Giáo dục đạo đức trong sinh viên, học sinh theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

Giới trẻ, Làm theo lời Bác | 16:40:34 16/11/2017

TNV - Một trong những yêu cầu quan trọng của Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là phải làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong khi đó, thế hệ sinh viên, học sinh Việt Nam hiện nay là nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước, nhân tố quan trọng góp phần quyết định tương lai, vận mệnh của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn đánh giá cao vai trò của thanh niên (trong đó có sinh viên, học sinh) và xác định “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Vì thế, bên cạnh việc coi trọng giáo dục chuyên môn, việc giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cho sinh viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm xây dựng đội ngũ trí thức tương lai vừa “hồng” vừa “chuyên”, kế tục các thế hệ cha anh trong sự nghiệp cách mạng mới là yêu cầu cơ bản lâu dài và cấp bách. Trong đó, cần quan tâm một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và toàn xã hội phải nhận thức đúng, đầy đủ tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, phải khẳng định giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, quan trọng, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư thích đáng. Đầu tư cho giáo dục, trong đó có giáo dục đạo đức cho sinh viên, học sinh là đầu tư cho tương lai của đất nước. Để thực hiện được giải pháp này, mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể phải bám sát các giải pháp gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW với thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, và Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” cho đồng bộ.

 Thứ hai, chú trọng xây dựng môi trường sinh hoạt, học tập trong sạch, lành mạnh, tạo điều kiện để sinh viên, học sinh học tập, rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành. Để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, ngành giáo dục phải xây dựng một môi trường học tập lành mạnh, trong sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành những chuẩn mực đạo đức mới trong sinh viên, học sinh. Muốn như vậy, nơi sinh hoạt, học tập của sinh viên phải hội đủ các yếu tố trong đó điều quan trọng nhất là môi trường học tập thân thiện, gần gũi, trách nhiệm; là nơi lan tỏa phẩm giá, tư cách, đạo đức của người thầy. Bên cạnh đó, môi trường sinh hoạt, học tập trong sạch, lành mạnh đối với học sinh, sinh viên còn gắn với trách nhiệm của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, phải phát huy mạnh mẽ phong trào học sinh, sinh viên tình nguyện đến những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, các hoạt động “về nguồn”, đến những địa điểm cách mạng, khu căn cứ kháng chiến…

Thứ ba, kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức cho thanh niên. Để không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục nói chung, giáo dục đạo đức cho sinh viên, học sinh nói riêng phải có sự kết hợp giáo dục của gia đình, của nhà trường, và của xã hội thành một quá trình thống nhất, liên tục và hoàn chỉnh. Thực tế cho thấy, những câu chuyện học sinh, sinh viên có hành động vô lễ với thầy cô giáo thường bắt nguồn từ cách giáo dục trong gia đình, bắt chước những hành vi ngoài xã hội. Cho nên, giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, cần có sự giáo dục ngoài xã hội và của chính gia đình; có như thế việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn và ngược lại giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không được như mong muốn.

Thứ tư, phải coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông. Để có thế giới quan khoa học, phương pháp luận khoa học, xác định được lý tưởng của mình, sinh viên, học sinh tất yếu phải được học tập các môn lý luận chính trị, môn giáo dục chính trị một cách nghiêm túc. Việc làm này không phải là trách nhiệm riêng của lãnh đạo nhà trường, mà phải là trách nhiệm chung của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể; phải có biện pháp đúng đắn trong thực tiễn để nâng cao chất lượng giáo dục môn lý luận chính trị, tư tưởng trong các trường, cấp học.

Thứ năm, coi trọng đúng mức công tác bồi dưỡng, phát triển đảng trong học sinh, sinh viên. Bộ Chính trị khóa VIII đã ban hành Chỉ thị 34-CT/TW ngày 30-5-1998 “về tăng cường công tác chính trị tư tưởng; củng cố tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng trong các trường học” thể hiện tư tưởng nhất quán của Đảng ta đối với yêu cầu này. Tuy vậy, việc bồi dưỡng, phát triển đảng trong học sinh, sinh viên chưa đạt được kết quả như mong muốn; các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cần quan tâm hơn nữa yêu cầu này, phải có một số những đổi mới trong tiêu chuẩn đối với học sinh, sinh viên khi đưa vào nguồn bồi dưỡng, phát triển đảng. Nâng cao công tác này đồng thời phải chú trọng đến chất lượng cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm của chi bộ sinh viên, ban chấp hành đoàn khoa – đoàn trường, ban thư ký hội sinh viên...

Thứ sáu, coi trọng sự tu dưỡng của bản thân. Dù có đề ra các giải pháp giáo dục đạo đức cho sinh viên, học sinh thế nào đi chăng nữa nhưng nếu thiếu sự tu dưỡng của bản thân mỗi sinh viên, học sinh cũng sẽ khó thành công. Vì vậy, phải chú trọng sự tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người thông qua hoạt động thực tiễn. Các tổ chức đảng, các đoàn - hội phải tạo điều kiện để cho học sinh, sinh viên thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện cũng như cái chưa tốt, cái xấu, cái ác của mình để khắc phục. Đó là phải giúp cho học sinh, sinh viên sống có lý tưởng, thấy rõ được mục đích, ý nghĩa cao đẹp của cuộc sống, từ đó đem tài năng, trí tuệ của mình để phục vụ cho bản thân và cho xã hội. Khi đã hình thành lý tưởng sống tốt đẹp, sinh viên, học sinh cũng sẽ biết đâu là điểm mạnh của bản thân để phát huy và đâu là điểm yếu để hạn chế khắc phục. Sống có lý tưởng cao đẹp, sinh viên cũng sẽ tự nâng mình lên tới tầm cao của thời đại. Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng tình cảm yêu thương con người, phải luôn xác định đây là một trong những chuẩn mực đạo đức cao đẹp của người cách mạng, của con người có nhân cách tốt, có đạo đức. Từ sống có lý tưởng, có tình thương yêu con người sẽ dẫn đến những hành động tích cực, thiết thực cho bản thân, cho mọi người, cho xã hội, cho đất nước, đó cũng chính là đích đến để mỗi sinh viên, học sinh luôn có “Tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn” như sự kỳ vọng, tin tưởng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ X nhiệm kỳ 2012 – 2017.

Như vậy, giáo dục đạo đức trong sinh viên, học sinh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng, nguyên Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng khẳng định: "Học sinh, sinh viên, những thanh niên ưu tú có tri thức sẽ là lực lượng kế thừa và phát huy những thành quả cách mạng của Đảng và dân tộc, tiêu biểu cho trí tuệ Việt Nam”, cùng với giáo dục thể chất, văn hóa, giáo dục chuyên môn, giáo dục đạo đức sẽ góp phần hoàn thiện các mặt: nhân, trí, dũng, mỹ cho sinh viên, học sinh Việt Nam nói riêng, thanh niên Việt Nam nói chung, để không ngừng kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nước nhà!

Theo Ths. Nguyễn Xuân Ngọc/ Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam