Huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên nắm chắc thực tế địa phương để xây dựng nông thôn mới hiệu quả

Chưa được phân loại | 03:49:52 20/07/2018

TNV - Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên có rất nhiều mô hình hiệu quả, tác động tích cực đến đời sống nhân dân, góp phần thay đổi lớn diện mạo nông thôn trong thời đại mới. Sở dĩ có được thành công này chính là nhờ vào phương pháp làm việc khoa học, chỉ đạo triển khai các nội dung, nhiệm vụ của Nghị quyết cụ thể hóa vào điều kiện thực tế địa phương.

Gần 10 năm lại đây, huyện Phú Lương đã thực hiện 7 giải pháp trọng điểm tại địa bàn toàn huyện, tạo sự thống nhất trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, trong đó:

- Thực hiện tái cơ cấu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Với nội dung này, Phú Lương đã phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, từng bước cải thiện nâng cao đời sống người dân nông thôn. Từ khi đổi mới, cơ cấu nội ngành nông nghiệp có chuyển biến tích cực: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân đạt 6,1%/năm; Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân 9,8%/năm; Giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha đất canh tác: năm 2008 đạt 40 triệu đồng; năm 2017 đạt 82 triệu đồng cao hơn năm 2008 là 42 triệu đồng. Sản xuất chè là thế mạnh được huyện quan tâm đầu tư phát triển; diện tích cây chè đến hết năm 2017 là 4.312 ha, sản lượng thu hoạch đạt 45.240 tấn, doanh thu trung bình ước đạt 100-150 triệu đồng/ha. Phát triển chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm theo hình thức trang trại, gia trại đã phát huy hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người dân. Giá trị ngành thủy sản qua 10 năm tăng 10,3%/năm. Năm 2008 đạt 11,4 tỷ đồng, đến năm 2017 đạt 27,6 tỷ đồng….

- Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và đô thị hóa. Đến nay, toàn huyện có 7/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ gắn với phát triển nông thôn, đô thị. Hệ thống giao thông nông thôn được tập trung đầu tư, nâng cấp, mở rộng; trong 10 năm đã làm mới, cải tạo, nâng cấp 235 km đường trục xã, liên xã, 319,3km đường trục xóm, liên xóm, 186,5km đường ngõ xóm, nội đồng. Hệ thống thủy lợi được tập trung cải tạo, nâng cấp cơ bản đảm bảo đáp ứng yêu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất và dân sinh…

- Về mặt giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục, văn hóa xã hội nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn. Với nội dung này, Phú Lương triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, đầu tư nâng cấp trang thiết bị nhằm phục vụ tốt việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ở khu vực nông thôn. Đến nay có 13/13 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn huyện đạt 89,89%. Hệ thống trường học tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, xây mới. Trong 10 năm thực hiện đã đầu tư xây dựng 112 phòng và 908mnhà công vụ. Đến nay số trường đạt chuẩn quốc gia là 45/56 trường (đạt 80,35%). Chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học được nâng lên. 100% số xã đã phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Hết năm 2017, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 90,7%, xóm văn hóa đạt 84,3%, có 13/13 xã đạt tiêu chí văn hóa.

- Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại đã được đổi mới về công tác quản lý, được đầu tư lớn hơn về qui mô, đa dạng hơn về sản phẩm; các tiến bộ khoa học, thiết bị máy móc đã được đưa vào sản xuất... Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được mở rộng, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, từng địa phương.

- Đặc biệt, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn, Phú Lương đã  đẩy mạnh việc ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đặc biệt là giống, quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng chuyên canh. Trong 10 năm, huyện đã tổ chức gần 1.860 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật với gần 93.000 lượt người tham gia; nhiều cây trồng, vật nuôi mới được đưa vào sản xuất và nhân ra diện rộng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đến nay, huyện đã tổ chức được 161 lớp đào tạo nghề cho 4.853 lao động, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ khuyến nông.

Phú Lương đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn. Hàng năm, huyện chỉ đạo phân bổ, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn; ưu tiên sử dụng vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng kinh tế xã hội ở nông thôn, vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả; vận động nhân dân, các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp phát huy nội lực cùng chung sức xây dựng nông thôn mới.

Theo đồng chí Ma Văn Rục -  Phó Bí thư thường trực huyện Phú Lương: Để thành công trong chương trình xây dựng Nông thôn mới, Phú Lương đã đúc kết ra rất nhiều bài học, trong đó có 5 bài học kinh nghiệm mang tính xuyên suốt:

Một là: Làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo học tập, quán triệt và tuyên truyền Nghị quyết, đồng thời vận dụng sáng tạo Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn của địa phương; Xác định đúng những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, những tiềm năng, thế mạnh, những khâu đột phá và có bước đi phù hợp; Sớm ban hành được nhiều Nghị quyết, cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển; Đẩy mạnh các hoạt động thể chế hoá các chủ trương, nghị quyết của Trung ương.

Hai là, phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất cao, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng và Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy được sức mạnh đoàn kết của nhân dân các dân tộc, các lực lượng xã hội.

Ba là, tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố, các tổ chức kinh tế, xã hội trong và ngoài tỉnh. Chủ động đối ngoại rộng mở, có cơ chế, chính sách thông thoáng thu hút đầu tư.

Bốn là, cấp ủy, chính quyền các cấp không ngừng đổi mới phương pháp công tác và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; quan tâm, sâu sát cơ sở, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và tính chủ động công tác của đội ngũ cán bộ cơ sở.

Năm là, thường xuyên phát động các phong trào thi đua yêu nước và phát huy có hiệu quả công tác thi đua - khen thưởng, tạo ra động lực mạnh mẽ huy động cán bộ, nhân dân tích cực lao động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng công tác.

                                                                                      Hồng Giang

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam