Kỷ niệm 110 năm sự kiện “Hà thành đầu độc”

Thời sự, Xã hội | 14:33:46 27/06/2018

TNV - Ngày 27/6 tại Hà Nội, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa lò phối với với gia đình các nghĩa sĩ tham gia vụ Hà thành đầu độc đã tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm nhân sự kiện này.

Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa để kỷ niệm 110 năm diễn ra vụ binh biến do các tầng lớp sỹ phu, trí thức yêu nước và những bồi bếp, binh lính yêu nước người Việt trong quân đội Pháp phối hợp nghĩa quân Yên Thế dùng cà độc dược đầu độc binh lính Pháp mà sử sách thường gọi là vụ “Hà Thành đầu độc” ngày 27/6/1908.

anh 1 (1) Lễ dâng hương tưởng niệm các Nghĩa sĩ

Cuộc binh biến Hà Thành tuy không thành công, nhưng đã gây chấn động hệ thống cai trị của chính quyền thực dân ở Đông Dương. Hơn một thế kỷ đã trôi qua nhưng tinh thần quả cảm, khí phách của các nghĩa sỹ tham gia sự kiện Hà thành đầu độc vẫn vang vọng, ngời sáng trong lịch sử của dân tộc.

Trong bức thư ngày 28/6/1908, viên Toàn quyền Đông Dương gửi cho Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp ghi rõ sự kiện ngày 27/6 đã làm cho nhiều người Pháp hoảng sợ. Họ tụ tập trước Phủ Thống sứ Bắc Kỳ để biểu tình yêu cầu nhà cầm quyền có biện pháp cứng rắn để đối phó tình thế. Sĩ quan và binh lính Pháp cũng sợ hãi, không dám ăn cơm ở trại. Báo chí tay sai thi nhau công kích Bộ Chỉ huy và Sở Mật thám đã dò la được thông tin nhưng không ngăn chặn được vụ việc.

Sau sự kiện này, thực dân Pháp đã tiến hành đàn áp, khủng bố rất tàn khốc. Chúng lùng bắt các nghĩa sỹ giam trong Nhà tù Hỏa Lò, lập ra 9 phiên tòa đại hình để xét xử, 75 người bị kết án, trong số đó có tới 18 án tử hình, còn lại là án khổ sai và tù đày.

anh 2 (1) TS. Nguyễn Thị Bích Thủy - Trưởng ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò phát biểu tại buổi Lễ.

Từ ngày 08/7/1908, quân Pháp bắt đầu thi hành án, chúng đưa 3 người đầu tiên là Đặng Đình Nhân, Nguyễn Trí Bình (tức Tư Bình) và Nguyễn Văn Cốc (Dương Bé) ra xử chém ở phía trước Cột cờ Hà Nội. Còn lại 03 đợt, chúng đưa các nghĩa sỹ ra pháp trường xử tại khu vườn Bàng, gần Chợ Bưởi (thuộc Nghĩa Đô, Cầu Giấy ngày nay).

Ngày 06/8/1098, chúng xử tử 3 người là Nguyễn Văn Hiên (Bếp Hiên), Nguyễn Đắc Nga (Cai Nga) và Vũ Văn Xuân (Bếp Xuân). Ngày 29/8/1908, chúng tiếp tục hành quyết 3 người là Nguyễn Văn Phúc (Lang Xẹo), Nguyễn Xuân Ba (Cai Than) và Trương Văn Tôn (Cai Tôn).

Ngày 03/12/1908, chúng xử 4 người cuối cùng là: Đỗ Khắc Nhạ (tức Đỗ Đàm), Nguyễn Viết Hạnh (Đội Hồ), Trần Văn Song (Ông Chánh) và Đỗ Quang Vinh (Đồ Vinh). Ngoài ra chúng còn tra tấn dã man các cụ bà, như: Cụ Nguyễn Thị Ba (Nhiêu Sáu), Cô Đồng Đa, Nguyễn Thị Hai...

Lễ kỷ niệm được tổ chức trang trọng nhằm ôn lại sự kiện Hà thành đầu độc, một cuộc khởi nghĩa đầy chất táo bạo, hành động mang tính quyết liệt. Tiếng vang của sự kiện Hà thành đầu độc đã góp phần giáo dục tinh thần ái quốc, ý chí kiên cường đấu tranh bảo vệ tổ quốc, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

BH

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam