Cùng sống lại khoảnh khắc Thủ đô ngày giải phóng

Giải trí, Văn hóa | 09:33:48 30/09/2018

Nhân kỷ niệm 64 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2018), Ban quản lý Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò sẽ tổ chức Trưng bày chuyên đề “Hà Nội - Ngày trở về”.

Đây sẽ là hoạt động giúp người dân Hà Nội và khách tham quan trên mọi miền Tổ quốc sống lại khoảnh khắc ngày giải phóng Thủ đô, giúp du khách quốc tế hiểu thêm về một Hà Nội giàu truyền thống lịch sử cách mạng, tăng thêm niềm tự hào về “trái tim của cả nước” qua 64 năm xây dựng và phát triển.

Chuyên đề với 2 nội dung: Ra đi… Hẹn một ngày về và Hà Nội ngày trở về.

Phần nội dung thứ nhất “Ra đi… Hẹn một ngày về”, công chúng sẽ hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh gian khổ nhưng luôn vững một niềm tin sắt đá của quân và dân Thủ đô đó là “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”.

Chiến sĩ Trung đoàn thủ đô ôm bôm ba càng lao vào xe tăng địch

Mùa đông năm 1946 là ký ức hào hùng không thể quên với người Hà Nội. Đáp lại lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Thủ đô đã mở đầu thời khắc lịch sử hào hùng - 60 ngày đêm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” bằng những loạt đại bác rền vang từ Pháo đài Láng.

Những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô trong thời khắc ác liệt đó, họ đã sống 4 tại chỗ: Ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ, chiến đấu tại chỗ và chết chôn tại chỗ. 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội chính là trận chiến tuy ngắn nhưng đã chứng kiến tinh thần sục sôi khí thế của những người Hà Nội quả cảm với tinh thần cả thành phố ào ra đường chống giặc. Nhiều chị em phụ nữ, các cháu thiếu nhi đã luồn lách trong các giao thông hào, chướng ngại vật trên đường, vượt qua lửa đạn tới tận chiến hào để tiếp tế đạn dược cho bộ đội đánh giặc.

Những lá đơn tình nguyện xin được ôm bom ba càng sẵn sàng lao vào xe tăng địch của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô ngày càng nhiều. Hình ảnh lớp lớp thanh niên lên đường ra trận, sắt son lời thề ra đi với lời nhắn nhủ: “Hẹn ngày trở về! Ta thề Thủ đô sẽ chiến thắng quân thù!”. Vươn lên bằng ý chí, tôi luyện và khẳng định sức mạnh qua từng chặng đường gian nan, chạm đến tột cùng của những tháng ngày thấm máu, biết bao chiến sĩ đã cảm tử hy sinh, biết bao người con Việt Nam yêu nước đã nằm xuống để cho vinh quang của đất nước mãi trường tồn. Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến trường kỳ, để từ đây những đoàn quân “trùng trùng như sóng” tiến về giải phóng Thủ đô.

Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, chiến sỹ Thủ đô quyết tâm đánh địch, bảo vệ từng ngôi nhà, góc phố. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Nội dung trưng bày thứ hai “Hà Nội ngày trở về” là những câu chuyện của 64 năm về trước khi Hà Nội hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. Những câu chuyện, hình ảnh về cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn Bình Ca thuộc Trung đoàn Thủ đô tiến vào Hà Nội tham gia tiếp quản 35 địa điểm trọng yếu như: Phủ Thủ hiến Bắc Việt, Dinh Quốc trưởng, Nha Công an Bắc Việt, Nha Bưu điện Bắc Việt, Ty Cảnh sát thành phố, Thư viện Trung ương Đông Dương, Bệnh viện Bạch Mai, Nhà tù Hỏa Lò…sẽ được giới thiệu một cách chân thực và xúc động. Sau ngày giải phóng, Hà Nội lại tiếp tục xây dựng và phát triển, kiêu hãnh và có những đổi thay mạnh mẽ cả về tầm vóc, diện mạo để làm nên một Hà Nội thanh bình, văn minh và ngày càng hiện đại.

Trong trưng bày chuyên đề “Hà Nội ngày trở về”, lần đầu tiên nhiều hiện vật gắn liền với sự kiện giải phóng Thủ đô cũng được giới thiệu tới công chúng như: Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cho các chiến sỹ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954; Báo “Tiền phong” (báo của Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội, số đặc biệt đón mừng ngày giải phóng Thủ đô), tháng 10/1954; Chứng minh thư, Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội cấp cho cán bộ sử dụng khi đi liên hệ công tác trong thời kỳ tiếp quản Thủ đô từ ngày 9/10/1954 đến ngày 31/12/1954.

Tiến về giải phóng Thủ đô

Trong chương trình khai mạc, đại biểu và công chúng sẽ có dịp lắng nghe những chia sẻ của nhân chứng tham gia tiếp quản Thủ đô như: Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Minh - Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục chính trị Công an Nhân dân, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và chiến lược, Bộ Công an; Đại tá Nguyễn Trọng Hàm Nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô (Nay là Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội); Đại tá Dương Niết - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Phòng không không quân cùng nhiều nhân chứng lịch sử đã tham gia tiếp quản Thủ đô, tham gia cống hiến, bảo vệ Hà Nội trong những ngày tạm chiếm.

Ngoài ra, các tiết mục văn nghệ, sự xuất hiện của gần 200 cán bộ chiến sĩ các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Tư lệnh Lăng, Công an Thành phố Hà Nội, sinh viên Trường Đại học Thủ đô trong chương trình sẽ làm sôi động hơn không khí hân hoan của Thủ đô nói chung và niềm tự hào của giới trẻ nói riêng trong ngày trọng đại này. Một bức tranh toàn cảnh về Hà Nội từ ngày lịch sử 10/10/1954 cho đến thời điểm hiện tại và một Hà Nội đang hướng tới tương lai sẽ được khắc họa và tái hiện trong chương trình khai mạc để đại biểu tham dự như được sống lại những ký ức của mình với Hà Nội; sống với những ký ức mới chỉ được biết đến qua sách, báo, phim ảnh hay được dấy lên niềm tự hào và tình yêu với Thủ đô sau 64 năm giải phóng.

Chương trình khai mạc trưng bày chuyên đề: “Hà Nội - Ngày trở về” được diễn ra vào 8h30 ngày 5/10/2018 (thứ Sáu) tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 phố Hỏa Lò, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngay sau chương trình khai mạc, trưng bày sẽ mở cửa đón và phục vụ công chúng đến ngày 30/1/2019.

Phạm Hoàng  My

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam