Cần chú trọng công tác dự báo xu hướng ngành nghề

Giáo dục, Dạy nghề | 15:41:00 18/10/2018

TNV - Hôm rồi đang ngồi ở văn phòng, nhận được cuộc điện thoại từ một người bạn từng hoạt động chung công tác thanh niên mấy năm trước, bây giờ bạn ấy là Trưởng phòng tổ chức nhân sự của một doanh nghiệp lắp máy có tiếng tại Thành phố Hồ Chí Minh: “Anh khỏe không? em có việc nhờ anh tý”.

Bạn ấy nhờ tôi giới thiệu hơn 20 công nhân kỹ thuật chuyên về điện công nghiệp, hàn, cơ khí vì một số công trình đang rất cần lao động.

Tôi cũng liên hệ vài nơi, đặc biệt là trao đổi với lãnh đạo một Trường Cao đẳng nghề do đơn vị tôi quản lý, thầy Phó Hiệu Trưởng rất phấn khởi: “Sinh viên của Trường hễ tốt nghiệp là có việc làm, thậm chí là chưa có bằng tốt nghiệp cũng đã có đơn vị nhận, mấy nghề như xây dựng, cơ khí, điện công nghiệp dễ có việc làm lắm, không có người giới thiệu giúp anh đâu”, rồi thầy cũng băn khoăn: “Vậy nhưng thí sinh đăng ký xét tuyển và theo học nghề mấy năm gần đây giảm hẳn, chỉ tiêu 1000 sinh viên thì trường chỉ tuyển được hơn 500 sinh viên theo học, bây giờ xét tuyển vào các Trường đại học dễ hơn trước đây nên các bạn ấy theo học đại học thôi, các Trường nghề hiện tại đang rất khó khăn, chưa có phương án và giải pháp nào hiệu quả để thu hút các bạn trẻ vào học”.

Cuối cùng tôi cũng không giới thiệu được ứng viên nào theo yêu cầu của bạn, tự dưng thấy băn khoăn quá.

 Đào tạo nghề là một nội dung quan trọng, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia để hướng tới sự phát triển bền vững. Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra mục tiêu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, để góp phần hoàn thành mục tiêu này, thì việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội để góp phần vào việc đầu tư hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực hạ tầng giao thông đồng bộ, hạ tầng xây dựng, hạ tầng ngành điện, hạ tầng thủy lợi…, trong đó vai trò người lao động, công nhân lành nghề là cực kỳ quan trọng. Máy móc ư? Rô bốt ư? Kỹ sư, cử nhân ư? Các giáo sư, tiến sĩ ư? Chắc chắn không thể thiếu người lao động (công nhân kỹ thuật) có tay nghề cao, được đào tạo bài bản.

Theo số liệu, hiện nay, Việt Nam có gần 24 triệu thanh niên (16 - 30 tuổi), chiếm 25,8% dân số và trên 44,4% lực lượng lao động cả nước. Thực tế trong khoảng 1 triệu học sinh tốt nghiệp hệ THPT hằng năm có tới 90% thi vào các trường đại học, cao đẳng, chỉ khoảng 10% đăng ký học nghề.

Trong những năm gần đây quy mô tuyển sinh đại học tăng nhanh, rất ít học sinh tốt nghiệp THPT lựa chọn học nghề. Trong khi theo Chỉ thị 10-CT/TW ngày 5.12.2011 của Bộ Chính trị, đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học nghề nhưng thực tế hiện nay mới đạt được 2,5 - 3,5%. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm trong thanh niên có xu hướng tăng; chất lượng việc làm chưa cao, thiếu việc làm hoặc không có việc làm thường xuyên, năng suất lao động thấp. Do không có việc làm nên 2/3 số thanh niên nông thôn thường xuyên phải rời quê tìm việc ở nơi khác.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta luôn coi công tác đào tạo nghề cho thanh niên là nhiệm vụ quan trọng nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của đất nước, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, đáp ứng nguyện vọng về học nghề của thanh niên, gia đình cũng như toàn xã hội, để đáp ứng nhu cầu việc làm ngày càng cao của thanh niên trong những năm gần đây, hệ thống dạy nghề ở nước ta đã có bước phát triển mạnh, từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Tuy nhiên, hoạt động tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm đối với thanh niên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Nhận thức của đa số thanh niên và xã hội về dạy nghề, tạo việc làm chưa đầy đủ; công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, thanh niên còn nhiều hạn chế. Câu chuyện nêu trên chỉ là một ví dụ hẹp nhưng nó cũng đặt ra cho nhà quản lý, gia đình và kể cả cá nhân thanh niên quan tâm. Có bằng đại học nhưng không thể xin được việc làm, trong khi người có bằng trung cấp, cao đẳng nghề thì xã hội đang rất cần.

Bên cạnh các giải pháp được Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành, đoàn thể đang quan tâm hiện nay, như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp, đầu tư nâng cấp các Trường nghề, Trung tâm hướng nghiệp - dạy nghề cho học sinh, thanh niên và đào tạo nghề cho thanh niên hiện nay, xin được đề xuất thêm một giải pháp theo quan điểm cá nhân:

Phải chú trọng đến công tác dự báo xu hướng một số lĩnh vực, ngành nghề cần nhu cầu lao động trong tương lai để tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, thanh niên ngay từ khi các em theo học bậc trung học cơ sở. Dự báo chính xác xu hướng này để có hướng đào tạo nguồn nhân lực hợp lý, tránh đào tạo tràn lan các ngành nghề không có nhu cầu nhiều trong tương lai. Đơn cử, hiện nay Việt Nam nói rất nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư). Nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học,tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. Theo dự báo, một số ngành như kế toán, bảo hiểm, môi giới bất động sản, tư vấn tài chính, vận tải sẽ không có nhu cầu lớn trong tương lai, như vậy các lĩnh vực, ngành nghề khác: xây dựng, cơ khí, điện…là cần thiết.

Thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên là việc làm vừa cấp bách, vừa là việc mang tính cơ bản lâu dài, để đạt được điều đó đòi hỏi phải có sự nỗ lực của các cấp, các ngành mà trước hết vai trò chủ thể là các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt các nội dung giải pháp đã có, cần phải nghiên cứu các giải pháp mới theo xu hướng hiện nay từng bước hạn chế lao động thất nghiệp không có việc làm, nhưng một số ngành nghề khác cần việc làm thì lại không có người.

Ths Nguyễn Xuân Ngọc

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam