Phù Yên – vui mùa quả ngọt

Doanh nhân, Doanh nhân, | 14:22:00 09/01/2018

TNV - Theo Quốc lộ 37 qua xã Mường Thải vào những ngày cuối năm này, chúng tôi được chiêm ngưỡng những vườn đồi cây trái đẹp như trong chuyện cổ tích, với cơ man nào là cam, là bưởi cùng khoe sắc tỏa hương chín vàng đung đưa ngay bên đường, tưởng như chỉ khẽ chạm tay là hái được. Phù Yên – vùng đất mà hơn 500 năm về trước được vua Lê Thái Tổ ra chiếu gọi là châu Phù Hoa của núi rừng Tây Bắc - đang vui mùa quả ngọt. 

Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý “Cam Phù Yên”

Nằm ở phía đông tỉnh Sơn La, từ vài năm gần đây huyện Phù Yên được biết đến là “thủ phủ” của các loại cây ăn trái có múi như cam, bưởi, quýt; bởi diện tích lớn nhất tỉnh, lại được trồng ở độ cao từ 300m – 400m so với mặt nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, nên “Cam Phù Yên” có chất lượng ngon, ngọt, mẫu mã quả sáng đẹp, chiếm được cảm tình của đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tìm đến.

Được thiên nhiên ưu đãi về đất đai và khí hậu, cộng với đức tính cần cù, nỗ lực vươn lên, từ năm 2001 đến nay, tại các xã Mường Thải, Mường Cơi và Tân Lang nhiều hộ gia đình tự đầu tư vốn để trồng cam, quýt và đã cho kết quả thu nhập cao. Điển hình như hộ: Ông Đỗ Văn Ích (xã Mường Thải) với diện tích 1,3 ha cây cam đường Canh, cam Vinh từ năm 2012 đến nay đã cho thu nhập ổn định hàng năm từ 500 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Ngân (xã Mường Thải), 3 năm nay thu bình quân 600 - 800 triệu đồng/năm từ 2,0 ha cam; bà Nguyễn Thị Yến (xã Mường Cơi) với diện tích 1,0 ha trồng cây quýt ngọt, từ năm 2011 đến nay đã cho thu nhập ổn định mỗi năm từ 300 - 500 triệu đồng; và ông Hoàng Văn Tễu, Đỗ Văn Bích, Hoàng Văn Đang cũng đều ở xã Mường Thải…

Trao chứng nhận nhãn hiệu “Cam Phù Yên” cho các hộ sản xuất cam đạt tiêu chuẩn. Ảnh: P.Y.

Theo số liệu của UBND huyện, sản lượng thu hoạch của cam, quýt và bưởi trong năm 2017 đều có sự tăng đột biến so với năm trước, dao động từ 59 – 98%; trong đó, cam là cây chủ lực có diện tích lớn nhất (75 ha cho thu hoạch), cho sản lượng nhiều nhất (1.500 tấn) và có mức tăng mạnh nhất (98% = 744 tấn) so với năm 2016.

Do địa hình gồm các dãy núi cao, độ dốc lớn, độ cao trung bình 500m so với mặt nước biển, nên 6 xã là Mường Thải, Mường Cơi, Mường Lang, Mường Do, Mường Bang, Tân Lang được triển khai trồng cây ăn trái có múi theo Đề án Chuyển đổi cây trồng trên đất dốc huyện Phù Yên giai đoạn 2017 - 2020.

Bởi vậy, 3 năm gần đây, huyện Phù Yên đã tập trung một số nguồn vốn (30a, nông thôn mới, sự nghiệp kinh tế) hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi đất vườn đồi kém hiệu quả sang trồng mới được 56ha cam, 3ha quýt, 88ha bưởi và 40ha chanh leo. Định hướng đến năm 2020, diện tích cây ăn quả trồng mới của huyện đạt 793ha; hình thành nên vùng cây ăn trái có múi tập trung, chuyên canh hàng hóa lớn trong tỉnh và khu vực.

Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, tỉnh Sơn La và huyện Phù Yên dán tem lên sản phẩm “Cam Phù Yên”. Ảnh: P.Y.

Anh Phan Quý Dương (Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện) cho biết, tại Phù Yên có 2 giống cam chính đang được trồng là cam đường Canh và cam Vinh; năng suất trung bình của cam đường Canh là 20 tấn/ha, của cam Vinh là 24 tấn/ha; mang lại thu nhập cho bà con trồng cam từ 300 – 600 triệu đồng/ha. Cây cam đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho hàng trăm hộ dân, nhiều hộ gia đình trồng cam có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, một số hộ có thu nhập ngót nghét tỷ đồng/năm.

Bên cạnh việc hỗ trợ bà con xây dựng qui trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ về cây giống (bưởi Diễn 23.744 cây, cam Vinh 21.228 cây) và về bao bì, tem nhãn gắn lên sản phẩm của bà con từ phía Phòng Nông nghiệp huyện; cũng trong năm 2017, Trạm Khuyến nông huyện đã tổ chức 05 lớp tập huấn cho hơn 200 hộ về các biện pháp sinh học chăm sóc trên cây cam, kỹ thuật bón thúc cho cam trước khi ra hoa và các biện pháp trị nấm bệnh bùng phát trên cây cam sau đợt mưa lũ lịch sử gây thiệt hại cho Sơn La. Chị Bạc Cầm Thị Xiêng (Trưởng Trạm Khuyến nông huyện) nói thêm.

Với mục tiêu xây dựng thương hiệu, để sản phẩm cam của bà con tiêu thụ ổn định, tránh bị tư thương lợi dụng ép giá, UBND huyện Phù Yên đã chủ động kinh phí triển khai Dự án Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cam Phù Yên” cho sản phẩm cam quả của huyện Phù Yên; đồng thời hỗ trợ bà con liên kết thành lập hợp tác xã, chi hội ngành nghề nhằm khuyến khích bà con phát triển diện tích và giữ gìn chất lượng sản phẩm cây ăn trái có múi trên địa bàn toàn huyện.

Hiện nay, HTX cam Văn Yên là đơn vị đầu tiên và duy nhất của huyện Phù Yên liên kết 15 hộ nông dân sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: P.Y.

Ngày 04/12/2017, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Cam Phù Yên” cho sản phẩm cam quả của huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La; và ngày 16/12/2017, UBND huyện Phù Yên đã long trọng tổ chức lễ công bố và đón nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Cam Phù Yên” để giới thiệu sản phẩm “Cam Phù Yên” với người tiêu dùng trên thị trường cả nước. Đây là niềm vinh dự đối với hàng ngàn hộ trồng cam trong huyện; là cơ hội để khẳng định, bảo vệ và nâng cao uy tín của sản phẩm Cam Phù Yên trên thị trường.

Theo Bí thư Huyện ủy Lương Như Hoa, sau khi công bố và đón nhận nhãn hiệu chứng nhận “Cam Phù Yên”, huyện sẽ thực hiện quản lý nhãn hiệu theo quy chế đã ban hành; không lấy sản phẩm từ nơi khác trà trộn vào sản phẩm của địa phương, gây mất uy tín của thương hiệu cam Phù Yên; tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh cam; xây dựng vườn ươm giống; hỗ trợ nhân dân đầu tư sản xuất để đưa cây cam nói riêng và các loại cây ăn quả có múi nói chung, trở thành cây trồng chính, mang hiệu quả kinh tế cao, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2020 diện tích trồng cam trên địa bàn huyện đạt trên 500 ha, làm cơ sở cho việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý Cam Phù Yên.

 Vui mùa quả ngọt

Theo chân cán bộ Khuyến nông huyện tới thăm hộ nông dân Trần Quốc Toản ở bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi. Đây là hộ thứ hai trong huyện đưa giống quýt ngọt về trồng, nhưng lại là hộ có diện tích, sản lượng và thu nhập từ quýt ngọt lớn nhất không chỉ trong huyện mà cả tỉnh hiện nay. Do trồng ở sườn đồi cao và dốc, nên Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La đã tài trợ cho anh hàng ngàn mét đường ống dẫn nước tưới nhỏ giọt cho đồi quýt vào mùa khô.

Đồi quýt ngọt của gia đình anh Toản (người đứng đầu tiên từ trái qua phải) tuy đã vào cuối mùa thu hái, nhưng cả một dải đồi vẫn ánh lên màu vàng rực của quả chín. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Sau khi đon đả mời chúng tôi nếm thử những trái quýt vàng rộm, ngọt mát vừa hái, anh Toản đưa chúng tôi lên thăm đồi quýt sau nhà. Tuy đã vào cuối mùa thu hái nhưng cả một dải đồi vẫn ánh lên màu vàng rực của quả chín, hòa cùng màu xanh của cây lá như reo vui trong gió, xua đi cái giá lạnh ngày cuối năm. Ngắm nhìn đồi quýt trải dài xa hút, thành quả của bao ngày tháng vun trồng khó nhọc, vài năm nay mỗi năm đều cho gia đình khoản thu gần 500 triệu đồng, chúng tôi không ngờ rằng nơi đây, 7 năm về trước là vạt đồi trồng ngô xen lẫn với tre, bương, nhãn và cỏ dại lúp xúp - chỉ đủ để trang trải cuộc sống đạm bạc cho gia đình.

Nhờ nguồn thu từ 3 vụ quýt ngọt, gia đình anh đã trả hết 300 triệu đồng vay mượn để đầu tư vào đồi quýt, mua sắm máy giặt, ti vi, tủ lạnh… cải thiện đáng kể đời sống sinh hoạt của gia đình. Ngoài ra, anh còn mua một máy xúc giúp gia đình chị gái có thêm việc làm và thu nhập. Anh Toản khiêm tốn chia sẻ.

Trên đường về thị trấn huyện, chúng tôi ghé vào thăm một số vườn đồi trồng cam, bưởi đẹp như tranh vẽ ở xã Mường Thải nằm dọc theo Quốc lộ 37. Ông Nguyễn Văn Ngân – Giám đốc HTX Văn Yên, xã Mường Thải – giao lại việc đóng gói cam xuất về Hà Nội cho vợ con, vui vẻ dẫn chúng tôi đến thăm vườn bưởi sai trĩu, chín vàng của hộ ông Mai Văn San, đồi cam rộng 4,0ha đang vào mùa hái quả của gia đình ông Nguyễn Văn Tuân…

Vườn bưởi của hộ ông Mai Văn San. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Vừa bán cam bên đường, vừa pha ấm trà mời khách, ông Tuân chậm rãi nhớ lại: Năm 2012, vợ chồng ông bán hết đàn bò 27 con, đàn dê gần 30 con được hơn 200 triệu đồng và vay thêm Ngân hàng chính sách xã hội huyện 30 triệu đồng, dốc toàn bộ vào bạt cấp đồi, đào hố, ủ phân để trồng cam. Nhờ táo bạo chuyển đổi từ chăn nuôi sang trồng cây ăn quả có múi, đến nay gia đình ông Tuân đã có 4ha cam các loại và 620 gốc bưởi có diện tích gần 0,5ha; trở thành hộ có diện tích cam lớn nhất huyện.

Vụ cam trước, mới có 1,2ha trồng đợt đầu là cho sản phẩm bói được 06 tấn quả thu về 140 triệu đồng; vụ cam năm nay đã thu được 20 tấn, ước trên cây còn khoảng 5 tấn quả, thu nhập từ cam cầm chắc gần 450 triệu đồng. Cứ với đà này, vụ sau có thêm 2,0ha cho quả bói và 0,5ha bưởi cho thu bán, thì doanh thu cả thảy cũng gần 1 tỷ và sẽ tăng lên ở mấy năm tiếp theo – ông Tuân phấn khởi nhẩm tính.

 

ƯÔng Tuân (bên trái) và vườn cam của gia đình đã cuối vụ thu hái quả. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Có thu nhập từ cây cam, ông Tuân trả ngay khoản vay ngân hàng, dành một phần để đầu tư chăm sóc đồi cam, một phần gửi tiết kiệm phòng khi đau ốm, một phần cải thiện đời sống sinh hoạt hàng ngày sau bao năm khó khăn, thiếu thốn. Đặc biệt, hai năm gần đây, mỗi dịp về thăm quê ở Văn Giang (Hưng Yên) ông cũng thấy mát dạ hơn, bởi gia đình, họ hàng và bà con hàng xóm mừng cho ông có cuộc sống khấm khá, dư dả sau hàng chục năm biền biệt xa quê làm ăn vất vả.

Ông Đinh Đức Quy (Chủ tịch UBND xã Mường Thải) cho hay, hơn 100 hộ trong xã đầu tư trồng cam, quýt nên có nguồn thu nhập khá cao và ổn định hàng năm, có đủ tiền nuôi con ăn học, mua sắm tiện nghi đắt tiền trong gia đình, xây dựng được nhà cửa khang trang; nhiều hộ đã trở nên giàu có, thực sự trở thành những điển hình làm kinh tế, mua sắm xe 4 chỗ, xe tải, như hộ ông Ích, bà Hoa, ông Bích…Đặc biệt, chàng thanh niên Triệu Tiến Mừng (dân tộc Dao) ở bản Khe Lạnh, từ hộ nghèo đã vươn lên khá giả nhờ trồng cam.

 

Những trái cam tươi ngon bày bán ngay bên Quốc lộ 37. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Theo Quốc lộ 37 qua xã Mường Thải vào những ngày cuối năm này, chúng tôi được chiêm ngưỡng những vườn đồi cây trái đẹp như trong chuyện cổ tích, với cơ man nào là cam, là bưởi cùng khoe sắc tỏa hương chín vàng đung đưa ngay bên đường, tưởng như chỉ khẽ chạm tay là hái được. Phù Yên – vùng đất mà hơn 500 năm về trước được vua Lê Thái Tổ ra chiếu gọi là châu Phù Hoa của núi rừng Tây Bắc - đang vui mùa quả ngọt./.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam