Phát triển sản phẩm du lịch vùng chiến khu Việt Bắc

Du lịch | 18:07:57 24/10/2017

Trong tâm thức người dân Việt Nam, Việt Bắc là tên gọi một vùng đất gắn bó với một thời gian khổ và oanh liệt của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, nơi ghi dấu bao chiến công anh hùng của quân và dân ta thời kháng chiến. Ngày nay vùng Việt Bắc là khu vực có tiềm năng lớn để khai thác, phát triển du lịch.

images2582972_h1
Đoàn du khách dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Phú Đình, tỉnh Thái Nguyên

Sản phẩm du lịch đa dạng và độc đáo

Khu vực Việt Bắc ngày nay là khu vực gồm 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên (hay còn được gọi tắt là Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái) lưu giữ một hệ thống di tích lịch sử cách mạng phong phú với các địa danh gắn liền với lịch sử cách mạng hào hùng của giai đoạn kháng chiến chống Pháp, có giá trị du lịch đặc biệt quan trọng và mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng.

Các loại hình du lịch có thể khai thác tại đây bao gồm: Tham quan, tìm hiểu di tích cách mạng, giáo dục truyền thống cách mạng; thăm lại chiến trường xưa tại các di tích lịch sử từ ATK Tân Trào - Tuyên Quang đến ATK Ðịnh Hóa - Thái Nguyên và Chợ Ðồn - Bắc Kạn, hay quần thể di tích lịch sử Pác Bó (Cao Bằng), cụm di tích Bác Hồ với chiến dịch biên giới 1950, Khu di tích chiến thắng Đông Khê, khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), hay căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn (Lạng Sơn).

Việt Bắc là khu vực có địa hình hết sức đa dạng, có hệ thống hang động, sông, suối, thác nước, hồ lớn như sông Nho Quế, sông Nậm Na, hồ Núi Cốc, hồ Thang Hen, suối khoáng Mỹ Lâm, suối Mỏ Gà; có cảnh quan sinh thái tự nhiên hấp dẫn như nông trường chè Thái Nguyên, rừng nguyên sinh Na Hang; có vườn quốc gia Ba Bể với hồ nước ngọt trên núi lớn nhất, có thác Bản Giốc hùng vĩ - được mệnh danh là thác nước đẹp nhất Việt Nam; có các hang động quan trọng như hang Pác Bó, hang Phượng Hoàng, động Ngườm Ngao, quần thể hang động Nhị Thanh, Tam Thanh, động Tiên, thung lũng Bắc Sơn, núi Mẫu Sơn; tham quan, đi bộ, trèo thuyền, lội suối... là những hoạt động hấp dẫn trong nhóm sản phẩm này.

Đây cũng là nơi sinh sống lâu đời của nhiều dân tộc anh em với nền văn hóa bản địa phong phú, đa dạng đậm đà bản sắc dân tộc. Tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống cộng đồng địa phương, thưởng thức các món ăn truyền thống hay hòa mình vào những làn điệu âm nhạc dân gian, những điệu múa đặc trưng của các bản làng dân tộc thiểu số… Tại đây, du khách có thể kết hợp việc tham quan các thắng cảnh với việc trải nghiệm cuộc sống trong các bản làng dân tộc, các phiên chợ vùng cao đồng thời mua sắm các loại sản vật địa phương như mật ong, nấm hương rừng, măng rừng hay các loại trang phục thổ cẩm xinh đẹp và độc đáo tại các bản làng du lịch như bản Pác Ngòi, làng du lịch sinh thái Thái Hải, làng du lịch cộng đồng Pác Rằng, xã Phúc Sen, làng làm hương Phja Thắp (Cao Bằng), thôn Nặm Đăm (Quảng Bạ, Hà Giang), làng văn hoá du lịch Nà Trào (Hà Giang)…

Với địa hình hiểm trở của khu vực Việt Bắc đã tạo ra những sản phẩm du lịch vô cùng độc đáo, gây ấn tượng mạnh đối với du khách. Các sản phẩm trong nhóm này gồm: trải nghiệm và chinh phục các cung đường ngoạn mục trên cung đường Hà Giang - Cao Bằng - Bắc Kạn, các cung đường trên Quốc lộ 6 qua Hòa Bình, hay cung đường Quốc lộ 4 dọc theo tuyến biên giới Việt - Trung; khám phá cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang và các dãy núi đá vôi Quảng Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc; chinh phục các con đèo và các đỉnh núi cao hiểm trở như đèo Mã Pí Lèng, đèo Gió, đỉnh Tây Côn Lĩnh, đỉnh Lũng Cú hay chiêm ngưỡng khung cảnh ngoạn mục của những thửa ruộng bậc thang mùa đổ nước hoặc mùa lúa chín trên vùng cao Hoàng Su Phì...

Có thể nhận thấy, trong thời gian gần đây du lịch khu vực Việt Bắc đã có những bước phát triển mạnh mẽ tuy nhiên còn thấp so với tiềm năng và yêu cầu hiện nay. Các sản phẩm du lịch đơn điệu, tương đối mờ nhạt và chất lượng không cao, ít hấp dẫn về hình thức. Các di tích chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Nhiều di tích và các điểm du lịch khó tiếp cận, khai thác bởi hạ tầng yếu kém cùng trở ngại về giao thông đi lại khó khăn. Sự phát triển du lịch manh mún, dựa vào khai thác những tiềm năng sẵn có là chính, thiếu sự phối hợp giữa các địa phương trong vùng theo một chiến lược chung, chưa tạo được sản phẩm du lịch mang tính đặc thù.

Quảng bá sản phẩm, xây dựng chiến lược marketing

Để du lịch trong khu vực phát huy tối đa tiềm năng của mình, trong thời gian tới các địa phương cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Trước tiên là phải đặc biệt quan tâm tới liên kết vùng, liên kết quốc tế.

Liên kết được coi là một trong những chìa khóa quan trọng trong phát triển du lịch của các quốc gia và các địa phương. Đặc thù về vị trí địa lý và xã hội của khu vực Việt Bắc tạo ra các sản phẩm du lịch na ná giống nhau vừa là điều kiện thuận lợi nhưng cũng là rào cản trong vấn đề liên kết giữa các địa phương trong vùng. Điều mấu chốt là các tỉnh cần nghiên cứu, xây dựng thương hiệu và các sản phẩm du lịch mang bản sắc của riêng mình để tìm ra lợi thế riêng, tạo sản phẩm riêng về du lịch nhưng đến khi triển khai kế hoạch liên kết chung lại phát huy được thế mạnh của vùng. Ngoài ra, muốn đẩy mạnh được liên kết vùng cần coi trọng vấn đề liên kết trong quảng bá, xúc tiến du lịch để tạo được hiệu ứng to lớn, thu hút được sự quan tâm đông đảo và tạo dựng được lòng tin của du khách.

images2582976_IMG_5277
Lượt du khách đến tham quan hồ Ba Bể ngày càng tăng.
Về lâu dài, cần có một quy hoạch chung mang tính liên vùng, thể hiện mối liên kết giữa các địa phương trong nỗ lực phát triển du lịch, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương để làm phong phú và tăng thêm sức hấp dẫn cùng tính khả thi cho các sản phẩm du lịch của mỗi tỉnh và cả khu vực.

Loại hình du lịch nên tập trung phát triển, nối tuyến giữa các tỉnh là du lịch tham quan văn hóa - lịch sử, giáo dục truyền thống, kết hợp du lịch khám phá cảnh quan thiên nhiên. Ngoài ra, cần quan tâm tới việc liên kết với các địa phương dọc biên giới Việt Trung để tăng cường hợp tác quốc tế như hợp tác với Cục Du lịch tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong việc khai thác tuyến du lịch đường thủy (tuyến du lịch lòng hồ thủy điện Na Hang), khai thác khách quá cảnh đường bộ từ Trung Quốc tới Cao Bằng qua cửa khẩu Tà Lùng, tới Hà Giang qua cửa khẩu Thanh Thủy hay tới Lạng Sơn qua cửa khẩu Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh để từ đó có định hướng xây dựng những tour du lịch đường biên phù hợp, tăng lượng khách quốc tế đến với khu vực.

Theo Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết Vụ đã kiến nghị và đưa ra những giải pháp quan trọng nhằm tập trung vào công tác marketing, quảng bá sản phẩm bằng cách xây dựng và thực hiện chiến lược marketing chung cho toàn vùng; tận dụng sự hỗ trợ của cơ quan du lịch quốc gia, các tổ chức trong và ngoài nước để tham gia chiến dịch tiếp thị, quảng bá, xúc tiến bằng nhiều hình thức như: Tham gia các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế, tham gia các chương trình Roadshow quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài; triển khai và ứng dụng e-marketing, ứng dụng công nghệ truyền thông và tận dụng sức mạnh lan tỏa của mạng xã hội nhằm giới thiệu vẻ đẹp và sức hấp dẫn của núi rừng Việt Bắc tới du khách trong và ngoài nước; phát huy hiệu quả, sức hấp dẫn của các sự kiện văn hóa và du lịch trong vùng, nâng tầm và tạo tiếng vang cho một số sự kiện, lễ hội tiêu biểu, như: lễ hội hoa Tam giác mạch, lễ hội Lồng Tồng, Chợ tình Khâu Vai...Điều quan trọng là cần tuyên truyền, thay đổi nhận thức của khách du lịch nội địa về tính đa dạng và phong phú sản phẩm du lịch tại đây để hạn chế tối đa tính mùa vụ, thu hút khách trong cả năm.

Ngoài ra, để phát huy hết tiềm năng du lịch, tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, các địa phương trong khu vực cần tạo điều kiện để du khách tiếp cận được điểm du lịch như giao thông đi lại thuận lợi, huy động được sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo vệ môi trường và phục hồi văn hóa nghệ thuật truyền thống, lựa chọn các bản, làng tiêu biểu để tập trung đầu tư, phát triển thành điểm du lịch đắc sắc chứ không nên đầu tư dàn trải. Cần đặc biệt lưu ý, quan tâm tới việc đầu tư và xây dựng bãi để xe và nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các khu, điểm du lịch và các bản làng du lịch.

Chiến khu Việt Bắc là khu vực có những đặc trưng riêng vô cùng hấp dẫn và độc đáo, có giá trị du lịch to lớn đã được khẳng định trong nhiều năm qua, tuy nhiên đây cũng là địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển du lịch nói riêng và kinh tế, xã hội nói chung như cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, địa hình hiểm trở, đường đi lối lại xa xôi, cách trở, nhiều điểm đến khó tiếp hay nhận thức về du lịch của dân cư và cộng đồng địa phương chưa thực sự thấu đáo. Do vậy, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự cam kết, chủ động sáng tạo của các địa phương, doanh nghiệp, sự liên kết chặt chẽ của các bên liên quan, nhận thức và hành động của cộng đồng địa phương là những yếu tố quyết định đến sự thành công trong phát triển du lịch toàn khu vực.

Theo Bích Ngọc/Báo Bắc Kạn

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam