5 năm nhìn lại - một số kinh nghiệm từ Hải Dương

Thời sự | 05:02:05 28/11/2018

TNV - Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TW về việc ban hành quy chế Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành Chỉ thị số 34- CT/TU, ngày 25/2/2014 về việc lãnh đạo triển khai, tổ chức thực hiện gắn với việc thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 02/8/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội giai đoạn 2011-2015”. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phối hợp với Đoàn đại biểu quốc hội (ĐBQH), Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh bổ sung nội dung giám sát và phản biện xã hội vào quy chế phối hợp công tác năm 2014-2015 và nhiệm kỳ 2016-2021. Từ năm 2014 đến nay, việc thực hiện Quyết định số 217, Quyết định số 218 trên địa bàn tỉnh Hải Dương đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: Về kết quả tổ chức hoạt động giám sát (theo Quyết định số 217- QĐ/TW): Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì tổ chức được 05 cuộc giám sát lớn, huy động sự tham gia giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội về các nội dung chủ yếu như việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; giám sát hoạt động công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh; công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; việc đảm bảo kinh phí hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; thực hiện Pháp lệnh 34/2007/PL- UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong quá trình giám sát, đoàn phát hiện một số tồn tại, vướng mắc, đã kiến nghị với HĐND, UBND các cấp, các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra, khắc phục kịp thời những hạn chế, khuyết điểm. Liên đoàn Lao động tỉnh từ năm 2014 đến nay, đã phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức 8 cuộc giám sát tại 39 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về thực hiện pháp luật liên quan đến tổ chức công đoàn, người lao động và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Hội Cựu chiến binh tỉnh chủ trì tổ chức được 7 cuộc giám sát đầu tư của cộng đồng; việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 8/1/2002 của Bộ Chính trị (khóa IX) và Kết luận số 66-KL/TW, ngày 4/3/2010 của Ban Bí thư Trung Ương Đảng (khóa X) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX); bảo đảm chế độ bảo hiểm y tế và mai táng phí cho hội viên Cựu chiến binh, Cựu chiến binh và quân nhân theo Pháp lệnh Cựu chiến binh Việt Nam và Nghị định 150, 157 của Chính phủ (năm 2017, 2018). Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chủ trì tổ chức 5 cuộc giám sát về tổng rà soát chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; việc thực hiện chính sách pháp luật về Bình đẳng giới và Luật phòng chống bạo lực gia đình; giám sát việc thực hiện khoản 1, khoản 2, Điều 9 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; việc thực hiện Nghị quyết số 11- NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm và giám sát hoạt động của các cơ sở mầm non tư thục tại Thành phố Hải Dương. Hội Nông dân tỉnh đã chủ trì, phối hợp với MTTQ và các sở, ngành liên quan tổ chức giám sát, tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tỉnh đoàn chủ trì tổ chức được 7 cuộc giám sát về việc thực hiện công tác đoàn với chủ đề “Năm thanh niên tình nguyện”; Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”; thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TWĐTN, ngày 17/5/2013 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn về “Tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ đoàn”; việc thực hiện phong trào “Tuổi trẻ Hải Dương chung tay xây dựng nông thôn mới”; tình hình vay và sử dụng vốn vay ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội trong thanh niên; việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên thời kỳ đổi mới”; việc thực hiện chế độ đối với cán bộ đoàn, tổng phụ trách đội. Ủy ban MTTQ cấp huyện và cơ sở chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thành lập 76 đoàn giám sát, tổ chức giám sát tại 217 cơ quan, đơn vị; nghiên cứu, xem xét giám sát 1.212 văn bản (cấp huyện: 239; cấp xã: 973); phối hợp tham gia giám sát được 1.271 cuộc (cấp huyện: 511, cấp cơ sở: 760) trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh trật tự, các hoạt động tư pháp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Thông qua hoạt động phối hợp giám sát, MTTQ các cấp đã kiến nghị, đề xuất các cấp về giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn các chủ trương, chính sách pháp luật tại địa phương. Qua thực tiễn hoạt động nhận thấy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã đổi mới hình thức, phương pháp, quy trình, kết quả thực hiện hoạt động giám sát. Chủ động phối hợp và cử đại diện tham gia các đoàn giám sát, kiểm tra, thanh tra của HĐND, các sở, ban, ngành về những lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động tư pháp có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và những lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh và các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt là chủ động phối hợp tham mưu, thành lập các tổ công tác tiến hành giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại ở UBND cấp xã. Gắn công tác giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội với việc kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ). Hiện nay toàn tỉnh có 265 Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ được thành lập tại 265 xã, phường, thị trấn thường xuyên được kiện toàn, bổ sung kịp thời. Từ năm 2014 đến 6/2018, Ban TTND đã tổ chức được 5.509 cuộc giám sát , Ban GSĐTCCĐ đã tổ chức 2.255 cuộc giám sát. Thông qua đó, đã góp phần phát hiện, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngăn chặn và xử lý kịp thời công tác quản lý, các hoạt động đầu tư không đúng quy hoạch, các việc làm sai quy định, gây thất thoát, lãng phí vốn và tài sản nhà nước, ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình, xâm hại lợi ích của cộng đồng, đồng thời góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cấp xã, chất lượng các dự án, công trình, nhất là các công trình xã hội hóa trong nhân dân, đảm bảo xây dựng quy hoạch được duyệt, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và có hiệu quả cao. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc tiếp nhận, xử lý đon, thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân theo đúng pháp luật, bảo đảm thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội của nhân dân; tham gia phối hợp tiếp công dân Thường kỳ của UBND tỉnh, phối hợp nắm tình hình và đối thoại với đại diện các hộ dân ở những địa bàn có điểm nóng, khiếu kiện đông người. Đối với những vụ việc cơ quan quản lý Nhà nước đã thực hiện đúng quy trình, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp thu, phân luồng đối tượng để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc những chủ trương của tỉnh. Về kết quả tổ chức hoạt động phản biện xã hội (theo Quyết định số 217-QĐ/TW): Trong những năm qua, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm đến công tác phản biện xã hội, nhất là thực hiện phản biện xã hội đối với các dự thảo Luật, Nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các chính sách liên quan đến an sinh xã hội, các đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì tổ chức được 10 hội nghị phản biện đối với 16 dự thảo văn bản của tỉnh liên quan đến quyền và lợi ích nhân dân trước khi trình HĐND tỉnh xem xét quyết định, kịp thời kiện toàn, bổ sung thành viên Hội đồng tư vấn về dân chủ pháp luật và Hội đồng tư vấn về kinh tế - xã hội, tập hợp, thu hút được nhiều chuyên gia hàng đầu của tỉnh trên các lĩnh vực; tăng cường phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia ý kiến vào những nghị quyết, quyết định, chương trình, đề án của HĐND, UBND. Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức hội nghị tham gia, góp ý, phản biện đối với các dự thảo: Luật bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động, Bộ Luật dân sự, Bộ luật Hình sự sửa đổi, dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng các cấp... Hàng năm, các tổ chức chính trị - xã hội đều phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ tỉnh, cử đại diện tham gia các hội nghị phản biện xã hội do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức; tích cực tham gia phản biện với nhiều nội dung, hình thức đa dạng vào các dự thảo văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình và quyền lợi, nghĩa vụ của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Về kết quả thực hiện việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (theo Quyết định số 218-QĐ/TW): Từ năm 2014 đến nay, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã chủ động tổ chức hàng nghìn hội nghị góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Năm 2015, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp với Ban Dân vận cấp ủy tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức đối thoại với nhân dân. Từ đó, hằng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp đều nghiêm túc thực hiện Quy chế tiếp xúc, đối thoại; chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung đối thoại, phân công các cơ quan giúp việc chuẩn bị các nội dung thực hiện. Trong đó, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở các cấp đã chủ động phối hợp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân, kịp thời đề xuất với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tổ chức tiếp xúc đối thoại những vấn đề nhân dân bức xúc, quan tâm. Đại diện lãnh đạo MTTQ các cấp đã tham dự được 1.092 cuộc tiếp xúc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân. Tại các hội nghị đối thoại hầu hết các ý kiến, kiến nghị, cũng như những băn khoăn, vướng mắc, bức xúc của nhân dân đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền giải quyết, được nhân dân đồng tình. Năm 2016, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chủ động tham gia công tác bầu cử đảm bảo triển khai tốt các bước theo quy định. Uỷ ban MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tích cực tham gia các đoàn giám sát, kiểm tra công tác bầu cử của Ủy ban bầu cử cùng cấp tại địa phương. Thông qua việc giám sát, MTTQ các cấp đã kịp thời phát hiện, kiến nghị với chính quyền, các tổ chức phụ trách bầu cử xử lý, chấn chỉnh những sai sót trong triển khai, thực hiện, góp phần đảm bảo cho cuộc bầu cử diễn ra thực sự dân chủ, an toàn, đúng luật. Năm 2017, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tập trung phối hợp triển khai tốt việc bầu trưởng thôn, khu dân cư đảm bảo dân chủ, đúng quy định; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Sáu tháng đầu năm 2018, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã phối hợp giải quyết các vụ việc đơn thư phức tạp, kéo dài, các vụ việc đình công, tranh chấp lao động; tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện tinh giản bộ máy cán bộ MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo kế hoạch của trung Ương, của tỉnh. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo cấp huyện đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại theo chuyên đề với nhân dân, người lao động, chủ doanh nghiệp, nhất là người lao động, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó tiếp thu góp ý và giải quyết kịp thời các kiến nghị và đề xuất của người lao động, chủ doanh nghiệp. Trong đó, tập trung vào tạo môi trường lành mạnh trong đầu tư, tạo kiều kiện thông thoáng trong sản xuất, kinh doanh cũng như giải quyết nhu cầu bức thiết của người lao động liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, vấn đề nhà ở, giáo dục, các thiết chế văn hóa dành cho người lao động; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chế độ chính sách... Từ đó phát huy kênh giám sát của nhân dân thông qua đội ngũ cán bộ cấp xã; chủ động nắm và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh từ cơ sở, tránh được nhiều vấn đề nổi cộm, phức tạp, khiếu kiện đông người vượt cấp. Để nâng cao hiệu quả thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW, một số kinh nghiệm được chỉ ra như sau: Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp phải coi trọng và nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của MTTQ và các đoàn thể chính trị -xã hội, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng, các tôn giáo, chuyên gia trên các lĩnh vực trong công tác giám sát và phản biện xã hội; là cầu nối giữa nhân dân, các tầng lớp xã hội với Đảng, chính quyền thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, góp phần tạo sự thống nhất và nâng cao nhận thức và hành động thiết thực của cả hệ thống chính trị. Hai là, phải lấy việc thực hiện Quyết định số 217, Quyết định số 218 là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác hàng năm của chính quyền các cấp dưới sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp. Chú trọng nội dung, phương pháp, cách thức giám sát và phản biện xã hội, quy trình góp ý xây dựng chính quyền; gắn giám sát trong hệ thống ngành dọc giữa cấp trên với cấp dưới với giám sát thông qua vai trò chủ trì của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức giám sát chéo giữa các cơ quan, địa phương về những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, liên quan nhiều đến quyền và lợi ích của nhân dân, phù hợp với khả năng của cán bộ; đảm bảo công khai, minh bạch kết quả giám sát và phản biện xã hội, ý kiến góp ý tham gia để mọi người dân được biết. Ba , hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ phải được tiến hành dân chủ, công khai, đúng quy trình, quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quyết định 217, 218, Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH-CP-ĐCTUBTWMTTQVN quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Đồng thời phải tiến hành linh hoạt, phù hợp với điều kiện về nhân lực, kinh phí, đặc điểm cụ thể của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương. Bốn là, trên cơ sở chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền được cấp ủy phê duyệt hàng năm. UBND các cấp cần cung cấp kịp thời các thông tin liên quan của địa phương mình khi được yêu cầu; đồng thời quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả nội dung giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo chức năng, nhiệm vụ được quy định. Năm là, kết quả giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần được cụ thể hóa trong công tác tham mưu, cụ thể hóa thành những nhiệm vụ, giải pháp, các cơ chế, chính sách để chính quyền các cấp tiếp thu, nghiên cứu đề ra những quyết sách trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Nhiều ý kiến không thuộc chức năng, nhiệm vụ thì được chuyển đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, giải quyết và thông báo cho MTTQ và các tổ chức chính trị -xã hội để kịp thời giám sát. Sáu là, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện sau giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; kịp thời đôn đốc, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội, đưa hoạt động trở thành nền nếp; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng và xử lý những tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, có sai phạm trong việc tổ chức thực hiện Quyết định số 217, Quyết định số 218.

ThS Nguyễn Văn Hùng

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam