Chính sách tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Doanh nhân, Hội nhập | 09:08:24 27/11/2018

TNV - Sáng ngày 27/11 tại Hà Nội, Trường bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp với Viện Tài chính và Phát triển châu Á – Thái Bình Dương tổ chức Hội thảo quốc tế: “Chính sách tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”.

Hội thảo được tổ chức dưới sự chủ trì của PGS.TS Hoàng Trần Hậu - Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính, Bộ Tài chính;  PGS.TS Lu Wenbin, Phó Chủ tịch Viện Kế toán Quốc gia Thượng Hải, Phó Viện trưởng Viện Tài chính và Phát triển Châu Á-Thái Bình Dương.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Hoàng Trần Hậu cho biết: Ở Việt Nam, theo Điều 6, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 của Chính phủ, quy định: Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

PGS.TS Hoàng Trần Hậu - Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính, Bộ Tài chính phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ông cũng chia sẻ: Quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế Thế giới, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cường quốc, chính sách bảo hộ của các quốc gia, sự phức tạp trong chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế, sự thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đã và đang làm khó cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể nói riêng mà trong đó chính sách hỗ trợ về thuế, và tiếp cận nguồn vốn là một trong những vướng mắc mà doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể đang gặp phải.

Tại Hội thảo, TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đã có những đánh giá Tổng quan về DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thế, chính sách trợ giúp phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam.

Ông nêu ra vấn đề: Quy mô của doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ (98,6% số doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đặc biệt, các doanh nghiệp tư nhân có quy mô siêu nhỏ (dưới 10 người) chiếm tới gần 70% (11); tỷ lệ doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,6%. Do quy mô nhỏ, nên số lượng lao động trong mỗi doanh nghiệp cũng khá nhỏ, trung bình là 18 lao động đặt trong so sánh với doanh nghiệp nhà nước là 504 lao động, doanh nghiệp FDI là 312 lao động. Ngoài quy mô việc làm nhỏ, năng suất lao động ở khu vực kinh tế tư nhân tương đối thấp nếu không muốn nói là thấp nhất so với các khu vực kinh tế khác.

TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ tham luận tại hội thảo.

Ông cũng chỉ ra những khó khăn mà các doanh nghiệp này đang phải đối mặt như: Gặp rất nhiều hạn chế về vốn, nhân lực chất lượng cao, khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài và khả năng tham gia vào mạng lưới doanh nghiệp phụ trợ cho các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.  Ngoài ra, Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ đứng trước rủi ro rất lớn khi phòng tuyến bảo hộ hàng Việt Nam đang ngày càng bị xuyên thủng bởi các hiệp định thương mại tự do. Nguy cơ hàng nội bị đánh bật khỏi thị trường tiêu thụ, ở các thành phố lớn, đang lớn dần lên.

So với tỷ lệ cao trong  tổng số doanh nghiệp của Việt Nam, chính sách hỗ trợ của Chính phủ phải quan tâm tới các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp siêu nhỏ nhiều hơn, về cả chủ trương và sự thực thi. Nhưng chính vì quy mô siêu nhỏ của mình, những doanh nghiệp này đang bị “ngó lơ”. Điều này giống như một loại “định mệnh” của những doanh nghiệp siêu nhỏ. Chính vì quy mô họ nhỏ quá nên tiếng nói của họ ít được nghe thấy trên các phương tiện truyền thông và do đó ít thu hút sự quan tâm của công chúng và cơ quan chính phủ, ông tiếp tục chia sẻ thêm.

Cũng trong Hội thảo này, TS. Tôn Thu Hiền và TS. Nguyễn Thị Minh Hằng - Học viện Tài chính có bài phát biểu về Chính sách miễn, giảm thuế đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam. Những hính sách ưu đãi thuế của Nhà nước hiện nay đã có những tác động nhất định đối với DNNVV, góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang gặp nhiều bất lợi từ tác động kinh tế thế giới. Cùng với chính sách ưu đãi thuế, bằng việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm tần suất kê khai thuế đã tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất kinh doanh tiết kiệm chi phí tuân thủ, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, vẫn còn một số bất cập xung quanh chính sách thuế đối với DNNVV. Đó là chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua còn nhỏ lẻ, mang tính chất giải quyết khó khăn theo từng thời điểm mà chưa có chiến lược dài hơi cho sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.

Hội thảo “Chính sách tài chính hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ” với sự có mặt của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đến từ trong và ngoài nước là diễn đàn vô cùng thiết thực và hết sức có ý nghĩa trong nghiên cứu chính sách và vận dụng chính sách vào thực tiễn ở Việt Nam hiện nay.

Trung Hiếu

 

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam