Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn

Thời sự, Chính trị | 09:05:50 30/10/2018

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ bắt đầu từ sáng 30/10 và kéo dài trong 3 ngày, đến hết ngày 1/11. 

Hỏi 1 phút, trả lời không quá 3 phút

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thời gian qua việc thực hiện 6 Nghị quyết của Quốc hội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực cao của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những nội dung đã thực hiện tốt, vẫn còn những nhiệm vụ Quốc hội giao cần có thời gian để triển khai thực hiện,... Phiên chất vấn chính là thể hiện sự giám sát của Quốc hội nhằm chỉ ra những vướng mắc, tồn tại, bàn thảo các giải pháp tháo gỡ, để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Do tính chất của phiên chất vấn là về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và nghị quyết chất vấn nên các câu hỏi đại biểu đặt ra có nội dung thuộc ngành nào thì người đứng đầu ngành đó trả lời.

Những vấn đề chung thuộc trách nhiệm của Chính phủ thì Thủ tướng và Phó Thủ tướng trả lời. Riêng nội dung của Bộ TT&TT sẽ do Phó Thủ tướng trả lời. Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu làm rõ thêm các vấn đề vào cuối phiên chất vấn.

Các đại biểu nêu câu hỏi không quá 1 phút và người trả lời không quá 3 phút cho một đại biểu. Người trả lời cần đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu quan tâm, đồng thời nêu rõ phương hướng khắc phục trong thời gian tới.

Tiếp đó, thay mặt Chính phủ Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

55 đơn vị cấp huyện, gần 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Trước hết về kết quả thực hiện Nghị quyết số 32/2016/QH14 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, báo cáo nêu rõ: Nhằm mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình, bảo đảm phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các đề án, cơ chế chính sách, chương trình hành động và tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc để chỉ đạo triển khai.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện bộ tiêu chí, đã ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch; phát triển hợp tác xã, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nhân rộng mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện Chương trình. Chỉ đạo lập đề án hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn.

Công tác chỉ đạo thực hiện chương trình ở địa phương đã có sự chuyển biến về chất, tập trung vào những vấn đề cấp thiết, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống cho người dân, bảo vệ môi trường, phát triển văn hoá.

Năng lực đội ngũ cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp ngày càng được nâng cao. Việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản được chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp, phấn đấu hoàn thành mục tiêu Quốc hội giao.

Công tác thông tin, truyền thông tiếp tục được đẩy mạnh, hướng vào những nội dung trọng tâm của Chương trình và chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” huy động được nhiều nguồn lực của Trung ương, địa phương và xã hội; thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo người dân, cộng đồng.

Đến nay, cả nước có 55 đơn vị cấp huyện và gần 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân cả nước đạt 14,33/19 tiêu chí/xã, đặt nền móng để năm 2019 hoàn thành tốt mục tiêu của cả giai đoạn 2016-2020.

Lãnh đạo Chính phủ trực tiếp kiểm tra ATTP tại nhiều đơn vị, địa phương

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2017/QH14 đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo tổng kết 5 năm thực hiện để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm; cơ bản hoàn thành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn; tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội liên hiệp phụ nữ trong việc giám sát, vận động thực hiện an toàn thực phẩm vì sức khoẻ cộng đồng.

Tiếp tục thực hiện cơ chế 3 Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo chuỗi đối với từng nhóm, ngành hàng cụ thể.

Kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành các cấp, trong đó ở địa phương Chủ tịch Uỷ ban nhân dân là trưởng ban; bố trí cán bộ cấp xã để theo dõi; tiếp tục thí điểm thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm và thanh tra chuyên ngành ở một số địa phương.

Đổi mới phương thức quản lý, đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm đã có nhiều giải pháp, tập trung vào thông tin, truyền thông; tổ chức giám sát, phát hiện, cảnh báo sớm nguy cơ, chú trọng các bếp ăn tập thể, khu du lịch, thức ăn đường phố; phòng ngừa ngộ độc rượu và độc tố tự nhiên.

Tăng cường hợp tác liên kết, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Hầu hết các tỉnh, thành phố đã triển khai mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến.

Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, nhất là đối với các vấn đề nóng như sử dụng chất cấm, buôn lậu thực phẩm qua biên giới; Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã trực tiếp kiểm tra nhiều đơn vị, địa phương; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc vi phạm. Kinh phí thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được bố trí thông qua Chương trình mục tiêu về y tế - dân số và nguồn xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo Nghị quyết của Quốc hội.

Quyết liệt cải cách, xử lý nhiều vụ việc vi phạm về công tác cán bộ

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 56/2017/QH14 về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, báo cáo khẳng định, công tác cải cách hành chính là một trong những trọng tâm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các nội dung theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội.

Trong đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sắp xếp cơ cấu tổ chức, bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tinh giản và nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức.

Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đổi mới việc phân loại, xác định cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế phù hợp với quy mô và đặc thù của từng loại đơn vị hành chính.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nhiều vụ việc vi phạm liên quan công tác cán bộ như giao chỉ tiêu biên chế, tuyển dụng, bổ nhiệm.

Trình Trung ương ban hành nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương. Đã chỉ đạo đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, xây dựng Chính phủ điện tử, chỉ đạo thành lập các Trung tâm hành chính công, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Tập trung chỉ đạo xử lý 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIV báo cáo cho biết, trong lĩnh vực công thương, đã tập trung chỉ đạo xử lý những tồn tại, yếu kém đối với 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, bám sát quan điểm, mục tiêu, nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đến nay việc xử lý đã có kết quả tích cực: 2 dự án đã có lãi; 3 dự án đã vận hành, sẵn sàng vận hành trở lại; các dự án còn lại đang được tích cực xử lý, phấn đấu hoàn thành vào năm 2020.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn để phát triển thương mại trong nước theo hướng hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, vệ sinh, môi trường, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng.Đã chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể từng Bộ, ngành, chính quyền địa phương trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp trong thực thi nhiệm vụ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm.

Ngành công nghiệp ô tô đã phát triển khá nhanh trong 2 năm gần đây cả về sản xuất và lắp ráp, trong đó các chủng loại xe tải, xe khách, xe chuyên dụng đạt tỷ lệ nội địa hóa cao. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển ngành cơ khí với nhiều cơ chế chính sách và danh mục sản phẩm trọng điểm. Hiện nay xe Mazda đã được sản xuất trong nước; đặc biệt Tập đoàn Vingroup đã xây dựng một nhà máy hiện đại sản xuất xe mang thương hiệu Việt Nam là VinFast.

Đã tăng cường quản lý nhà nước về an toàn hồ đập thủy điện; xây dựng và thực hiện các quy chế phối hợp trong vận hành hồ chứa, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến hạ du.

Bảo vệ môi trường là một trụ cột trong phát triển bền vững

Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, báo cáo cho biết, xác định bảo vệ môi trường là một trụ cột trong phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đồng bộ các giải pháp, trong đó tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật, chú trọng kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, hướng dẫn địa phương chủ động ứng phó, giải quyết các sự cố môi trường, nhất là tại các khu kinh tế ven biển.

Tích cực triển khai đề án bảo vệ môi trường tại các làng nghề, ngăn chặn phát sinh ô nhiễm mới. Đã hoàn thành việc bồi thường, ổn định sản xuất và đời sống, phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.

Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Đã chỉ đạo xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản; hạn chế tình trạng khai thác manh mún, nhỏ lẻ, kiên quyết ngăn chặn khai thác trái phép.

Bảo vệ môi trường là một trụ cột trong phát triển bền vững

Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, báo cáo cho biết, xác định bảo vệ môi trường là một trụ cột trong phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đồng bộ các giải pháp, trong đó tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật, chú trọng kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, hướng dẫn địa phương chủ động ứng phó, giải quyết các sự cố môi trường, nhất là tại các khu kinh tế ven biển.

Tích cực triển khai đề án bảo vệ môi trường tại các làng nghề, ngăn chặn phát sinh ô nhiễm mới. Đã hoàn thành việc bồi thường, ổn định sản xuất và đời sống, phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.

Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Đã chỉ đạo xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản; hạn chế tình trạng khai thác manh mún, nhỏ lẻ, kiên quyết ngăn chặn khai thác trái phép.

Tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, giảm áp lực

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Chính phủ đã chỉ đạo tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân một cách nghiêm túc để sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp này.

Xây dựng phương án đổi mới thi, kế thừa những ưu điểm và kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế, bất cập của kỳ thi “3 chung” trước đây, bảo đảm lộ trình, không gây xáo trộn. Qua 4 năm thực hiện, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng đã đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, tiết kiệm, giảm áp lực, mở rộng cơ hội lựa chọn trường cho học sinh. Chỉ đạo xử lý nghiêm những sai phạm trong tổ chức thi ở một số địa phương vừa qua, đồng thời đề ra giải pháp khắc phục cho thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án giáo dục hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông; chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình kết hợp dạy văn hóa và dạy nghề; liên kết giữa cơ sở giáo dục trung học với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thực hiện tư vấn nghề. Tổ chức xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình môn học một cách thận trọng; đồng thời tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện.

Chính phủ chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý, đẩy mạnh tự chủ, nâng cao chất lượng giáo dục đại học; nghiên cứu đổi mới công tác cử tuyển theo hướng tập trung cho các dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn gắn với sắp xếp tuyển dụng sau đào tạo.

Thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo

Trong lĩnh vực nội vụ, Chính phủ tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội. Phối hợp với các cơ quan của Đảng hoàn thiện các quy định về phân cấp, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm và luân chuyển cán bộ.

Triển khai thí điểm tổ chức thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, bước đầu đạt kết quả. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước; thành lập và phát huy vai trò Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm tra hoạt động công vụ, xử lý nghiêm các vi phạm.

Tập trung thực hiện đề án và lộ trình tinh giản biên chế gắn với sắp xếp cơ cấu lại tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, viên chức theo tinh thần các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là trong giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và y tế.

Triển khai các Nghị quyết của Trung ương, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; xử lý nghiêm các trường hợp bổ nhiệm không đúng quy định.

* Sau khi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trình bày báo cáo của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI.

Sẽ có nhiều vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực được chất vấn

Theo chương trình, sáng ngày 30/10, ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ nghe các báo cáo.

Tiếp đó, đại biểu quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.

Trong ngày chất vấn và trả lời chất vấn cuối cùng, từ 15 giờ 50 đến 16 giờ 35 ngày 1/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Vì đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên trong hoạt động chất vấn Quốc hội sẽ không lựa chọn danh sách 4 Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn theo từng nhóm vấn đề như các kỳ họp thông thường. Thay vào đó, Quốc hội sẽ nghe các báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5.

Sau đó, các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV. Như vậy, bất cứ thành viên Chính phủ nào cũng sẽ trả lời chất vấn nếu đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi.

Với chương trình làm việc như vậy, dự kiến sẽ có nhiều vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực quản lý của các bộ trưởng, trưởng ngành được đại biểu Quốc hội chất vấn.

Việc chất vấn “càng ngày càng hiện đại”

Trước thềm phiên chất vấn, qua Cổng TTĐT Quốc hội, đại biểu Dương Minh Tuấn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết: Cử tri ở Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị rất nhiều vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, các vấn đề quốc kế dân sinh. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay thì đây là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, thu hút được sự quan tâm của đại biểu cũng như cử tri cả nước. Vì tại phiên chất vấn, không lựa chọn bộ trưởng cụ thể nào tham gia trả lời chất vấn. Theo quan sát của đại biểu, hầu hết các Bộ trưởng đều quan tâm và chuẩn bị khá kỹ cho việc trả lời chất vấn. Chúng tôi tâm đắc và đánh giá cao việc Quốc hội dành tới 3 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó có phần trả lời trực tiếp của Thủ tướng.

Việc đổi mới chất vấn và trả lời chất vấn lần này khá hay, càng ngày càng tiến lên hiện đại. Như vậy sẽ tạo sự chủ động, năng động của từng bộ trưởng. Qua đây thì các bộ trưởng đều phải rà lại công việc, nắm chắc công tác chỉ đạo điều hành để sẵn sàng trả lời đại biểu trước Quốc hội. Theo đại biểu, điều này không làm các vị bộ trưởng, trưởng ngành căng thẳng vì đã là người đứng đầu bộ ngành thì việc chuẩn bị toàn diện là cần thiết. Và đã là bộ trưởng, trưởng ngành thì cần có sự chuẩn bị đầy đủ đối với các vấn đề liên quan đến ngành, lĩnh vực mình phụ trách.

Đại biểu kỳ vọng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn này sẽ diễn ra sôi nổi, đạt chất lượng, đáp ứng mong muốn của cử tri cả nước. Ông cho biết, sẽ chất vấn các vấn đề liên quan đến giáo dục. Bởi giáo dục là vấn đề đụng chạm đến toàn dân, toàn xã hội, do vậy tư lệnh ngành, cũng như Phó Thủ tướng, Thủ tướng cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục. Trước khi ban hành chính sách cần cân nhắc chính sách nào ban hành trước, chính sách nào ban hành sau, tránh chồng chéo, đảm bảo tính khả thi trong thực tế.

Phần lớn các chất vấn, lời hứa cơ bản đều được giải quyết

Còn đại biểu Tô Văn Tám, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum thì chia sẻ: Tại kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tiếp tục đeo đuổi và chất vấn thành viên Chính phủ về vấn đề di dân tái định cư, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân. Mặc dù có những lúc chậm trễ khiến người dân bức xúc nhưng có thể nói các bộ, ngành liên quan thời gian qua rất quan tâm đến giải quyết vấn đề dân di cư tự do.

Để đánh giá việc giải quyết thời gian qua đã tốt chưa, theo đại biểu “vẫn chưa hoàn toàn như mong muốn, bởi địa hình ở Tây nguyên chia cắt nên việc tạo quỹ đất rất khó khăn. Có quỹ đất rồi nhưng chỉ trồng được một vài năm thì lại sói mòn, rửa trôi và như vậy người dân lại thiếu đất sản xuất. Khó khăn là vậy nhưng Chính phủ và các bộ ngành vẫn phải tìm phương án giải quyết vì đây là kế sinh nhai duy nhất của người dân”.

Đại biểu đánh giá, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phần lớn các chất vấn, lời hứa của bộ trưởng, trưởng ngành cơ bản đều được giải quyết. Đại biểu đánh giá cao nỗ lực của bộ trưởng, trưởng ngành đặc biệt Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tập trung giải quyết những vấn đề đại biểu chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Đại biểu cho rằng, việc thực hiện lời hứa của bộ trưởng, trưởng ngành trước Quốc hội thể hiện rõ nhất trong Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp 6, đó là 12 chỉ tiêu Quốc hội giao đều đạt và vượt kế hoạch, điều này chứng tỏ nỗ lực của Chính phủ và các thành viên chính phủ trong thực hiện lời hứa, chất vấn của đại biểu.

Thể hiện trách nhiệm về việc thực hiện lời hứa

Theo đại biểu Trần Văn Mão, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An: Đổi mới tại phiên chất vấn này giúp nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn, rút ngắn thời gian đặt câu hỏi của đại biểu. Việc trả lời của các thành viên Chính phủ đi thẳng vào vấn đề trong thời gian 3 phút sẽ tạo điều kiện cho đại biểu có thời gian chất vấn nhiều vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm, bức xúc. Điều này cũng đồng nghĩa tư lệnh các ngành cũng phải nắm chắc vấn đề quản lý và trả lời khái quát, ngắn gọn đầy đủ cho đại biểu. Qua đó đánh giá năng lực, trình độ và khả năng quán xuyến và nắm bắt các lĩnh vực thuộc ngành mình quản lý.

Chất vấn lần này khác với kỳ chất vấn trước là các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành xem xét rà soát tất cả các vấn đề từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã chất vấn và trả lời chất vấn, các nội dung bộ trưởng, trưởng ngành đã hứa trước Quốc hội và cử tri, trên cơ sở đó đại biểu Quốc hội rà soát lại, nhìn lại kết quả việc thực hiện lời hứa. Đại biểu đánh giá vấn đề nào được giải quyết rốt ráo, còn những nội dung nào chưa được giải quyết thì đại biểu tiếp tục theo đuổi đến cùng vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm. Trên cơ sở đó thể hiện trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước cử tri cả nước về việc thực hiện lời hứa.

Đại biểu tin tưởng kỳ chất vấn lần này sẽ được tiến hành sôi nổi, đầy trách nhiệm, thể hiện kết quả, đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước./.

Theo Chinhphu

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam