Một số kinh nghiệm nhằm nâng cao kết quả của việc bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện không phải là người địa phương ở Hà Nội hiện nay

Thời sự, Chính trị | 15:46:41 10/11/2017

TNV - Theo đánh giá của Kết luận số 24 của Bộ Chính trị: "Nhiều năm qua, các tỉnh, thành làm tốt công tác quán triệt tinh thần của các nghị quyết, nên đã tạo ra sự chuyển biến, tiến bộ về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ chủ chốt và cơ quan tham mưu rất rõ nét". Điều này cho thấy, khi có các chủ trương mới của Trung ương nếu đáp ứng đúng nhu cầu của cuộc sống sẽ nhanh chóng đi vào thực tiễn, được các địa phương tích cực ủng hộ, thực hiện. Khảo sát về chủ trương "tiếp tục mở rộng việc bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện KPLNĐP" cho thấy được sự cần thiết về bố trí cán bộ chủ chốt KPLNĐP.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng không tránh khỏi những sai sót. Vì vậy, tác giả đưa ra một só kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa kết quả của việc bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện KPLNĐP trong thời gian tới:

Một là, cần làm tốt công tác chuẩn bị, công tác đánh giá, QHCB trước khi bố trí cán bộ KPLNĐP.

Trước khi bố trí cán bộ chủ chốt cấp tỉnh KPLNĐP cần phải chuẩn bị đầy đủ, chu đáo và làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương, để mọi người đều thống nhất trong nhận thức việc bố trí cán bộ đến và thay thế cán bộ sở tại là việc làm cần thiết, thường xuyên trong công tác cán bộ; là tạo điều kiện đưa địa phương đó phát triển. Có như vậy, mới tạo được sự đồng thuận từ đó nhân dân mới tin tưởng, yên tâm giúp đỡ, ủng hộ các cấp uỷ, chính quyền và cán bộ được bố trí. Từ đó xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong tổ chức thực hiện trên cơ sở đảm bảo sự đoàn kết, công tâm, khách quan và các nguyên tắc công tác cán bộ của Đảng.

QHCB hiện nay, qua thời gian thực hiện, về nhận thức, cho thấy thế nào là một quy hoạch đúng, quy hoạch tốt. Quy hoạch đúng là quy hoạch thể hiện được mục đích, yêu cầu, các quan điểm, nguyên tắc, phương châm, nội dung, phương pháp quy hoạch trên cơ sở đánh giá đúng cán bộ và phù hợp với thực tế của địa phương, đơn vị mình. Quy hoạch: phải thoả mãn các tiêu chí như, có cơ cấu hợp lý về độ tuổi, học vấn, thành phần, giới, dân tộc; có nguồn dồi dào, đáp ứng được nhiều phương án, kế hoạch nhân sự khác nhau; bảo đảm tính kế thừa, tính phát triển, tính sàng lọc và ý chí phấn đấu cao; chọn lọc và phát hiện, nuôi dưỡng được người giỏi, người tài; có tính thiết thực, tính khả thi; vừa là kết quả vừa là nguyên nhân của các khâu khác trong công tác cán bộ. QHCB có ý nghĩa quan trọng ở chỗ, nếu trong trường hợp là cán bộ trong quy hoạch để luân chuyển và gắn với địa phương, thì những yêu cầu về cán bộ đó trong QHCB là căn cứ, là cơ sở để chọn địa phương cho cán bộ luân chuyển đến. Khi đó việc đánh giá cán bộ sau luân chuyển là cán bộ KPLNĐP sẽ được đánh giá theo như quy định của cán bộ luân chuyển.

Hai là, lựa chọn đúng cán bộ đủ tiêu chuẩn và bố trí đúng theo yêu cầu cụ thể của mỗi địa phương. Làm việc kỹ với nơi cán bộ KPLNĐP đến công tác.

Trước khi bố trí cán bộ, cần có sự đánh giá và lựa chọn đúng cán bộ đủ tiêu chuẩn để bố trí vào những vị trí phù hợp. Đồng thời, cần tạo điều kiện cho cán bộ KPLNĐP tìm hiểu, nắm bắt tình hình địa phương nơi cán bộ đến, tránh tình trạng bị động, lúng túng và làm việc đạt hiệu quả hơn. Không nên áp dụng "cứng nhắc" việc bố trí bao nhiêu cán bộ KPLNĐP cho một huyện, mà phải xuất phát từ tình hình cụ thể của từng huyện để lựa chọn các chức danh bố trí cho phù hợp.

Ba là, thái độ, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, nhân dân nơi cán bộ KPLNĐP đến có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Từ công tác LCCB vừa qua cho thấy, đã có nơi, cấp uỷ nơi cán bộ luân chuyển đến không giao việc chính yếu, không kèm cặp, giúp đỡ để cán bộ trưởng thành. Thậm chí có xu hướng liên kết để chống lại, vô hiệu hoá, cô lập người địa phương khác đến. Điều đó cho thấy, thái độ ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của cán bộ, nhân dân nơi đến có ý nghĩa to lớn đối với cán bộ được bố trí. Giả sử mọi công tác tổ chức cho cán bộ đi luân chuyển đều tốt, thì càng cho thấy rõ hơn vai trò then chốt ở nơi đến của cán bộ. Nếu không được sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của nơi đến thì tác hại vô cùng to lớn. Phải nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm, tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển của nơi đến. Dường như mọi công việc luân chuyển sẽ mất tác dụng nếu không chú ý tới vai trò của nơi đến. Nơi đến phải giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng và đánh giá cán bộ trong, sau luân chuyển. Do đó, nơi đến phải chí công vô tư, thật sự cầu thị, không chỉ thấy trách nhiệm của mình trước Đảng mà còn được hưởng lợi từ việc tiếp nhận cán bộ luân chuyển về. Những cán bộ luân chuyển thường là cán bộ trẻ, có tài năng, có triển vọng. Không phát huy được những cán bộ đó là một sự lãng phí lớn, mất một quãng thời gian quý báu để cống hiến, mất nhuệ khí phấn đấu của một con người.

Bốn là, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá đúng kết quả công tác của cán bộ KPLNĐP.

Bố trí cán bộ KPLNĐP tới một địa phương đòi hỏi phải chú ý làm tốt công tác kiểm tra, giám sát nhằm giúp đỡ cán bộ vượt qua những khó khăn trong công tác, giải quyết những khúc mắc, tạo mối quan hệ đoàn kết thống nhất giữa cán bộ được bố trí với cán bộ sở tại để nâng cao hiệu quả của công việc. Thông qua công tác kiểm tra giám sát, Trung ương cũng đánh giá đúng được về năng lực công tác, phẩm chất đạo đức, sự đóng góp của cán bộ cho địa phương để có kế hoạch sử dụng đúng cán bộ sau bố trí.

Năm là, có chế độ, chính sách cho việc bố trí cán bộ KPLNĐP.

Về chính sách, chế độ đối với cán bộ luân chuyển hiện nay chưa thống nhất, chưa đồng bộ. Phải khẳng định rằng, cơ sở đảm bảo cho công tác bố trí cán bộ KPLNĐP thành công phải dựa trên một hệ thống chính sách, chế độ phù hợp. Trước mắt, chưa có chính sách riêng mà chỉ có chế độ riêng, nhưng về lâu dài phải có chính sách, chế độ đảm bảo cho việc bố trí. Vì rằng, bản thân chính sách, chế độ của chúng ta phản ánh bản chất xã hội chủ nghĩa, bản chất của Đảng ta chăm lo cho đội ngũ cán bộ. Hiện nay sự không đồng đều về thu nhập, biên độ dao động, tỉ lệ giữa các nhóm cán bộ ngày càng có khoảng cách rất chênh lệch. Nơi nào có tiềm lực kinh tế, chú ý quan tâm thì cán bộ được hưởng. Nơi nào kinh tế kém, lại ít quan tâm thì không có gì. Tình trạng hiện nay là tuỳ từng địa phương tự lo, tự cân đối, vì vậy cần phải thống nhất chung ở cấp vĩ mô, phải có chính sách, chế độ rõ ràng theo phân cấp chặt chẽ. Phải bảo đảm sự công bằng, công khai, minh bạch, có ưu tiên nhất định về chế độ, chính sách cho cán bộ KPLNĐP. Về nguyên tắc, bất cứ hình thức điều động cán bộ nào cũng phải đi kèm với một chế độ, chính sách nhất định. Theo khảo sát, nếu cán bộ luân chuyển có chế độ, chính sách, thì cán bộ KPLNĐP khi được bố trí cũng phải có chế độ, chính sách về nhà ở, phương tiện làm việc, chế độ học tập, thời gian công tác tại địa phương đến…. Nhất là việc bố trí là công việc có tính chất thường xuyên hơn đối với công tác cán bộ và về mọi phương diện họ cũng giống như cán bộ luân chuyển, có khi lại khó khăn và đặc thù hơn.

ThS Bùi Thu Chang

Viện Xây dựng Đảng- Học viện CTQG Hồ Chí Minh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam