng lực là con em đồng bào các dân tộc trong xã được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để lấp khoảng trống về công tác cán bộ, tiêu biểu như: Phó Chủ tịch Hội Nông dân Đồng Văn Lưu (SN 982), Chỉ huy trưởng Quân sự Lường Văn Hùng (SN 1987) đang theo học Đại học Nông – Lâm, Phó Bí thư Đoàn xã Đinh Thị Thảo (SN 1994) đang học Đại học Luật.

 

Hộ gia đình ông Lò Văn Hòa thôn Bản Muông (xã Phúc Sơn) với 07 con trâu, 04 con bò, 20 con lợn và 04 con dê...

Đích thân Bí thư Cương đã thuyết phục thành công 02 cán bộ người địa phương công tác đã lâu năm nhưng sức khỏe yếu, năng lực chuyên môn nhiều hạn chế, tự nguyện xin nghỉ công tác về phát triển kinh tế gia đình, nhường vị trí cán bộ địa chính – kinh tế và phó chỉ huy quân sự ở xã cho 02 cán bộ trẻ (28 tuổi và 23 tuổi); Vận động 01 đồng chí nguyên là phó chủ tịch UBND xã tuổi đã cứng rút lui trước thềm bầu cử về đảm nhiệm vị trí địa chính – kinh tế thay thế đồng chí cán bộ trẻ mới được rút về huyện, đảm bảo số lượng phó chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 2016 – 2021 là 01 người theo quy định.

Từ đây, khối đoàn kết thống nhất trong tập thể đảng bộ xã được ổn định, nhiều quyết sách trong xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, triển khai có kết quả rõ rệt. Xã Phúc Sơn đã khéo léo huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội hóa cùng với đầu tư của nhà nước vào xây dựng 8,8km đường bê tông, 3km đường cấp phối và 06 nhà văn hóa; trong đó nhân dân đóng góp kinh phí và vật liệu trị giá 240 triệu đồng, hơn 400 ngày công, hiến 3.170 m2 đất. Đặc biệt, con đường qua bản Noong Phai đi thủy điện Pá Hu dài gần 01 km và con đường bản Ngoa dài chỉ hơn 100m nhưng cực kỳ nguy hiểm khó đi, nay đã được mở rộng, nâng cấp; tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, giúp giao thương đi lại cho bà con về thị xã Nghĩa Lộ và huyện Trạm Tấu trở nên an toàn, tiện lợi, đáp ứng lòng mong mỏi của bà con trong xã.

 

…cùng hơn chục tấn thóc xếp đầy gầm sàn, kinh tế gia đình luôn sung túc nhờ phát triển chăn nuôi. Ảnh: Phạm Cường

Bước đầu, xã Phúc Sơn đã thành công trong việc vận động, hướng dẫn bà con mở rộng diện tích cây vụ đông, trồng tỏi ở bản Lụ 2 lên hơn 2.000 m2, nuôi cá ruộng ở 04 bản với diện tích 5.000 m2, đầu tư trồng cỏ phát triển chăn nuôi trâu bò và khôi phục 1,2 ha giống rau bản địa mác - co - dom ở 05 hộ gia đình vừa cho giá trị kinh tế cao, vừa phát huy được lợi thế của địa phương; đưa Phúc Sơn trở thành điểm sáng của huyện trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông hộ.

Cải tạo vườn tạp, xây dựng cánh đồng lúa một giống giá trị kinh tế cao

Được bầu làm Phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn năm 2014 khi 41 tuổi, đến tháng 7/2016, ông Đặng Duy Hiển được tổ chức điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Phù Nham. Xác định đây là cơ hội tốt để tôi luyện với thực tiễn, nên ông Hiển thường chủ động lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm từ bà con nhân dân, từ các cán bộ địa phương. Nhờ vậy, ông nhanh chóng nắm bắt được tình hình hoạt động của các chi bộ, năng lực công tác của các cấp ủy, từ đó đưa ra các quyết định phân công hợp lý.

Nhận thấy đời sống của bà con đồng bào Thái thôn Bản Nong còn nhiều khó khăn, vườn tược đất đai rộng rãi, ông Hiển cùng với tập thể đảng ủy xã đã khẩn trương ban hành nghị quyết cải tạo vườn tạp, đưa giống bưởi da xanh, hồng, ổi có giá trị kinh tế cao vào trồng trên diện tích 05 ha từ tháng 3/2017 cho 48 hộ bà con dân tộc thiểu số.

 

Bà Lò Thị Sư (thôn Bản Nong, xã Phù Nham) phấn khởi chăm sóc những cây bưởi da xanh. Ảnh: Phạm Cường

Trước đó, vụ đông năm 2016, ông Hiển đã mạnh dạn đưa vào trồng thí điểm 20ha giống ngô mới trên đất ruộng hai lúa, cho năng suất 6 tấn/ha (tăng 02 tấn/ha so với trồng giống ngô thường). Vụ đông năm nay, ông Hiển có kế hoạch mở rộng diện tích lên 100ha, đồng thời liên kết với doanh nghiệp chế biến tinh bột ngô, tạo đà cho việc mở rộng diện tích giống ngô mới trên cánh đồng Mường Lò của bà con nhân dân trong xã và các xã lận cận.

Ngoài ra, nhờ sự quyết liệt của ông mà mô hình cánh đồng lúa một giống séng cù, có diện tích 40 ha vừa cho thu hoạch vụ đầu tiên với năng suất bình quân đạt 5,7 tấn/ha và giá bán 11.500đ/kg đã cho hiệu quả cao gấp hơn 1,6 lần so với giống lúa thường, mang lại niềm phấn khởi và tin tưởng cho đông đảo bà con trong xã.

Hiện nay, xã Phù Nham có 15 hộ sinh sống đơn lẻ giữa cánh đồng; điều này không chỉ làm mất mỹ quan, gây cản trở cho việc hình thành cánh đồng mẫu lớn và phòng trừ sâu bệnh, mà còn tác động bất lợi đến đời sống sinh hoạt của các hộ đơn lẻ. Do vậy, Đề án “Thực hiện thí điểm sắp xếp hộ dân cư sống đơn lẻ trên cánh đồng Mường Lò của xã Phù Nham” đã được BTV Đảng ủy xã xây dựng, thông qua và được các hộ sống đơn lẻ đồng thuận; dự kiến sẽ trình Đề án lên huyện vào đầu tháng 7/2017. Ông Đặng Duy Hiển cho biết.

 

Ông Hiển đã mạnh dạn đưa vào trồng thí điểm 20ha giống ngô mới trên đất ruộng hai lúa,
cho năng suất 6 tấn/ha (tăng 02 tấn/ha so với trồng giống ngô thường). Ảnh: Gia Khánh

Theo ông Phùng Văn Đồng (Chủ tịch UBND xã Phù Nham), anh Hiển có phong cách làm việc cởi mở, sâu sát với cơ sở, do vậy đã tạo được niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm cho xã có nhiều đổi thay rõ rệt so với trước.

Phát triển vùng rau màu hàng hóa an toàn

Về thị trấn Liên Sơn nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy tháng 7/2017, ông Cao Trường Giang (Trưởng phòng Tài nguyên & môi trường) bắt tay ngay vào việc củng cố khối đoàn kết – đây là một trong những khâu yếu ở thị trấn Liên Sơn. Nhờ tâm huyết và sức qui tụ của Bí thư Giang, dần dà tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã ổn định. Do vậy, trong quý 1 vừa qua đại hội cựu chiến binh và đoàn thanh niên xã đã thành công như dự kiến.

Khi tổ chức đã ổn định, niềm tin được nhen lên, Đảng bộ xã tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho nhân dân. Năm 2017, Đảng bộ thị trấn Liên Sơn xác định 19 mục tiêu, đáng chú ý như mục tiêu thu vượt 10 – 15% chỉ tiêu được giao bằng việc khoán thu cho các bộ phận, do vậy mà số thu 5 tháng đầu năm đã đạt 60% mục tiêu cả năm. Cán bộ khuyến nông, địa chính, khu phố xuống tận địa bàn, bám dân, khuyến khích bà con chăm sóc cây chè để đạt mục tiêu thu vượt năm 2016 khoảng 200 tấn chè búp tươi; tuyên truyền, vận động bà con giữ đàn, tận dụng phụ phẩm để khôi phục các mô hình chăn nuôi.

 

Ông Cao Trường Giang (bên phải – Bí thư thị trấn Liên Sơn) giới thiệuvới tác giả
khu vực chuyển đổi sang trồng rau màu hàng hóa. Ảnh: Phạm Cường

Với cách làm việc xuống tới từng chân ruộng, đến tới tận hộ dân, Bí thư Đảng ủy Cao Trường Giang cùng tập thể đã rà soát chuyển đổi 20ha đất lúa kém hiệu quả ở khu bản Hẻo sang trồng cây rau màu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gia tăng ở Thị xã Nghĩa Lộ và cải thiện thu nhập cho hàng trăm hộ nông dân.

Chấn chỉnh lề lối làm việc, giải quyết những vấn đề dân sinh cấp thiết

An Lương là xã đặc biệt khó khăn, địa bàn bị chia cắt bởi các suối lớn, nhỏ; số hộ nghèo là 349 hộ chiếm 46,4%; số hộ gia đình chính sách, người khuyết tật, trẻ mồ côi là 46 trường hợp. Trục đường từ huyện đến xã là đường cấp phối và đường đất dài 18 km; đường từ xã đi các thôn bản đều là đường đất, độ dốc lớn, mặt đường nhỏ từ 1 đến 3m. Rất khó khăn cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân, đặc biệt vào mùa mưa.

Phong cách, lề lối làm việc của cán bộ công chức còn mang nặng tư tưởng “lệ làng, bố bản”, thời gian làm việc tùy hứng, ý thức trách nhiệm trong công việc chưa cao, việc phân công nhiệm vụ chưa rõ ràng; các công việc xử lý chủ yếu mang tính chất vụ việc, chưa có kế hoạch.

Trên cương vị Chánh văn phòng Huyện ủy, tháng 7/2016, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh (SN 1981) được phân công nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy xã An Lương. Xã An Lương cách nhà 25 km, nhưng do đường xá đi lại khó khăn và tinh thần mẫn cán công việc, nên căn phòng làm việc 18 mđược Nguyễn Tuấn Anh dùng luôn là phòng nghỉ; bữa sáng thì tự úp mỳ tôm, bữa trưa và tối thì góp gạo nhờ gia đình Bí thư Đoàn xã Hà Đình Thư nấu giúp.

 Nhờ ăn ở luôn tại xã, gần gũi với bà con, sâu sát với thực tiễn cơ sở, nên mới gần 01 năm công tác ở xã, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Tuấn Anh cùng với Ban chấp hành, Ban thường vụ xã đã bàn bạc đưa ra nhiều giải pháp, khắc phục được đáng kể khuyết điểm hạn chế.

 

Đông đảo bà con trong xã An Lương hồ hởi hiến đất, hiến cát sỏi, vật liệu và ngày
công đổ đường cấp phối. Ảnh: T. A

Phong cách lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên được chấn chỉnh tốt hơn, như: làm việc đúng giờ; hạn chế uống rượu buổi sáng, trưa và trong giờ làm việc; đảm bảo quy định về trang phục công sở; triển khai công việc theo kế hoạch…Các công việc đều phải họp, bàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; xây dựng kế hoạch làm việc từng cá nhân theo tháng, quý để kiểm điểm, quy trách nhiệm cá nhân trong thực thi nhiệm vụ. Từ đó, công việc được triển khai theo kế hoạch, có lộ trình hoạt động (hạn chế được tình trạng xử lý công việc theo cảm tính, thiếu trách nhiệm).

Đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ đảm bảo cơ cấu ba độ tuổi, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ; cử 02 đồng chí đi học đại học chuyên ngành tư pháp và văn hóa – xã hội, tạo thuận lợi để 03 đồng chí (Chủ tịch UBND, Phó Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Hội nông dân xã) hoàn thành phổ cập trung học phổ thông, nâng cao năng lực công tác.

Hàng tháng, Thường trực Đảng ủy làm việc với ít nhất 02 chi bộ để hướng dẫn chi bộ xác định nhiệm vụ trọng tâm, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh cho chi bộ. Đặc biệt, các nghị quyết chuyên đề về đầu tư đường cấp phối liên thôn bản, bể chứa nước sạch cho nhân dân, chuyển đổi cây trồng thay lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao…; đã dần hình thành ý thức tự vận động để phát triển kinh tế trong nhân dân, khắc phục tình trạng trông chờ ỷ lại, cũng như nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Nhờ đó, đông đảo bà con trong xã đã phấn khởi hiến đất, hiến cát sỏi, vật liệu và ngày công đổ cấp phối 02 con đường ở khu vực trung tâm xã và thôn Sài Lương 4 có chiều dài 02 km; trong tháng 6 này, triển khai xây dựng 500m đường bê tông ở thôn Tặng Chan, đổ cấp phối 02 km đường và xây dựng 02 bể chứa 16 m3 nước phục vụ sinh hoạt cho bà con thôn Mẳm 2; dự kiến đến cuối năm sẽ hoàn thành việc xây dựng bể chứa nước ở 12/12 thôn, góp phần tiết kiệm tài nguyên nước, đảm bảo ổn định nguồn nước sinh hoạt cho bà con.

 

Cánh đồng lúa một giống séng cù (xã Phù Nham), diện tích 40 ha, thu hoạch vụ đầu tiên
bình quân đạt 5,7 tấn/ha và giá bán 11.500đ/kg, cho hiệu quả cao gấp hơn 1,6 lần so
với giống lúa thường, mang lại niềm phấn khởi cho đông đảo bà con trong xã. Ảnh: Gia Khánh

***

Thời gian về cơ sở chưa dài, nhưng những chuyển biến tích cực mà các cán bộ huyện mang về cơ sở, có khi lại là mục tiêu của nhiều nhiệm kỳ trước chưa làm được; nhưng hơn tất cả, cách họ nghĩ, việc họ làm đã thắp lên niềm tin cho bà con nhân dân địa phương về một lớp cán bộ trẻ có năng lực và thực sự biết lo cho nhân dân, chứ không phải là lớp cán bộ đi “tráng men” cho đủ “tiêu chuẩn” để rồi chờ đề bạt như mọi người dân vẫn thường nghĩ.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam