Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV – Mục tiêu quan trọng trong chương trình điều trị HIV/AIDS bền vững của quốc gia

Sức khỏe, Tư vấn | 08:51:20 15/06/2018

TNV - Vừa qua tại thành phố Cần Thơ, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị “Đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho tiếp cận thuốc kháng HIV và hướng tới mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế”.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Stephanie De Goes, Điều phối viên Chương trình PEPFAR tại Việt Nam cho rằng: Bảo hiểm y tế (BHYT) là cột sống của chương trình điều trị HIV/AIDS bền vững của một quốc gia. Trong nhiều năm qua, PEPFAR đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác và Bộ Y tế để triển khai nhằm tăng độ BHYT cho người nhiễm HIV cũng như cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế.

a1 Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long – Phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và là nước thành công nhất trong số các nước mà PEPFAR đang hỗ trợ trong việc triển khai bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV. Việt Nam cũng có thể là nước đầu tiên trong số các nước do PEPFAR hỗ trợ có thể đạt được mục tiêu 90 - 90- 90 vào năm 2020. Tuy nhiên, năm 2020 đang đến rất gần mà nhiều mục tiêu chắc chắn Việt Nam cần phải rất nỗ lực mới có thể đạt được. PEPFAR cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về thông tin chiến lược để có môi trường thuận lợi cho việc triển khai BHYT trong thời gian tới. Đồng thời, PEPFAR cũng sẽ cùng phối hợp với Việt Nam để đảm bảo cung cấp dịch vụ chất lượng trong môi trường thân thiện.

Tại Hội thảo, TS Dương Thúy Anh, thay mặt Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 2188/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Hướng tới 100% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế.

Bà Nguyễn Thúy Vân, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhận xét về chương trình HIV tại Việt Nam như sau: " Chương trình HIV quốc gia được đánh giá là đi tiên phong trong tất cả các chương trình y tế công cộng hiện nay ở Việt Nam. Việt Nam được đánh giá là nước đầu tiên sử dụng nguồn bảo hiểm cho điều trị HIV ở Khu vực Tây Thái Bình Dương với lộ trình rõ ràng và những bước đi chắc chắn”.

Bà cũng nhấn mạnh: Trong hội nghị này các đại biểu sẽ cùng nhau nhìn lại quá trình triển khai Quyết định của Thủ tướng và cập nhật các hướng dẫn mới để trao đổi, thảo luận xác định các khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện và cùng tìm ra các giải pháp tháo gỡ để đạt được mục tiêu cuối cùng đó là người nhiễm HIV được tiếp cận với dịch vụ điều trị có chất lượng cao, liên tục và  không gặp rủi ro về tài chính".

a2 Ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm thanh toán đa tuyến, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam báo cáo tại Hội nghị

Theo báo cáo, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc triển khai BHYT. Hiện cả nước đã có tới 83,4% người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) có thẻ BHYT trong đó có 05 tỉnh, thành phố có 100% người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc ARV có thẻ BHYT và 30 tỉnh, thành phố tỷ lệ này đạt trên 90%. Nhiều văn bản và hành lang pháp lý đã được ban hành. Các địa phương cũng đã chủ động triển khai BHYT cho người nhiễm HIV từ việc truyền thông, hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT cũng như kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để có thể ký hợp đồng và thanh toán được với Quỹ BHYT. Đặc biệt, các tổ chức quốc tế cũng đã và đang chung tay hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai BHYT cho người nhiễm HIV không chỉ về kỹ thuật mà cả bằng những nguồn tài chính quan trọng.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe các báo cáo về định hướng việc mua thuốc, thanh quyết toán thuốc ARV thông qua quỹ BHYT cũng như thảo luận về việc tăng độ bao phủ của BHYT cho người nhiễm HIV,vấn đề hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV cho người nhiễm HIV tham gia khám chữa bệnh BHYT. Một số vấn đề vướng mắc trong việc tham gia BHYT của người nhiễm HIV cũng đã được Vụ BHYT, Bộ Y tế tiếp thu và dự kiến sẽ đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi trong thời gian tới nhằm tạo thuận lợi nhất cho người nhiễm HIV tham gia và sử dụng thẻ BHYT.

Kết luận Hội nghị, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã đánh giá cao nỗ lực của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, sự phối hợp của các đơn vị liên quan thuộc BHXH Việt Nam, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cũng như sự vào cuộc của các địa phương trong triển khai BHYT cho người nhiễm HIV.

Tuy nhiên, với mục tiêu bắt đầu thanh toán thuốc ARV cho bệnh nhân qua BHYT từ 01/01/2019 thì thời gian còn rất ngắn, lộ trình đưa thuốc ARV từ nguồn BHYT thay thế cho nguồn viện trợ đã rất rõ ràng. Do vậy, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương tiếp tục khẩn trương, chủ động triển khai BHYT cho người nhiễm HIV. Việc thanh toán ARV qua BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS là bắt buộc, các địa phương không cố níu kéo hay dựa vào nguồn viện trợ. Địa phương nào để bệnh nhân không tiếp cận được với thuốc ARV, trước tiên là trách nhiệm của Lãnh đạo Sở Y tế.

Thứ trưởng cũng nhắc nhở các địa phương kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS còn chậm cần khẩn trương triển khai ngay trong tháng này và tháng sau vì phải thanh toán các dịch vụ y tế khác cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT với cơ quan BHYT để làm quen dần trước khi thanh toán thuốc ARV qua BHYT. Cơ sở điều trị HIV/AIDS nào nếu không thể ký được hợp đồng với BHYT cần phải chuyển bệnh nhân sang phòng khám, bệnh viện có hợp đồng với BHYT. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nới rộng tiêu chuẩn cơ sở điều trị HIV/AIDS để làm sao nhiều cơ sở y tế có thể tham gia vào điều trị ARV.

BH

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam