Quốc hội thảo luận về phân bổ ngân sách, đầu tư công trung hạn

Thời sự, Chính trị | 09:06:54 29/10/2018

Ngày 29/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự toán ngân sách nhà nước và đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn,…

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu

Điều hành phiên họp Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho biết, đã có 32 đại biểu đăng ký tham luận. Mở đầu phiên họp đại biểu Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ đồng tình với nhận định của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu chưa đạt yêu cầu đề ra.

Ông tham luận sâu thêm về tiến độ thực hiện chương trình hành động, triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đại biểu cũng góp ý về việc bổ trí vốn để thực hiện chương trình mục tiêu hỗ trợ xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (xử lý nước thải sinh hoạt, ô nhiễm các bãi rác)...

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành sớm xây dựng ban hành chương trình tổng thể về ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng danh mục chi riêng về vấn đề này để bảo đảm kinh phí thường xuyên; đề nghị quan tâm bố trí vốn thực hiện các dự án về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Tham luận về đầu tư công, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắc Nông) tham luận về vấn đề bố trí vốn đầu tư công trung hạn cho các dự án đường ven biển; cân đối bố trí vốn các công trình từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; phân bổ vốn dự phòng chung giai đoạn 2016 - 2020 cần tính đến dự phòng để xử lý những vấn đề cấp bách phát sinh; việc sử dụng vốn nước ngoài đầu tư xây dựng đường cao tốc cần thực hiện đúng các Nghị quyết của Quốc hội và Bộ Chính trị....

Hoàn thiện cơ chế để đẩy mạnh tự chủ y tế

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) tham luận về việc bố trí vốn cho lĩnh vực y tế. Theo đại biểu việc bố trí vốn cho lĩnh vực này đang có xu hướng giảm, nhất là trong việc bố trí cho y tế dự phòng, bảo hiểm y tế, phát triển y tế cơ sở khu vực khó khăn,... chưa bảo đảm yêu cầu đề ra.

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng chi ngân sách cho y tế. Đồng thời đại biểu cũng góp ý về việc triển khai cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập.

Theo đó, cần tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, có Nghị định quy định cụ thể để bảo đảm hoạt động cho các cơ sở tự chủ; đồng thời cần đẩy mạnh phát triển bác sĩ gia đình, nâng cao chất lượng giường bệnh,...

Tập trung vốn cho các dự án cấp bách, trọng điểm

Tham luận về đầu tư công trung hạn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) khẳng định việc đổi mới là cần thiết, đúng đắn và những nỗ lực của Chính phủ về vấn đề này trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, khi thực tế đầu tư công vẫn còn việc đầu tư dàn trải (tổng múc đầu tư 2 triệu tỷ đồng cho 9620 dự án), dẫn  tới nhiều dự án vẫn còn dở dang, thiếu vốn, không ở đâu mỗi tỉnh có một dự án... Đại biểu cho rằng cần ưu tiên tập trung vốn đầu tư công trung hạn cho các dự án trọng điểm có quy mô lớn, có khả năng lan tỏa vùng, miền, tránh đầu tư dàn trải, cào bằng...

Tiếp đó, các đại biểu Trần Đăng Ninh (Hòa Bình), Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội), Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An),... bày tỏ sự đồng tình với các báo cáo của Chính phủ về tài chính, ngân sách, đầu tư công, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương về tài chính ngân sách, đầu tư công trong thời gian qua.

Góp ý thêm về các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả bố trí, sử dụng vốn đầu tư công trung hạn, vốn dự phòng, các đại biểu cho rằng cần đổi mới phương thức bố trí vốn ODA để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án; cụ thể hóa phương án nguồn kinh phí, chống dàn trải, nợ đọng, xin cho trong bố trí vốn đầu tư công trung hạn; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai vì đây là vấn đề cấp bách, mang tính toàn cầu, ảnh hưởng lớn tới đời sống dân sinh và sự phát triển bền vững của đất nước; cơ cấu lại nguồn thu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, có giải pháp chống thất thu, nợ thuế để nâng cao hiệu quả thu ngân sách;...

Cụ thể, theo chương trình phiên họp, Quốc hội sẽ thảo luận về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.

Đồng thời Quốc hội cũng thảo luận, đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Trong quá trình thảo luận, thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tường thuật trực tiếp phiên họp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ

Trước đó, chiều 22/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019; sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016 - 2020; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019; sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.

Ủy ban Tài chính-Ngân sách đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, sự phối hợp với trách nhiệm cao của các cơ quan trong hệ thống chính trị trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ và dự báo sẽ hoàn thành các nhiệm vụ thu-chi NSNN với kết quả cao nhất so với một số năm gần đây theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Tổng thu NSNN ước vượt 3%

Về tình hình thu NSNN, theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu NSNN cả năm ước vượt 3% (39,2 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, song theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách, dù kết quả thu NSNN ước vượt dự toán, nhưng chưa đạt được một số mục tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội như: Tỉ lệ huy động từ thuế, phí đạt 20,7% GDP, thấp hơn mục tiêu 21% GDP đề ra; nợ đọng thuế còn lớn và có xu hướng tăng so với năm 2017.

Về chi NSNN, Báo cáo của Chính phủ cho thấy, ước thực hiện chi cả năm tăng 2,6% (39,2 nghìn tỷ đồng) so với dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển tăng 4,7% (18,66 nghìn tỷ đồng) so với dự toán; chi thường xuyên tăng 1,3% (12,25 nghìn tỷ đồng) so với dự toán. Tỉ trọng chi đầu tư phát triển/tổng chi NSNN ước đạt 26,78% tổng chi NSNN, cao hơn số thực hiện năm 2017 là 25%, tỉ trọng chi thường xuyên (đã bao gồm cả chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế) ước đạt 63,29% tổng chi NSNN, thấp hơn số ước thực hiện năm 2017 (64,68%).

Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, về cơ bản, Chính phủ đã điều hành bám sát dự toán, quản lý ngân sách theo hướng ngày càng đề cao kỷ cương, kỷ luật tài chính, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường hậu kiểm trong việc giao nhiệm vụ chi, kiểm soát chi tập trung một đầu mối, sắp xếp lại tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, đẩy mạnh giao quyền tự chủ trong các lĩnh vực sự nghiệp công lập, thực hiện nâng lương cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, còn một số vấn đề tồn tại.

Cụ thể, việc cơ cấu lại chi NSNN chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, tỉ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN còn cao. Việc thực hiện một số chính sách an sinh xã hội thiếu đồng bộ, chưa đạt hiệu quả so với mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Bên cạnh đó, việc hướng dẫn về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đồng bộ, kịp thời, chưa cụ thể nên về cơ bản, việc thực hiện còn chậm. Điều này dẫn đến NSNN vẫn còn phải bao cấp hầu hết chi đầu tư và nhiều khoản chi thường xuyên cho nhiều đơn vị sự nghiệp công lập ở cả Trung ương và địa phương. Việc quản lý nguồn thu từ khai thác tài sản công còn lỏng lẻo, hiệu quả thấp, thất thoát nguồn lực còn lớn.

Cũng theo đánh giá của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số địa phương còn nặng về hình thức, chưa có chuyển biến thực sự, có nơi còn chưa đúng pháp luật.

Không ban hành chính sách làm tăng chi NSNN

Về cân đối ngân sách, theo báo cáo của Chính phủ, bội chi NSNN ước bằng dự toán là 204 nghìn tỷ đồng. Ước dư nợ công năm 2018 là 61,4% GDP, nợ nước ngoài là 49,7% GDP, trong phạm vi cho phép.

Nếu so với kết quả của các năm trước (2016 là 63,7% GDP, năm 2017 là 61,4%), tỉ trọng nợ công/GDP có xu hướng giảm, kỳ hạn vay dài hơn, lãi suất thấp hơn, tỉ trọng vay trong nước cao hơn là một kết quả tích cực, có thể bảo đảm thực hiện mục tiêu của Quốc hội về chỉ tiêu nợ công của giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, số tuyệt đối về nợ công tiếp tục đà tăng và vay để trả nợ gốc hằng năm có xu hướng tăng. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ tính toán kỹ lộ trình vay, trả nợ và đặc biệt lưu ý đến những chương trình, dự án mới đã ký kết và đang đàm phán nhưng chưa giải ngân nên chưa tính vào nợ công sẽ là yếu tố tăng nợ công trong thời gian tới.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu NSNN

Về các giải pháp để thực hiện dự toán NSNN năm 2019, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho rằng cần tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác thu NSNN, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, trốn thuế, chống nợ đọng tiền thuế để tăng thu NSNN.

Đồng thời, quán triệt nguyên tắc không ban hành chính sách làm giảm thu NSNN để bảo đảm tính ổn định của chính sách thu và tỉ lệ huy động vào NSNN.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho các dự án, công trình, quản lý chặt chẽ vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Chậm nhất đến 30/9 hằng năm phải rà soát các nhiệm vụ chi đầu tư chậm triển khai, chậm giải ngân, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA để cắt giảm dự toán, điều chuyển cho các dự án có khả năng giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Chính phủ cũng cần tăng cường công tác quản lý chi NSNN, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý chặt chẽ việc mua sắm tài sản công. Không ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi không cân đối được nguồn để thực hiện. Không nợ chi thực hiện chính sách đã ban hành. Tăng cường kỷ luật ngân sách, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu.

Hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế bước đầu tăng lên

Cũng trong phiên làm việc chiều 22/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, thời gian qua, tỉ trọng đầu tư công trên GDP dịch chuyển tích cực, phù hợp với các mục tiêu về cơ cấu lại đầu tư công đã đề ra, tính đến năm 2017, tỉ trọng vốn đầu tư của Nhà nước giảm xuống còn 34,8% so với tổng đầu tư toàn xã hội, tương đương 11,6% GDP.

Cơ cấu vốn đầu tư công dịch chuyển theo hướng phù hợp hơn với các định hướng đầu tư trong giai đoạn 2016-2020, trong đó, cơ cấu đầu tư các ngành giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản và các lĩnh vực hạ tầng đã được quan tâm hơn, chiếm tỉ trọng ngày càng cao.

Hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế bước đầu tăng lên, việc sử dụng vốn đầu tư xã hội nói chung và vốn đầu tư công nói riêng được cải thiện. Hệ số ICOR giảm từ 6,36 của giai đoạn 2011-2014 xuống còn 6,11 trong giai đoạn 2015-2017, tỉ lệ các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng tăng.

Giải ngân vốn đầu tư công đã từng bước được cải thiện nhờ những nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công có sự cải thiện rõ rệt qua các tháng, quý.

Khắc phục nhiều bất cập

Tình trạng quyết định chủ trương và quyết định đầu tư tùy tiện, không căn cứ khả năng cân đối vốn cũng đã được khắc phục. Tổng số dự án của Kế hoạch đầu tư công trung hạn là 9.620 dự án (không bao gồm các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia), chỉ bằng khoảng 50% so với giai đoạn trước về số dự án.

Trong đó, số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt 65,4%; số dự án chuyển tiếp sang giai đoạn sau khoảng 4,3%; số vốn bố trí bình quân cho một dự án đạt khoảng 35,5 tỷ đồng/1 dự án, tăng 35,8% so với giai đoạn trước.

Thông tin theo dõi, giám sát các dự án đầu tư công từng bước được hệ thống hóa và số hóa, thông qua việc đưa vào vận hành hệ thống quản lý đầu tư công, một số thông tin được công khai hóa, góp phần tăng cường vai trò giám sát của xã hội đối với đầu tư công.

Tình trạng kế hoạch đầu tư công bị cắt khúc cũng đã được khắc phục thông qua việc đổi mới công tác lập, phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư công, chuyển từ lập kế hoạch hằng năm sang kết hợp giữa kế hoạch trung hạn và hằng năm.

Khả năng cân đối ngân sách bố trí vốn hằng năm gặp nhiều nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế.

Khả năng cân đối ngân sách Nhà nước để bố trí vốn thực hiện hằng năm còn gặp nhiều khó khăn, tỉ trọng chi đầu tư còn thấp (khoảng 25%), số vốn cân đối cho các chương trình mục tiêu chỉ đạt khoảng 53% nhu cầu.

Việc hoàn thiện thủ tục và lựa chọn dự án phù hợp để đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn còn nhiều bất cập, nguyên nhân là do lần đầu tiên thực hiện các quy định của Luật Đầu tư công, các bộ, ngành, địa phương lúng túng trong triển khai thủ tục và chưa có giải pháp cụ thể để lựa chọn các dự án tối ưu.

Việc phân bổ vốn chi tiết cho từng dự án còn nhiều hạn chế, do nguồn vốn cân đối hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu, một số bộ, ngành, địa phương sau khi thanh toán nợ đọng, hoàn ứng và bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp, gần như không còn đủ vốn để bố trí vốn cho các dự  án khởi công mới. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tư duy phân bổ dàn trải, phân tán, dự kiến quá nhiều dự án đưa vào danh mục.

Chưa giải quyết được tình trạng mất cân đối giữa khả năng đáp ứng nguồn vốn và nhu cầu về vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương, nhiều dự án cấp bách, trọng điểm, dự án ODA, dự án đến hạn phải trả cho các nhà đầu tư của các bộ, ngành, địa phương chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn do không có nguồn bố trí. Tình trạng mất cân đối giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương ngày càng tăng, không bảo đảm mục tiêu ngân sách Trung ương đóng vai trò chủ đạo theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư công cho các bộ, ngành và địa phương đôi khi còn bị chậm và thực hiện nhiều lần trong năm 2015, 2016, tuy nhiên đã có cải thiện đáng kể từ kế hoạch năm 2017. Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm còn vướng nhiều thủ tục hành chính, chưa chủ động, kịp thời.

Sức ép lớn đối với công tác cân đối và phân bổ vốn hằng năm

Trong 2 năm còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2015-2020, do tốc độ tăng năm sau so với năm trước thấp, nên đã dẫn tới hạn mức vốn phải thực hiện còn lại trong 2 năm 2019, 2020 của Kế hoạch đầu tư trung hạn còn lại khá nhiều, tạo sức ép lớn đối với công tác cân đối và phân bổ vốn trong kế hoạch hằng năm.

Để thực hiện nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội trong 2 năm còn lại, bình quân mỗi năm cần phải được bố trí ngân sách Trung ương khoảng 237 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, đầu tư là một quá trình liên tục, sẽ có một bộ phận hạn mức vốn thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ được chuyển sang giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục bố trí kế hoạch hằng năm và thực hiện. Đây là một thực tiễn khách quan, khi các dự án được khởi công vào giai đoạn cuối của chu kỳ trung hạn nhưng có thời gian thực hiện từ 5-8 năm, phù hợp với số liệu đánh giá là có khoảng 412 dự án của Kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ chuyển tiếp thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025./.

Theo Chinhphu

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam