Nhịp sống mới của đồng bào miền núi xã vùng biên Bắc Sơn

Thời sự, Xã hội | 10:34:00 02/07/2018

TNV - Những thói quen sinh hoạt, ăn ở mất vệ sinh ăn sâu bám rễ vào tâm thức ngàn đời nay của đồng bào người Dao, người Sán Chỉ nơi đây đã được thay đổi. Một nhịp sống mới biết sử dụng thiết bị vệ sinh hiện đại để giữ gìn sức khỏe cho gia đình, hành động có trách nhiệm với môi trường sống, đang lan tỏa và trở thành điểm sáng cùng điểm tô cho nông thôn mới của đồng bào miền núi xã vùng biên.

Di rời trâu bò ra xa khu dân cư

Bắc Sơn là xã miền núi biên giới thuộc TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, có 4 dân tộc cùng chung sống với 363 hộ bằng 1.653 nhân khẩu; trong đó, dân tộc Dao và Sán Chỉ chiếm 75% dân số; trình độ văn hóa thấp hơn so với các xã vùng ven đô thị và là xã có điểm xuất phát thấp nhất so với 9 xã cùng triển khai xây dựng nông thôn mới của thành phố.

Do có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nên tập quán chăn thả trâu bò, lợn gà…gần nơi sinh hoạt (nhà ở, bếp, nguồn nước), đường đi lối lại; thói quen dùng máng phân chuồng lợn làm nhà tiêu, nhà tắm được che đậy sơ sài, đã ăn sâu vào tiềm thức từ ngàn đời nay của bà con.

Xác định đây là khâu yếu, việc khó nhất trong triển khai xây dựng nông thôn mới, nên Đảng bộ, chính quyền xã Bắc Sơn đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động bà con từng bước xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, nhất là về nếp ăn, ở, sinh hoạt hàng ngày để chăm lo sức khỏe và giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn.

Chuồng trại trâu bò tập trung ở thôn Phình Hồ. Ảnh: P. Quỳnh.

Tháng 9/2016, được sự hỗ trợ kinh phí xây dựng chuồng trại, phối hợp tuyên truyền của cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Sơn, bà con thôn Phình Hồ đã tự nguyện di rời đàn trâu bò ra khu chuồng trại tập trung nằm ở bìa rừng keo, cách xa nơi sinh sống. Khu chuồng trại tập trung gồm 16 ô, mỗi ô rộng khoảng 15mđủ chỗ cho 75 con trâu bò của 12/16 hộ trong thôn nuôi nhốt, 04 hộ còn lại cũng đã bảo nhau di rời trâu bò ra nơi hẻo lánh.

Trước đây, chuồng trại trâu bò chỉ được dựng sơ sài bằng tre gỗ ở gần nhà, gần đường biên giới; do vậy, ruồi muỗi, mùi xú uế luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đến đời sống sinh hoạt của bà con. Từ ngày đàn trâu bò được rời xa, đường thôn ngõ xóm sạch sẽ hẳn lên, bà con ai cũng phấn khởi, vui mừng – ông Choỏng A Nhì (Chi hội trưởng Người cao tuổi) và anh Choỏng Cắm Dũng (Trưởng ban Mặt trận) đều là người Dao của thôn Phình Hồ sôi nổi cho biết.

Khu chuồng trại chăn nuôi trâu bò tập trung của bà con thôn Phình Hồ nằm trên khu đất rộng chừng 1.500 m2 ở chân đồi keo xanh tốt, phía trước là những thửa ruộng trồng lúa và hoa màu, nên không chỉ giải quyết được bài toán vệ sinh môi trường mà còn rất thuận tiện cho việc vận chuyển phân gio chăm bón.

Biogas được bà con sử dụng phổ biến trong nuôi lợn. Ảnh: P. Quỳnh.

Trưởng ban Mặt trận Choỏng Cắm Dũng nhớ lại, ban đầu bà con trong thôn cũng chưa tin, nhưng khi thấy Bộ đội Biên phòng cùng các cấp chính quyền hết lòng ủng hộ, Bí thư chi bộ Choỏng Sao Chắn, già làng Choỏng Sao Sáng, Chi hội trưởng Người Cao tuổi Choỏng A Nhì và Trưởng ban Mặt trận thôn, cùng hăng hái hiến đất trồng keo để san gạt làm khu chuồng trại tập trung thì dần dà bà con đã tin và làm theo.

Từ đây phong trào xây dựng chuồng trại chăn nuôi tập trung, xa nơi dân cư, đảm bảo vệ sinh nơi sinh hoạt trong gia đình ra đến đường thôn ngõ xóm được lan rộng ra toàn xã. Nhờ vậy, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, diện mạo, cảnh quang môi trường nông thôn được đổi thay rõ rệt, không còn cảnh những đường quê nhếch nhác, vương vãi phân gia súc, gia cầm và các vật nuôi như trước nữa.

Xây nhà tiêu hợp vệ sinh

Đồng thời với phong trào di rời chuồng trại chăn nuôi trâu bò, là phong trào vận động, hỗ trợ kinh phí để bà con xây nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh được chính quyền thôn, xã triển khai quyết liệt. Khi những gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước, bà con thấy sạch sẽ hơn, không còn mùi hôi thối, không bị ruồi bâu muỗi đốt, đã phấn khởi đăng ký với chính quyền địa phương xây nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh.

Gia đình bà Nịnh Thị Đò, dân tộc Sán Chỉ thôn Thán Phún, nhờ có khoản tiền tích lũy được nhờ biết đầu từ chăn nuôi lợn và trồng trà hoa vàng đã cất được ngôi nhà rộng hơn 100 m2 tường xây, nền lát gạch men sáng cóng, lợp ngói khang trang, chắc chắn hoàn thành vào tháng 10 năm 2017. Ngôi nhà có 5 phòng ngủ và phòng bếp với khá đầy đủ các vật dụng cần thiết: bếp ga, nồi cơm điện, tủ bát, bồn nước, tủ lạnh và bộ bàn ăn. Đặc biệt, gia chủ còn bố trí hẳn 01 phòng vệ sinh, 01 phòng tắm giặt khép kín ngay trong nhà, tất cả đều được lát gạch men và lắp đặt các thiết bị vệ sinh sáng bóng.

Bà Nịnh Thị Đò giới thiệu phòng vệ sinh khép kín hiện đại. Ảnh: P. Quỳnh.

Nét mặt hồ hởi, nói tiếng phổ thông còn ngọng nghịu, bà Nịnh Thị Đò (43 tuổi) cho biết: “Lúc đầu định xây nhà để ở thôi, Nhà nước bảo làm thêm nhà vệ sinh cho sạch, thấy cũng đúng nên làm. Làm xong, bà con bảo đẹp và cũng về học làm theo”. Ông Giang Đình Lộng (Chủ tịch Mặt trận xã) thông tin thêm, vài năm trước nhiều bà con trong thôn đã xây nhà vệ sinh, nhưng đây là gia đình đầu tiên xây nhà vệ sinh chung với nhà ở, việc làm này được đa số bà con hưởng ứng, làm theo.

Cách đó chừng hơn 100m, một ngôi nhà đang tất bật thi công đổ mái. Chủ nhân là ông Hoành A Hồ (người dân tộc Sán Chỉ, 51 tuổi) phấn khởi giới thiệu với tôi ngôi nhà một tầng rộng 120 m2 , đổ bê tông mái bằng; gồm 3 phòng ngủ, 01 phòng khách, 01 bếp và 01 khu vệ sinh khép kín nằm liền kề gian bếp.

Ngay phía sau ngôi nhà đang xây là khu công trình phụ, gồm nhà tắm và nhà vệ sinh rộng 7 m2 xây xong hồi tháng 8/2016, được địa phương hỗ trợ 3,5 triệu đồng. Nhận thấy, công trình phụ làm khép kín trong nhà tiện lợi hơn nên ông Hồ đã thiết kế thêm khu phụ trong ngôi nhà đang xây, còn khu phụ cũ vẫn giữ lại để những khi đông người dùng đến kẻo lãng phí.

Khi chưa có công trình phụ, đàn ông thì tắm tự do, đàn bà thì dùng bao tải rách quây vào góc bếp làm nơi tắm giặt rất tạm bợ; mỗi lần đi vệ sinh thì rất khó chịu bởi mùi hôi thối nồng nặc, muỗi rãi châm ngứa ngáy. Nhưng bây giờ thì thoải mái lắm, bởi nhà ai cũng có nhà tắm, nhà vệ sinh tự hoại để giữ gìn môi trường, nâng cao sức khỏe. Ông Hoành A Hồ rôm rả kể.

Hộ ông Nình A Cặm (48 tuổi) ở đối diện nhà ông Hoành A Hồ cũng được Nhà nước hỗ trợ 3,5 triệu đồng xây nhà vệ sinh năm 2016, nhưng do nhỏ quá (khoảng 2m2) mà gia đình đông người nên vẫn dùng chung chuồng lợn làm nhà tiêu. Thấy bà con trong thôn đều sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh rộng rãi sạch sẽ, nên ông đang phấn đấu dành dụm tiền sửa lại ngôi nhà để ở cho cao ráo mát mẻ và xây nhà vệ sinh rộng rãi để dùng cho khỏi dơ bẩn.

Đường làng gắn biển, đánh số, trồng hoa

Trong phong trào xây dựng thôn Thán Phún và Phình Hồ thành thôn kiểu mẫu, xã đã tổ chức san gạt, đắp lề 06 tuyến đường dài 1.700m với 3.500 m3 đất; hướng dẫn bà con xây dựng xong 2.080m tường bao trên 06 tuyến đường theo cùng quy hoạch thống nhất về chiều cao, lề đường, kích cỡ cổng nhà; xây xong 1.900m bồn hoa và đã trồng hoa, làm mới 62 cột điện thắp sáng đường quê, trồng mới 400 cây xanh bóng mát và 1.200 cây sim dọc đường. Tất cả đã tạo nên diện mạo mới gọn gàng, ngắn nắp, tươi xanh nơi làng quê vùng cao biên giới.



Những con đường thôn xanh mát, sạch sẽ; đều được tông hoá, cắm biển,
gắn số nhà và trồng hoa. Ảnh: Hoành Ngân.

Hiện nay, xã đang giúp đỡ 65 hộ gia đình ở thôn Thán Phún chỉnh trang sân vườn, nhà ở để trở thành hộ gia đình mẫu; các tuyến đường nội thôn, ngõ xóm đều được bê tông hoá 100%, được cắm biển, gắn số nhà và được tổng vệ sinh theo từng tuần do Đoàn Thanh niên và Hội phụ nữ xã đảm nhận. Nhờ chính quyền địa phương chăm lo phát triển đời sống, kinh tế, nên nhà văn hoá thôn được tu sửa lại khang trang, 95% số nhà dân được tu sửa mới (nhiều hộ xây nhà mới kiên cố); trong thôn chỉ còn 2/108 hộ nghèo (1,9 %), 5/108 hộ cận nghèo (4,6 %).

Bà con thôn Phình Hồ đã xây được 380m tường bao; đang triển khai xây dựng 350m bồn hoa dọc khu dân cư, chỉnh trang nhà văn hóa thôn, san gạt 1,5km lề trục đường thôn, trồng trên 100 cây xanh bóng mát; 12 hộ gia đình đang chỉnh trang, tu sửa, xây mới lại nhà ở, nhà vệ sinh. Đến nay trong thôn còn 1/20 hộ nghèo (5%), hộ cận nghèo 2/20 hộ (chiếm 10%).

Không còn cảnh những đường quê nhếch nhác, vương vãi phân gia súc; những bồn hoa
mới làm đợi ngày trồng cây. Ảnh: P. Quỳnh.

 Để duy trì vệ sinh môi trường thôn xóm được thường xuyên sạch sẽ, giữa năm 2015 bà con các thôn đã thành lập ra Tổ thu gom rác với số lượng từ 03 đến 04 thành viên, hoạt động trên tinh thần tự nguyện vì cộng đồng. Ngoài ra, hàng tuần bà con các thôn lại nhắc nhở gọi nhau quét đường thôn, ngõ xóm làm vệ sinh chung toàn thôn.

Được biết, cuối năm nay (2018) xã Bắc Sơn sẽ xây 15 lò đốt rác thủ công và tiến hành việc phân loại thành rác (rác hữu cơ và vô cơ) ngay từ mỗi hộ gia đình; giải quyết căn bản tình trạng rác để hỗn hợp cũng như việc phơi đốt rác tự phát ở cuối thôn, rìa xóm.

Theo ông Phùng Đình Hùng (Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn), đến nay 94% hộ dân trong xã đã có nhà tiêu, nhà tắm, bể nước sinh hoạt hợp vệ sinh; nhiều hộ dùng Biogas trong chăn nuôi cho sạch sẽ; không còn nhà tạm, nhà dột nát; 100% nhà ở của bà con được đảm bảo 3 cứng (tường cứng, nền cứng, mái cứng); đặc biệt, ở hai thôn xây dựng kiểu mẫu (Thán Phún và Phình Hồ) 11,5/11,5km đường trục thôn được cứng hóa (100%), 12,9/13,58km đường ngõ xóm đổ bê tông không bị lầy lội vào mùa mưa (95%), các tuyến đường đều có cây bóng mát, cây trồng viền và bồn hoa được cắt tỉa gọn gàng hai bên đường.



Hàng tuần, thanh niên, phụ nữ và bà con các thôn lại nhắc nhở gọi nhau ra đường làm
vệ sinh chung toàn thôn. Ảnh: Hoành Ngân.

***

Đời sống của đồng bào miền núi xã Bắc Sơn được cải thiện rõ rệt, diện mạo làng quê khang trang sạch đẹp, nhưng quan trọng hơn những thói quen sinh hoạt, ăn ở mất vệ sinh ăn sâu bám rễ vào tâm thức ngàn đời nay của đồng bào người Dao, người Sán Chỉ nơi đây đã được thay đổi. Một nhịp sống mới biết sử dụng thiết bị vệ sinh hiện đại để giữ gìn sức khỏe cho gia đình, hành động có trách nhiệm với môi trường sống, đang lan tỏa và trở thành điểm sáng cùng điểm tô cho nông thôn mới của đồng bào miền núi xã vùng biên./.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam