Chương trình OCOP ở Bắc Hà: Cơ hội mở ra cho các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Thời sự, Kinh tế | 04:25:32 01/12/2018

TNV - Nằm trong chương trình OCOP đang được huyện vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) triển khai trong tiến trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Nhiều cơ hội được mở ra cho các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nơi đây.

Chương trình OCOP đến với Bắc Hà giống như mang một luồng gió mới cho nơi đây. Cơ hội mang đến rất lớn, khi 21/21 xã, thị trấn xác định được các sản phẩm chủ lực, có lợi thế để tập trung phát triển, đồng thời tham mưu kịp thời để ngành chức năng xem xét, có lộ trình giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho các xã đang gặp phải, như vấn đề xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, hình thành các vùng SX tập trung theo hướng hàng hóa.

Rau trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Bắc Hà

Hiện nay, các huyện, TP của tỉnh Lào Cai đang chờ UBND tỉnh hoàn thiện phương án, kế hoạch để tổ để chức triển khai chương trình. Tuy nhiên, xác định đây là chương trình quan trọng, huyện Bắc Hà đã chủ động trong công tác chuẩn bị. Cụ thể, Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện đã tham mưu cho UBND huyện một số nội dung cần thực hiện, như mời chuyên gia tư vấn về nội dung, ý nghĩa, tiến trình thực hiện chương trình OCOP phù hợp với đặc điểm địa phương, tiếp đó là tuyên truyền, hướng dẫn các xã lựa chọn, đăng ký các sản phẩm thế mạnh, nhất là những sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có thể tham gia chương trình OCOP.

Những năm qua, một số sản phẩm nông sản chủ lực của huyện Bắc Hà đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, như: đặc sản gạo Khẩu Nậm Xít, chè Shan Bắc Hà, rau Bắc Hà, mận Bắc Hà, rượu Bản Phố... Hiện nay, huyện Bắc Hà cũng có thêm sản phẩm "Quế hữu cơ Nậm Đét" đang được Tổ chức phát triển Hà Lan hỗ trợ kinh phí, trình Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) công nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.

Cùng với những lợi thế về nâng cao giá trị cạnh tranh của các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thông qua các chương trình giới thiệu tiềm năng du lịch, các lễ hội truyền thống và đặc biệt là thông qua “Tuần văn hóa du lịch Bắc Hà”, các sản phẩm nói trên đã được đông đảo người tiêu dùng biết tới. Cho dù vậy, về lâu dài, các sản phẩm này vẫn cần được tạo đà để khẳng định thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, len lỏi vào các thị trường khó tính, các siêu thị lớn.

Một trong những sản phẩm nổi tiếng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nằm trong chương trình OCOP tại địa phương: đặc sản gạo Khẩu Nậm Xít. Tại 2 xã Thải Giàng và Na Hối, nơi từ lâu đã được biết tới với thương hiệu gạo Khẩu Nậm Xít nổi tiếng, được thị trường rất ưa chuộng, tìm mua, giá bán khá cao, từ 25 - 27 nghìn đồng/kg.

Mặc dù diện tích cấy lúa Khẩu Nậm Xít của xã rất ít, chỉ khoảng 3ha, tập trung tại 2 thôn Ngài Ma và Nậm Thố, năng suất thu hoạch cũng thấp hơn các giống lúa khác, tuy nhiên do được giá, ổn định nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính quyền xã rất mong khi chương trình OCOP triển khai sẽ giúp quy hoạch, mở rộng vùng SX, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, để lợi ích từ giống lúa ngày càng nhiều hơn với địa phương.

Chương trình OCOP đến với Bắc Hà mở ra một cơ hội cho các sản phẩm nơi đây, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Sau bao thăng trầm, hiện nay các sản phẩm của huyện Bắc Hà đã có được những lợi thế nhất định khi được các doanh nghiệp, Hợp tác xã hợp đồng liên kết và tiêu thụ, lợi thế phát triển rất khả quan, có thể mở rộng sản xuất.

Tin: Thanh Hoa-Huy Hoàng

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam