Mù Cang Chải: Điểm sáng về sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp, đưa chất lượng giáo dục chuyển biến toàn diện

Giáo dục | 07:26:41 16/11/2018

TNV - Là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh Yên Bái sớm triển khai thực hiện Quyết định số 24/2016/QĐ-UBND ngày 27/8/2016 và Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND ngày 05/10/2017của UBND tỉnh về việc sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giai đoạn 2016-2020. Đến nay, sau 2 năm triển khai thực hiện, huyện Mù Cang Chải đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp – trở thành điểm sáng của tỉnh trong việc thực hiện Đề án.

Giảm 83 điểm trường, 34 lớp và tăng 2.151 cháu, học sinh

So với trước khi thực hiện Đề án, tổng số trường hiện có trên toàn huyện là 37 trường (tăng 2 trường Mầm non, 2 trường TH&THCS; giảm 2 trường Tiểu học và 2 trường THCS); tổng số trường PTDTBT 20 trường, tăng 01 trường; tổng số điểm trường là 56, giảm 83 điểm trường (14 điểm trường mầm non và 69 điểm trường tiểu học).

6 phòng ở cho học sinh bán trú Trường PTDTBT TH&THCS Chế Cu Nha mới đưa vào sử dụng tháng 9/2018. Ảnh: Lê Dũng.

Tính đến hết tháng 5/2018 có 570 nhóm, lớp, với 18.751 cháu, học sinh so với trước khi thực hiện Đề án giảm 34 lớp, tăng 2.151 cháu, học sinh). Trong đó có 9.274 học sinh bán trú (so với trước khi thực hiện Đề án tăng 3.869 học sinh) và 1.124 học sinh hưởng chế độ ăn trưa theo Nghị quyết số 57 của tỉnh.

Trường PTDTBT TH Nậm Khắt Năm học 2016-2017, thực hiện sáp nhập 7 điểm lẻ về điểm trường chính, mở rộng diện tích khuôn viên điểm trường chính từ 5323mlên 6623m2, xây dựng thêm 06 phòng học, 06 phòng ở bán trú, khu nấu ăn, kho để thực phẩm, công trình vệ sinh cho học sinh,… đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động giáo dục của trường PTDT bán trú.

Nhằm huy động tối đa học sinh ra lớp, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đơn vị trường đã tập trung xây dựng “Mô hình trường học nông trại” tạo cơ hội cho học sinh được sinh hoạt và học tập trong môi trường gần gũi với cuộc sống hàng ngày của các em; giúp các em được trải nghiệm thực hành các công việc lao động sản xuất (chăn nuôi, trồng trọt), mở rộng kiến thức tự nhiên - xã hội, đạo đức lối sống cho học sinh. Đến nay, đơn vị là trường chuẩn quốc gia thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện, tiếp tục có những bứt phá, sáng tạo. tiên phong góp phần tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phươmg.

Theo ông Hoàng Văn Đồng (Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Mù Cang Chải), việc sáp nhập trường, điểm trường giúp học sinh được tập trung về điểm trường chính, được học tập và nuôi dưỡng ở môi trường thuận lợi hơn, được tham gia nhiều hoạt động tập thể,.. Qua đó, giúp học sinh tích cực hơn trong học tập, nâng cao tỷ lệ chuyên cần ở các cấp học, bậc học; các thầy cô giáo có điều kiện rèn luyện nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; nề nếp giáo viên và học sinh đi vào chiều sâu, chất lượng giáo dục đã có sự chuyển biến cả về số lượng và chất lượng.

Mô hình trường học nông trại của Trường PTDTBT TH Nậm Khắt. Ảnh: Đ. Nghĩa.

Cụ thể, đối với giáo dục Mầm non: 100% trẻ được theo dõi biểu đồ phát triển cân nặng và chiều cao; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 7,7% (giảm 0,2% so với năm học trước), suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm 9,8% (giảm 1,5% so với năm học trước). Giáo dục Tiểu học: Tỷ lệ học sinh được đánh giá hoàn thành và hoàn thành tốt các môn học đạt 99,9%, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm học trước. Giáo dục THCS: Tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt 26,1%, tỷ lệ học sinh có học lực yếu chiếm 0,3%; so với cùng kỳ năm học trước tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng 2,7%, tỷ lệ học sinh có học lực yếu giảm 0,06%.

Đây là những tín hiệu vui khẳng định hiệu quả từ việc sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông của tỉnh mang lại; đồng thời ghi nhận sự nỗ lực, tích cực của ngành giáo dục huyện Mù Cang Chải. Trong khi, theo qui mô ngành giáo dục huyện còn thiếu 68 giáo viên mầm non (tính đến tháng 7/2018); cơ sở vật chất và trang thiết bị trường lớp, nơi ăn ở sinh hoạt cho các cháu học sinh đã được đầu tư nhưng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Đầu tư cơ sở vật chất, xóa các phòng học nhờ thôn bản

Theo số liệu tính toán của Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Mù Cang Chải, để đảm bảo cho công tác giảng dạy của giáo viên và việc học tập, sinh hoạt của học sinh sau khi sáp nhập các điểm trường, trường học, trong giai đoạn 2016-2020, cần đầu tư xây mới 39 phòng học (Mầm non 01 phòng, Tiểu học 20 phòng, THCS 14 phòng), di chuyển về 66 phòng ở điểm lẻ về điểm chính; 104 phòng ở bán trú cho học sinh (Tiểu học 61 phòng; THCS, TH&THCS 43 phòng); nhà ăn và bếp bán trú 10 nhà (Tiểu học 6, THCS; TH&THCS 4 nhà); giường tầng 824 chiếc; 10 công trình vệ sinh (Tiểu học 5 công trình; THCS, TH&THCS 5 công trình); 07 công trình nước sạch; 10 phòng công vụ; với quỹ đất cần mở rộng là 66.274 m2, vốn đầu tư 69.610 triệu đồng. (trong đó: Dự kiến ngân sách tỉnh: 28.584 triệu đồng; ngân sách huyện và xã hội hóa: 41.062 triệu đồng).

 

Sau 2 năm, huyện Mù Cang Chải đã đầu tư xây dựng mới 18 phòng học, đạt 46%; di dời 66/66 phòng, đạt 100%; xây dựng được 49/104 phòng bán trú, đạt 47 %; nhà bếp và phòng ăn xây dựng được 11/10 nhà, đạt 110%; nhà vệ sinh xây dựng được 13/10 nhà, đạt 130%; xây dựng được 10 nhà tắm; 13/7 công trình nước sạch, đạt 185%; đầu tư 842/824 giường tầng, đạt 102%; mở rộng quỹ đất 26.487/66.724 m2, đạt 33,7%, so với mục tiêu Đề án.

Nhờ nguồn lực xã hội hóa khu nhà ăn, nhà tắm, tường rào, thư viện… Trường PTDTBT TH Lao Chải mới được đầu tư xây dựng. Ảnh: Công Nguyên.

Trường PTDTBT TH&THCS Chế Cu Nha Năm học 2016-2017, thực hiện sáp nhập 02 trường phổ thông thành trường PTDTBT TH&THCS Chế Cu Nha, 02 điểm lẻ về điểm trường chính, mở rộng diện tích khuôn viên ở điểm trường chính từ 6335m2 lên 9637mcải tạo thêm 2 phòng học; làm mới 32 phòng ở bán trú cho học sinh, đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động giáo dục của trường.

Tiền thân là hai đơn vị trường chuẩn sáp nhập thành 01 trường, đến nay đơn vị là một trong những đơn vị trường đạt chuẩn Quốc gia có bước tiên phong trong phong trào giáo dục của huyện; là trường duy nhất trên địa bàn huyện thực hiện mô hình trường học mới VNEN, đã triển khai thực hiện được 06 năm. Nhà trường đã tổ chức thực hiện tốt hiệu quả của mô hình, chất lượng giáo dục đứng trong tốp đầu của các trường phổ thông trong huyện.

Tổng vốn đầu tư đã huy động để thực hiện trong 2 năm là 23.397 triệu đồng, đạt 33,6% so với mục tiêu của Đề án. Trong đó: Ngân sách tỉnh đã huy động đạt 52% ; ngân sách huyện và xã hội hóa đã huy động đạt 29% so với mục tiêu của Đề án.

Sau khi có Quyết định số 3663/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về phê duyệt phương án xử lý tài sản của các trường khi thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, huyện Mù Cang Chải đã thực hiện công tác đánh giá, bàn giao cơ sở vật chất, diện tích đất của các trường, các điểm trường khi sáp nhập, tách và lập hồ sơ xử lý và bàn giao tài sản để quản lý và sử dụng cho các UBND các xã và các trường mầm non là: 189 phòng học, 76.004m2 đất.

Trong đó, bàn giao cho UBND các xã, thị trấn 65 phòng học và  32.775m2 đất (làm nhà cộng đồng 17 phòng, phòng làm việc cho các tổ chức đoàn thể tại các thôn bản 12 phòng, UBND các xã, thị trấn quản lý chưa sử dụng 36 phòng); bàn giao cho các trường mầm non và trường tiểu học 124 phòng học và 43.229m2 đất, nhờ đó một số điểm trường chuyển thành điểm trường mầm non tại các bản, nên xóa được các phòng học nhờ thôn bản như trước khi thực hiện Đề án.

Chất lượng học sinh đại trà chuyển biến tích cực

Nhờ vậy, chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện Mù Cang Chải tiếp tục có chuyển biến toàn diện: Mạng lưới trường lớp được rà soát, sắp xếp lại với số lượng, quy mô phù hợp; công tác huy động, duy trì số lượng học sinh được quan tâm; công tác giáo dục dân tộc, giáo dục vùng cao được trú trọng; chất lượng học sinh đại trà có những chuyển biến tích cực, chất lượng học sinh mũi nhọn tiếp tục được nâng lên; kỷ cương nền nếp chuyên môn các nhà trường được củng cố và giữ vững; công tác chống mù chữ và phổ cập giáo dục được duy trì vững chắc; công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia được trú trọng; công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục được quan tâm cả về phẩm chất đạo đức, lối sống và chuyên môn-nghiệp vụ; tỷ lệ giáo viên dạy giỏi các cấp học tăng hơn so với cùng kỳ năm trước; CSVC, trang thiết bị được tăng cường; công tác quản lý không ngừng được đổi mới.

Trường PTDTBT TH&THCS La Pán Tẩn Năm học 2016 - 2017, thực hiện sáp nhập 02 trường, 04 điểm lẻ về điểm trường chính, mở rộng diện tích khuôn viên từ 6143m2 lên 8191m2 để xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động giáo dục. Nhờ nguồn kinh phí của Dự án vùng khó, trường được xây mới thêm 06 phòng học và phòng bộ môn, 08 phòng ở bán trú, 01 công trình vệ sinh đã được đưa vào sử dụng và hiện đang thi công xây dựng thêm 08 phòng bán trú, đến nay cơ sở vật chất đã đáp ứng yêu cầu cơ bản cho hoạt động giáo dục của nhà trường.

Điểm nổi bật của đơn vị là: Làm tốt công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội thực hiện công tác giáo dục trên địa bàn; nâng cao được hiệu lực quản  lý, đặc biệt là phát huy hiệu quả quản lý thực hiện mô hình trường PTDTBT Bán trú: Duy trì tỷ lệ chuyên cần cao, tổ chức tốt các hoạt động trong giờ học, tự học và tham gia các hoạt động giáo dục cho học sinh giúp các em yêu trường mến lớp, tạo môi trường học tập an toàn, lành mạnh, thân thiện, bình đẳng, chất lượng.

Bên cạnh ưu điểm kể trên thì hạn chế là: Đội ngũ giáo viên còn thiếu về số lượng, chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn; làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác huy động số lượng và nâng cao chất lượng dạy học. Một số đơn vị trường sau khi chuyển học sinh từ điểm trường lẻ về điểm trường chính không có đủ phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nên cũng ảnh hưởng đến công tác nâng cao chất lượng giáo dục. Cơ sở vật chất mặc dù đã được quan tâm đầu tư, song chưa thực sự đồng bộ (hiện còn thiếu phòng học bộ môn, phòng hiệu bộ, công trình vệ sinh); một số trang thiết bị, đồ dùng dạy học được đầu tư đã lâu hiện đã xuống cấp, không thể sử dụng được. Điều kiện về sơ sở vật chất cho học sinh bán trú (nhà bếp, công trình vệ sinh,…) còn nhiều công trình tạm, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Do vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, Ủy ban nhân dân huyện đề nghị: Tách trường PTDTBT tiểu học Lao Chải, xã Lao chải thành 2 trường tiểu học độc lập, là: Trường PTDTBT TH Lao Chải, xã Lao Chải với 19 lớp và 608 học sinh; Trường PTDTBT TH Xéo Dì Hồ, xã Lao Chải với 15 lớp và  492 học sinh.

 

 Do thế đất đứt gãy, Trường PTDTBT TH Tà Ghênh (xã Nậm Có) bị nứt toác phải di dời khẩn cấp, đang cần lắm các nguồn lực xã hội để xây trường mới, ổn định cuộc sống và học tập cho các cháu. Ảnh: P. Quỳnh.

Bởi sau khi thực hiện Đề án, trường PTDTBT TH Xéo Dì Hồ sáp nhập với trường PTDTBT TH Lao Chải thành trường PTDTBT TH Lao Chải có số học sinh quá đông, năm học 2018 - 2019 có 34 lớp với 1.100 học sinh, được chia thành 2 khu cách nhau 17 km, giao thông đi lại gặp khó khăn làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, điều hành các hoạt động của nhà trường.

Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho trường PTDTBT THCS Khao Mang xã Khao Mang để đảm bảo cho các đơn vị trường hoạt động; tiếp tục bổ sung số giáo viên, nhân viên còn thiếu sau khi rà soát quy mô, đội ngũ năm học 2018-2019.

Trường PTDTBT TH Lao Chải Năm học 2016-2017, thực hiện sáp nhập 02 trường tiểu học thành trường PTDTBT TH Lao Chải, có 01 điểm chính và 01 phân hiệu Xéo Dì Hồ (cách xa điểm chính 15km). Sáp nhập 11 điểm lẻ về điểm chính và phân hiệu Xéo Dì Hồ. Nhà trường là đơn vị điển hình trong công tác xã hội hóa giáo dục, huy động được nhân dân ủng hộ công lao động, san gạt mặt bằng, di dời 11 phòng học từ điểm lẻ về phân hiệu Xéo Dì Hồ. Từ khi sáp nhập đến nay, nhà trường huy động được trên 600 triệu đồng từ các tổ chức xã hội, tập trung vào xây dựng các hạng mục: tường rào, nhà ăn, công trình nước sạch, vệ sinh, nhà tắm, hệ thống thư viện ngoài trời và đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy. Nhà trường đã sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, sắp xếp hợp lý các công trình: phòng ở, phòng ăn,.. Đến nay, trường đã ổn định nề nếp và các hoạt động bán trú, tập trung các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục của đơn vị.
 

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam