Hồi ức những người con không về bản !

Giải trí, Văn hóa | 08:01:01 26/07/2017

So với các nơi khác, bản Châng của tôi bé và dân cũng ít lắm. Thế mà trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có rất nhiều người con của quê tôi không trở về bản nữa...

images1369571__TK_DA_LAY__ban_chang
Một góc bản Châng.

Bản Châng quê hương tôi bây giờ có tên mới là thôn Tiến Thắng, thuộc xã Phương Thiện (Hà Giang), nép mình bên rặng Tây Côn Lĩnh hùng vĩ. Bản Châng gồm 5 bản nhỏ: Bản Noóc, Nà Khun, Nà Thiên, Con Poọng và Nà Nưa. Ngày tôi còn bé dân cư quê tôi rất thưa thớt, mỗi bản nhỏ chỉ có mươi nóc nhà giữa bạt ngàn rừng xanh. Cha tôi kể, năm ấy ông chuyển gia đình từ Bản Noóc vào Nà Khun, khi chặt cây làm nhà, bắt được cả một ổ hai con hổ con, đêm xuống, tiếng hổ mẹ gọi tìm con um um vọng vào núi.

So với các nơi khác, bản Châng của tôi bé lắm và dân cũng ít lắm. Thế mà trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có rất nhiều người con của quê tôi không trở về bản nữa... Tôi không bao giờ quên hình ảnh ông ké Thiệu ngồi như hóa đá ở cầu thang khi nghe tin anh Nguyễn Văn Huyền, người con trai duy nhất của ông đã hy sinh. Cũng ở Nà Thiên, gia đình anh Nguyễn Văn Hoan rồi Nguyễn Văn Sơn liên tiếp nhận giấy báo tử. Sơn là cháu họ của tôi, mẹ tôi là cô ruột của bố Sơn. Bản bắt đầu phấp phỏng có lẽ bắt đầu từ năm 1959, với sự ra đi của anh Vị, con trai cụ Ké Hoàng, anh là nhân viên thương nghiệp công tác ở Lũng Phìn (Đồng Văn) bị thổ phỉ mổ bụng rán mỡ, lọ mỡ là hiện vật trưng bày ở bảo tàng tỉnh. Nếu tính cả dân sự, anh là liệt sỹ đầu tiên của bản.

Phía ngoài, Con Poọng cũng nhận được giấy báo từ của Nguyễn Văn Tương, Nguyễn Văn Chi. Tương là con cụ Ta Súy, một nhà nho rất uyên thâm của bản. Cụ thuộc làu bộ “Bách giảo” của người Tày ở Hà Giang. Là người hiểu quy luật của cuộc sống, lặng trầm vậy nhưng ai cũng biết cụ buồn, một nỗi buồn không thể tả được. Còn Chi, bố anh là Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy, con quan chức, nhưng đến tuổi gọi nghĩa vụ là đi. Bên Bản Noóc, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Văn Ngận cũng hy sinh trong chiến trường. Tôi nhớ, Thọ nhập ngũ năm 1968, được biên chế vào Tiểu đoàn Lâm Đồng, tỉnh kết nghĩa với Hà Giang. Tiểu đoàn huấn luyện ở xã Đạo Đức 3 tháng rồi hành quân vào Nam và Thọ đi luôn từ bấy, không trở về nữa. Thọ hơn tôi một tuổi, nhưng về vai vế, tôi là anh. Sau này tôi có tìm hỏi thiếu tướng Hoàng Toái, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu Hai, cùng nhập ngũ với Thọ, anh bảo khác đại đội nên cũng không rõ Thọ hy sinh trong trận nào, còn Ngận hy sinh lúc nào tôi không biết vì anh nhập ngũ sau tôi. Dịch vào phía trong một chút, Nà Khun có Nguyễn Văn Thăng, Nguyễn Văn Phiêng cũng hy sinh ở mặt trận phía Nam. Anh Thăng là lớp đàn anh, nhập ngũ từ những năm 65- 66. Còn anh Phiêng con bác Lẻo, cùng thế hệ với tôi. Cuối năm 1969 anh vừa cưới vợ được hai tháng thì có lệnh nhập ngũ. Vì anh là con một, lại chưa có con nên họ hàng và Huyện đội đồng ý để tôi nhập ngũ thay anh. Tôi đang học lớp 10, thuộc diện miễn hoãn, nhưng khí thế thời ấy đang hừng hực, tôi lên đường không chút đắn đo. Năm 1971, tổng động viên, anh Phiêng nhập ngũ và hy sinh ở KonTum.

Một bản nhỏ có đến 9 liệt sỹ, hai mẹ Việt Nam Anh hùng, còn bao nhiêu người bị thương, bị nhiễm chất độc da cam, tôi không thống kê hết được. Chừng ấy thôi đủ làm cho cái bản nhỏ ven con suối Châng không yên tĩnh. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nỗi đau phần nào nguôi ngoai, hai mẹ Việt Nam Anh hùng đã mất, con của các liệt sỹ cũng đã trưởng thành. Hôm gặp mặt ở trụ sở thôn, cháu nội của liệt sỹ Nguyễn Văn Thăng ngậm ngùi nói với tôi: “Ông ơi, cháu chỉ muốn được một lần vào Nghĩa trang Trường Sơn viếng mộ ông cháu. Cháu biết xã mình chỉ có hai người nằm đấy, ông cháu và ông Rào ở Bản Mè, nếu không có sự hỗ trợ của Sở Lao động Thương binh và xã hội không biết bao giờ ước nguyện của cháu thành hiện thực. Nghèo quá ông ạ”.

Phương Thiện nói chung, Bản Châng quê tôi nói riêng, là địa chỉ đầu tiên của thành phố Hà Giang đạt chuẩn Nông thôn mới. Nhìn những trục đường liên thôn, nội đồng bê-tông hóa sạch sẽ, kênh mương được tu sửa, ruộng vườn được quy hoạch lại, nhà cửa, đường xá trong từng bản được xây dựng to đẹp giữa những tán cọ xanh và mướt mát rừng cây, tạo nên không gian sạch, đẹp, văn minh và thanh bình. Quê hương ngày một đổi thay, càng giàu đẹp, càng yên vui lại càng nhớ các anh, những liệt sỹ không bao giờ trở về bản nữa. 5 bản nhỏ của Bản Châng, trừ Nà Nưa, 4 bản còn lại: Bản Noóc, Nà Khun, Nà Thiên, Con Poọng, bản nào cũng 2-3 người hy sinh trong cuộc kháng chiến của dân tộc. Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sỹ, xin thắp nén hương thơm tưởng nhớ các anh. Cầu mong  linh hồn các anh về bản phù hộ cho quê hương ngày một hưng thịnh. Các anh mãi mãi là nỗi nhớ thương và niềm tự hào của tôi và cái Bản Châng nhỏ bé.

Theo Báo Hà Giang

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam