Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực Tây Thái Bình Dương cũng như trên thế giới trong phòng chống Lao ở cộng đồng

Sức khỏe, Tư vấn | 09:32:21 28/07/2018

TNV - Ngày 27/7 tại Hội trường lớn, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia đã có buổi gặp gỡ báo chí để thông báo về kết quả chuyến thăm và làm việc của Đoàn công tác Chương trình chống Lao toàn cầu tại Việt Nam.

Nhận lời mời của Chương trình chống Lao Quốc gia, từ ngày 23 - 27/7/2018, Đoàn công tác Chương trình chống Lao toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới do Tiến sĩ Tereza Kasaeva - Giám đốc Chương trình dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Trong chương trình, Tiến sĩ Tereza Kasaeva đã có cuộc họp và làm việc tại Văn phòng Chủ tịch nước để thảo luận về việc triển khai Chiến lược chấm dứt bệnh Lao và chuẩn bị cho cuộc họp cấp cao về bệnh Lao của Đại hội đồng Liên hợp quốc của các nguyên thủ quốc gia. Đoàn công tác của Chương trình chống Lao toàn cầu cũng đã có cuộc gặp và làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Lãnh đạo Bộ Y tế để bàn về một số vấn đề liên quan tới công tác phòng, chống lao tại Việt Nam.

Đó là: Thứ  nhất, Khung trách nhiệm giải trình đa ngành về phòng, chống lao; Đề xuất đưa phòng, chống Lao vào Ủy ban Quốc gia về phòng, chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Thứ hai, Hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới đối với Việt Nam trong triển khai Chiến lược kết thúc bệnh Lao; Và cuối cùng là Đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho mua sắm thuốc Lao, chuyển sang nguồn Quỹ Bảo hiểm Y tế từ năm 2019.

Trước đó, đoàn công tác đã dành thời gian làm việc với Chương trình chống Lao Quốc gia. Tại buổi làm việc này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống Lao Quốc gia đã giới thiệu về Chương trình chống Lao Quốc gia Việt Nam cũng như các hoạt động liên quan đến quản lý lao kháng thuốc, giới thiệu thuốc/phác đồ điều trị mới và cách tiếp cận mới để tiến tới chấm dứt bệnh lao.

Theo đó, hiện Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp lý khá đầy đủ cho việc chấm dứt bệnh lao bao gồm: Nghị quyết của Trung ương Đảng về mục tiêu đến năm 2030 cơ bản chấm dứt bệnh lao; Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Thông tư hướng dẫn phối hợp y tế công tư phòng chống lao, ưu tiên tiếp cận bảo hiểm y tế cho khám chữa lao và Chương trình chống Lao vẫn được ưu tiên trong Chương trình Mục tiêu Y tế và Dân số 2015 -2020.

Tiến sĩ Tereza Kasaeva - Giám đốc Chương trình chống Lao toàn cầu.

Cùng đó, hệ thống phòng chống lao và bệnh phổi toàn quốc gồm 50 bệnh viện chuyên khoa có trình độ cao cùng với các đối tác trong nước và quốc tế tạo nên mạng lưới phòng chống lao mạnh hoạt động rất hiệu quả, có thể áp dụng tất cả các thành tựu công nghệ mới vào Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung cũng chia sẻ về hàng loạt các ứng kỹ thuật công nghệ mới, thuốc mới, phương pháp tiếp cận mới đang được Việt Nam triển khai ứng dụng như: Chương trình nghiên cứu điều trị lao tiềm ẩn trong cộng đồng, giảm tỉ lệ mắc mới…

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Chương trình chống Lao Quốc gia Việt Nam thời gian qua, tại các buổi làm việc, TS Tereza Kasaeva - Giám đốc Chương trình chống Lao toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: Việt Nam từ một trong những quốc gia chịu gánh nặng lớn về bệnh lao trên toàn cầu và là một trong số những nước có gánh nặng bệnh lao cao hàng đầu trong khu vực. Nhưng, với những nỗ lực của các cấp ngành, Việt Nam  đã chuyển từ cam kết văn bản đến hành động thiết thực bằng việc không chỉ làm giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong vì căn bệnh này mà còn trở thành một trong những quốc gia đi đầu mở đường cho các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương cũng như trên thế giới trong phòng chống Lao ở cộng đồng.

Vị đại diện Chương trình chống Lao toàn cầu cũng đề nghị: Việt Nam hãy đi tiên phong trong những nỗ lực chấm dứt bệnh Lao tại thời khắc lịch sử này bằng việc đảm bảo sự tham gia của lãnh đạo cấp quốc gia trong cuộc họp cấp cao của Liên hợp quốc về bệnh Lao sẽ diễn ra ngày 26 tháng 9 sắp tới.

Tereza Kasaeva cho rằng, năm 2018 là năm lịch sử trong cuộc chiến chống lại bệnh lao vì tất cả đang hướng đến cuộc họp cấp cao lần đầu tiên của Liên hợp quốc về vấn đề bệnh Lao. Cuộc họp cấp cao này của Liên Hợp Quốc sẽ được xây dựng dựa trên cam kết của các Bộ trưởng và các nhà lãnh đạo đến từ 120 quốc gia cùng hơn 800 đối tác, bao gồm cả các tổ chức xã hội họp tại Moscow tháng 11 năm ngoái nhằm thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao.

Bà đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam trong Hội nghị cấp Bộ trưởng toàn cầu của WHO về kết thúc bệnh lao và thông qua Tuyên bố Moscow để chấm dứt bệnh lao. Sự hiện diện của đoàn cấp Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam đã góp phần rất quan trọng cho sự thành công của Hội nghị cũng như Tuyên bố về đẩy nhanh tiến độ Kết thúc bệnh Lao toàn cầu.

Được biết, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố đề xuất một sáng kiến mới cùng với Liên minh phòng chống lao toàn cầu (STP) và Quỹ toàn cầu (Global Fund) có tiêu đề: “TÌM. ĐIU TR. TT C. #Kết thúc bnh Lao" (FIND. TREAT. ALL. #ENDTB"). Thông qua sáng kiến này, tất cả hướng tới mục tiêu 40 triệu người được phát hiện và được điều trị lao có chất lượng cao nhằm thu hẹp khoảng trống về chăm sóc chuẩn, đồng thời sẽ điều trị cho ít nhất 30 triệu người mắc Lao tiềm ẩn trong 5 năm tới. Sáng kiến này sẽ thúc đẩy và hỗ trợ các quốc gia đẩy nhanh lộ trình Kết thúc bệnh Lao.

Tiến sĩ Tereza Kasaeva được bổ nhiệm làm Giám đốc Chương trình chống Lao toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới vào ngày 18/12/2017. Bà chịu trách nhiệm thiết lập các chỉ tiêu, chính sách và các tiêu chuẩn về dự phòng, kiểm soát và chăm sóc bệnh  lao toàn cầu. Bà được Viện Hàn lâm y học Liên bang Nga về giáo dục sau đại học chứng nhận là chuyên gia về hệ thống y tế. Bà được phong tặng danh hiệu Breastplate cao quý “Excellence in Public Health”  năm 2015 và trao Bằng danh dự của Bộ Y tế và Phát triển xã hội của Liên Bang Nga năm 2009.

B.Hạnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam