Quảng Ninh: Cần sớm thành lập Khu Bảo tồn đa dạng sinh học Quảng Nam Châu

Du lịch, Hồn việt | 10:16:00 27/07/2018

TNV - Với diện tích rừng tự nhiên lớn, liền khoảnh và chất lượng tương đối tốt, đây còn được coi là ngôi nhà chung của nhiều loài động vật sinh sống, trong đó có các loài thú. Do vậy, việc sớm triển khai để thành lập Khu bảo tồn đa dạng sinh học Quảng Nam Châu là điều rất cần thiết, và phù hợp với Kế hoạch bảo tồn ĐDSH giai đoạn 2016 – 2020 đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt.

Rừng tự nhiên lớn và liền khoảnh, có tiềm năng trong việc bảo tồn ĐDSH

Quảng Ninh được biết đến là tỉnh có sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, dạng địa hình và các hệ sinh thái. Chính sự đa dạng về hệ sinh thái đã hình thành nên tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao với nhiều nhóm các loài động vật, thực vật, thủy sinh vật vô cùng phong phú.

Khỉ mặt đỏ.

Khu vực Quảng Nam Châu nằm trên địa bàn xã Quảng Sơn và Quảng Đức (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) được ghi nhận là khu vực có diện tích rừng tự nhiên lớn và liền khoảnh, có tiềm năng trong việc duy trì, bảo tồn ĐDSH trong khu vực. Theo kết quả điều tra rừng tỉnh Quảng Ninh năm 2015, khu vực Quảng Nam Châu có khoảng 12.000 ha rừng tự nhiên, trong đó có hơn 9.700 ha rừng thường xanh phục hồi và trung bình, chiếm trên 80% tổng diện tích rừng tự nhiên trong khu vực.

Với  độ cao tuyệt đối từ 200 đến 1.500 m so với mặt nước biển, bao gồm các dãy núi cao, dạng bán bình nguyên. Đỉnh núi cao nhất trong khu vực được ghi nhận là đỉnh Quảng Nam Châu với 1.507 mét, các khu vực thấp hơn thường từ 600 đến 1.000 mét so với mực nước biển. Địa hình chia cắt nhiều tạo thành các dãy núi dài, liên tục, được bao phủ bởi thảm thực vật rừng tự nhiên, với tổ thành loài đa dạng và phong phú.

Chim phướn lớn.

Khu vực Quảng Nam Châu có hệ thống sông suối khá dày đặc như sông Kalong, sông Tấn Mài, sông Tài Chi và nhiều sông suối nhỏ khác. Nhìn chung, hệ thống sông suối chảy từ hướng Tây bắc ra Đông nam và đổ ra các xã ven biển. Đây là nguồn nước ngọt có trữ lượng lớn, bền vững, đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt trong khu vực.

Đây còn là nơi có trữ lượng nguồn nước ngầm khá lớn, đáp ứng cơ bản được nhu cầu tại chỗ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân địa phương. Việc đảm bảo và duy trì nguồn nước ngầm, hạn chế tối đa dòng chảy mặt trong khu vực, có liên quan nhiều tới vai trò của hệ thống rừng phòng hộ tự nhiên trong khu vực Quảng Nam Châu. Do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm quản lý có hiệu quả hơn diện tích RTN này.

Dấu vết cào cũ của Gấu ngựa trên thân cây.

Kết quả khảo sát thực địa trên tuyến điều tra tại khu vực nghiên cứu cũng cho thấy hiện trạng RTN ở Quảng Nam Châu còn tương đối tốt, một số vùng gần như nguyên sơ, chưa thấy có nhiều dấu hiệu tác động của con người. Đặc điểm chung ở các khu vực này đó là cách xa bìa rừng, đường giao thông chính khoảng từ 10 – 20 km, độ cao tương đối so với mặt nước biển khoảng 700 mét, thảm thực vật dày, cấu trúc tầng tán với nhiều loài cây gỗ lớn…Đây cũng là những khu vực phát hiện và ghi nhận nhiều thông tin của các loài thú lớn như Khỉ mặt đỏ, Khỉ vàng, Lợn rừng, Gấu ngựa …

Hệ thú tương đối đa dạng và phong phú cả về cấp bộ, họ và loài.

Khi so sánh tính đa dạng sinh học khu hệ thú trên phạm vi toàn tỉnh cho thấy, về cơ bản khu hệ thú ở Quảng Nam Châu tương đối đa dạng và phong phú cả về cấp bộ, họ, và loài. Tổng số họ các loài thú ghi nhận được ở Quảng Nam Châu là 14 trên tổng số 21 họ đã ghi nhận ở toàn tỉnh, chiếm khoảng 66%; tương tự số loài ghi nhận trong khu vực nghiên cứu so với trên toàn tỉnh là 23/69, chiếm khoảng 35%.

Ếch cây đốm.

Trong tổng số 23 loài thú ghi nhận được tại Quảng Nam Châu trong thời gian nghiên cứu, chỉ những loài thú quan trọng, có ưu tiên đặc biệt cho bảo tồn (loài đặc hữu, loài được ưu tiên bảo tồn theo các văn bản pháp luật của nhà nước, loài thú lớn, loài có vùng phân bố rộng, loài đang bị khai thác mạnh… ) sẽ được lựa chọn để xác định vùng phân bố. Cụ thể bao gồm: Các loài thú thuộc bộ Linh Trưởng, bộ Ăn Thịt, bộ Gặm Nhấm, và bộ Móng Guốc.

Theo khảo sát, tại khu vực nghiên cứu ghi nhận có 03 loài thú Linh trưởng. Trong đó, đàn Khỉ vàng với khoảng 30 cá thể, phân bố chủ yếu ở khu rừng phía tây  thuộc các khoảnh 7,8,9, tiểu khu 304 và khoảnh 17 tiểu khu 303; loài Khỉ mặt đỏ, có số lượng khoảng 10 cá thể, phân bố tập trung ở khu vực rừng xã Quảng Đức, các khoảnh 11,13 thuộc TK 302 và khoảnh 1,2 – tiểu khu 305 và một số khu vực khác. Là loài kiếm ăn rộng, thường xuyên di chuyển, do đó địa bàn phân bố khá rộng khắp.

Mẫu vật xương sọ khỉ mặt đỏ ở nhà dân (thu nhận năm 2011).

Từ dấu vết cào trên cây và người dân kể, có thể khẳng định sự có mặt của một trong hai loài gấu ở khu vực Quảng Nam Châu; ước tính cá thể gấu này nặng khoảng 60 – 70kg, lông dài và xù, phỏng đoán là cá thể Gấu ngựa được xếp vào bậc EN trong Sách Đỏ Việt Nam 2007. Điều này có nghĩa là số lượng cá thể của chúng ngoài thiên nhiên đã suy giảm nghiêm trọng, chúng được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm mọi hình thức săn bắt buôn bán.

Người dân tại 2 xã Quảng Sơn và Quảng Đức cũng xác nhận, hiện tại đang còn 01 cá thể Báo hoặc Hổ xuất hiện tại Quảng Nam Châu. Vào năm 2016 người dân sống ven khu vực núi Xẻ còn ghi nhận Hổ đã về bắt lợn của người dân. Trên cơ sở khảo nghiệm thực tế và tài liệu nghiên cứu trước đây, có thể loài được người dân đề cập tới là Báo lửa. Bởi, khu vực này là nơi ghi nhận có các loài thú nhỏ thuộc bộ Gặm Nhấm và bộ Guốc Chẵn còn khá nhiều, chúng được coi là con mồi, là nguồn thức ăn của Báo Lửa.

Sóc đen.

So với các loài thú khác trong bộ Ăn thịt thì có thể nói số lượng các loài trong họ Cầy là còn tương đối nhiều, bao gồm cả Cầy hương. Theo người dân địa phương, vào tháng 5 và 6 là thời gian một số quả rừng chín, như quả cây Móc, là một trong những loại thức ăn của Cầy hương. Tại đây, các dấu vết rơi rụng thức ăn ngoài thực địa vẫn còn được ghi nhận khá nhiều, từ đó có thể xác định khu vực phân bố của Cầy hương hiện đang phân bố ở một số khu vực tại khoảnh 15, 16 thuộc TK 302.

Trong thời gian điều tra thực tế, Sóc đen là loài được bắt gặp nhiều, ít nhất là 3 cá thể. Tại đây, Sóc đen là đối tượng đang bị săn bắn khá nhiều. Sóc đen được ghi nhận ở các dạng sinh cảnh rừng thường xanh trung bình, phục hồi, và hỗn giao, trong đó sinh cảnh Rừng thường xanh trung bình được ghi nhận nhiều nhất.

Các mối đe dọa và giải pháp bảo tồn đối với khu hệ thú

Theo ghi nhận của đoàn khảo sát, hiện tượng người dân xâm phạm trái phép vào khu vực Quảng Nam Châu để săn bắn, sử dụng bẫy và chó săn để săn bắt động vật trong rừng vẫn diễn ra.  Ngoài ra, các hoạt động trong khu vực Quảng Nam Châu như khai thác gỗ trái phép, thu hái lâm sản ngoài gỗ, khai thác đá, chăn thả gia súc cũng tác động xấu tới sinh cảnh khu trú của hệ thú và các loài động vật rừng.

Mẫu vật sừng hoẵng ở nhà dân (thu nhận năm 2009).

Đặc biệt, hoạt động chăn thả gia súc tự do sẽ gây ảnh hưởng tới sự tồn tại của khu hệ thú, bởi không những cạnh tranh trực tiếp về nơi sống và thức ăn mà còn có thể là nguyên nhân gây nên các bệnh truyền nhiễm tới các loài động vật khác trong rừng. Do đó, việc triển khai phương án QLBVR, kiểm soát chặt chẽ hoạt động chăn thả gia súc tự do trong khu vực cũng được coi là giải pháp quan trọng trong nỗ lực xây dựng và quản lý các chương trình bảo tồn đa dạng sinh học trong tương lai.

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn ĐDSH nói chung cũng như bảo tồn khu hệ thú nói riêng, trong thời gian tới cần xem xét và ưu tiên triển khai một số nội dung sau:

- Rà soát, nghiên cứu, bổ sung và làm rõ tính ĐDSH trong khu vực, tiến tới mục tiêu xây dựng và thành lập khu bảo tồn Quảng Nam Châu. Một số nhóm loài sinh vật cần ưu tiên triển khai nghiên cứu trong thời gian tới như: Khu hệ bò sát, ếch nhái, nhóm loài cây LSNG… Hiện tại, các nhóm loài sinh vật này đang được ghi nhận tại thực địa, do đó tính khả thi cao, hơn nữa một số loại trong nhóm loài này cũng đang là đối tượng bị khai thác, xâm hại mạnh, đặc biệt là các loài cây LSNG như Ba kích (Mã kích) rừng, Bảy lá một hoa, Củ ba mươi…

- Các loài thú quan trọng chủ yếu phân bố ở những khu vực rừng tự nhiên trung bình, diện tích rộng và liền khoảnh, có nhiều cây gỗ lớn. Tuy nhiên, đây cũng là những khu vực có sự tác động của con người, trực tiếp xâm hại tới thành phần loài và sinh cảnh sống của chúng. Do đó, cần thiết phải tăng cường công tác tuần tra, xử lý, đồng thời tiếp tục bảo tồn nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có.

Bà con địa phương khai thác trái phép lâm sản ngoài gỗ.

Đối với công tác quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học, cần thực thi nghiêm chỉnh luật pháp về rừng và đất lâm nghiệp; có biện pháp ngăn ngừa, đấu tranh có hiệu quả tình trạng vào rừng săn bắt trái phép và xâm phạm tài nguyên rừng trong khu vực.

Đồng thời tăng cường hoạt động tuần tra, giúp phát hiện sớm các hoạt động trái phép của người dân, qua đó kịp thời có các biện pháp xử lý kiên quyết hơn; xây dựng, bố trí các chốt bảo vệ xung quanh phạm vi khu vực, đặc biệt là ở những điểm giao cắt, điểm giáp ranh, luân chuyển giữa các xã, giúp cho việc dễ dàng kiểm soát người dân vào rừng trái phép, hạn chế tác động tiêu cực đến rừng.

Bên cạnh đó, chú ý công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân tại các xã xung quanh khu vực; góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, từ đó làm thay đổi hành vi của họ trong việc ứng xử với tài nguyên thiên nhiên.

Một số dụng cụ săn bắt thu giữ được.

Cuối cùng trong báo cáo ĐDSH khu hệ thú tại khu vực Quảng Nam Châu do Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Phân viện Điều tra, Quy hoạch rừng Tây Bắc Bộ triển khai vào tháng 6/2017 đã khuyến nghị: Quảng Nam Châu là vùng núi phía bắc, tiếp giáp biên giới với Trung Quốc, có vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng. Mặt khác, đây cũng là khu vực có vai trò quan trọng trong phòng hộ, điều tiết nguồn nước ngầm và ổn định môi trường sinh thái khu vực huyện Hải Hà. Với diện tích rừng tự nhiên lớn, liền khoảnh và chất lượng tương đối tốt, đây còn được coi là ngôi nhà chung của nhiều loài động vật sinh sống, trong đó có các loài thú. Do vậy, việc sớm triển khai để thành lập Khu bảo tồn đa dạng sinh học Quảng Nam Châu là điều rất cần thiết, và phù hợp với Kế hoạch bảo tồn ĐDSH giai đoạn 2016 – 2020 đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt./.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam