“Sáu anh em trên một chiếc xe tăng” – chuyện bây giờ mới kể

Thời sự, Xã hội | 09:10:00 30/04/2018

TNV - Ông Yên giải thích: Đối với xe tăng T34 của Liên Xô, đội hình xe có thêm 01 lái phụ làm nhiệm vụ bắn đại liên trên tháp xe; còn xe tăng T54 (Liên xô) tham gia chiến dịch hiện đại hơn nên đội hình chỉ cần 04 người, trong đó lái xe kiêm thêm nhiệm vụ bắn súng đại liên, ngoài ra mỗi xe được biên chế thêm 02 chiến sĩ bộ binh để phối hợp tác chiến theo phương châm thần tốc để giải phóng Sài Gòn.

Nơi nuôi giấu, chở che bộ đội Thủ đô về sơ tán

Đúng như tên gọi của mình, ngôi nhà của gia đình cựu chiến binh Trần Bình Yên luôn toát lên vẻ bình yên và tĩnh mịch, bởi nằm khá sâu giáp tận chân dãy núi đá, tách biệt hẳn với khu dân cư trù phú thuộc tổ 7, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Ba bề bốn bên xung quanh ngôi nhà, bát ngát màu xanh của vườn đồi cây trái mùa nào thức lấy, nhưng chủ yếu vẫn là giống na dai với diện tích lên đến 02ha. Đúng vào vụ na chín, ông bà đưa tay lựa những trái na chín ngon được xếp vào thùng đặt ngay ngắn trong nhà vừa đon đả mời chúng tôi nếm thử vừa cười rạng rỡ cho hay, do nhà neo người (con trai và con gái lập gia đình ở riêng, con út đi bộ đội) nên chỉ làm 01 vụ na chính, hiện đã thu được trên 02 tấn quả bằng khoảng 30 triệu đồng, đến hết vụ thu thêm chừng 02 tấn quả nữa. Cùng với nguồn thu nhập từ chăn nuôi bò nái sinh sản (mỗi năm được bán 01 con bê), chăn nuôi gà thả đồi…cũng đủ cho sinh hoạt của hai vợ chồng già – ông Yên hóm hỉnh nói thêm.

Những trái na chín ngon được xếp vào thùng đặt ngay ngắn trong nhà.

Như để minh chứng cho lời kể, ông hăm hở đưa chúng tôi đi thăm vườn na rộng mênh mông bát ngát gần 02 ha, núc na núc níu quả trên cành; thăm con bò nái đang ăn cỏ ở khoảnh trống giữa vườn, cây rau sắng tươi tốt cao gấp rưỡi đầu người và những hàng thanh long cùng cây cối bốn mùa xanh tốt.

Gần cây mít già có vô số quả chín rụng dưới gốc là ngôi nhà lưu niệm được ông xây để thờ và ghi nhớ công lao của hai cụ thân sinh ra ông đã có công nuôi giấu, chở che đơn vị bộ đội Thủ đô về sơ tán năm 1948 trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến khi hòa bình lập lại (1954) mới rút đi.

Ở tuổi 64, tuy mái tóc đã bạc nhưng người lính lái xe tăng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và đánh chiếm Dinh Độc lập cách đây đã 42 năm vẫn luôn toát lên niềm lạc quan, sôi nổi và mạnh mẽ như tuổi mới đôi mươi.

Với nụ cười luôn nở trên môi, ông cho hay: Ngày nào vợ chồng tôi cũng dọn cỏ, tỉa cành chăm sóc cho vườn na; tôi còn dành thời gian chốt số công tơ điện, sửa chữa các thiết bị điện cho bà con ở 03 tổ dân phố và loa truyền thanh của Thị trấn.

Hàng ngày, ông luôn có thói quen “thư giãn” xương cốt bằng vài chục lần cử tạ.

Nhìn quả đôi tạ nâng đẩy đặt ở góc sân, tôi dò hỏi: Chú có thường xuyên chơi tạ không? Ông nhanh nhẹn đi tới góc sân rồi nhẹ nhàng đưa quả tạ đổ bằng xi măng nặng chừng 20 kg lên quá đầu liên tục dăm bảy lần cho tôi xem.

Là người lính đã rèn luyện qua chiến trường, ông luôn chú ý việc giữ gìn sức khỏe, tập luyện thể thao, thể dục. Được biết, buổi sáng ngủ dậy và buổi chiều (trước khi nghỉ ngơi ăn tối) ông luôn có thói quen “thư giãn” xương cốt bằng vài chục lần cử tạ; ngoài ra ông còn dùng mảnh sân trước nhà làm nơi thường xuyên đánh bóng chuyền hoặc cầu lông với vợ con và bà con hàng xóm.

“Sáu anh em trên một chiếc xe tăng”

Khi được hỏi về những năm tháng tuổi trẻ hào hùng, ông kéo tôi lên căn phòng khách nhỏ - nơi treo trang trọng những tấm hình khổ lớn của ông và đồng đội trên chiếc xe tăng khi tiến vào Dinh Độc lập. Để cho tường tận, ông nhanh nhẹn tháo xuống mang ra sân vừa kể, vừa chỉ cho tôi xem khi chiều đã về tà.

Bức ảnh được phóng viên Trần Mai Hưởng (Thông tấn xã Việt Nam) chụp vào hồi gần 11 giờ trưa ngày 30/4/1975, khi chiếc xe tăng mang số hiệu T54B – 846 do Nguyễn Quang Hòa – Trưởng xe, Nguyễn Ngọc Quí – pháo thủ số 1, Nguyễn Bá Tứ - pháo thủ số 2, chàng lính trẻ Trần Bình Yên 22 tuổi lái xe và 02 chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn 66 được biên chế theo xe đang hùng dũng tiến vào Dinh Độc lập.

Ông Yên giới thiệu với tác giả bức ảnh chiếc xe tăng T54B – 846 do ông lái xe
cùng đồng đội đang hùng dũng tiến vào Dinh Độc lập.

Thông thường mỗi xe tăng được biên chế 05 người, sao đây lại có 06 người - Tôi thắc mắc? Ông Yên giải thích: Đối với xe tăng T34 của Liên Xô, đội hình xe có thêm 01 lái phụ làm nhiệm vụ bắn đại liên trên tháp xe; còn xe tăng T54 (Liên xô) tham gia chiến dịch hiện đại hơn nên đội hình chỉ cần 04 người, trong đó lái xe kiêm thêm nhiệm vụ bắn súng đại liên, ngoài ra mỗi xe được biên chế thêm 02 chiến sĩ bộ binh để phối hợp tác chiến theo phương châm thần tốc để giải phóng Sài Gòn.

Cảm xúc chợt dâng trào, ông hào hứng kể: Khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị Đại đội 5 (thuộc Tiểu đoàn 2, Lữ 203, Quân đoàn 2) của ông có 08 chiếc xe tăng và 01 xe thiết giáp, ngày 26/4/1975, ngay sau trận đầu đánh vào căn cứ Nước Trong (Long Thành – Đồng Nai) - pháo đài tử thủ nằm án ngữ phía Đông bắc Sài Gòn, đại đội của ông chỉ còn lại 03 chiếc xe, đồng đội bị hy sinh và thương vong quá nửa. Tối ngày 27 và 28, đơn vị ông liên tiếp được bổ sung thêm 04 xe tăng từ Đại đội 4, Tiểu đoàn 1 (cùng thuộc Lữ đoàn 203) tham gia đánh căn cứ Nước Trong ở thế giằng co, quyết liệt. Cho đến trưa ngày 29/4, bộ đội ta đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Nước Trong.

          Với phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, thọc sâu vào sào huyệt địch, khoảng 3 giờ sáng ngày 30/4/1975, đơn vị ông đã lên đường hành quân theo xa lộ 1 từ ngã ba Long Bình (Đồng Nai) tiến đánh vào Dinh Độc lập.

          Trên đường tiến quân, đơn vị ông đã diệt 02 xe tăng và 01 xe chở vũ khí của địch làm nhiệm vụ chặn bước tiến quân ta ở cầu Đồng Nai; bắn cháy xe tăng M48, M41 của địch tại cầu Rạch Chiếc. Tại Thủ Đức, địch nã pháo chặn đường, Lữ đoàn 203 quyết định để lại 01 xe kìm chân địch, đội hình hơn 10 chiếc còn lại nhanh chóng thọc sâu vào Sài Gòn. Chiếc xe tăng ở lại đã hoàn thành nhiệm vụ, nhưng tất cả đồng đội trên xe đều anh dũng hy sinh.

Vườn na rộng mênh mông bát ngát gần 02 ha, núc na núc níu quả trên cành.

          Cầu Sài Gòn – tuyến phòng thủ cuối cùng của ngụy quyền, trong cơn hấp hối địch điên cuồng điều máy bay đến ném bom, tàu chiến từ dưới sông bắn lên yểm hộ cho xe tăng địch ở bên kia cầu chặn đánh. Nhưng với tinh thần chiến đấu một ngày bằng 20 năm, lưới lửa phòng không, đại liên, pháo 12 ly 7…của ta đã buộc máy bay địch tháo chạy, tàu chiến địch bị tê liệt và xe tăng bị đánh bật trở lại. Đến cầu Thị Nghè, đội hình xe tăng của ta tiêu diệt nốt 02 xe tăng địch chốt chặn, vượt cầu thẳng tiến về Dinh Độc lập không gặp bất cứ kháng cự gì.

*

*      *

          Bất chợt nhớ tới hình ảnh lúc trước, trên đường dẫn chúng tôi về thăm nhà, ông đã nhấc bổng chiếc xe ba gác nằm giữa lối đi vào ven đường một cách dứt khoát và mạnh mẽ. Bây giờ được tường tận nụ cười đôn hậu, nước da rám nắng, vóc dáng quắc thước, săn chắc của ông chan hòa cùng với nắng gió núi đồi, chơi tạ đều đặn mỗi ngày,…tôi càng thêm trân trọng và thấu hiểu hơn về ông, về thế hệ của những người lính đã làm nên Đại thắng Mùa xuân lịch sử, thống nhất non sông liền một dải./.

 

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam