Hợp tác xã Thanh Sơn: Liên kết nông dân đầu tư trồng cây ăn quả, tạo vùng chuyên canh hàng hóa

Du lịch, Hồn việt | 15:53:00 12/10/2017

 

 TNV - Nhận thấy tiềm năng phát triển của cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, tháng 06 năm 2012,  ông Lê Xuân Hòa đã liên kết với một số hộ nông dân lân cận thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Thanh Sơn gồm 09 thành viên với diện tích đất trên 5 ha và vốn hoạt động là 200 triệu đồng để đầu tư trồng cây ăn trái (nhãn, na và xoài) tạo vùng chuyên canh hàng hóa; ngoài ra còn kinh doanh phân bón và thức ăn chăn nuôi.

Nhiều nông hộ trở nên khá giả

Đến nay, sau hơn 06 năm hoạt động HTX đã có 58 thành viên với diện tích canh tác trên 170 ha cây ăn quả các loại; trong đó cây na là cây trồng chủ lực với diện tích canh tác trên 107 ha, cây xoài 36 ha và cây nhãn là 27 ha. Năm 2016, gần 30ha na cho thu hái với sản lượng 300 tấn quả, mang lại nguồn thu bình quân từ 250 đến 300 triệu đồng/ha; 27 ha nhãn cho thu khoảng 500 tấn quả bằng hơn 10 tỷ đồng; giúp cho nhiều hộ trở nên khá giả, xây được nhà cao cửa rộng, nuôi con cái ăn học trưởng thành.

Ông Lê Xuân Hòa (người mặc áo trắng đầu tiên bìa phải) và một số xã viên tại cửa hàng
giới thiệu sản phẩm. Ảnh: Xuân Hòa.

Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Văn Sanh thu 1,5 tỷ đồng từ nhãn, gia đình tôi (Lê Xuân Hòa) và ông Nguyễn Văn Lùng thu ngót 1 tỷ đồng cũng từ nhãn; còn gia đình ông Nguyễn Văn Lục thu 500 triệu đồng, gia đình bà Nguyễn Thị Đỗ và gia đình tôi (Lê Xuân Hòa) thu 700 triệu đồng từ na. Ông Lê Văn Hòa (Giám đốc HTX) cho biết.

Cũng theo ông Hòa, HTX đã được cấp chứng nhận về An toàn thực phẩm tháng 6/2016 và được cấp chứng nhận Vietgap vào tháng 8/2016; năm 2017này, diện tích cây na cho thu hoạch của HTX tăng 30% với sản lượng dự tính từ 70-80 tấn quả; diện tích trồng mới có thể lên đến 100 - 110ha.

Bà Nguyễn Thị Đỗ giới thiệu vườn na xanh mướt, quả to tròn mặc dù đã về cuối vụ. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Tháng 10, khi mùa thu hái na đã tàn, thông thường vườn na lúc này trở nên xơ xác, cành lá ngả màu úa vàng, chỉ còn lác đác dăm ba quả teo tóp trên cành, nhưng vườn na của gia đình bà Nguyễn Thị Đỗ cũng như vườn na của các hộ trong HTX Thanh Sơn cây lá vẫn xanh mướt, quả còn khá nhiều và đặc biệt là quả nào cũng to, tròn, đẹp; trung bình mỗi quả khoảng 2,5 đến 3 lạng, to gấp 1,5 – 2 lần so với na từ các địa phương khác.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, bà Nguyễn Thị Lụa vừa là hàng xóm vừa là thành viên trong cùng HTX Thanh Sơn với bà Đỗ chia sẻ bí quyết: Ngoài nguyên nhân chất đất ở đây phù hợp với cây na, thì hết vụ chúng tôi tiến hành “rửa vườn” để tăng độ màu mỡ cho đất và diệt trừ nấm bệnh bảo vệ bộ rễ, cành lá cho na khỏi bị phá hoại làm suy giảm sức sinh trưởng tươi tốt của cây.

Bà An chuẩn bị na giao về cho khách hàng ở Hà Nội đặt mua. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Ông Hòa nói tiếp, để tỷ lệ đậu quả nhiều (nhất là vào cuối vụ), quả tròn đều không bị méo, chúng tôi dùng kỹ thuật thụ phấn nhân tạo bằng sức người chứ không trông chờ vào sự thụ phấn tự nhiên nhờ ong, bướm…; bên cạnh đó còn phải tỉa bớt quả, rồi bấm ngọn cho nảy chồi ra quả từ thân, từ cành chính thì quả mới to được.

Nhờ vậy, tuy đã cuối vụ nhưng HTX vẫn xuất bán trung bình mỗi ngày 15 tấn quả; đặc biệt vụ thu hái na của HTX kéo dài đến 05 tháng (từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 11) trong khi các địa phương trồng na nổi tiếng như Đồng Bành (Lạng Sơn), Đông Triều (Quảng Ninh), Ba Sao (Hà Nam)…thời vụ thu hái chỉ được khoảng 1,5 tháng.

Hỗ trợ HTX sản xuất nông sản theo hướng công nghệ cao

04 năm trở lại đây, quả na dai của HTX đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường ở nhiều tỉnh, thành phố lớn đòi hỏi cao về chất lượng và hình thức như Lào Cai, Điện Biên, Hà Nội, Thanh Hóa…Theo quốc lộ 6 lên Sơn La, Điện Biên…giờ đây du khách có thêm điểm dừng chân để nghỉ ngơi, ngắm cảnh và mua trái cây là quà, đó là “phố na” ở tiểu khu 3/2, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Hòa (Giám đốc HTX Thanh Sơn): Khó khăn lớn nhất hiện nay của HTX là 100% diện tích đất sản xuất của HTX chưa có hệ thống tưới tiêu chủ động, nguồn nước vẫn còn phải phụ thuộc vào thời tiết; kỹ thuật canh tác chủ yếu từ kinh nghiệm được trao đổi giữa các hộ xã viên nên chất lượng quả, mẫu mã chưa được đồng đều; HTX chưa có cơ sở hạ tầng đồng bộ như nhà đóng gói, nhà lạnh, xe chở chuyên dụng; thiếu vốn sản xuất, công nghệ đóng gói, bao bì sản phẩm, quảng bá sản phẩm,...

Tại “phố na” ở tiểu khu 3/2, xã Cò Nòi (Mai Sơn - Sơn La), quả nào cũng tròn đều, đẹp mắt
và to gấp 1,5 – 2 lần so với na từ các địa phương khác. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Được biết chính quyền tỉnh Sơn La đang xúc tiến việc hỗ trợ HTX Thanh Sơn xây dựng nhà bảo quản lạnh, sơ chế và đóng gói trái cây sau thu hoạch có diện tích 2.000 m2; đồng thời đang trong quá trình hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý sản phẩm na dai. Ngoài ra, huyện Mai Sơn đã có quyết định hỗ trợ HTX 150 triệu đồng để triển khai mô hình tưới ẩm nhỏ giọt với diện tích 03 ha; 65 triệu đồng hỗ trợ bà con xã viên đi tham quan học hỏi mô hình trồng na ở Đông Triều (Quảng Ninh), Đồng Bành (Lạng Sơn) – ông Cầm Văn Thắng (Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mai sơn) cho hay.                                    

Đây là hành động cụ thể, thiết thực của các cấp chính quyền tỉnh Sơn la nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho bà con nông dân, cho các HTX tập trung chuyên sâu vào sản xuất nông sản hàng hóa theo hướng công nghệ cao, trồng cây ăn trái trên đất dốc tạo sinh kế phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường./.

 

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam