Phát huy nét đẹp truyền thống qua từng thế hệ ở Học viện Ngoại giao Việt Nam

TNV - Ngày 18/11 vừa qua, nhân dịp kỉ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2017) và hướng tới Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (17/6/1959- 17/6/2019), Học viện Ngoại giao Việt Nam đã long trọng tổ chức Chương trình Ngày hội ngộ các thế hệ sinh viên Học viện Ngoại giao - DAV’s Day”. Đây là dịp để các thế hệ sinh viên Học viện bày tỏ lòng biết ơn với các thầy, cô giáo và là cơ hội để kết nối các thế hệ cựu sinh viên ngoại giao.

Tự hào nét đẹp truyền thống sinh viên ngoại giao

Gần 60 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện Ngoại giao (Diplomatic Academy of Vietnam - DAV) đã cho ra lò nhiều nhà ngoại giao tài giỏi, lặng lẽ cống hiến cho công tác đối ngoại của nước nhà và vẫn dành nhiều thời gian cho công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành ngoại giao như Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Qúy, Đại sứ Dương Văn Quảng, Đại sứ Đỗ Văn Bạch, Đại sứ Phạm Cao Phong…

Không những thế, Học viện còn là cái nôi đào tạo ra nguồn nhân lực chính phục vụ công tác đối ngoại cho các Bộ, ngành, các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp. Qua nhiều thế hệ, sinh viên ngoại giao vẫn luôn lưu giữ những nét truyền thống vốn có và được xem là điểm mạnh của DAV - đó là: "Giỏi ngoại ngữ"; "Khả năng giao tiếp tự tin, tác phong chuẩn mực"; "Hiểu biết về chính trị trong nước và quốc tế". Chính bởi luôn giữ gìn và phát huy được nét đẹp truyền thống đó mà sinh viên Học viện có được nền tảng tốt, có thể tham gia vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau sau khi ra trường, phục vụ nhu cầu đa dạng về nguồn nhân lực của xã hội.

Với vai trò là cựu sinh viên về lại trường cũ và nay là thành viên trong đội ngũ lãnh đạo, giảng viên tại Học viện, TS. Lê Hải Bình – Cựu Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, hiện là Phó Giám đốc Học viện bày tỏ: “Là người may mắn được học từ đại học, cao học và tiến sĩ ở Học viện, tôi rất tự hào và gửi lời tri ân tới thầy cô đã trang bị cho mình đầy đủ cả kiến thức, kỹ năng để công tác hiệu quả và đặc biệt là tinh thần yêu nước, khát khao làm việc, cống hiến cho xã hội”. Thầy cũng chia sẻ: “Với cương vị mới, từ người được truyền lửa nay thành người “tiếp lửa”, tôi cùng đội ngũ giảng viên sẽ gắng sức truyền thụ các kiến thức và nhiệt huyết của các thầy, cô cho thế hệ học trò ngày hôm nay và mai sau”.

TS. Nguyễn Vũ Tùng - Giám đốc Học viện (Bìa phải) và TS. Lê Hải Bình – Phó Giám đốc
Học viện 
chụp ảnh lưu niệm cùng học trò trong Ngày hội DAV’s DAY

Được đào tạo từ Học viện, Thầy Hải Bình sau này rất tự tin và làm tốt vai trò là Người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Thầy cũng giống như nhiều cựu sinh viên khác, không những luôn giữ vững bản lĩnh chính trị khi nói về quan điểm, chủ trương chính sách và đường lối đối ngoại của Việt Nam với các nước trên chính trường quốc tế, mà còn trang bị những kĩ năng giúp nhiều thế hệ sinh viên ngoại giao khi ra trường thích nghi với môi trường công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tự hào về Ngoại giao có các thầy, cô giỏi và tâm huyết với nghề

Đúng như vậy, chúng tôi háo hức quay trở lại trường tri ân các thầy, cô giáo và cùng nhau ôn lại những kỉ niệm dưới mái trường DAV. Theo chia sẻ của phần đa các bạn, điều làm chúng tôi tự hào bởi đây là ngôi trường có nhiều thầy, cô giáo giỏi và tâm huyết với nghề, với đam mê.

Thầy Đỗ Sơn Hải – Nguyên Trưởng khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao.

“Đặc sản” của Ngoại giao là các môn học về chính trị, chúng tôi không thể không nhắc tới Thầy Đỗ Sơn Hải – Nguyên Trưởng Khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao – Đây cũng Khoa chủ chốt của nhà trường. Hình ảnh Thầy trên lớp giảng bài lồng ghép vào đó là những mẩu chuyện thực tế, hài hước giúp sinh viên có những trận cười thoải mái, quên nỗi buồn ngủ mà rất nhớ được bài học. Khi theo học môn học của Thầy, sinh viên luôn phải cập nhật tình hình chính trị trong nước và quốc tế, bởi chưa đầy 24 tiếng sau đây đã có thể coi là một phần thi "hóc búa".

Vào Ngoại giao, sinh viên được học các môn về Kinh tế quốc tế với Thầy Ngô Duy Ngọ và Thầy Nguyễn Văn Lịch. Chúng tôi được biết hai Thầy là đôi bạn thân trong cuộc sống hàng ngày và cả hai được gọi là những người Thầy “hắc ám” đối với sinh viên ngoại giao bởi sự nghiêm khắc trong mỗi buổi học, đặc biệt trong các buổi thi vấn đáp với những câu hỏi “khó đỡ”, và cách chấm điểm rất khắt khe với các bài tiểu luận, gây ra hàng loạt những “cái chết không báo trước” cho sinh viên Khoa Kinh tế, thế nhưng các thầy lại luôn rộng lòng, chỉ bảo tận tình cho sinh viên về hướng nghiên cứu khoa học, về cách thức đọc tin về quan hệ kinh tế quốc tế trên Worldbank (WB), International Monetary Fund (IMF).

Thầy Ngô Duy Ngọ (Bìa phải) và Thầy Nguyễn Văn Lịch chụp ảnh lưu niệm cùng học trò
nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 2016

Nhớ về môn Luật Quốc tế, sinh viên ngoại giao cũng không thể quên hình ảnh của Cô Phạm Lan Dung và Cô Lý Vân Anh tận tình trong mỗi giờ học; hay hình ảnh tâm huyết của Cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung khi giảng các môn học Lý luận chính trị và Thầy Phạm Thái Việt - Khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoại được Học viện mở thêm trong những năm gần đây.

Cô Phạm Lan Dung – Trưởng Khoa Luật Quốc tế.

Đặc biệt, nỗi sợ hãi với sinh viên ngoại giao là học ngoại ngữ rất “cực khổ”, các thầy, cô giao luôn đưa ra các bài nghe - nói rất khó và có tính thời sự cao trên các kênh BBC, CNN,…“Chúng tôi cảm thấy rất kinh hoàng. Thế nhưng, chính những yêu cầu khắt khe ấy đã giúp cho chúng tôi có động lực học tốt hơn và các thầy, cô ở Học viện vẫn luôn bao dung, kiên trì giúp đỡ sinh viên” - Đó là chia sẻ của cựu sinh viên Ngô Lê Văn, hiện đang công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương. Quả thực, các môn học ngoại ngữ vẫn luôn được coi là môn học “kinh điển” của Học viện gắn liền với tên tuổi của những người giảng viên giỏi, kỳ cựu như cô Chu Quỳnh Chi (Khoa tiếng Trung), cô Thùy Anh (Khoa tiếng Pháp), cô Trần Hương, cô Hải Yến và Thầy Hoàng Văn Hanh (Khoa tiếng Anh).

Học viện Ngoại giao - “Những cái chết không báo trước”. Đây vẫn là câu nói bất hủ của mỗi sinh viên khi nhớ về trường. Dù các thầy, cô giáo có khắt khe và nghiêm khắc đến như thế nào thì sinh viên ngoại giao vẫn luôn tự hào về mái trường có các thầy, cô tâm huyết và đam mê với nghề như thế.

Tự hào DAV - Ngôi trường giúp sinh viên phát triển kỹ năng làm công tác đối ngoại

Ở Ngoại giao, ngoài việc học tập môn chuyên ngành, chúng tôi còn được trang bị các kỹ năng cần thiết trong công tác đối ngoại như kỹ năng thuyết trình trước đám đông, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tổ chức và chủ trì hội nghị... Còn nhớ các chương trình mô phỏng lễ tân ngoại giao, về nghiệp vụ lễ tân ngoại giao, đàm phán quốc tế hay các phiên tòa giả định tạo môi trường tốt cho chúng tôi được trải nghiệm thực tế, tích lũy kiến thức.

Thầy, cô giáo và sinh viên DAV cũng luôn ý thức trong việc xây dựng hình ảnh của ngôi trường mang tên Ngoại giao với các hoạt động của Phòng Đào tạo; Phòng Công tác Chính trị và Quản lí Sinh viên; Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên. Nhắc tới các chương trình định hướng nghề nghiệp trong tương lai, rồi các chương trình đào tạo liên kết quốc tế với các trường Đại học như Victoria của New Zealand,… khiến chúng tôi nhớ tới hình ảnh của cô Nguyễn Thị Thìn – Nguyên Trưởng Phòng Đào tạo. Hay khi nhớ tới cô Trần Thị Thu Hà – Nguyên Trưởng Phòng Công tác Chính trị và Quản lí Sinh viên đã để lại cho nhiều thế hệ học trò ngoại giao nhiều kỷ niệm. Cô luôn xác định cho sinh viên: Để trở thành một cán bộ ngoại giao giỏi, cần trau dồi kiến thức về chuyên môn, tự rèn mình để có tư cách tác phong chuẩn mực và tự tin trong giao tiếp, đặc biệt sinh viên ngoại giao là phải giỏi ngoại ngữ.

Cô Trần Thị Thu Hà chụp hình cùng sinh viên ngoại giao.

Ngay từ năm nhất cô đã định hướng cho sinh viên từ những việc rất nhỏ như: Luôn đúng giờ, ăn mặc chỉn chu, thái độ ứng xử chuẩn mực. Bên cạnh đó, sinh viên ngoại giao đều có cơ hội tham gia các chương trình như: Tìm kiếm Tân Thủ lĩnh sinh viên - DAV’s Leaders, Miss DAV hay các chương trình nói chuyện với các nguyên thủ quốc gia,... đã tạo dấu ấn mạnh, thể hiện màu sắc của DAV, làm các sinh viên ngoại giao thấy tự hào hơn về ngôi trường của mình.

Cô Đỗ Tư Hiền - Nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện chụp hình
cùng sinh viên trong một hoạt động.

Sinh viên ngoại giao cũng luôn ý thức được trách nhiệm với xã hội, cộng đồng thông qua các hoạt động của Đoàn, Hội do Cô Đỗ Tư Hiền - Nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện dìu dắt. Các hoạt động như: Mùa hè xanh, Amazing Race,... thể hiện tinh thần tình nguyện, xung kích của tuổi trẻ; hay phát triển các Câu lạc bộ (CLB) giúp cho các bạn sinh viên có môi trường để học tập rèn luyện và thể hiện đam mê như CLB Âm nhạc, Lễ tân Ngoại giao, Nhóm bút, đặc biệt còn có CLB Vovinam,…

DAV Alumni Network – Sân chơi thể hiện nét đẹp truyền thống sinh viên ngoại giao

Điều đặc biệt hơn cả vào dịp 20/11 năm nay là Mạng lưới Cựu Sinh viên Học viện Ngoại giao (DAV Alumni Network) đã chính thức được ra mắt, trở thành cầu nối giữa các thế hệ sinh viên đang học tập tại trường với những cựu sinh viên, và kết nối chính các cựu sinh viên. “Nhà trường mong muốn đây không chỉ một ngày ôn lại kỷ niệm, mà hơn cả là có những hoạt động kết nối mọi người, hỗ trợ nhau công việc và trong cuộc sống, hơn thế nữa là cùng nhau khởi nghiệp ” - Thầy Nguyễn Hoàng Như Thanh - Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao bày tỏ. Bạn Đặng Thúy Hường, sinh viên 5 tốt cấp Học viện rất háo hức khi tham gia chương trình: "Em cũng như các bạn rất vui và tự hào được nghe các anh, chị cựu sinh viên chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác đối ngoại,...cũng như các kỹ năng cần thiết trong công việc sau khi ra trường".

Mạng lưới Cựu Sinh viên Học viện Ngoại giao (DAV Alumni Network) chính thức được ra mắt,...

Có thể thấy rằng, nhiều thế hệ sinh viên ngoại giao dù có những điểm riêng đặc trưng nhưng đều có điểm chung là sự dầy dặn về tri thức, rất năng động, khát khao cống hiến. Mỗi thế hệ đều giữ gìn và tiếp bước những nét đẹp truyền thống của sinh viên ngoại giao, cho đến khi ra trường công tác mỗi sinh viên đều thể hiện được lòng yêu nước, khát khao cống hiến cho xã hội, cho nhân dân, tinh thần cầu thị học hỏi tri thức và các kỹ năng để trở thành công dân quốc tế trong thời kỳ hội nhập.

..trở thành cầu nối giữa các thế hệ sinh viên đã và đang theo học tại trường.

Với khẩu hiệu “Năng động- Sáng tạo- Tầm nhìn”, sinh viên ngoại giao hôm nay luôn biết ơn công ơn dẫn dắt của các thế hệ nhà giáo ngoại giao, cùng nhau giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp, không phụ lòng kỳ vọng của các thế hệ thầy, cô giáo- những người gieo mầm hạt, những người “truyền lửa” luôn miệt mài tạo nên ngày càng nhiều hiền tài cho đất nước.

Thùy Giang – Kim Tiến

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam