Sức trẻ trên đường khởi nghiệp

Khởi nghiệp | 08:01:58 04/10/2018

“Cháy” hết mình vì tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại. Đó là phương châm của Hoàng Khánh Chi, giảng viên môn Luật Khoa học cơ bản, đồng thời là thủ lĩnh đoàn của Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai. Người “bắt” cá bơi lội trên núi Đã từng có lúc gia đình không ủng hộ, dân làng nhiều người cười chê và cho rằng chàng thanh niên ấy “khùng”. Vì ở vùng núi cao, hiểm trở, thiên nhiên khắc nghiệt đến những giống cá đơn thuần nuôi trong ao còn hiếm nói gì đến loài cá khó tính có nguồn gốc từ Bắc Âu xa xôi. Vậy nhưng, tin rằng cá hồi sẽ thích nghi, sinh trưởng tốt ở quê mình cũng giống như nó đã “con đàn, cháu đống” ở nơi bên kia ngọn núi, chàng trai trẻ Vàng Láo Sử, thôn Láo Vàng, xã Phìn Ngan (Bát Xát) quyết định nuôi loài cá này.
Đoàn viên Vàng Láo Sử, thôn Láo Vàng, xã Phìn Ngan (Bát Xát) nuôi chí làm giàu bằng mô hình nuôi cá hồi vân.

25 tuổi, nhưng Sử đã có 4 năm “thức, ngủ” với cá hồi vân. Gian khó có, thất bại có và bước đầu đã thành công. Khi được hỏi vì sao lại mạo hiểm, chọn nuôi loại cá “lạ hoắc”, chàng thanh niên người Dao đỏ cười tươi: Mình đã đi tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá hồi ở Bản Khoang (Sa Pa), nơi chỉ cách thôn mình một đỉnh núi. So sánh về điều kiện khí hậu, nguồn nước thì hai bên khá tương đồng, nên mình nghĩ cá hồi phát triển rất tốt ở vùng đó chắc chắn sẽ như vậy khi về với thôn mình. Để khẳng định những suy nghĩ của mình là đúng, Sử miệt mài với dự án ở tận rừng xa. Chọn một đỉnh đồi bằng phẳng gần nguồn nước, cách nhà 4 km, Sử làm ao. Trong tay chỉ có vài triệu đồng nên phải hạn chế tối đa chi phí, Sử tự mình đào bể chìm và lót bạt, tạo đường nước với giá vài triệu đồng thay cho việc xây bể nổi kiên cố như người ta thường làm. Tháng 2/2015, có 500 con cá hồi giống chính thức “nhập khẩu” vào Phìn Ngan. Đúng là “trời không phụ lòng người”, đàn cá của Sử thích nghi dần và sinh trưởng tốt. Sau hơn nửa năm, mỗi con cân vội cũng được 7 - 8 lạng. Nhìn đàn cá lưng xanh đen với chiếc bụng bạc bơi lội tung tăng trên cái ao lưng chừng núi, bà con tỏ ra thích thú và thầm cảm phục ý chí của Sử. Thật không may, tháng 8/2016, Phìn Ngan chịu một trận “đại hồng thủy”. Lũ từ trên khe suối ầm ầm đổ về phá tung ao cá hồi. Trên 4 tạ cá trị giá khoảng 80 triệu đồng của Sử cuốn theo dòng lũ. Trắng tay, tưởng rằng Sử sẽ dừng lại. Nhưng không, khi cơn lũ đi qua, Sử lại tiếp tục hành trình. Rút kinh nghiệm, lần này Sử chọn đào ao ở mỏm đồi cao hơn, cách xa dòng nước chảy. Đầu năm 2017 lại có 1.500 con cá hồi được về với dòng nước mát Phìn Ngan. Sau gần 1 năm, Sử thu lứa cá đầu tiên với 1,2 tấn cá, thu lãi gần 100 triệu đồng. Hai năm nay, thấy Sử nuôi cá hồi thành công, bốn hộ trong thôn cũng học hỏi và làm theo. Chưa đến kỳ thu hoạch nhưng các đàn cá đều sinh trưởng rất tốt, hứa hẹn những mùa bội thu. Cá hồi là giống rất khó tính, nên người nuôi phải dụng công, kiên trì, tỉ mỉ. Vậy nên, các biểu hiện bệnh của cá, lưu lượng dòng chảy vào ra… Sử đều thuộc lòng để chăm sóc, điều chỉnh cho đàn cá của mình và những hộ xung quanh. Chia sẻ về những ngày đã qua, Vàng Láo Sử cho biết: Mặc dù mới là bước đầu, nhưng mình rất hài lòng vì đã mở hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho gia đình và dân bản. Mình hy vọng đây sẽ là mô hình làm giàu cho bà con. “Cháy” hết mình vì tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại Đó là phương châm của Hoàng Khánh Chi, giảng viên môn Luật Khoa học cơ bản, đồng thời là thủ lĩnh đoàn của Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai. Cũng bởi vậy mà Khánh Chi luôn tranh thủ từng giờ làm những “việc cần” với trái tim “nóng” của tuổi trẻ.

Hoàng Khánh Chi (đứng thứ 4 hàng đầu từ trái sang) trong chuyến tình nguyện về thị trấn Nông trường Phong Hải (Bảo Thắng).
Sau giờ làm việc buổi chiều, khu vườn ứng dụng công nghệ cao của Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai luôn rộn vui tiếng nói cười. Kia là khu nhà lưới trồng hoa lan, kia là khu trồng hoa hồng, còn đây là khu vườn trồng các loại rau, quả. Tôi hiểu đó là công việc thường xuyên của họ, bởi những đôi tay kia thoăn thoắt vun trồng như những nhà nông chính hiệu. Khu vườn thực nghiệm với trên 3.000 giò hoa lan thuộc 120 loài, hàng trăm chậu hoa hồng lớn, nhỏ thuộc hơn 50 loại hồng cổ, hồng ngoại nhập, ngoài ra còn có dưa lưới, cà chua… mùa nào thức ấy vươn cao mạnh mẽ. Trong khu nhà lưới trồng rau, quả, Hoàng Khánh Chi đang hướng dẫn đoàn viên của mình cách làm đất và chăm sóc luống cà chua mới trồng. Cùng các đoàn viên của phân hiệu thực hành khâu tưởng chừng đơn giản nhất của việc trồng rau, tôi mới hiểu để có ngày kết trái, quả không dễ dàng gì. Những kỹ thuật làm sao để đất tơi xốp, có độ màu, độ ẩm vừa phải phù hợp từng loại cây trồng được Khánh Chi cùng một số đoàn viên là thầy cô giáo hướng dẫn tỉ mỉ đến sinh viên. Những đôi tay chỉ quen cầm bút, nay cũng lấm lem vục sâu xuống từng thớ đất. Chăm chỉ vun trồng nên vụ cà chua trước, chỉ với vài trăm gốc mà các bạn trẻ của phân hiệu đã thu được trên 1 tấn quả. Sản phẩm sạch này được đem đi giới thiệu ở các lễ hội, khu trưng bày ẩm thực: Lễ hội đền Thượng, Lễ hội Ẩm thực Tây Bắc... Dừng tay vuốt sợi tóc vương trên mắt, Hoàng Khánh Chi cười tươi rói: “Tham gia trồng, chăm sóc các mô hình nhà lưới trồng rau, hoa cao cấp của phân hiệu là cơ hội để mỗi đoàn viên, thanh niên luyện rèn tinh thần yêu lao động, sự đoàn kết gắn bó trong các phong trào thi đua. Đồng thời, đây còn là dịp để các em vận dụng những kiến thức đã học vào thực hành thực tế. Tôi nghĩ, càng được rèn luyện, cộng hiến nhiều, các em sẽ càng trưởng thành hơn, phong trào đoàn vì đó càng thêm vững mạnh”. Tâm niệm vậy, nên dù mới đảm nhận trọng trách thủ lĩnh từ cuối năm 2016 của tổ chức đoàn “non trẻ” (Đoàn Phân hiệu Đại học Thái Nguyên được thành lập đầu năm 2016), Hoàng Khánh Chi đã có nhiều sáng kiến, tổ chức nhiều hoạt động để tập hợp đoàn viên, thanh niên tham gia. Nhiều câu lạc bộ đã được đưa vào hoạt động để sinh viên được cống hiến, rèn luyện và trưởng thành, như Câu lạc bộ Tiếng Anh, Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học, Câu lạc bộ tình nguyện, tổ chức diễn đàn Thắp lửa khởi nghiệp cho sinh viên, tập huấn về khởi nghiệp... Mỗi câu lạc bộ, mỗi chương trình có những hoạt động riêng, nhưng đều là nơi tạo dựng những hành trang cho đoàn viên trên bước đường khởi nghiệp. Phấn khởi trước bước trưởng thành của đồng chí mình, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hà, Phó Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai cho biết: Bí thư đoàn Hoàng Khánh Chi là một trong những nhân tố điển hình của đơn vị. Đồng chí đã có nhiều sáng kiến, giải pháp, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ của cơ quan, đồng thời luôn đi đầu trong các phong trào tuổi trẻ hướng về cơ sở, đưa hình ảnh phân hiệu đến gần hơn với người dân. Sự cố gắng nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công của Vàng A Sử hay sự nhiệt thành “cháy” hết mình vì phong trào tuổi trẻ của thủ lĩnh đoàn Hoàng Khánh Chi chỉ là hai “bông hoa xanh” trong hàng nghìn bông hoa tuổi trẻ Lào Cai luôn hăng say lao động. Đây cũng là 2 trong số 60 điển hình tiên tiến được Tỉnh đoàn vinh danh nhân đợt thi đua đặc biệt chào mừng 60 năm ngày Bác Hồ thăm Lào Cai (23/9/1958 - 23/9/2018) và 70 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018). Chia sẻ với chúng tôi về đợt thi đua đặc biệt này, đồng chí Giàng Quốc Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai cho biết: Nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực đã được tổ chức, giúp đoàn viên, thanh niên hiểu rõ hơn về truyền thống lịch sử quê hương, đất nước, góp phần giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Đây cũng là cơ hội để tuổi trẻ không ngừng rèn luyện, phấn đấu ra sức thi đua để khẳng định bản thân, góp phần xây dựng quê hương, đất nước mạnh giàu.

Theo Báo Lào Cai

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam