Chiến dịch “Lan tỏa yêu thương - Giáo dục không bạo lực”

Giáo dục, Hướng nghiệp | 15:15:12 19/10/2018

TNV - Ngày 19/10, Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Cục Trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam tổ chức Hội thảo Giới thiệu Chiến dịch Lan tỏa yêu thương - Giáo dục không bạo lực với sự tài trợ của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế (Save the Children International).

Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được thông tin, báo cáo. Hiện nay vẫn còn các trường hợp cha mẹ, người chăm sóc trẻ và thầy cô giáo sử dụng các biện pháp trừng phạt thân thể như: đánh bằng tay hoặc bằng roi/gậy, tát, bạt tai, véo, giật tóc, bắt ép trẻ duy trì các tư thế không thoải mái trong thời gian dài,… hoặc trừng phạt tinh thần như: mắng chửi, mỉa mai, miệt thị, so sánh trẻ với con vật, đồ vật, với trẻ khác, v.v.Tất cả những hành vi đó đều vi phạm quyền được bảo vệ của trẻ em, gây tổn thương cả về thể chất và tinh thần của trẻ. Rất tiếc, những hành vi đó vẫn còn diễn ra do phụ huynh, người chăm sóc trẻ, giáo viên chưa ý thức được đó là các hành vi vi phạm phạm luật, xâm phạm quyền của trẻ em cũng như chưa nhận thức được rằng trừng phạt thể chất và tinh thần không mang lại các kết quả tích cực về giáo dục như họ mong đợi.

Chiến dịch “Lan tỏa Yêu thương - Giáo dục không bạo lực” được triển khai với sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương với các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế từ Bắc vào Nam nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất trong việc nâng cao nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo, các bên liên quan và cộng đồng về loại bỏ những hình thức bạo lực, xâm hại trẻ em; chấm dứt phân biệt đối xử với trẻ em và thực hành phương pháp giáo dục yêu thương, không bạo lực trong quá trình nuôi dạy trẻ.

Là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em, Việt Nam đã xây dựng và ban hành khung pháp lý tương đối toàn diện để ghi nhận và bảo đảm thực thi các quyền của trẻ em, trong đó có quyền “được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em(Điều 27 Luật trẻ em 2016). Ngoài Luật Trẻ em năm 2016 còn có nhiều văn bản luật khác cũng ghi nhận và bảo vệ quyền trẻ em như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi) năm 2015, Luật Giáo dục năm 2005, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2006, Luật Bình đẳng giới năm 2006, v.v. Các hành vi vi phạm quyền trẻ em nói chung, quyền được bảo vệ của trẻ em nói riêng, tùy theo mức độ nghiêm trọng có thể bị xử lý bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nghị định 144/2013/ NĐ-CP ngày 29/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em (đang được nghiên cứu sửa đổi).

Phát động chiến dịch, bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc MSD chia sẻ “Chiến dịch Lan toả yêu thương - Giáo dục không bạo lực đưa ra những thông điệp và cũng là những giải pháp rất cụ thể “#Ngừngđánhcon, #Ngừngquátmắngcon #Cùngcontìmgiảipháp, #Conlàduynhất,saophảisosánh” – chúng tôi mong muốn các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ và cả các thầy cô giáo có thể thử thách bản thân thực hiện các thông điệp – giải pháp này trong việc giáo dục con trẻ. Chúng ta thường nguỵ biện trong giáo dục, nhân danh tình yêu, sự quan tâm và mục đích “muốn tốt  cho trẻ”vẫn sử dụng bạo lực thể chất; nhân danh noi gương vẫn so sánh con gây nên những tổn thương về tinh thần, v.v. Tình yêu thực tế chỉ có thể được thể hiện thông qua tình yêu – giáo dục bằng tình yêu thương, khích lệ, khen thưởng, kỷ luật tích cực, đồng hành cùng con chính là những giải pháp hữu hiệu nhất cho sự phát triển của trẻ. Chúng tôi hy vọng tất cả các bên liên quan sẽ đồng hành cùng chiến dịch, để lan toả tình yêu thương, biến các thông điệp của chiến dịch trở thành những thực hành tích cực hàng ngày trong giáo dục, nuôi dạy trẻ”.

Đồng chủ trì Chiến dịch, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp các bên trong việc thực hiện thành công chiến dịch: “Bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, xâm hại không phải là công việc, nhiệm vụ của riêng một cá nhân hay tổ chức nào. Đó là một hành trình dài “Lan tỏa yêu thương” và thúc đẩy “Giáo dục không bạo lực” với sự vào cuộc của nhiều bên liên quan, đặc biệt phải kể đến vai trò của các tổ chức xã hội và các đơn vị truyền thông. Cục Trẻ em cũng sẽ tích cực trong việc lắng nghe ý kiến của trẻ em và đảm bảo các quyền của trẻ em được thực hiện”.

Đề cập đến nội dung các hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch, Bà Nguyễn Hải Anh, Quản lý Chương trình Gia đình Việt của MSD chia sẻ: “Chiến dịch “Lan tỏa Yêu thương - Giáo dục không bạo lực” là sự tiếp nối của Chiến dịch “#Ngừngđánhcon, #Ngừngquátmắngcon #Cùngcon tìmgiảipháp” năm 2017. Nếu năm 2017, chiến dịch mới được thực hiện tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, thì với sự hỗ trợ và ủng hộ của cơ quan nhà nước và địa phương, các tổ chức xã hội và truyền thông, năm nay chiến dịch đã được thực hiện tại Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh với những can thiệp sâu rộng.

Chúng tôi nỗ lực tạo ra nhiều các cơ hội và các không gian trao đổi, thảo luận và thực hành kết nối giữa cha mẹ, thầy cô và trẻ tạo nên sự gắn kết và lan toả yêu thương, thúc đẩy các thông điệp giáo dục gia đình và nhà trường không bạo lực. Đồng thời một số nghiên cứu được công bố và đối thoại chính sách đa bên trong việc thúc đẩy thực thi Quyền Trẻ em và Giáo dục tích cực được kỳ vọng sẽ đạt được các thảo luận tích cực cho giải pháp chính sách phòng chống bạo lực trẻ em dưới mọi hình thức và triệt để ”.

Chiến dịch diễn ra từ tháng 10 đến giữa tháng 11 năm 2018 với hàng loạt các hoạt động tập huấn, truyền thông cộng đồng, truyền thông xã hội và đối thoại chính sách tại Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh.

T.Hiếu

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam