Xây dựng niềm tin cho con người vào các phong trào thi đua yêu nước ở nước ta hiện nay

Thời sự | 14:57:10 27/06/2017

TNV - Niềm tin là một thành tố quan trọng trong phẩm chất chính trị của mỗi người, giữ vai trò định hướng suy nghĩ, hành động, góp phần hoàn thiện nhân cách, củng cố bản lĩnh chính trị, bảo đảm cho con người sẵn sàng đối mặt và vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên trì với mục tiêu, lý tưởng cộng sản.

Không có niềm tin, thì con người không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình, nhất là trong những tình huống đòi hỏi phải có nhiều hy sinh, gian khổ, như V.I.Lênin viết: “Thiếu niềm tin thì con người sẽ không làm được việc gì” 1, và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Có tin tưởng thì lúc thực hành mới vững chắc, hăng hái, lúc gặp khó khăn mới kiên quyết hy sinh”2. Nhất là, đối với các phong trào thi đua yêu nước ở nước ta, thì việc xây dựng niềm tin cho con người vào những phong trào ấy lại càng quan trọng hơn bao giờ hết, bởi đó là cơ sở, động lực tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, củng cố lòng quyết tâm, sự vững tin vào sự thành công, thắng lợi của các phong trào thi đua yêu nước do cơ quan, đơn vị, địa phương mình tổ chức phát động.

Xây dựng niềm tin cho con người vào các phong trào thi đua yêu nước về thực chất là xây dựng ý chí, niềm tin, củng cố động cơ cho con người vào những phong trào thi đua yêu nước. Quá trình đó là sự không ngừng gia tăng phối kết hợp giữa các tổ chức, lực lượng trong tiến hành xây dựng nội dung chương trình, hình thức, biện pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước. Ở nước ta các phong trào thi đua yêu nước diễn ra rất sôi nổi, thường xuyên ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, mỗi phong trào thi đua yêu nước mang sắc thái riêng với những nội dung, hình thức, biện pháp khác nhau nhưng đều tựu chung lại ở việc xây dựng, tạo dựng niềm tin cho con người vào những phong trào thi đua yêu nước ấy, góp phần thực hiện thắng lợi những nội dung, chỉ tiêu mà các phong trào thi đua yêu nước đặt ra.

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nếu như con người không có niềm tin vào những phong trào thi đua yêu nước như: diệt giặc đói, giặc rốt, giặc ngoại xâm; phong trào xuống đường hát cho đồng bào tôi nghe; phong trào cờ ba nhất, sóng duyên hải, gió đại phong, ba sẵn sàng, ba đảm đang…thì thử hỏi làm sao chúng ta chiến thắng được kẻ thù, làm sao có thể vượt qua được muôn vàn khó khăn, thử thách, chông gai và xuất hiện những tấm gương anh hùng như hoa mùa xuân trong các phong trào thi đua yêu nước ấy. Xây dựng niềm tin trong các phong trào thi đua yêu nước sẽ tạo sự đồng thuận nhất trí cao trong mỗi một con người, gạt bỏ hết những suy nghĩ, toan tính cá nhân trong mỗi người để dồn tâm, dồn sức của mình thực hiện mục tiêu chung của phong trào thi đua yêu nước đó. Nếu cơ quan, đơn vị, địa phương nào xây dựng được niềm tin cho mỗi người vào các phong trào thi đua yêu nước thì ở đó phong trào sẽ có sức sống lan toả sâu rộng nhận được sự đồng tình, ủng hộ giúp đỡ to lớn của mọi người. Ngược lại, nếu cơ quan, đơn vị, địa phương nào không xây dựng được niềm tin cho con người vào các phong trào thi đua yêu nước, không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của mọi người thì phong trào thi đua yêu nước ở đó không đạt được mục đích đề ra, tạo ra không khí nặng nề và thi đua mang tính hình thức, chiếu lệ diễn ra cho xong, không kích thích được tính sáng tạo của mọi người và sẽ không có cách làm hay, không có những cá nhân tiêu biểu, suất xắc trong các phong trào thi đua yêu nước. Do đó, để xây dựng niềm tin cho con người vào các phong trào thi đua yêu nước ở nước ta hiện nay theo tôi cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Một là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mỗi người vào các phong trào thi đua yêu nước

Tuyên truyền, giáo dục sẽ tác động trực tiếp tới tâm tư, tình cảm, nhận thức của mỗi con người và làm chuyển biến nhận thức trong mỗi con người thông qua những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể để thúc đẩy phong trào thi đua không ngừng phát triển. Do đó, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, địa phương bằng các hình thức, biện pháp khác nhau tuyên truyền, giáo dục để cho mỗi người thuộc đơn vị mình, hiểu sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa tầm quan trọng của mỗi một phong trào thi đua, tạo dựng niềm tin cho mỗi  người vào các phong trào thi đua yêu nước ấy. Nội dung tuyên truyền, giáo dục cần hướng vào các chỉ tiêu cụ thể của các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị trung tâm của cơ quan, đơn vị, địa phương mình điều quan trọng là tạo ra không khí thi đua sôi nổi, vui tươi, lành mạnh, phấn khởi, tâm thế hào sảng tràn đầy năng lượng trong giờ làm việc. Có như vậy, phong trào thi đua đó mới thành công, mới tạo sự đoàn kết nhất trí cao trong tập thể cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Hai là, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục về các phong trào thi đua yêu nước

Đây là biện pháp rất quan trọng và có ý nghĩa hàng đầu để xây dựng niềm tin cho con người vào phong trào thi đua yêu nước ở nước ta hiện nay. Bởi trên thực tế nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục về các phong trào thi đua yêu nước hấp dẫn, lôi cuốn, sáng tạo sẽ kích thích trí tò mò, sự quyết tâm của mỗi người trong các phong trào thi đua yêu nước. Do đó, lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị,địa phương phải tích cực, chủ động trong tìm tòi, khám phá về cách thức tổ chức phát động phong trào thi đua yêu nước, cũng như nghiên cứu tìm ra nội dung quan trọng, chủ yếu, tập trung vào một nội dung cụ thể để triển khai ra các ý khác nhau, với phương thức, cách làm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục về các phong trào thi đua yêu nước không phải là làm mới hoàn toàn nội dung, chỉ tiêu, cách thức của các phong trào thi đua, mà đổi mới về cách thức trình bày nội dung, phương pháp tiến hành cần hướng vào những khâu yếu, mặt yếu, tập trung nhân lực, vật lực vào những nội dung đó để vực những cá nhân, tập thể hay ngành, nghề đó dậy.

Thứ ba, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước

Xây dựng niềm tin cho con người vào các phong trào thi đua yêu nước là sự tác động tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó có việc làm tốt công tác thi đua, khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Nếu không làm tốt việc này thì không tạo ra niềm tin cho các phong trào thi đua yêu nước lần sau, vấn đề đặt ra là phải lựa chọn, phát hiện đúng người, đúng việc để biểu dương, khen thưởng và việc làm này do tập thể phát hiện và đề nghị lên lãnh đạo, chỉ huy, đơn vị. Để làm tốt việc này thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải phát huy tính dân chủ, công khai, minh bạch trong bình bầu tổng kết, rút kinh nghiệm sau mỗi lần tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước, hãy để cho tập thể tìm ra những cá nhân thực sự tiêu biểu, có nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ, tránh tình trạng định hướng lựa chọn của lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị, địa phương đối với những tập thể, cá nhân trong các phong trào thi đua yêu nước. Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến tạo ra tâm lý thoải mái, vô tư, phấn khích cho mọi người, tạo dư luận tốt trong các phong trào thi đua yêu nước tiếp theo. Mọi người đều nhận thấy vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình trong các phong trào thi đua yêu nước ấy, từ đó, mà càng củng cố long tin vào thắng lợi của các phong trào thi đua yêu nước. Việc tổ chức khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước cần được chuẩn bị chu đáo, tổ chức trang nghiêm, đúng quy trình.  Quá trình trao thưởng cho những tập thể, cá nhân cũng phải đạt được những yêu cầu trên và sau đó, cần có kế hoạch cụ thể để nhân rộng những điển hình tiên tiến đó thông qua các phương tiện thông tin đại chung và cách làm riêng của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.  Có như vậy, niềm tin của mỗi người vào các phong trào thi đua yêu nước mới có cơ sở, căn cứ thực tế để mỗi người không ngừng gia tăng sự đam mê, nhiệt huyết của bản thân cho cơ quan, đơn vị, địa phương mình công tác.

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã và đang diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh những nhân tố thuận lợi,còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, đòi hỏi, mỗi người phải không ngừng vững tin vào Đảng, Nhà nước vào các phong trào thi đua yêu nước của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Sau hơn 30 năm đổi mới đất nước nền kinh tế - xã hội của nước ta đã có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm, xã hội ổn định, văn hoá, y tế, giáo dục ngày càng phát triển, thế và lực của đất nước ngày càng được củng cố, giữ vững trên trường quốc tế, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Có lẽ nhìn lại chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này, chưa bao giờ quê hương ta có đời sống văn hóa, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, thôn xóm có nhiều hình thức hoạt động mới. Con em được học hành đến nơi đến chốn, đời sống của bà con có nghĩa có tình. Càng trong bối cảnh hiện nay, thì càng phải tạo dựng, xây dựng niềm tin cho con người không chỉ ở các phong trào thi đua yêu nước, mà còn đối với các phong trào khác để thực hiện thắng lợi những chỉ tiêu, nội dung mà nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định. Đó cũng là sợi dây vô địch, sức mạnh vô địch tạo nên sự thắng lợi trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng mà ông cha đã phải đánh đổ bằng mồ hôi, sương máu, nước mắt để tạo dựng, vun trồng.

1 V.I.Lênin: “Làm gì”, V.I.Lênin toàntập, tập 6, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva. 1978, tr. 3 - 245.

2 Hồ Chí Minh: “Nói chuyện về công tác huấn luyện và học tập”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H.1995, tr. 45 - 53.

Hoàng Đình Huấn

                                          Đại học Nguyễn Huệ

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam