Nghiên cứu cấu trúc và tai biến địa chất hồ Yên Lập để tránh các thảm họa xẩy ra

Thời sự, Pháp luật | 02:49:48 23/11/2018

TNV - Theo một số tài liệu về địa chất và thực tế hiện trạng diễn biến địa chất hiện nay tại khu vực đập và hạ lưu của đập hồ Yên Lập (Hoành Bồ - Quảng Ninh), thì đây là vùng sụt lún hiện đại, quá trình xâm thực, xói lở xẩy ra mạnh tại vùng giáp với cửa biển, cửa sông có dạng hình phễu nên biểu hiện đứt gãy khu vực này là đứt gãy đang hoạt động.

Dung tích hồ chứa giảm gần 20 triệu m3 do bồi lắng và hiện tượng xói gần chân đập chính

Trong những năm gần đây, không chỉ một số tỉnh miền núi của Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới đã và đang phải gánh chịu những thảm họa tai biến địa chất rất thảm khốc, làm thiệt hại nặng nề về kinh tế và tính mạng của người dân tại các vùng có thảm họa do tai biến địa chất xẩy ra. Do vậy, việc nghiên cứu cấu trúc địa chất và tai biến địa chất khu vực hồ Yên Lập là nhiệm vụ hết sức cần thiết, nhằm khảo sát những vùng có nguy cơ sạt lở bờ hồ, tai biến về bồi tụ và xói lở, nguy cơ các vùng sạt lở dọc các tuyến giao thông, đánh giá ảnh hưởng sụt lún bề mặt các khu vực có hầm lò khai thác để tránh những thảm họa do tai biến địa chất xẩy ra.

Theo đó, trong tháng 9 và 10 vừa qua, Chi Cục Kiểm lâm Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Phát triển Cộng đồng đã tiến hành 10 mũi khoan khảo sát thăm dò trong phạm vi 700 km2, tập trung ở khu vực xung quanh hồ Yên Lập, khu vực thượng nguồn hồ nơi có các hoạt động khai thác than và khu vực hạ lưu hồ Yên Lập.

Trước đó (năm 2016), Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh cùng Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Phát triển Cộng đồng đã tiến hành nghiên cứu đánh giá môi trường để bảo vệ nguồn nước của hồ Yên Lập.  Kết quả nghiên cứu cho thấy, lượng bồi lắng từ năm 2006 đến 2016 đã làm giảm dung tích của hồ chứa 19,972 triệu m3 và ảnh hưởng đáng kể đến công suất chứa của hồ. Mức bồi lắng tại chỗ nơi lớn nhất đã lên đến 2,5m, đồng thời đã có hiện tượng xói (hay xâm thực) gần chân đập chính của hồ (hố xói này đã sâu 3,5 m so với chân đập chính).

Do vậy, việc nghiên cứu các vùng có nguy cơ sạt lở (bờ hồ và các tuyến giao thông) tập trung vào: Vùng bờ hồ chạy theo hướng đứt gãy (hướng Đông –Tây); xác định tính chất cơ lý của trầm tích đệ tứ; xác định bề dày trầm tích bùn đáy giúp đánh giá nguy cơ trượt lở bờ từ các hoạt động nạo vét đáy lòng hồ. Đối với các tuyến giao thông cần đo các thông số như góc dốc, cấu tạo sườn, các mặt phá huỷ, điều kiện nước ngầm để luận giải các nguy cơ trượt lở.

Với công suất khoảng 127 triệu m3 nước, hồ Yên Lập là nguồn cung cấp nước lớn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của bà con nhân dân thuộc các huyện Yên Hưng, Hoành Bồ, Thành phố Hạ Long và một số vùng lân cận trong khu vực. Ngoài ra, đây còn là địa điểm du lịch hấp dẫn với non xanh nước biếc được đông đảo du khách tìm về. Ảnh: Hoàng Hiểu.

Nội dung nghiên cứu tai biến bồi tụ, xói lở hướng đến là lấy các mẫu trầm tích để phân tích về cấp hạt nhằm đánh giá về cơ chế bồi tụ; thông qua giải pháp về quan trắc, chồng chập các mặt cắt tìm ra cơ chế xói lở. Việc nghiên cứu đặc điểm hoạt động đứt gãy cần: Xác định các đới đứt gãy; xác định về cấu trúc địa chất; xác định đặc điểm dập vỡ các thành tạo địa chất. Đối với nghiên cứu sụt lún bề mặt, tập trung vào: Khảo sát các hầm lò và đánh giá độ bền của các hầm lò; nghiên cứu đặc điểm cấu trúc địa chất.

Công tác đo đạc, khoan, lấy mẫu phân tích đánh giá tính chất cơ lý của các mẫu địa chất trong khu vực cần làm rõ các thông số: Đo khe nứt (tại mỗi điểm khảo sát; xác định các hệ khe nứt ảnh hương gây tai biến); đo mặt trượt (đo các vết xước, mặt trượt để xác định các pha hoạt động của đứt gẫy); đo các thông số địa kỹ thuật (tỷ trọng, lỗ rỗng, tính thấm, kháng cắt, độ ẩm để xác định tính chất địa kỹ thuật của các lớp đất, đá phục vụ luận giải khoa học về nguy cơ trượt, lở).

Bên cạnh đó, dự kiến lấy khoảng 100 mẫu phân tích tính chất cơ lý của đất, đá để đánh giá về: Xác định kháng nén, xác định kháng kéo, xác định độ bền, xác định khối lượng riêng, xác định độ rỗng, xác định hệ số biến mềm, xác định độ ẩm hút ẩm, xác định tính lực dính kết, góc ma sát trong, xác định mô đun đàn hồi E, xác định độ mài mòn, xác định độ xung  kích, xác định khối lượng thể tích. Đồng thời, dự kiến lấy khoảng 100 mẫu mẫu trầm tích để phân tích về thành phần cấp hạt, độ mài tròn.

Xây dựng hệ thống bản đồ dự báo nguy cơ tai biến địa chất

Trên cơ sở thu thập thông tin, số liệu về tình hình phát triển kinh tế xã hội trong khu vực và kết quả khảo sát, nghiên cứu để xây dựng báo cáo nhiệm vụ với các phần chính như sau:

- Kết quả điều tra khảo sát về các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực gây nguy cơ gia tăng tai biến địa chất trong khu vực và làm ảnh hưởng đến công suất chứa của hồ Yên Lập;

- Kết quả khảo sát, nghiên cứu cấu trúc địa chất tại các khu vực xung quanh hồ Yên Lập thuộc phạm vi có nguy cơ tai biến địa chất ảnh hưởng đến nguồn nước của hồ;

- Tổng hợp, đánh giá kết quả nghiên cứu đưa ra các sơ đồ về hệ thống đứt gãy hoạt động, phân bố các trường trầm tích, phân bố các điểm nguy cơ trượt lở và xây dựng bản đồ nguy cơ tai biến địa chất khu vực hồ Yên Lập.

- Các đề xuất khuyến nghị nhằm giảm thiểu các rủi ro tai biến địa chất từ các hoạt động nhân sinh đến nguồn nước của hồ Yên Lập.

Đến nay, đề tài nghiên cứu đã xong bước khảo sát, khoan thăm dò lấy mẫu; dự kiến đến tháng 1 năm 2019 sẽ có kết quả phân tích, đánh giá và hoàn thành báo cáo.

Gần chân đập chính của hồ đã có hiện tượng xói (hay xâm thực), hố xói này đã sâu 3,5 m so với chân đập chính. Ảnh: Hoàng Hiểu.

Ông Nguyễn Thanh Khương (Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh) cho biết: Kết quả nghiên cứu tai biến địa chất hồ Yên Lập, làm cơ sở xây dựng hệ thống bản đồ dự báo nguy cơ tai biến địa chất, từ đó tham mưu cho chính quyền các cấp có giải pháp đầu tư kịp thời việc tôn tạo, gia cố đảm bảo an toàn đập chứa, đầu tư các công trình an toàn tại khu vực có nguy cơ xẩy ra rủi ro tai biến địa chất; tham mưu cho chính quyền địa phương không đầu tư các công trình trọng điểm, công trình có quy mô lớn, khu dân cư ở quanh và trong khu vực có nguy cơ tai biến địa chất.

Được biết, hồ Yên Lập là một trong các hồ chứa nước lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh, với công suất đạt khoảng 127 triệu m3 nước, trong đó dung tích hữu ích là 118 triệu m3 nước, hồ Yên Lập hàng năm đã cung cấp nguồn nước dồi dào phục vụ cho trên 11.000 ha đất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của nhân dân thuộc các huyện Yên Hưng, Hoành Bồ, Thành phố Hạ Long và một số vùng lân cận trong khu vực.

Theo một số tài liệu về địa chất và thực tế hiện trạng diễn biến địa chất hiện nay tại khu vực đập và hạ lưu của đập hồ Yên Lập, thì đây là vùng sụt lún hiện đại, quá trình xâm thực, xói lở xẩy ra mạnh tại vùng giáp với cửa biển, cửa sông có dạng hình phễu nên biểu hiện đứt gãy khu vực này là đứt gãy đang hoạt động.

Do đó việc nghiên cứu phân bố các hệ thống đứt gãy trong khu vực này nhằm xác định các đứt gãy hoạt động với các đặc trưng của nó là hết sức cần thiết. Đặc biệt, việc xác định các vùng có các đới xiết trượt, các vùng có nguy cơ trượt, các vùng có nguy cơ sụt lún cao để có các đề xuất kịp thời và phù hợp trong việc đầu tư các công trình đảm bảo an toàn cho đập của hồ cũng như bảo đảm việc ngăn ngừa hiệu quả các nguy cơ bồi lắng, mất nước của hồ Yên Lập trong những năm tới; góp phần đảm bảo an ninh nước ngọt trong tình hình cảnh báo thiếu nước ngọt sinh hoạt hiện nay.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam