VAI TRÒ CỦA CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TRONG ĐẢNG HIỆN NAY

Tiêu điểm, Uncategorized, Chính trị | 15:58:19 29/06/2017

TNV - Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định cải cách hành chính (CCHC) là một nhiệm vụ trọng tâm, Đảng phải tập trung lãnh đạo.

Trong các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, các văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương các nhiệm kỳ, Đảng ta đều quan tâm đến công tác CCHC và thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng coi CCHC là một khâu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới để phát triển đất nước. Nếu như CCHC nhà nước đã sớm trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, thì CCHC trong Đảng còn rất mới mẻ. Mặc dù chưa bức thiết bằng CCHC nhà nước, nhưng những khuyết điểm của nền hành chính trong Đảng cũng đang làm giảm hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở. Hơn nữa, không thể CCHC nhà nước một cách biệt lập, mà phải đồng thời CCHC trong hệ thống chính trị gắn liền với việc đổi mới tổ chức và phương thức lãnh đạo của Đảng.

Công tác CCHC trong Đảng lần đầu tiên được chính thức đề cập tại Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) ngày 30 tháng 7 năm 2007 về Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Nghị quyết chủ trương: “Cải cách hành chính trong Đảng, rút ngắn, hợp lý hóa quy trình cho chủ trương, xét duyệt, phê chuẩn trong công tác cán bộ”[1], và một trong những nội dung quan trọng mà Nghị quyết nhấn mạnh là: “Cải tiến thủ tục hành chính trong Đảng; các cơ quan lãnh đạo, cơ quan tham mưu của Đảng ở các cấp, các ngành, các địa phương cần có quy định xác định rõ thời gian xử lý, trả lời với từng loại công việc; rút ngắn thủ tục xin và cho chủ trương, xét duyệt, phê chuẩn trong công tác cán bộ (bầu bổ sung cấp ủy viên, thường vụ cấp ủy, ủy viên ban kiểm tra của cấp ủy…)”[2]. Tiếp đó, Kết luận số 82 -KL/TW ngày 16 tháng 8 năm 2010 của Bộ Chính trị về cải cách thủ tục hành chính trong Đảng chỉ rõ “Cải cách các thủ tục hành chính trong Đảng là nội dung quan trọng, là quá trình liên tục đặt trong tổng thể cải cải cách hành chính của hệ thống chính trị nhằm góp phần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội cũng như bản thân công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ mới”[3]. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vừa qua, Đảng ta tiếp tục chủ trương “Đẩy mạnh CCHC trong Đảng, khắc phục những thủ tục rườm rà, bất hợp lý, giảm bớt giấy tờ, giảm mạnh hội họp”(1).

Nội dung chủ yếu của CCHC trong Đảng bao gồm việc hoàn thiện các văn bản chính trị, pháp lý của Đảng; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, các quy chế, quy định và cơ chế vận hành bộ máy của Đảng; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan đảng tinh thông nghiệp vụ, có năng lực tham mưu, trong sáng, gương mẫu và cơ sở vật chất - kỹ thuật bảo đảm yêu cầu thực thi nhiệm vụ của cả hệ thống tổ chức đảng.

Thực chất CCHC trong Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng, là đổi mới ở cấp độ cao hơn, mạnh mẽ hơn nội dung, phương pháp, lề lối làm việc của các cấp ủy, cơ quan của Đảng từ Trung ương tới cơ sở. CCHC trong Đảng nhằm xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, kỷ cương, nâng cao hiệu lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Cải cách hành chính trong đảng có vai trò rất quan trọng đối với công tác xây dựng nội  Đảng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt vai trò lãnh đạo. Vai trò đó được thực hiện trên một số nội dung chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, CCHC trong Đảng là có vai trò quan trọng để đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng, là đổi mới ở cấp độ cao hơn, mạnh mẽ hơn nội dung, phương pháp, lề lối làm việc của các cấp ủy, cơ quan của Đảng từ Trung ương tới cơ sở. CCHC trong Đảng nhằm xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, kỷ cương, nâng cao hiệu lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước sẽ ngày càng đổi mới theo hướng vừa tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy trách nhiệm, tính chủ động sáng tạo, tự chủ của các cơ quan, các cấp chính quyền nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, từ đó góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực, cải thiện và giải quyết ngày càng tốt hơn mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ hai, cải cách hành chính thúc đẩy các khâu xây dựng về chính trị, tư tưởng và tổ chức được nhịp nhàng, ăn khớp, đạt chất lượng, hiệu quả cao. Trong nhiều văn kiện của Đảng ta luôn khẳng định, cần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Cải cách hành chính trong Đảng, cụ thể là thủ tục hành chính không chỉ làm rõ quy trình, thủ tục trong công tác đảng mà còn loại bỏ những quy trình, thủ tục lạc hậu, khắc phục cách làm tùy tiện, chưa khoa học của một số cấp ủy, cán bộ chuyên trách. Nhất là đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, hầu hết chi ủy viên thường kiêm nhiệm nhưng lại chưa quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ. Hơn nữa, khi tiến hành cải cách thủ tục hành chính trong công tác Đảng, chế độ trách nhiệm của cấp ủy ở mỗi cấp, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp ủy, các cơ quan tham mưu sẽ phải quy định cụ thể, rõ ràng. Từ đó, để từng bước khắc phục sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Hiện nay, không phải đảng ủy cơ sở nào cũng nắm vững quy trình, thủ tục lập, giải thể, giải tán chi bộ trực thuộc, quy trình, thủ tục bổ sung, chuẩn y cấp ủy viên; quy trình, thủ tục kết nạp đảng viên, xóa tên, khai trừ đảng viên. Do đó, cải cách thủ tục hành chính trong công Đảng với việc cụ thể hóa các khâu, các bước và nội dung của từng bước trong xây dựng tổ chức đảng và đảng viên sẽ giúp cho việc xây dựng nội bộ Đảng từ tổ đảng đến chi bộ trực thuộc, tổ chức cơ sở đảng trong toàn Đảng được thực hiện thuận tiện, hiệu quả. cải cách hành chính trong công tác Đảng sẽ nâng cao uy tín của các cấp ủy, đối với tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, đối với các tổ chức, đảng viên đến làm việc. Cải cách hành chính trong Đảng sẽ giải quyết các yêu cầu về công tác đảng của tổ chức đảng và đảng viên có liên quan, đảm bảo yêu cầu về thể thức văn bản, nội dung.

Thứ ba, cải cách hành chính trong Đảng, đặc biệt là thể chế giúp kiểm soát quyền lực chính trị trong từng tổ chức đảng. Trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, với các quyết định chi phối mọi hoạt động của cả hệ thống chính trị thì rõ ràng Đảng có quyền lực chính trị. Tổ chức của Đảng trong các loại hình khác nhau, ở các cấp khác nhau đều có ít nhiều quyền lực chính trị và quyền lực đó thường được giao cho một tập thể hoặc một người nên dễ bị lợi dụng để mưu lợi ích cá nhân, thậm chí lợi ích nhóm. Vì vậy, việc kiểm soát quyền lực chính trị trong từng tổ chức đảng là rất cần thiết, tất yếu và là nhiệm vụ cấp bách. Nhận thức đúng điều đó sẽ tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện CCHC trong Đảng, trước hết trên lĩnh vực thể chế  khâu yếu và đang kìm hãm, cản trở sự vận hành của tổ chức, làm cho hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Nhận thức đúng điều đó cũng sẽ tạo thuận lợi cho cán bộ các cơ quan tham mưu của Đảng phát huy sáng kiến, tham góp có chất lượng các đề án, dự án, quy chế, quy định, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót. Loại bỏ ngay những quy định không thành văn mang tính đặc quyền, đặc lợi, sửa đổi những quy định không rõ ràng, dễ bị lạm dụng hoặc ‘‘vận dụng” vì mục đích cá nhân hoặc vì lợi ích nhóm.

Thứ tư, cải cách hành chính trong Đảng sẽ quy chế hóa, quy trình hóa, dân chủ hóa và công khai hóa các thiết chế trong hệ thống tổ chức của Đảng. Muốn kiểm soát được quyền lực thì phải có quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân với những nội dung rõ ràng, minh bạch. Tiếp đó, cần phải có tổ chức chuyên nghiệp đủ sức mạnh (chỉ làm theo pháp luật và quy định của Đảng, không bị chi phối, khống chế, can thiệp của bất cứ tổ chức, cá nhân nào) để kiểm tra, giám sát việc thực hiện của tổ chức, cá nhân được giao trách nhiệm và quyền hạn trong Đảng. Đồng thời, phải có quy định cụ thể, rõ ràng, đầy đủ về nội dung, hình thức tham gia giám sát của đội ngũ đảng viên, các tổ chức chính trị  xã hội và nhân dân. Phải có những chế tài xử lý vi phạm, không chỉ kỷ luật đảng mà còn kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật. Quy định của Đảng phải bảo đảm quy phạm pháp lý, hạn chế những cách hiểu, cách làm khác nhau, thậm chí có quá nhiều ngoại lệ như “trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định” hay “nói chung phải”, “nên là”, hoặc có quy định cũng như không (quy định cơ cấu ban lãnh đạo của một cơ quan gồm “trưởng và các phó”, không rõ số lượng “các phó” là bao nhiêu người?). Khắc phục những bất cập, hạn chế sự chồng chéo, thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất trong các quy định, hướng dẫn, giảm thiểu tiêu cực, lợi dụng “lách”, “vận dụng” trong thực hiện.

Thứ năm, cải cách hành chính trong Đảng có vai trò nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống tổ chức của Đảng. Trong bộ máy của Đảng, yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ, năng lực, kỹ năng công tác, thực sự tiên phong, gương mẫu, tâm huyết, sâu sát cơ sở, gần dân, có trách nhiệm, ý thức kỷ luật cao. Để bộ máy của Đảng thực sự tinh gọn, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 39NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Vấn đề bức thiết hiện nay là xác định rõ từng chức việc, xây dựng tiêu chí đánh giá từng chức danh cán bộ cụ thể để cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm căn cứ pháp lý. Căn cứ vào yêu cầu của chức việc đó để bố trí người thích hợp. Nên chăng, cần có quy định không chấp nhận chuyển sang việc khác, nếu người đó không đáp ứng được đòi hỏi của chức việc đó. Làm như vậy sẽ khắc phục được tình trạng “có vào mà không có ra”, “có lên mà không có xuống”  căn nguyên của tình trạng không thể tinh giản biên chế được trong nhiều năm qua.

Thứ sáu, cải cách hành chính, cụ thể là nội dung cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa nền hành chính trong Đảng sẽ khắc phục những rườm rà, bất hợp lý, giảm bớt giấy tờ, giảm mạnh hội họp trong công tác lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội trước hết là bằng đường lối, chủ trương. Vì vậy, việc quan trọng là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành nghị quyết của Đảng. Nghị quyết của Đảng phải thiết thực, ngắn gọn, khả thi; phải tính đến cân đối các nguồn lực và điều kiện bảo đảm thực hiện có hiệu quả. Phải đổi mới cách thức quán triệt, sơ, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, theo hướng thiết thực, hiệu quả. Ngay sau khi có nghị quyết, có thể ban hành kết luận hay chương trình hành động (nếu xét thấy thực sự cần thiết), nhưng cũng ngắn gọn, nêu rõ từng việc, phân công tổ chức, cá nhân thực hiện hay chủ trì phối hợp thực hiện, thời hạn hoàn thành nhiệm vụ theo đúng chức trách của từng tổ chức, cá nhân. Có chương trình, kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện để những giải pháp đề ra được triển khai nghiêm túc và có kết quả cụ thể. Cần có chế tài để xử lý tình trạng nói nhiều làm ít, nói đúng nhưng không ai làm, không ai làm nhưng không ai bị xử lý kỷ luật. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận số 82 KL/TW, các chủ trương, quy định về CCHC trong các khâu của công tác xây dựng nội bộ Đảng, nhất là công tác cán bộ, đảng viên. Khắc phục ngay tình trạng nhiều hướng dẫn của Trung ương, của cấp tỉnh, cấp huyện để cơ sở thực hiện đều na ná giống nhau, nếu có nội dung khác thì lại rườm rà thêm và trong không ít trường hợp lại khác, thậm chí trái với chủ trương, hướng dẫn của cấp trên. Ứng dụng công nghệ thông tin trong nội dung hiện đại hóa nền hành chính Đảng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong các cơ quan đảng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các hội nghị trực tuyến; kết nối đồng bộ hệ thống mạng thông tin các cơ quan đảng với chính quyền, đoàn thể sẽ tăng cường mối liên hệ, rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả công tác.

Cải cách hành chính trong Đảng sẽ nâng cao chất lượng việc xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc của mỗi cấp ủy, của các cơ quan tham mưu; với việc quy định sự phối hợp, kết hợp giữa các tổ chức đảng, cơ quan tham mưu của Đảng với tổ chức đảng cấp dưới tạo điều kiện trong việc giải quyết nhiệm vụ chính trị được giao ở mỗi cấp được nhanh chóng, hiệu quả. Việc cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết của cấp trên thành hướng dẫn, kế hoạch hoạt động của các tổ chức đảng  sẽ được triển khai nhanh chóng, việc xử lý văn bản đi, đến kịp thời, khoa học. Nhờ đó, việc nắm thông tin và xử lý thông tin của các cấp ủy sẽ đạt hiệu quả cao, vai trò, uy tín  và trách nhiệm của các cấp ủy trong Đảng ngày càng được nâng lên.

-----------------------

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2007, tr.130.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2007, tr.132.

[3] Kết luận số 82 -KL/TW ngày 16 tháng 8 năm 2010 của Bộ Chính trị về cải cách thủ tục hành chính trong Đảng.


ThS. Lê Hoàng Trang

Học viện CTQG Hồ Chí Minh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam