Có một Homestay nằm bên đồi thông xinh đẹp

Du lịch, Hồn việt | 11:24:00 05/07/2018

TNV - Bấy lâu nay, đồi thông bản Hua Tạt đã là “chốn thần tiên” của trai gái bản Mông, của bà con bản Mông và bây giờ Homestay Tráng A Sếnh nằm bên đồi thông xinh đẹp còn là “chốn thần tiên” của du khách gần xa tìm về. 

 “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”

Bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La nằm ở km 168 đến km 172 ven Quốc lộ 6 theo hướng Hà Nội đi Sơn La, cách cao nguyên Mộc Châu chừng 15 km.

Cả bản có 138 hộ, 680 nhân khẩu; trong đó đồng bào dân tộc Mông là chủ yếu với 119 hộ, 620 nhân khẩu (chiếm  91,2%) còn lại là dân tộc Kinh có 19 hộ với 60 nhân khẩu. Nguồn sinh sống, thu nhập chủ yếu của bà con nơi đây từ canh tác nông nghiệp như: Lúa nước, lúa nương, ngô, su su...

Bản có Nhà văn hoá du lịch cộng đồng để sinh hoạt, hội họp, vui chơi giải trí; kiến trúc gỗ còn tương đối nguyên vẹn, được bảo vệ tốt; nhiều phong tục tập quán, văn hóa sinh hoạt hàng ngày vẫn còn lưu giữ, mang đậm giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào Mông bản địa.Với diện tích rừng tự nhiên 199,52 ha, đặc biệt, ngót 20 ha rừng thông hơn 10 năm tuổi, trung bình chiều cao 5 - 6m, đường kính là 20cm, được xem là thắng cảnh thiên nhiên thơ mộng, tài sản quý luôn được đồng bào người Mông quanh khu nâng niu, giữ gìn.

Cách đây 3 năm, ông Tráng A Súa (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã) và con trai Tráng A Chu là hộ đầu tiên dám táo bạo phá bỏ vườn mận, dựng căn nhà gỗ, mua sắm các thiết bị sinh hoạt hiện đại về làm du lịch. Đến nay, bản Hua Tạt đã có 5 hộ gia đình người Mông đi tiên phong làm du lịch và cũng là bản đầu tiên của huyện triển khai du lịch cộng đồng (homestay); đưa kinh tế thôn bản phát triển theo hướng bền vững, phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc và thân thiện với môi trường.

Thấy hướng đi mới có hiệu quả và đỡ vất vả hơn làm nương, sau khi cất công đi đi Sa Pa, Hà Giang, Bản Lác (Mai Châu – Hòa Bình) tham quan học hỏi, tháng 4 năm 2017 ông Tráng A Sếnh đã bắt tay vào đầu tư chuyển đổi 5.000 m2 đất trồng ngô, mận sang làm mô hình du lịch cộng đồng. Đây là mô hình được đầu tư mới hoàn toàn, trên một khu đất rộng có nhiều lợi thế về cảnh quan môi trường.

Từ Quốc lộ 6 rẽ phải, leo qua con dốc nhỏ ven đường chỉ non 100m là “ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” của Tráng A Sếnh hiện ra xinh xắn ngay dưới chân đồi thông, giữa khung cảnh núi rừng nên thơ và hùng vĩ.

Bên lối vào, vạt hoa cải nở trắng, tường rào xếp bằng đá đúng phong cách của người Mông; những khóm hoa khoe sắc vàng cam rực rỡ bên những khóm cây cảnh, cây bóng mát và thảm cỏ được trồng ngay trước cửa nhà; cùng tiếng nhạc dập dìu, du dương vọng ra…như đưa du khách lạc vào thế giới thần tiên trong chuyện cổ tích, xua đi cái oi ả, nóng nực mùa hè.

Một người đàn ông to lớn trạc ngoài 50, giọng nói oang oang, nụ cười đôn hậu, giang rộng vòng tay bước ra đón chúng tôi vào nhà. Ông là Tráng A Sếnh – người Mông chính hiệu – chủ nhân của homestay. Tựa lưng hẳn vào chiếc ghế gỗ rộng, thư thả nhấp ngụm trà, tôi khoan khoái ngắm nhìn quần thể kiến trúc theo hình thước thợ, những căn nhà gỗ đơn sơ, mộc mạc nhưng chắc chắn và sạch sẽ, đều được lợp bằng lá cọ, mát về mùa hè, ấm về mùa đông; vừa mang dáng dấp kiến trúc của người Mông, vừa mang nét của người Thái.

Được biết, homestay Tráng A Sếnh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 2/9/2017, với lượng khách nghỉ lại trung bình mỗi tháng150 người,  chủ yếu là khách Hà Nội, khách các tỉnh xa, khách ngoại quốc đến vào những ngày cuối tuần, đấy là chưa kể số khách qua lại thăm thú, vãng cảnh và đặt ăn trưa. Những ngày đông khách, tất cả con cái, dâu rể trong nhà gần chục người, đều được ông Sếnh huy động ra phục vụ khách; để khách được trải nghiệm nét văn hóa bản địa, con cái thì vừa có thêm thu nhập vừa học hỏi được kiến thức để nâng cao chất lượng phục vụ của homestay

“Chốn thần tiên” của trai gái bản Mông

Căn nhà chính rộng 80m2 được thiết kế gần với kiểu nhà sàn của đồng bào Thái. Tầng dưới, gồm có quầy đón tiếp, bếp, bàn ghế gỗ và tre để khách nghỉ ngơi uống trà cùng 10 bộ bàn ăn cũng đều bằng gỗ. Tầng trên được dùng làm nơi sinh hoạt của gia chủ.

Nối tiếp với nhà sàn là một căn nhà gỗ to có 2 cửa ra vào thoải mái, rộng chừng 120m2 kê sắn 2 dãy phản, đủ chăn đệm cho 22 khách ở lại. Căn nhà gỗ nhỏ hơn, rộng 90m nằm vuông góc với nhà gỗ to đủ chỗ cho 18 người; có 2 phòng nhỏ riêng biệt dùng cho gia đình 4 người.

Cuối căn nhà gỗ to là khu phụ được xây bằng gạch đá chắc chắn cao khoảng 1,5m, phần còn lại làm bằng tre nên rất thông thoáng; gồm 4 phòng tắm, 4 phòng vệ sinh và dãy bồn men sứ dùng để đánh răng, rửa mặt. Mọi đồ dùng sinh hoạt như chăn đệm, ấm chén, bát đũa; từ nơi ăn nghỉ cho đến khu vệ sinh, tất cả đều được lau dọn sạch sẽ, thơm tho bởi bàn tay của gia chủ.

Để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày cũng như trải nghiệm của du khách, bên hông căn nhà gỗ nhỏ được bố trí chiếc cối xay ngô nằm dưới tán cây thông rợp bóng. Trên gò đất cao gần đồi thông xanh rì là mấy chòi lá đơn sơ để khách được tận hưởng cảm giác bình yên, không gian trong lành và ngắm nhìn cảnh sắc núi rừng tĩnh mịch.

Do khí hậu ở đây chia thành 4 mùa rõ rệt, nên cứ tắt nắng là trời lại mát lạnh, đêm phải đắp chăn, tắm phải nước nóng, dù cho đang ở giữa mùa hè. Bởi vậy, ông Sếnh mạnh dạn đầu tư hẳn dàn nước nóng năng lượng mặt trời (300 lít) vừa để tiết kiệm chí phí lại thêm phần thân thiện với môi trường. Theo lão nông người Mông này, thời tiết ở đây khá dễ chịu, ngày nóng cao điểm nhất cũng không vượt quá 31 – 320c.

Chợt khoảng sân trước nhà vang tiếng nói cười, một cặp đôi trong trang phục cưới và một nhóm người trên chiếc xe du lịch vừa tới. Duy (thợ chụp ảnh cưới chuyên nghiệp ở Mộc Châu) cho biết, vào dịp hè gần như ngày nào anh cũng có mặt ở Homestay Tráng A Sếnh này để đưa các cặp đôi từ Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa…lên đồi thông xinh đẹp nằm ngay phía sau ngôi nhà để ghi lại những khoảng khắc đẹp nhất trong đời.

Như thể muốn “khoe” với khách, ông Sếnh vội lấy xe máy đích thân chở tôi tiến vào đồi thông. Rừng thông mở ra trước mắt tầng tầng, lớp lớp, những cây thông hơn 10 năm tuổi thẳng tắp, cao vút, tỏa tán đan xen phủ kín cả bầu trời. Cảm giác thật mát mẻ và dễ chịu, cái nóng nực, oi ả buổi trưa hè như bỏ lại phía ngoài cửa rừng.

Càng lên cao những vạt rừng thông như thấp dần lại, có lẽ bởi do thông phải chống chọi với gió to và sương lạnh nhiều hơn. Bất ngờ, một thảm cỏ mịn màng nằm ở khu vực đỉnh đồi thông cao nhất hiện ra. Đi thêm chừng hơn 100m, lại một thảm cỏ đẹp như tranh nằm giữa đồi thông xanh mát nữa hiện ra như trong chuyện kể về xứ sở thần tiên.

Thoạt nhìn bên ngoài thì khu đồi thông cũng đẹp như chưa thực sự ấn tượng, càng đi vào sâu thì cảm xúc càng dần thay đổi, và bây giờ cảm xúc như được vỡ òa - một cảm giác ngất ngây, lâng lâng, kỳ diệu, thật khó tả ùa về. Như quên hẳn đi mọi thứ mệt nhọc, quên rằng ông mặt trời chói chang đang ở trên đỉnh đầu, chúng tôi thích thú xà xuống thảm cỏ, hít hà thật sâu vào lồng ngực để tận hưởng bầu không gian trong vắt, ít dấu chân người qua lại; và như muốn tung bay cùng những làn gió trên tầng cao đang lồng lộng thổi, rồi lại thỏa thuê ngắm những thửa ruộng dài xa tít phía dưới, những ngọn núi xanh mờ xa.

Thi thoảng, từng tốp thanh niên bản Mông lại rủ nhau lên thảm cỏ đồi thông ngồi tâm tình, trò chuyện. Thấy vậy, Tráng A Chai (Cán bộ Phòng Văn hóa huyện Vân Hồ) cho biết, đây là nơi trai gái người Mông thường hẹn hò, nơi bà con các bản Mông lận cận tìm về vui chơi, uống rượu trong những dịp lễ, tết.

Thì ra bấy lâu nay, đồi thông bản Hua Tạt đã là “chốn thần tiên” của trai gái bản Mông, của bà con bản Mông và bây giờ Homestay Tráng A Sếnh nằm bên đồi thông xinh đẹp còn là “chốn thần tiên” của du khách gần xa tìm về./.

Một số hình ảnh tại Homestay bên đồi thông xinh đẹp: Ông Tráng A Sếnh (mặc trang phục dân tộc) và tác giả.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam