Mỹ trừng phạt Iran: Cánh cửa nào mở ra cho Tehran?

Thời sự, Thế giới | 07:45:50 06/11/2018

Trước các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, Iran hoàn toàn có thể tìm đến Nga và Trung Quốc để giải quyết đầu ra của ngành công nghiệp dầu mỏ nước này.

Những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt mới mà Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Iran chính thức có hiệu lực vào hôm nay (5/11). Như lẽ thường, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có những phản ứng mạnh mẽ.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Now The End Begins.

“Không có nghi ngờ về việc Mỹ sẽ chẳng bao giờ có được thành công với âm mưu mới này chống lại Iran vì họ đang từng bước rút lui”, ông Rouhani nhấn mạnh.

Nền kinh tế Iran phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu và nếu các biện pháp trừng phạt mới có hiệu lực sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nước này.

Trước áp lực gia tăng từ phía Mỹ, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng, Iran sẽ tiếp tục bán dầu, bất chấp lệnh trừng phạt. Tehran hoàn toàn có quyền hy vọng vượt qua khó khăn trước mắt khi Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất hỗ trợ các công ty giao dịch với Iran bất chấp các biện pháp trừng phạt mới này.

Mặc dù vậy, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu các công ty này có thể bị ảnh hưởng bởi những biện pháp trừng phạt thứ cấp và điều này có thể hạn chế khả năng giao dịch của chính họ với Mỹ hay không?

Tại sao Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt?

Tức giận trước những gì ông mô tả là “một thỏa thuận khủng khiếp”, Tổng thống Donald Trump hồi đầu năm 2018 đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân đa phương mà nhóm P5+1 ký với Iran vào năm 2015. Kết quả là các lệnh cấm vận của Mỹ và các quốc gia liên quan đã được dỡ bỏ hồi năm 2016 nay lại được Washington đơn phương áp đặt trở lại.

Các nước khác tham gia thỏa thuận, bao gồm cả các thành viên của Liên minh châu Âu tin rằng Iran đã tôn trọng những điều khoản của thỏa thuận và họ không hề có ý định làm theo Mỹ, tái áp đặt trừng phạt Iran.

Tuy nhiên, với ảnh hưởng cực lớn của Mỹ trong hệ thống thương mại toàn cầu, chỉ riêng việc Washington công bố các biện pháp trừng phạt mới cũng đã đủ để kích hoạt một làn sóng các công ty quốc tế rút vốn đầu tư khỏi Iran và gây ra sự sụt giảm mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu dầu thô của Iran.

Chi tiết các biện pháp trừng phạt mới

Các lệnh trừng phạt được áp đặt lên lĩnh vực vận tải biển, tài chính và năng lượng. Đây là gói thứ 2 trong số các biện pháp trừng phạt được áp dụng kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5.

Các biện pháp có hiệu lực vào ngày 5/11 bao gồm việc xử phạt những quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran và các công ty nước ngoài làm ăn với các thực thể Iran bị liệt vào danh sách đen, trong đó có ngân hàng trung ương nước này, một số công ty tài chính tư nhân và các công ty tàu biển nhà nước.

Dù tuyên bố muốn cắt đứt hoàn toàn mọi giao thương dầu mỏ của Iran nhưng Mỹ vẫn trao quyền miễn trừ cho 8 quốc gia để những nước này có thể tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran một cách tạm thời, trong đó có những đồng minh của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Trước đó, hồi tháng 8 năm nay, Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào hoạt động mua bán vàng, kim loại quý và ngành công nghiệp ô tô của Iran.

EU né Mỹ, vẫn muốn làm ăn với Iran

Để giúp các công ty giao dịch với Iran mà không phải đối mặt với hình phạt nặng nề từ phía Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch thiết lập một cơ chế thanh toán – cơ chế đặc thù (SPV) cho phép các công ty này tránh được hệ thống tài chính của Mỹ.

Đóng vai trò giống như một ngân hàng, SPV sẽ xử lý các giao dịch giữa Iran và các công ty kinh doanh với nước này, tránh các khoản trực tiếp vào hoặc ra khỏi Iran. Theo đó, khi Iran xuất khẩu dầu sang một nước thành viên EU, công ty từ nước tiếp nhận sẽ trả tiền cho SPV. Sau đó, Iran có thể sử dụng khoản thanh toán này làm tín dụng để mua hàng hóa từ các nước khác trong EU thông qua SPV.

Ngoài ra, EU cũng thiết lập một đạo luật ngăn chặn, qua đó cho phép các công ty của những quốc gia thành viên liên minh giảm thiểu thiệt hại từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Khó qua mặt Mỹ?

Nói như vậy nhưng tính khả thi của kế hoạch mà EU đang theo đuổi vẫn là một câu hỏi lớn khi các công ty làm ăn với Iran sẽ phải đối mặt với nguy cơ “mất nhiều hơn được” khi muốn “qua mặt” Mỹ.

Chẳng hạn như ngay cả khi chấp nhận phương án mua dầu thông qua cơ chế SPV, các công ty trong EU vẫn có thể phải đối mặt với nguy cơ bị xử phạt gián tiếp và thậm chí là mất cơ hội làm ăn ở Mỹ.

Theo ông Richard Nephew, một chuyên gia nghiên cứu hàng đầu tại Đại học Columbia, nền kinh tế Iran không phụ thuộc trực tiếp vào hệ thống tài chính Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là hầu hết các đối tác thương mại lớn nhất của Iran lại phụ thuộc vào hệ thống tài chính của nền kinh tế số một thế giới và điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự sẵn sàng của họ khi định làm ăn với Iran.

Ông Nephew cho rằng, các công ty vừa và nhỏ có nhiều khả năng sử dụng SPV hơn là các công ty lớn.

Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra với Iran?

Mỹ khăng khăng hướng tới mục tiêu khiến cho xuất khẩu dầu của Iran “trở về con số 0” nhưng điều này dường như sẽ làm giá dầu tăng, theo nhận định của Scott Lucas - giáo sư về quan hệ chính trị quốc tế tại Đại học Birmingham.

Ngoài các quốc gia được phép tiếp tục mua dầu của Iran, sự ủng hộ của Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Iran trong bối cảnh Tehran gặp khó khăn cho đầu ra của sản phẩm cũng sẽ khiến Mỹ phải suy tính kỹ.

Lần cuối cùng quốc tế áp đặt trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran là giai đoạn từ năm 2010-2016, khiến xuất khẩu dầu mỏ của nước này giảm gần một nửa. Có thể nói, chắc chắn lệnh trừng phạt lần này sẽ khiến xuất khẩu dầu của Iran bị ảnh hưởng nhưng rõ ràng Tehran và các đối tác kinh doanh còn lại của họ sẽ tích cực nỗ lực để duy trì mối quan hệ làm ăn hiện tại.

Ellie Geranmayeh, một thành viên chính sách cao cấp của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu nhận định: "Đừng quá kỳ vọng vào việc các biện pháp trừng phạt sẽ khiến Iran quỵ ngã. Tehran đã từng trải qua nhiều năm bị cấm vận trước đây”.

Theo Geranmayeh, người Iran sẽ buộc phải nghĩ ra cách để có thể bán được dầu, dựa vào kinh nghiệm họ từng có trong những năm chịu cấm vận trước đây. Và để lấp đầy khoảng trống do mất thị trường châu Âu, Iran sẽ hướng về phía Đông, nơi Nga và Trung Quốc luôn mở cửa chào đón họ./.

Hùng Cường/VOV

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam