Mùa xuân yên bình về nơi "rốn lũ"

Thời sự, Xã hội | 12:55:00 08/02/2018

TNV - Có nơi ở mới khang trang, vững chãi, nhịp sống gia đình anh đã yên vui thanh bình trở lại, con lợn sống sót hôm nào ủn ỉn đòi ăn, con gà mái giờ đã thêm đàn con chạy theo đang mải mê bới thức ăn bên vườn rau cải lên xanh. Hôm nay rỗi rãi, bên chiếc máy khâu vợ chồng anh rộn ràng may, cắt, sắm sanh quần áo mới để vui xuân, đón tết.

Đón tết ở những ngôi nhà khang trang, đủ đầy lương thực

Hiếm có địa phương nào phải hứng trọn liên tiếp cả 02 đợt lũ dữ ập tới tháng 8 và tháng 10 năm 2017 vừa qua như người dân tỉnh Yên Bái ; trong đó, huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu bị thiệt hại nhiều nhất, làm 19 người chết, 09 người mất tích, 17 người bị thương ; 83 nhà dân bị lũ cuốn trôi và sập đổ hoàn toàn cùng hàng trăm công trình hạ tầng (trường học, đường giao thông, thủy lợi…), tài sản sinh hoạt và hàng trăm héc - ta hoa màu của bà con bị tàn phá nặng nề. Đặc biệt, huyện Trạm Tấu còn bị trôi 3 cây cầu, phá hủy 02 ngầm tràn, 9 cây cầu bị hư hỏng nặng; các tuyến đường giao thông bị sạt lở, gây ách tắc và chia cắt nghiêm trọng; ước tổng giá trị thiệt hại trên 246 tỷ đồng.

Vợ chồng Mùa A Dà rộn ràng may, cắt, sắm sanh quần áo mới để vui xuân, đón tết. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Đầu xuân về nơi cơn lũ dữ đã đi qua, chúng tôi đến thăm nếp nhà mới toanh còn thơm mùi gỗ của anh Mùa A Dà thuộc bản Dào Xa, xã Kim Nọi (Mù Cang Chải). “Nhà cũ của mình ở bản Kháo Giống, nằm gần suối nên bị lũ cuốn trôi mất hết chỉ còn lại 01 con lợn và 01 con gà mái, nay chuyển nhà nên chỗ cao ráo thì không sợ lũ nữa rồi” – Mùa A Dà nói.

Nhờ chính quyền địa phương và đồng bào cả nước đùm bọc, sẻ chia, hỗ trợ kịp thời 150 triệu đồng cùng gạo, mỳ tôm, A Dà đã yên tâm cái bụng để bắt tay ngay vào việc tìm khu đất mới chắc chắn và mua căn nhà gỗ cũ ở xã La Pán Tẩn về xẻ ra dựng nhà xong luôn trong tháng 9/2017. Có nơi ở mới khang trang, vững chãi, nhịp sống gia đình anh đã yên vui thanh bình trở lại, con lợn sống sót hôm nào ủn ỉn đòi ăn, con gà mái giờ đã thêm đàn con chạy theo đang mải mê bới thức ăn bên vườn rau cải lên xanh. Hôm nay rỗi rãi, bên chiếc máy khâu vợ chồng anh rộn ràng may, cắt, sắm sanh quần áo mới để vui xuân, đón tết.

Giáp tường bên trái xếp hơn chục bao thóc, đủ cho ba mẹ con bà Dinh dùng đến vụ sau. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Giống như Mùa A Dà, ngôi nhà của bà Giàng Thị Pàng Dinh nằm ở rìa con suối bản Kháo Giống cũng bị lũ cuốn trôi, nhưng éo le hơn, lũ dữ còn cuốn trôi luôn người chị cả của bà đi 9km, sau một tuần mới tìm thấy xác. Mời chúng tôi vào ngôi nhà mới lắp ghép bằng tôn xanh ven trục đường chính, ở trung tâm xã, bà Dinh xúc động cho biết: Cảm ơn Đảng, Nhà nước, các tấm lòng hảo tâm đã cho nhiều gạo, mỳ tôm và hơn 300 triệu đồng, nên mình rất vui, có nhà mới để ăn tết, có đủ lương thực ăn đến vụ gặp sau và còn gửi tiết kiệm 120 triệu đồng nữa đấy.

Tất cả các đồ dùng trong bếp như xoong nồi, nồi cơm điện, bát đũa, ấm, chảo, thùng, rổ, ghế, chậu…đều là hàng cứu trợ, chỉ có bếp ga và mâm là gia chủ tự mua sắm. Vào thăm gian bếp, bữa sáng ăn xong chưa kịp dọn vẫn còn khá nhiều cơm và rau cải nấu mỡ; giáp tường bên trái xếp hơn chục bao thóc, đủ cho ba mẹ con bà dùng đến vụ sau. Tết này, gia đình bà vẫn có mọi thứ đủ đầy, chỉ còn một nỗi buồn mất đi người chị cả, nhưng nỗi buồn này cũng dần vơi đi theo thời gian.

Dựng xong ngôi nhà gỗ, gia đình Giàng A Súa còn 165 triệu đồng gửi ngân hàng. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Ngôi nhà gỗ rộng 80m2 của gia đình Giàng A Súa mới dựng xong trước tết mấy tháng, nằm gần đỉnh núi cao nên ngày nào cũng nhìn thấy vệt trắng xám nham nhở ở dưới như vết dao xé rách vào núi – dấu tích của cơn lũ dữ kéo theo hàng ngàn m3 đất đá làm cuốn trôi 05 căn nhà và chết 05 người của bản Kháo Giống, trong đó có Giàng A Nu (10 tuổi) là con trai Giàng A Súa đi chăn trâu ở đó.

Được các đoàn cứu trợ ủng hộ tiền, gạo, chăn màn và nhiều đồ dùng sinh hoạt, nhưng vết thương lòng vẫn còn âm ỉ, nên anh sẽ đưa vợ và con gái nhỏ về ăn tết với ông bà cho ấm cúng. Trên con đường ngoằn nghèo đổ dốc, A Súa tâm sự: Số tiền hỗ trợ còn dư 165 triệu đồng (sau khi dựng nhà) mình đem gửi ngân hàng rồi chứ không tiêu pha lung tung, phòng khi khó khăn và nuôi con ăn học trưởng thành.

Ở trường Mầm non Hoa Lan mọi thứ đều được trang bị tốt hơn trước, sân lát gạch đỏ thay
cho xi măng, 4 phòng học mới, khu vui chơi ngoài trời có thêm nhà bóng, cầu trượt…
Ảnh: Phạm Quỳnh.

Theo ông Hoàng Văn Đồng (Trưởng phòng Giáo dục & đào tạo Mù Cang Chải), nhờ có sự góp sức của hàng trăm đoàn cứu trợ nên cơ sở vật chất của 04 trường (TH &THCS Thị trấn, Mầm non Hoa Lan, PTDTBT TH&THCS Kim Nọi, Mầm non Lao Chải) bị thiệt hại sau cơn lũ về cơ bản đã khắc phục xong khi bước vào năm học mới, chỉ còn một số phần việc nhỏ như xây tường rào, bờ kè…, dần hoàn thiện nốt. Đến tháng 10/2017, việc dạy và học ở các trường đã đi vào nề nếp, trang thiết bị trong các trường được mua sắm hiện đại hơn trước; 15/15 cán bộ, giáo viên bị mất nơi ở, tài sản đều được chăm lo, hỗ trợ, ổn định công tác.

Trường Mầm non Hoa Lan vào giờ nghỉ trưa. Các cháu đang ngon giấc trong những phòng học mà mọi đồ dùng như đệm, thảm, chăn, bàn ghế…đều được thay mới hoàn toàn. Hiệu trưởng Đoàn Thị Phúc vui vẻ cho hay, ngoại trừ một phần tường rào chưa xây còn lại mọi thứ đều được trang bị tốt hơn trước, sân lát gạch đỏ thay cho xi măng, 4 phòng học mới, khu vui chơi ngoài trời có thêm nhà bóng, cầu trượt…

Các cháu đang ngon giấc trong những phòng học mà mọi đồ dùng như đệm,
thảm, chăn, bàn ghế…đều được thay mới hoàn toàn. Ảnh: Phạm Quỳnh.[/caption]

Cô giáo Nguyễn Thị Loan (Trường TH&THCS Thị trấn) đang học ở Đại học Thái Nguyên thì nghe tin cơn lũ đã cuốn phăng căn phòng tập thể cùng chiếc xe máy và các vật dụng sinh hoạt. Được các cơ quan và nhà trường hỗ trợ 20 triệu đồng cùng nhiều vật dụng sinh hoạt, Bộ trưởng Giáo dục& đào tạo tặng xe máy, nên cuộc sống đã ổn định, yên tâm công tác – cô Loan chia sẻ.

Bà Lương Thị Xuyến (Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải) khẳng định: Đến tháng 11/2017, toàn bộ 169 hộ bị mất nhà và phải di dời khẩn cấp đều được hỗ trợ kinh phí và đã có nhà mới để ở, có đủ đồ dùng sinh hoạt và lương thực đến vụ sau; đời sống sinh hoạt, sản xuất, học tập của người dân vùng lũ đã trở lại bình thường. Huyện đã rà soát 24 hộ ở xã Dế Xu Phình có nguy cơ sạt lở chuyển sang xen ghép ở các vị trí khác trong xã; quy hoạch khu tái định cư Mú Cái Hồ (xã Nậm Có) đủ chỗ cho 147 hộ có nguy cơ sạt lở tiếp tục di dời, giảm thiểu tổn thất cho bà con vào các mùa mưa lũ tiếp theo.

Màu xanh bừng lên trên những thửa ruộng “chết”

Con đường tỉnh lộ 174 dẫn vào huyện Trạm Tấu có tới chục đoạn xuống cấp nghiêm trọng, các phương tiện qua lại đều phải giảm tốc độ, dò dẫm trên mặt đường lởm chởm đá – hậu quả do đợt mưa lũ đầu tháng 10/2017 để lại. Bên cạnh những tổn thất về con người, thiệt hại về nhà cửa, cầu, ngầm tràn, công trình giao thông, thủy lợi, nhà máy thủy điện…; huyện Trạm Tấu còn bị mưa lũ cuốn trôi trên trên 58ha ruộng không thể khắc phục, 42ha lúa nước cùng hàng chục ha lúa nương và ngô bị vùi lấp, biến những thửa ruộng màu mỡ thành những thửa ruộng “chết” làm đe dọa trực tiếp tới sinh kế của người dân, gây nguy cơ gia tăng tỷ lệ đói nghèo.

Ngôi nhà ông Lường Văn Lưu xây dựng kiên cố, bề thế đang khẩn trương hoàn thành
để kịp đón tết. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Do vậy, bên cạnh việc huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích, giúp dân di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, bố trí nơi ở cho những hộ bị sập, trôi nhà và hỗ trợ những nhu yếu phẩm cần thiết như gạo, xoong nồi cho người dân để tạm thời ổn định cuộc sống; huyện Trạm Tấu tập trung ngay vào công tác khắc phục thông tuyến đường Tỉnh lộ 174 và các tuyến đường đến trung tâm các xã, khắc phục các công trình thủy lợi và đặc biệt là khắc phục diện tích gieo trồng bị cát đá vùi lấp. Ông Giàng A Thào (Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu) cho biết.

Hình hài thửa ruộng khá to (khoảng 800m2) nằm bên cạnh những ruộng
rau xanh của gia đình bà Lò Thị Ơn sắp hoàn thành. Ảnh: Phạm Quỳnh.

 Theo đó, đến ngày 15/01/2018 đã khắc phục xong 170/182 công trình thủy lợi bằng phương thức sử dụng ống nhựa dẫn nước; trong tháng 01/2018 sẽ khắc phục các công trình còn lại, đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất vụ Đông xuân. Đồng thời, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử cán bộ trực tiếp xuống đồng hướng dẫn bà con khắc phục những diện tích ruộng bị san lấp; đến nay 42/42ha diện tích lúa nước cơ bản khắc phục xong; giống, nilon đã hỗ trợ để bà con gieo mạ đúng thời vụ.

Ông Nguyễn Văn Xa (Chủ tịch UBND huyện) thông tin: Huyện đã huy động trên 1.700 lượt cán bộ, công chức huyện và nhiều lượt người dân giúp đỡ nhân dân san tạo nền, dựng nhà. Đến ngày 15/01/2018, 123/123 hộ dân đã san tạo xong nền nhà; trong đó 86 nhà đã làm xong, 45 nhà đang thi công sẽ hoàn thành trước tết; 02 hộ có người mất, kiêng dựng nhà cùng năm theo phong tục tập quán, vật liệu đã chuẩn bị sẵn để khởi công sau tết Nguyên đán, hiện các hộ này đang ở cùng nhà bố mẹ và anh em nên cuộc sống ổn định.

Khi chúng tôi tới thăm ngôi nhà đang xây của gia đình Lường Văn Lưu, Lường Thị Dơn, Hoàng Văn Sóng (cùng trú ở thôn Hát 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu), chủ và thợ đang gấp rút những công đoạn cuối để kịp về nhà mới đón tết. Điểm nổi bật ở tất cả các ngôi nhà đã và đang hoàn thành là đều sử dụng bê tông cốt thép, xây dựng kiên cố, bề thế. Đây cũng là cách để bà con yên tâm sản xuất, ổn định đời sống, không lo tới chuyện mất nhà nữa.

Xã Hát Lừu địa phương chịu tổn thất nặng nhất huyện Trạm Tấu với 8 người chết, 01 người mất tích, 11 nhà bị sập trôi hoàn toàn, 28 hộ phải di dời khẩn cấp, 29ha hoa màu bị cát đá vùi lấp. Chị Lò Thị Nhình (thôn Vũng Tàu) đang hái rau cải ở ruộng kể, ngày đầu thấy mảnh ruộng bị sỏi đá san kín trông rất tan hoang, nhưng được cán bộ huyện động viên, hỗ trợ, chị đã thuê máy xúc đổ cát sỏi ra suối, lấy phân chuồng khô ra xới trộn đất, rồi đánh luống trồng rau. Hiện nay, 9 luống rau của chị không những cung cấp đủ ăn mà chị còn bán được hơn 2 triệu đồng.

Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu Giàng A Thào (người đứng thứ 2 từ phải qua trái) xuống đồng
động viên bà con tăng gia sản xuất, đưa những thửa ruộng bị vùi lấp cát đá bừng
lên màu xanh, sức sống. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Kế bên là ruộng bắp cải rộng hơn 600 m2, đang lên tươi tốt và to đẹp nhất thôn của gia đình ông Hoàng Văn Pầng. Để có 7 thửa ruộng canh tác như thế này (01 thửa trồng rau, 06 thửa trồng ngô cho trâu ăn), ông đã bỏ ra 12 triệu đồng thuê máy bóc gỡ hết lớp đất đá vùi kín phía trên, cả 03 lao động trong nhà vất vả sớm hôm ngoài đồng lấy phân, làm đất. Ngoài súp lơ, cải thảo, xà lách, 800 cây bắp cải sẽ cho thu bán vào dịp tết chắc chắn được 8 triệu đồng – ông Pâng nhẩm tính.

Cách đó mấy trăm thước, chiếc máy xúc đang hoạt động, hình hài thửa ruộng khá to (khoảng 800m2) nằm bên cạnh những ruộng rau xanh sắp hoàn thành. Bà Lò Thị Ơn phân trần, gần đến ngày gặp thì lũ ập đến, mất hết cả; Nhà nước hỗ trợ cho hơn 200 kg gạo, 20 thùng mỳ tôm, mắm muối, dầu ăn, quần áo...đủ cả; rồi thêm 16 kg thóc giống, sang tuần là gieo mạ, khoảng 20 tháng Giêng bước vào vụ cấy.

Sau đợt rét đậm, trời hửng nắng và ấm dần lên. Dọc hai bên con suối Nậm Tía bà con hối hả ra đồng, miệt mài lao động, chỗ này làm đất, chỗ kia gieo mạ, trên những thửa ruộng “chết” ngày nào đã bừng lên màu tươi xanh của rau màu vụ Đông trong sắc nắng của những ngày đầu xuân, giáp tết./.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam