Người đưa những quả chuối chín bình dân trở thành đặc sản

Khởi nghiệp | 10:04:00 25/11/2017

TNV - Cho đến nay, cơ sở sản xuất của anh Lê Văn Viện vẫn là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất trong huyện làm cho quả chuối Yên Châu từ bình dân trở thành đặc sản, được đông đảo người tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh lận cận biết đến, là món quà cho những người đi xa hoặc du khách mỗi khi đến thăm vùng đất được ngợi ca là “chuối ngọt, xoài thơm” Yên Châu.

 “Bén duyên” với những quả chuối bình dị  

Theo bố mẹ lên đất rừng Yên Châu (Sơn La) sinh cơ lập nghiệp năm 1995 khi 18 tuổi, trong 06 năm trời ở gia đình giúp bố mẹ làm bún và bánh phở giao cho các quán hàng ăn trong thị trấn huyện, chưa khi nào Viện nghĩ cuộc đời mình sẽ gắn với những buồng chuối đã trở nên quá đỗi bình dị với cuộc sống còn nghèo của bà con miền núi nơi đây.

          Tuy vậy, khi về xuôi học đại học, Lê Văn Viện đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về công nghệ sấy, công nghệ chế biến bảo nông sản quản sau thu hoạch ở Đại học Bách khoa và Viện nghiên cứu Rau quả với mong muốn nâng cao hiệu quả cho quả chuối Yên Châu.

Tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh - Đại học tế Quốc dân năm 2006, sau hơn 01 năm trăn trở, suy tư tìm kiếm việc làm nơi phố phường chật hẹp không mấy sáng sủa, anh quyết định khởi nghiệp chính tại mảnh đất Yên Châu – nơi bố mẹ anh đã đưa cả gia đình dời quê hương Hưng Yên lên định cư làm ăn sinh sống.

 




Chuối sấy dẻo và rượu chuối – đặc sản của Yên Châu – sản phẩm do doanh nghiệp của anh Viện
sản xuất tham gia trưng bày tại Đại hội Đoàn tỉnh Sơn La lần thứ 12, nhiệm kỳ 2017 – 2022.
Ảnh: Phạm Quỳnh.

Thấy bà con địa phương lâu nay vẫn nấu rượu chuối và sản xuất chuối sấy dẻo bằng phương thức thủ công nhỏ lẻ, anh nảy ra ý tưởng đầu tư sản xuất rượu chuối và chuối sấy dẻo qui mô sản xuất lớn có áp dụng máy móc và công nghệ hiện đại. Nghĩ là làm, tháng 9/2007, anh thành lập Công ty cổ phần rượu Việt – Pháp, xây dựng nhà xưởng triển khai hoạt động. Và từ đây những quả chuối chín Yên Châu đối với anh đã trở nên thân thiết như người bạn tri kỷ, anh đã “bén duyên” với những quả chuối bình dị ấy tự lúc nào.

Ban đầu, anh đầu tư lò sấy chuối bằng lò hơi thay thế cách sấy chuối thủ công truyền thống bấy lâu của bà con địa phương là phơi nắng và cách làm của gia đình là sấy trên vung máy bánh phở (để tận dụng nhiệt lượng). Nhờ vậy, sản phẩm chuối sấy dẻo của anh luôn đảm bảo vệ sinh, ổn định về sản lượng và chất lượng, do không phải phụ thuộc vào thời tiết.

 




Do sấy bằng điện nên sản phẩm luôn đảm bảo vệ sinh, ổn định về sản lượng, chất lượng
và không phụ thuộc vào thời tiết. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Năm tiếp theo, Lê Văn Viện mở rộng đầu tư nồi nấu rượu bằng hơi và tháp tinh chế để sản xuất rượu chuối mang thương hiệu Yên Châu đóng chai có tem nhãn mác theo qui chuẩn về xuất xứ hàng hóa, công bố hợp qui, hợp chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ưu điểm nổi bật của sản phẩm rượu chuối do Công ty cổ phần rượu Việt – Pháp sản xuất so với rượu do bà con địa phương sản xuất thủ công là không bị khê, nồng độ ổn định và đã được lọc tách loại bỏ độc tố, tạp chất.

Rượu sau khi chưng cất được ngâm ủ trong những téc inox, chum sành cho vị êm, hương dịu.
Ảnh: Phạm Quỳnh.

Do chịu ảnh hưởng của gió mùa tây nam nên Yên Châu có khí hậu khô nóng, số ngày nắng cao, thuận lợi cho phát triển cây lương thực, cây công nghiệp hàng năm và cây ăn quả nhiệt đới như xoài, chuối, nhãn...Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, chuối Yên Châu từ lâu đã nổi tiếng thơm ngọt, trọng lượng quả vừa phải; khi chín vỏ quả có màu vàng đỏ, vỏ mỏng có vị ngọt đậm và hương thơm đặc trưng. Cây chuối được trồng chủ yếu ở các xã dọc theo Quốc lộ 6 trên địa bàn huyện Yên Châu, với diện tích hiện có 434 ha và sản lượng trên 4 nghìn tấn mỗi năm; được Huyện ủy, UBND huyện Yên Châu coi là một trong bốn sản phẩm chủ lực cần được hỗ trợ đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến và đặc biệt là liên kết xây dựng chuỗi tiêu thụ.

Sản phẩm đặc trưng riêng có của đất Yên Châu

Tuy nhiên, để bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào, ngay từ năm 2011, Lê Văn Viện đã liên kết với 07 hộ nông dân ở hai xã Chiềng Hặc và Sặp Vạt trong huyện, cung cấp 20.000 cây giống cho bà con và thu mua chuối chín theo giá thị trường. Cây chuối giống được Viện nghiên cứu Rau quả nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô từ giống chuối bản địa nổi tiếng của Yên Châu, có ưu điểm sạch bệnh và cho năng suất cao hơn so với cây giống chia tách theo phương pháp truyền thống.

Cây được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô từ giống chuối bản địa,
cho ưu điểm sạch bệnh và cho năng suất cao hơn. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Với nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng cao và an toàn, hàng năm được anh Viện thu mua về theo buồng, để chín tự nhiên, rồi thuê mướn bà con trong các bản cận kề bóc vỏ, bổ dọc đôi, rắc men thật đều, đưa vào hũ ủ chừng 08 ngày cho ngấu kỹ là được chuyển vào nồi hơi chưng cất ra loại rượu chuối mang đặc trưng riêng có của đất Yên Châu, góp phần làm gia tăng giá trị cho nông sản.

Thuê bà con trong các bản cận kề bóc vỏ, bổ dọc đôi, rắc men thật đều,
đưa vào hũ ủ. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Tiếng là công ty rượu, nhưng do chưa mở rộng được khâu tiêu thụ, nên sản lượng mỗi năm chỉ đạt khoảng 22.000 lít, tương đương với 44.000 chai rượu chuối mang thương hiệu Yên Châu lưu thông trên thị trường, tập trung chủ yếu ở thị trường trong tỉnh - Lê Văn Viện (Giám đốc Công ty cổ phần rượu Việt – Pháp) cho biết.

Sản phẩm chủ lực của công ty lại là chuối sấy dẻo. Hiện nay, trong số 400.000 tấn chuối thu mua của bà con mỗi năm, thì có 300.000 tấn dùng để sản xuất chuối sấy dẻo. Do vậy năm 2016, giám đốc Viện đã đầu tư khoảng 500.000 triệu đồng mua 03 lò sấy chuối bằng điện thay thế lò sấy bằng hơi trước đây; nhờ đó đã đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ chuối sấy dẻo, rút ngắn thời gian mỗi mẻ sấy từ 16 tiếng xuống còn 06 tiếng đồng hồ.

 




Lê Văn Viện vận hành lò sấy chuối. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Theo ông Nguyễn Văn Điện (Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện), tuy qui mô sản xuất vẫn còn khiêm tốn, song cho đến nay cơ sở sản xuất của anh Lê Văn Viện vẫn là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất trong huyện làm cho quả chuối Yên Châu từ bình dân trở thành đặc sản, được đông đảo người tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh lận cận biết đến, là món quà cho những người đi xa hoặc du khách mỗi khi đến thăm vùng đất được ngợi ca là “chuối ngọt, xoài thơm” Yên Châu.

Được biết, ngoài quả ra thì hoa, cây và lá chuối cũng đã trở thành hàng hóa;  giá trị thu về từ chuối đạt trên 20 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong huyện có nguồn thu nhập ổn định./.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam