Than Đèo nai: Biến bãi thải ô nhiễm thành những cánh rừng tươi xanh

Thời sự, Xã hội | 10:04:00 15/11/2018

TNV - Hơn chục năm gần đây, bãi thải Nam nằm án ngữ ở phía Bắc thành phố Cẩm Phả không còn trơ trụi một màu đất đá vàng xám xịt. Thay vào đó, nơi đây đã được trồng cây phủ một màu xanh biếc, xuất hiện những dải rừng keo, rừng thông rậm rạp um tùm, nhiều loài chim muông, chồn sóc, bò sát… đã rủ nhau về véo von sinh sống. Dưới chân bãi thải được qui hoạch thành các hồ nước có tác dụng điều hoà sinh thái, cảnh quan trở lên tươi đẹp hơn, những buổi sáng sớm và chiều tà từng tốp bà con địa phương thong dong đi bộ, tận hưởng không khí trong lành, nâng cao sức khỏe.

Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường ở bãi thải Nam Đèo nai

Bãi thải Nam Đèo Nai là khu vực chứa đất đá thải chính của 02 mỏ than: Đèo Nai và Cọc Sáu. Sau hơn 40 năm tồn tại, lượng đất đá đổ thải ra khu vưc bãi thải này sấp sỉ 200 triệu m3. Sau khi có quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/04/2003 của Thủ Tướng chính phủ, từ cuối năm 2003 Công ty cổ phần Than Đèo Nai đã dừng đổ thải đất đá ở khu vực bãi thải Nam Đèo Nai. Khối lượng đất đá thải của Mỏ được vận chuyển ra đổ thải tại bãi thải Mông Giăng và bãi thải Đông Cao Sơn.

Bãi thải Nam Đèo Nai ô nhiễm ngày nào giờ đã là rừng keo, rừng thông rậm rạp
um tùm cây cối cao hàng chục mét, nhiều loài chim muông, chồn sóc, bò sát…
rủ nhau về véo von sinh sống. Ảnh: P. Quỳnh.

Bắt đầu từ năm 2004, bãi thải Nam Đèo Nai được cải tạo san cắt tầng, tạo thành 8 tầng thải với chiều cao mỗi tầng từ 20 đến 35 mét (chỉ có 02 tầng cao trên 50m); chiều rộng mặt tầng từ 30 đến 50m, độ dốc chung của sườn bãi thải từ 240đến 260. Trên mặt mỗi tầng thải đều xây dựng đê chắn nước ở mép tầng với chiều cao từ 2 đến 3 m, chiều rộng mặt đê từ 8 đến 10 m; phía bên trong là đường liên lạc và hệ thống rãnh thoát nước dọc tầng nhằm giữ ổn định bờ bãi thải, ngăn chặn hiện tượng sói mòn đất đá thải. Đồng thời, dùng máy xúc kết hợp với ôtô xúc bốc hạ thấp góc dốc bờ bãi thải tại các khu vực không ổn định, đổ thêm đất đá vào các khu vực lõm tạo thành các tầng thải thấp, tạo điều kiện xây dựng hệ thống thu gom nước bề mặt, không cho chảy tràn xuống sườn tầng, giảm sói lở sườn bãi thải, tạo điều kiện trồng cây xanh che phủ sườn bãi thải tạo cảnh quan môi trường.

Do khối lượng thi công lớn (đào cắt tầng thải là 894.200 m3 , khối lượng đắp  6.402.343 m3), và gặp nhiều khó khăn, nên công tác san cắt tầng thải, nạo vét các mương, suối thoát nước dưới chân bãi thải, xây dựng hệ thống thu gom nước bề mặt kéo dài từ năm 2004 đến giữa năm 2006 mới hoàn thành. Toàn bộ nguồn vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng được tính vào chi phí sản suất của Công ty cổ phần Than Đèo Nai.

Với tổng diện tích 120 ha, Công ty cổ phần Than Đèo Nai đã đầu tư gần 7,3 tỷ đồng trồng cây phủ xanh, sườn, mặt  bãi thải, bao gồm: Trồng cây ven đường giao thông, trên mặt đê ở mép tầng, trồng cây tập trung trên mặt tầng diện tích có diện tích 30 ha; trồng cây trên sườn tầng diện tích 90 ha.

Hồ nước dưới chân bãi thải có tác dụng điều hoà sinh thái, cảnh quan trở lên tươi đẹp hơn,
những buổi sáng sớm và chiều tà từng tốp bà con địa phương thong dong đi bộ,
tận hưởng không khí trong lành, nâng cao sức khỏe. Ảnh: Đ. Luyện.

Theo đó, tại các khu vực bãi thải  tầng cao kém ổn định, đất đá có độ liên kết yếu, Công ty đã tiến hành trồng cỏ Vetiver để tạo sự ổn định sườn bãi thải với diện tích 16,8 ha. Ngoài ra, Công ty còn tiến hành trồng cây bóng mát dọc tuyến đường bê tông chân bãi thải Nam, trồng các loại cây hoa giấy, cây phượng, cây liễu hoa đỏ, cây trâm bầu để tạo cảnh quan đẹp xung quanh khu vực bãi thải. Tháng 8 năm 2009, được Sở TNMT Quảng Ninh ra Quyết định công nhận Công ty cổ phần Than Đèo Nai đã hoàn thành các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo Quyết định 64/2003/ QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ.

Những cánh rừng rậm rạp, chim muông, chồn sóc rủ nhau về

Kể từ ngày hoàn thành xong việc cắt tầng và trồng cây phủ xanh toàn bộ bãi thải, mỗi năm vào mùa mưa Công ty không phải lo điều động hàng trăm ca máy xúc, xe gạt, ôtô để nạo vét đất đá trôi tạo sự thông thoáng dòng chảy và ổn định sườn bãi thải cũng như nguy cơ sạt lở khối lượng lớn đất đá gây nguy hiểm cho dân cư khu vực dưới chân bãi thải như trước khi thực hiện dự án.

Mặt khác, nhờ có hệ thống thu gom nước bề mặt dẫn vào hệ thống thoát nước kiên cố dẫn xuống chân bãi thải và sườn bãi thải được trồng cây phủ xanh nên hiện tượng sói mòn bề mặt bãi thải giảm đi rõ rệt. Đặc biệt, trước đây lượng bụi phát sinh từ các hoạt động vận chuyển đất đá thải, đổ thải thường vượt quá tiêu chuẩn cho phép về vệ sinh lao động và tiêu chuẩn chất lượng môi trường không khí xung quanh (khu vực giáp ranh bãi thải Nam những năm 2002 và 2003 nồng độ bụi cao gấp từ 1,05 đến 1,4 lần TCCP), nhưng từ khi ngừng đổ thải và tiến hành trồng rừng hoàn nguyên môi trường, lượng bụi phát sinh do gió mạnh thổi vào sườn bãi thải không còn nữa.

Công nhân thuộc tổ bảo vệ môi trường đang phát quang bụi rậm và tỉa cành,
vừa để thoáng thoáng đường giao thông vừa phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: P. Quỳnh.

Hơn chục năm gần đây, bãi thải Nam với chiều dài trên 3km, chiều cao 250m nằm án ngữ ở phía Bắc khu vực dân cư thành phố Cẩm Phả không còn trơ trụi một màu đất đá vàng xám xịt làm xấu đi cảnh quan khu vực. Thay vào đó, nơi đây đã được trồng cây phủ một màu xanh biếc, xuất hiện những dải rừng keo, rừng thông rậm rạp um tùm cây cối cao hàng chục mét, nhiều loài chim muông (chào mào, chim cu gáy, cò, le le, chim sẻ, chim sâu), chồn sóc, bò sát… đã rủ nhau về véo von sinh sống. Khu vực dưới chân bãi thải được qui hoạch thành các hồ nước có tác dụng điều hoà sinh thái, cảnh quan trở lên tươi đẹp hơn, những buổi sáng sớm và chiều tà từng tốp bà con địa phương thong dong đi bộ, tận hưởng không khí trong lành, nâng cao sức khỏe.

Một ngày trung tuần tháng Mười vừa qua, theo chân cán bộ của Hạt Kiểm lâm Cẩm Phả vào thăm bãi thải than ô nhiễm suốt mấy chục năm trước. Con đường uốn lượn nằm len lỏi giữa những hàng cây keo, cây phi lao hơn chục năm tuổi cao vút vươn cành tỏa tán xanh rợp con đường. Ngắm nhìn những vạt rừng chằng chịt cây cối ôm quanh núi thải chạy từ chân lên đỉnh một màu xanh thẫm, thấp thoáng những chú chim nhảy nhót chuyền cành, mà cứ ngỡ như dáng dấp của của một khu bảo thiên nhiên hay khu sinh thái đang hiện hữu ngay trước mặt.

Do cây lá sum suê, rậm rạp, bên đường hơn chục công nhân thuộc tổ bảo vệ môi trường do đốc công Nguyễn Chí Thanh phụ trách đang mải miết phát quang bụi rậm và tỉa cành, vừa để thoáng thoáng đường giao thông vừa phòng cháy chữa cháy rừng.

Ngắm nhìn những vạt rừng chằng chịt cây cối ôm quanh núi thải chạy từ chân lên đỉnh một màu xanh thẫm, thấp thoáng những chú chim nhảy nhót chuyền cành, mà cứ ngỡ như dáng dấp của của một khu bảo thiên nhiên hay khu sinh thái đang hiện hữu ngay trước mặt. Bởi vậy, đây là nơi được nhiều người chọn dừng chân chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: P. Quỳnh.

Bên cạnh việc tiếp tục trồng dặm, chăm sóc và bảo vệ diện tích cây đã trồng trên bãi thải Nam Đèo Nai đảm bảo phát triển tốt, tăng diện tích che phủ làm giảm hiện tượng sói mòn bề mặt bãi thải, cải thiện môi trường trong khu vực, thì hàng năm Công ty đều chú trọng tới công tác PCCCR - ông Nguyễn Tiến Kế (Trưởng phòng Bảo vệ Công ty cổ phần Than Đèo Nai) cho biết.

Theo Phó Giám đốc Công ty Nguyễn Ngọc Tùng, đến hết năm 2017 Công ty cổ phần Than Đèo Nai đã trồng được 203,25 ha rừng; trong đó: Bãi thải Nam Đèo Nai 118,3 ha; bãi thải Mông Gioăng 54,5 ha; bãi thải Đông Khe Sim 25 ha; bãi thải trong Lộ Trí 4,84 ha. Tính đến tháng 10/2018, Công ty đã tiến hành trồng mới tại bãi thải Nam Khe Tam, Đông Khe Sim và bãi thải trong Lộ Trí là 10ha; trồng bổ sung và trồng dặm bãi thải Mông Giăng 12ha rừng.

30 ha rừng phi lao và thông mới trồng đầu xuân 2017 đang bén rễ, đâm chồi lên xanh trên bãi thải Đông Khe Sim ở độ cao 300m. Ảnh: P. Quỳnh.

***

Với kinh nghiệm 40 năm công tác trong ngành Kiểm lâm ở vùng than Quảng Ninh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cẩm Phả - Hà Xuân Kinh khẳng định: Trong số gần 20 đơn vị doanh nghiệp khai than trên địa bàn Cẩm Phả liên quan tới trồng rừng hoàn nguyên môi trường, thì Công ty cổ phần Than Đèo Nai là đơn vị dẫn đầu trong trong tác trồng rừng hoàn nguyên môi trường cũng như quản lý bảo vệ rừng trồng; biến những bãi thải ô nhiễm ngày nào thành các cánh rừng tươi xanh của thành phố.

 Số liệu từ Hạt Kiểm lâm TP Cẩm Phả cho biết: Hiện tổng diện tích đất tự nhiên của thành phố là 36.852,8 ha, trong đó đất lâm nghiệp là 24.088 ha, diện tích có rừng là 18.300 ha nằm trên 16 phường xã, tỷ lệ che phủ rừng năm 2017 đạt 47,6%.

Trên địa bàn thành phố có 16 đơn vị khai thác than, những năm gần đây mỗi năm sử dụng diện tích đất lâm nghiệp sang mục đích khác từ 50 đến 100 ha. Căn cứ số liệu kiểm kê rừng năm 2016, diện tích rừng trồng cải tạo phục hồi môi trường từ các bãi thải có diện tích rừng là 1.681 ha, bình quân mỗi đơn vị ngành than trồng khoảng 100 ha rừng. Các đơn vị có phong trào trồng cây đạt hiệu quả tốt đó là Công ty cổ phần Than Đèo Nai, Khe Sim, Cọc 6, Khe Chàm, Mông Dương…Các diện tích rừng hiện phát triển tốt tạo thêm môi trường xanh cho thành phố. Trong đó, Công ty cổ phần Than Đèo Nai là lá cờ đầu trong việc trồng cây, trồng rừng phủ xanh các bãi thải; đến hết 2017, đơn vị đã trồng được 203,28 ha (bằng hơn 200% diện tích rừng trồng bình quân của các đơn vị trong thành phố), loài cây trồng chủ yếu là keo lá tràm bông vàng. Dự kiến năm 2018 trồng 39,55 ha rừng cải tạo môi trường sau khai thác than. Qua các đoàn kiểm tra liên ngành và đặc biệt là đoàn kiểm tra của Hội đồng nhân dân Thành phố Cẩm Phả đã đánh giá: Than Đèo Nai là đơn vị có diện tích rừng lớn trong ngành than trên địa bàn. Diện tích cây trồng tập trung có tỷ lệ sống cao và đến nay đã thành rừng khép tán. Các khâu san gạt bãi thải đều làm mặt bằng tốt, chọn lựa cây trồng cũng tốt hơn, quá trình làm đất cải tạo môi trường được đảm bảo. Công tác phòng cháy chữa cháy được chú trọng như tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt vào mùa khô hanh đối với các khu rừng; hệ thống đường băng cản lửa, đường giao thông thuận lợi cho xe cơ giới tiếp cận các cánh rừng khi xảy ra cháy, sẵn sàng ứng trực nhiều xe chở nước chữa cháy…do đó thiệt hại do cháy gây ra là không đáng kể. Khi rừng lên xanh và khép tán đã có các loài động vật hoang dã đến cư trú như các loài chim, rắn, khỉ…tạo lên hệ sinh thái môi trường phong phú.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam