Rộn ràng làng nghề may đo veston Từ Thuận

Doanh nhân, | 10:47:00 05/01/2018

TNV - Đến làng nghề may Từ Thuận vào dịp cuối năm này, đâu đâu cũng thấy rộn ràng của tiếng máy may, máy đột nẹp, thùa khuyết…; rộn ràng những chuyến xe từ nhiều địa phương hối hả về ăn hàng.

Mang nghề, mang hàng về quê truyền lại cho con cháu

Theo người dân làm nghề may làng Từ Thuận (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên – Hà Nội), từ những năm 1988 các ông Nguyễn Trung Lai (giáo viên  trường dạy nghề may Hà Nội), ông Nguyễn Văn Hòa, Dương Văn Dũng, Đào Văn Dự, Đào Văn Phúc…làm ở các công ty, HTX và các cửa hàng may lớn ở thành phố Hà Nội khi nghỉ hưu đã có tâm nguyện mang nghề, mang hàng về quê truyền lại cho con cháu trong làng ngoài xã.

Lê Văn Thịnh (người mặc áo veston) đang điều hành sản xuất. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Các ông đã dạy (không thu học phí) nhiều lớp tại nhà và 2 khóa học do UBND xã tổ chức, đào tạo ra trên 70 thợ có trình độ làm hàng sơ - trung cấp; học xong, các ông tạo công ăn việc làm và tiếp tục dạy nâng cao tay nghề làm hàng may xuất khẩu cao cấp. Nhờ vậy, trong thời gian nông nhàn gần 100 lao động mới học nghề đã có thêm việc làm để cải thiện cuộc sống vào thời điểm đó khó khăn lúc bấy giờ.

Đến năm 1989, nhận thấy nhu cầu ăn mặc của người dân tăng lên, hàng cao cấp comple – veston trở thành gu thời trang thiết yếu của rất nhiều người; gia đình ông Nguyễn Trung Lai đã mạnh dạn nhận hàng comple về và mời các ông cao tuổi trong làng có tay nghề cao như: Ông Dũng, ông Hòa, ông Phượng, ông Phúc, ông Dự…về tập trung tại nhà ông để làm.

Sau một thời gian thử nghiệm cho kết quả khả quan, các ông đã tập hợp các thợ may hàng xuất khẩu giỏi trong làng để dạy làm hàng comple. Được các ông truyền lại, các thợ giỏi của làng có sức khỏe và có điều kiện đã ra Hà Nội liên hệ các cửa hàng may lớn ở phố Tràng Tiền, Hàng Trống, Bạch Mai, Khâm Thiên…để nhận hàng về quê để làm. Theo năm tháng, số lao động làm may ngày càng tăng, số gia đình làm may càng nhiều, hình thành nên nghề may comple của làng Từ Thuận.

Đầu tư máy ép mếch hiện đại trị giá 500 triệu đồng. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Từ năm 1992 trở lại đây, nghề may Vân Từ nói chung, nghề may comple của làng nghề Từ Thuận nói riêng bắt đầu phát triển đa dạng với các mặt hàng may đo, may sẵn, hàng thời trang, hàng chợ...; phục vụ cho người dân ở mọi tầng lớp đều có thể biến niềm mong ước có được bộ comple –veston trở thành hiện thực. Nhờ vậy, năm 2002, nghề may làng Từ Thuận đã được công nhận trở thành làng nghề.

Trước đó, từ năm 1990, khi đa phần cuộc sống của nhân dân trong làng được cải thiện nhờ nghề may, bà con làng may đã bảo nhau lấy ngày 12 tháng chạp hàng năm làm ngày giỗ tổ nghề; để tưởng nhớ công đức tổ nghề và các bậc tiền bối có công lưu truyền và rút kinh nghiệm sau một năm lao động vất vả, chủ và thợ thanh toán tiền công cùng vui vẻ chuẩn bị đón tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc.

Nguồn thu nhập chính của 59% số hộ làng nghề

Hiện nay xã Vân Từ có 2 thôn là Từ Thuận và thôn Chung được công nhận làng nghề may truyền thống và trên 50 chủ may lớn nhỏ. Nhiều gia đình kinh tế khá giả đã thành lập công ty, đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại chuyên dùng vào sản xuất như: Máy may bàn là công nghiệp, máy thùa khuyết, máy ép mếch, máy đột nẹp và một số thiết bị công nghiệp khác phục vụ cho nghề may giá trị lên tới hàng tỷ đồng.

Nguyễn Văn Dậu (người đang đứng) tươi cười giới thiệu xưởng may đang vào mùa bận rộn. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Với đa dạng mẫu mã, kiểu dáng, từ bình dân đến cao cấp, sản phẩm comple của làng nghề đã thỏa mãn được đông đảo nhu cầu người tiêu dùng và các thương gia trên cả nước. Hàng chục cơ sở may của làng có mối hàng lớn doanh thu từ 300 – 500 triệu đồng/năm, nhiều doanh nghiệp trong làng có doanh thu từ 1 tỷ - 4 tỷ đồng mỗi năm; tiêu biểu như: Công ty TNHH May mặc Ngọc Thịnh, Doanh nghiệp May Hùng Luyến, HTX May thời trang cao cấp Thuận Thành, Công ty may Hồng Ngọc, Nhà may Minh Ký, Nhà may Hùng Hòa, Công ty may Sao Việt, Công ty TNHH Hoàng Gia, Nhà may Tiến Thành, Công ty XNK may mặc Dậu Trang…

Tiếng lành đồn xa, đến nay, nghề may của làng đã được lan truyền rộng rãi trên thị trường; điều kiện kinh tế của các hội viên ngày càng cải thiện và phát triển, nhiều hội viên đã vươn ra nhận đơn hàng ở các tỉnh, thành phố về may đo và làm gia công, một số hội viên đã tự bỏ vốn mở cửa hàng may tại xã và các tỉnh thành phố như: Hà Nội, Quảng Ninh, Điện Biên, Hòa Bình…

Máy thùa khuyết chuyên dụng trị giá 280 triệu đồng. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Ngoài ra, sản phẩm may của làng nghề còn được giao bán cho các đại lý lớn, giới thiệu quảng bá tại các hội chợ do Bộ Công thương và Sở Công thương của các tỉnh, thành phố tổ chức.

Ông Nguyễn Thanh Xuân (Bí thư Đảng ủy xã) nói: Nhờ vậy, nghề may đã phát triển lan rộng ra cả 8/8 thôn trong xã tạo việc làm ổn định cho 1.723 lao động và mang lại nguồn thu nhập chính cho với 780 hộ/1.809 hộ (chiếm 43,1%) số hộ làm nghề may (trong đó, làng Từ Thuận có 59% số hộ làm nghề may mặc); với tổng thu năm 2015 là 81,5 tỷ đồng (chiếm 45%), năm 2016 là 87 tỷ đồng (chiếm 46%) và năm 2017 đạt 96,9 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 49% tổng giá trị sản xuất cả xã).

Xuất hiện nhiều chủ may trẻ, có trí tuệ và tâm huyết với nghề

Nằm ngay trục đường chính khu vực trung tâm xã, hàng chục công nhân Công ty THHH May mặc Ngọc Thịnh đang hối hả với các công đoạn may, là, đột, cắt…; hàng trăm bộ comple phẳng phiu, mới coóng được treo thành các dãy dài đợi ngày xuất đi các tỉnh.

Tuy mới thành lập tháng 5/2016, nhưng Công ty may mặc Ngọc Thịnh của chàng trai Lê Văn Thịnh (34 tuổi) là doanh nghiệp có qui mô sản xuất và doanh số lớn nhất nhì trong làng, với khoảng 200 đầu máy, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương.

Chủ cơ sở Dương Hồng Văn đang hướng dẫn cho công nhân trẻ may áo texido (chuyên cho chú rể).
Ảnh: Phạm Quỳnh.

Do mạnh dạn đầu tư 20 máy chuyên dùng hiện đại trị giá gần 2 tỷ đồng, nên sản phẩm của doanh nghiệp đã vươn ra có mặt ở 25 tỉnh, thành; trong đó hàng may đo sẵn và nhận theo hợp đồng chiếm 90%, 10% còn lại là may đo lẻ.

Sinh ra và lớn lên ở làng Từ Thuận, nên vợ chồng Nguyễn Văn Dậu và Nguyễn Thị Huyền Trang đã học nghề may từ năm học lớp 6, đến năm 2014 khi thành lập Công ty XNK may mặc Dậu Trang, tính ra anh chị đã có ngót nghét 20 năm tuổi nghề.

Theo chị Trang, bình quân mỗi năm doanh nghiệp sản xuất gần 10 ngàn sản phẩm chuyên về comple nam, với 3 dòng thời trang dành cho lứa tuổi trung niên, thanh niên và trẻ em dưới 10 tuổi. Anh Dậu vừa đi Hà Đông giao 60 bộ veston mẫu trẻ về nói thêm, ngày mai lại chuyển đi Quảng Ninh hơn 50 bộ veston mẫu trẻ, cuối năm hàng nhiều nên công việc lúc nào cũng bận rộn.

Gần 12h trưa, 15 công nhân Xưởng may Văn Hương vẫn đang say sưa làm việc. Anh Dương Hồng Văn (Chủ cơ sở) đang căm cụi hướng dẫn cho công nhân trẻ Dương Thu Trang và Trần Thị Dung may áo texido (chuyên cho chú rể).

Mời chúng tôi vào ngôi nhà khang trang mang dáng dấp biệt thự nằm đối diện xưởng may và cũng là thành quả do xưởng may đem lại. Anh Văn (sinh năm 1981) cho biết, năm 13 tuổi đã học nghề từ ông nội, năm 2001 lên phố Minh Khai (Hà Nội) mở nhà may, nhưng thấy không ổn lắm, đến năm 2004 bèn về quê lập xưởng, công việc làm ăn từ đó cũng khá hơn.

Trên đường đưa chúng tôi thăm làng nghề, Bí thư Đoàn xã Hoàng Đức Ngọc mừng rỡ cho biết, đây là 3 gương mặt tiêu biểu trong số vài chục doanh nhân trẻ năng động, dám mở xưởng đầu tư, xông xáo tìm kiếm khách hàng, sản xuất kinh doanh có hiệu quả của làng nghề; đặc biệt, ngày càng xuất hiện nhiều chủ may trẻ tuổi, có tay nghề cao, trí tuệ và tâm huyết với nghề.

***

Đến làng nghề may Từ Thuận vào dịp cuối năm này, đâu đâu cũng thấy rộn ràng của tiếng máy may, máy đột nẹp, thùa khuyết…; rộn ràng những chuyến xe từ nhiều địa phương hối hả về ăn hàng./.

Phạm Quỳnh

 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam