Khởi nghiệp từ ý tưởng áo khoác đa năng

Khởi nghiệp | 06:00:04 29/06/2017

Với chiếc áo khoác có thể biến thành túi ngủ hay ba lô, nhóm C-TEK gồm 5 sinh viên (SV) của các trường đại học (ĐH) Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), Duy Tân và Kiến trúc Đà Nẵng giành ngôi vô địch trong cuộc thi Startup Runway (tạm dịch: “Đường chạy khởi nghiệp”) 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng vào giữa tháng 6.

images1377614_Khoi_nghiep2

Dự án chiếc áo đa năng giành ngôi vô địch Startup Runway 2017

Đầu tháng 3-2017, Lý Thu Uyên (SN 1996), Trương Đình Hiếu (SN 1992) và Mai Nguyễn Công Thuận (SN 1997, cùng Trường ĐH Kinh tế), Nguyễn Thị Như Ái (SN 1995, Trường ĐH Kiến Trúc) và Nguyễn Ngô Anh Quân (SN 1997, Trường ĐH Duy Tân) cùng nộp đơn tham dự cuộc thi Startup Runway 2017 do Trường ĐH Kinh tế phối hợp với Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp CIT (Viện Công nghệ Cork, Ireland) tổ chức. Uyên chia sẻ, thời điểm ấy, cả nhóm chỉ nghĩ tới việc đi thi để có kinh nghiệm, thậm chí ý tưởng khởi nghiệp cũng chưa định hình.Chiếc áo cho cộng đồng

Sau khi lọt qua vòng hồ sơ, các bạn mới “ráo riết” săn lùng ý tưởng. “Lúc ấy nhóm nào cũng đã có ý tưởng rồi, thậm chí còn tích cực nhờ thầy, cô tư vấn để hoàn chỉnh. Mỗi nhóm mình vẫn còn đang mơ hồ nên… hoảng lắm”, Thuận cho biết.

Được các thầy, cô định hướng nên làm dự án cho cộng đồng, nhóm nghĩ ra chiếc áo đa năng có thể vừa giữ ấm, vừa làm túi ngủ để cung cấp cho các tổ chức xã hội chuyên giúp đỡ người vô gia cư, nạn nhân lũ lụt,… Uyên kể, đến khi bắt đầu khai thác ý tưởng, nhóm mới nhận ra nhiều tiềm năng từ chiếc áo này:

“Tưởng tượng mình đi du lịch, có lúc muốn ngủ ở ngoài trời nhưng lại không mang theo túi ngủ hay lều trại vì cồng kềnh và bất tiện. Hay vào bệnh viện chăm sóc cho người thân, nhưng bệnh viện lại quá tải không còn chỗ ngủ. Ngay cả công nhân làm đêm cũng cần chỗ ngủ tạm thời, nếu có chiếc áo khoác có thể dùng như túi ngủ thì sẽ rất tiện lợi”.

Ròng rã mấy tuần sau đó, Uyên và Ái đi đến các tiệm vải, nhà may để khảo sát chất liệu, kiểu dáng cho chiếc áo. Đồng thời, các sinh viên phát phiếu khảo sát để tìm hiểu sở thích của nhiều nhóm khách hàng tiềm năng. Không giống như những chiếc túi ngủ thông thường thường nặng, cồng kềnh, hay những chiếc áo mưa, ba lô với tính năng đơn lẻ, chiếc áo đa năng của nhóm sử dụng công nghệ vải chống nước thoáng khí GoreTex 3X, cộng thêm lớp xốp lót bên trong có thể biến thành áo phao lúc cần.

Uyên cho biết, chiếc áo hướng đến nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, gồm “dân” du lịch bụi, người làm việc văn phòng, những người làm ca đêm, những người cần chỗ ngủ tạm thời và thường xuyên tiếp xúc với nắng mưa. Chiếc áo có thể lắp thêm các chức năng theo yêu cầu của khách hàng như thiết bị chống muỗi.

Khi trình bày tại vòng chung kết cuộc thi Startup Runway 2017, nhóm đã gây ấn tượng với giám khảo khi trả lời câu hỏi về vấn đề bản quyền. “Thời trang là thứ dễ bị làm “nhái” nhất, dù có đăng ký bản quyền cũng không thể đảm bảo sản phẩm của mình sẽ không bị làm giả được. Vì vậy, nhóm sẽ xây dựng thương hiệu bằng chính chất lượng sản phẩm, đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và liên tục cải tiến theo nhu cầu của khách hàng”, Huy nói.

Thay đổi bản thân từ cuộc thi

Ngay sau khi nộp hồ sơ, các đội thi được những chuyên gia khởi nghiệp từ Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp CIT trực tiếp huấn luyện về cách triển khai ý tưởng, kỹ năng làm việc nhóm. Uyên kể: “Điều làm mình thích nhất là các thầy cô luôn ghi nhận mọi ý tưởng dù là “điên rồ” hay mơ hồ nhất. Họ ủng hộ mình đưa ra ý tưởng, rồi sau đó mới bắt đầu góp ý. Điều đó khuyến khích mình tiếp tục tìm hiểu”. Trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi (từ tháng 3 đến tháng 6-2017), cứ mỗi chủ nhật, các thí sinh lại được học thêm về kiến thức khởi nghiệp với độ khó tăng dần. Từ ý tưởng, kỹ năng mềm, những cố vấn khởi nghiệp tiếp tục đào tạo cách làm kế hoạch kinh doanh, xử lý các vấn đề pháp lý… “Vừa học, vừa làm nên càng hiệu quả”, Uyên chia sẻ.

Tuy vậy, cũng có những giai đoạn “trầm”, khi người này bận học thi, người kia cấn công việc, khiến có lúc nhóm tưởng như bỏ cuộc. Hiếu chia sẻ, lúc đó chỉ biết động viên lẫn nhau, bây giờ chỉ mới khó khăn một chút đã buông tay, thì sau này chắc chắn không thể đi trên con đường khởi nghiệp đầy chông gai được. Uyên bảo, chỉ sau ba tháng, mỗi thành viên đều tự thấy bản thân có nhiều thay đổi: “Trước đây mình chẳng biết chút gì về kinh doanh, khởi nghiệp, cứ “liều mạng” đăng ký. Nhưng giờ mình sẽ khuyên các sinh viên khóa sau cũng hãy “liều mạng” như mình, vì sau đó các bạn sẽ học được nhiều. Cái học quan trọng nhất là về kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết mâu thuẫn, giải quyết vấn đề.”

Bắt đầu từ năm 2016, Startup Runway là cuộc thi kết hợp với chương trình huấn luyện khởi nghiệp dành cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại Đà Nẵng. Cuộc thi nằm trong khuôn khổ dự án do Quỹ Irish Aid (Cơ quan viện trợ Ireland) tài trợ. Bên cạnh tiền thưởng, các nhà vô địch của cuộc thi sẽ được tham gia khóa học khởi nghiệp tại Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp CIT (Viện Công nghệ Cork, Ireland) trong 4 tuần.

Theo Báo Đà Nẵng

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam