Sốp Cộp (Sơn La): Phát triển cây ăn quả có múi là khâu đột phá trong phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp của huyện

Thời sự, Xã hội | 14:41:54 19/04/2018

TNV - Là một huyện biên giới, Sốp Cộp có 147.342 ha diện tích đất tự nhiên, trong đó: diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp là 122.598 ha, diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 10.025 ha, diện tích các loại đất khác là 14.719 ha. Toàn huyện có 9.860 hộ dân, 46.000 nhân khẩu, 06 dân tộc anh em sinh sống; hầu hết diện tích đất dốc sử dụng để trồng ngô, sắn và lúa nương, đất bị rửa trôi, bạc màu qua từng vụ sản xuất, hiệu quả kinh tế thấp.

Để thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, những năm qua, huyện Sốp Cộp luôn quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết, ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân, đầu tư tập huấn khuyến nông và dịch vụ tư vấn nhằm nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch nông sản cho nông dân.

A1 Mô hình trồng cam. Ảnh: HĐ.

Thực hiện chủ trương của tỉnh Sơn La về phát triển cây ăn quả trên đất dốc, huyện Sốp Cộp đã chỉ đạo các xã tập trung rà soát, chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn, đặc biệt là các loại cây ăn quả có múi. Tính đến hết tháng 11 năm 2017, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn toàn huyện là 954,8 ha, trong đó: cây Xoài 82,3 ha, cây Nhãn 136 ha, cây có múi là 215,5 ha, cây Sơn Trà 373 ha, cây Mận 15 ha, cây Mơ 6 ha, cây Chuối 45 ha, các loại cây ăn quả khác 82 ha; năng suất bình quân đạt 2,68 tấn/ha, sản lượng quả đạt 1.876,5 tấn, trong đó: Sản lượng cây có múi ước đạt 474 tấn (diện tích cây có múi cho sản phẩm 79 ha).

Nhìn chung, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện trong những năm qua còn mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chưa theo quy hoạch, thiếu vốn đầu tư, dẫn đến khả năng đầu tư thâm canh thấp; việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới còn hạn chế, một số giống cây có múi tại địa phương được trồng từ những năm trước đã suy thoái giống dẫn đến năng suất, chất lượng thấp, hình thức mẫu mã sản phẩm chưa cao, khó tiêu thụ trên thị trường, chưa thực sự phát triển bền vững; việc tiêu chủ yếu là sản phẩm quả tươi chưa qua chế biến do người dân tự tiêu thụ tại chỗ và một phần được các thương lái trong tỉnh đến thu mua tại vườn, chưa có thương hiệu, nhãn hiệu cho quả Cam, Quýt, chưa thực sự liên kết giữa hợp tác xã với nông dân.

Theo đó, nhằm khắc phục những tồn tại và hạn chế về phát triển cây ăn quả, đồng thời xác định trồng cây ăn quả nói chung và phát triển cây ăn quả có múi nói riêng là khâu đột phá trong phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, tăng hiệu quả kinh tế, tạo công ăn việc làm và góp phần giảm nghèo, huyện Sốp Cộp định hướng phát triển cây ăn quả đặc biệt là cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện, cụ thể như sau:

Một là: Trong thời gian tới, huyện Sốp Cộp tập trung chỉ đạo chuyển một phần diện tích đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, có lợi thế tại địa phương như cây có múi, Xoài, Chanh Leo, Sơn Tra. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển sản xuất cây ăn quả, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây có múi và các loại quả có giá trị kinh tế cao khác, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, tăng thu nhập cho người trồng cây có múi; tập trung cải tạo vườn tạp, cây ăn quả già cỗi theo hướng ghép cải tạo giống mới có chất lượng tốt, phát triển trồng mới cây ăn quả có múi tại một số xã có lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp như xã Mường Và, Nậm Lạnh; phấn đấu đến năm 2020, diện tích cây ăn quả có múi đạt khoảng 350 ha, trong đó trồng mới 134,5 ha. Tập trung tuyên truyền vận động, hướng dẫn nhân dân tự đầu tư cải tạo, thâm canh cây ăn quả có múi, thay thế những diện tích cây ăn quả có múi cho hiệu quả kinh tế thấp bằng giống Cam V2…

Hai là: Có giải pháp về kỹ thuật và khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản và tiệu thụ sản phẩm; nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững cây ăn quả có múi, tập trung vào một số xã, bản có lợi thế nhất (Cam, Quýt ở Nà Mòn xã Mường Và; Quýt ở Lọng Tòng, Nà Han xã Nậm Lạnh); chú trọng đầu tư thâm canh cây ăn quả có múi có ưu thế để làm vai trò hạt nhân, từ đó sẽ nhân ra diện rộng

Ba là: Trồng cây ăn quả nói chung và cây ăn quả có múi nói riêng ngày càng có vai trò quan trọng trong cơ cấu các loại cây ăn quả của huyện Sốp Cộp, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cây ăn quả có múi. Do đó, trước hết UBND huyện đã lựa chọn các vùng cây ăn quả tập trung để đầu tư, chú trọng các cây ăn quả chủ lực và có khả năng phát triển (cây ăn quả có múi, Xoài, Sơn tra, Chanh leo, Nhãn) để làm vai trò hạt nhân, từ đó sẽ nhân ra diện rộng (Cây ăn quả có múi trồng tập trung tại các xã Nậm Lạnh, Mường Và; Nhãn, Xoài trồng tập trung tại các xã Mường Lạn, Dồm Cang, Púng Bánh, Mường Lèo; Chanh leo trồng tập trung tại các xã Dồm Cang, Mường Và, Mường Lạn; Sơn Tra trồng tập trung tại các bản vùng cao xã Mường Và, Nậm Lạnh, Púng Bánh, Sam Kha, Mường Lèo).

A2 Trồng xoài trên đất dốc. Ảnh: HĐ.

Bốn là: Khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác chuyên về các lĩnh vực tư vấn giống cây trồng, kỹ thuật sản xuất, tư vấn về thị trường, chuyên canh cây ăn quả có múi, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, sản xuất theo quy trình  VietGap; xây dựng quy mô, cơ cấu phát triển một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tiễn, xu thế phát triển xã hội nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế của các nguồn lực; gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng quả an toàn, nhằm đáp ứng cho nhu cầu quản lý, phát triển sản xuất, kinh doanh cây ăn quả có múi

Năm là: Từng bước nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm quả các loại, xác định chất lượng sản phẩm là khâu quyết định, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của vùng và chiến lược quảng bá, giới thiệu sản phẩm là khâu đặc biệt quan trọng đối với cây ăn quả.

Hiện nay, huyện Sốp Cộp đã và đang xúc tiến triển khai bằng việc hỗ trợ sản xuất đầu tư giống mới, quy trình kỹ thuật được tư vấn bởi các đơn vị có uy tín. Bên cạnh đó việc xác định thị trường, phấn đấu xây dựng và đăng ký quy trình quản lý chất lượng, xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm quả có múi là điều kiện để tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, trong đó người dân, cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị có chức năng về KHKT khuyến khích các thành phần kinh tế cung cấp dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm. Quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất sản phẩm quả các loại theo các tiêu chuẩn quy định, đăng ký, tiến tới đảm bảo chất lượng quả ổn định, xây dựng thương hiệu cho các loại quả của huyện Sốp Cộp.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam