Nhớ tìm mua miến Giới Phiên làm quà

Thời sự, Xã hội | 11:58:29 04/12/2018

TNV - Sản phẩm miến dong của làng Ngòi Đong, xã Giới Phiên (Tp. Yên Bái) với đặc điểm dai, giòn, đun nấu nhiều lần mà không bị nhũn nát đã có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng xa gần luôn nhớ tìm mua để thưởng thức và làm quà nhất là trong mỗi dịp tết đến xuân về.

Làng nghề đầu tiên với hơn 40 năm tuổi

Nằm ven con sông Hồng, nghề sản xuất miến đao giềng của bà con làng Ngòi Đong (nay là thôn 6) thuộc xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái đã có tuổi đời trên 40 năm. Từ làng Ngòi Đong, nghề làm miến đã lan ra nhiều hộ gia đình trong xã Giới Phiên và Phúc Lộc. Đến nay, 68 hộ trên địa bàn thành phố sinh sống bằng nghề sản xuất miến, trong đó làng Ngòi Đong có 50 hộ chiếm hơn 73% số hộ sản xuất miến và chiếm già 1/3 số hộ trong làng.

Đây cũng là địa phương có dải đất màu mỡ phù sa bồi đắp nằm ven sông Hồng, được bà con nhân dân trồng cây đao giềng (hay còn gọi là cây dong giềng) dùng để chăn nuôi và chế biến thành bột làm ra miến sợi. Ghi nhận thành quả của làng sản xuất miến Ngòi Đong đã tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, cải thiện đời sống thu nhập của bà con và góp sức vào phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố, ngày 25/6/2012, tại Quyết định số 674/QĐ-UBND, UBND tỉnh Yên Bái đã công nhận Làng nghề sản xuất miến đao Ngòi Đong.

 

Giàn phơi miến ở làng Ngòi Đong. Ảnh: P. Quỳnh.

 

Mặc dù sản phẩm đã được thị trường chấp nhận, nhưng việc phát triển sản xuất vẫn còn mang tính tự phát, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, các hộ chưa làm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có bao bì, nhãn mác, tiêu thụ chủ yếu qua các thương lái nên giá trị lợi nhuận không cao. Để duy trì, phát triển Làng nghề cũng như phát triển nghề sản xuất miến đao trên địa bàn 2 xã Giới Phiên và Phúc Lộc, thành phố Yên Bái đã xây dựng “Đề án phát triển nghề và mở rộng làng nghề sản xuất miến đao xã Giới Phiên, Phúc Lộc giai đoạn 2014 – 2016”, nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm miến dong của thành phố Yên Bái.

Theo đó, 62 hộ làm nghề được thành phố và tỉnh hỗ trợ máy ép miến bán tự động sử dụng điện lưới (trị giá 30 triệu đồng/máy), hiện vẫn đang hoạt động tốt. Việc đưa máy ép miến, máy khuấy bột sử dụng điện lưới đã thực hiện cơ giới hóa một phần lớn công đoạn sản xuất, giảm công sức lao động, tăng năng suất, chất lượng miến đao. Do vậy, nhiều hộ dân đã bỏ nghề nay cũng quay lại sản xuất như hộ ông Quỳ, ông Nghiệp, ông Ninh (ở thôn 6), hộ ông Trường (thôn 3) xã Giới Phiên.

Hôm nay trời nắng, gia đình ông Chiến bắt tay vào sản xuất miến phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Ảnh: P. Quỳnh.

Ông Nguyễn Văn Chiến (thôn 6, xã Giới Phiên) kể: Từ khi được hỗ trợ máy ép miến, năng suất tăng lên gấp 3 lần, sản xuất nhàn hơn so với ép thủ công. Ngoài ra, máy ép còn có ưu điểm là gọn nhẹ, có bánh xe để dễ di chuyển và sử dụng; có rơ le tự ngắt mỗi khi hết nguyên liệu, giữ được an toàn cho người sử dụng và độ bền của máy; được chạy bằng bánh răng không dùng đến dầu mỡ, nên chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn; có băng tải chuyển miến ra…nên chỉ cần 2 lao động là có thể sản xuất được hơn tạ miến mỗi ngày.

Thiếu vốn và chưa chủ động được nguồn nguyên liệu

Theo chị Cao Thị Phương (Phòng Kinh tế - UBND thành phố), bà con đã đầu tư khoảng 15 tỷ đồng để mua sắm phên, làm giàn phơi miến, dụng cụ nấu quấy bột, kho bể chứa bột và nhà xưởng sản xuất miến. Tuy nhiên, thiếu vốn để mua bột tích trữ lúc giá rẻ (mùa thu hoạch củ dong giềng) phục vụ sản xuất dần trong năm, để đầu tư phát triển sản xuất và cần mặt bằng để phơi miến tương đối rộng rãi (500m2/hộ) là những khó khăn đối với đa phần các hộ sản xuất miến ở đây.

Ông Tuấn đưa bột dong nấu chín vào máy ép miến. Gia đình ông là thành viên có uy tín của HTX sản xuất kinh doanh miến đao Giới Phiên. Ảnh: P. Quỳnh.

Ông Tăng Thế Tôn đã có 30 năm theo nghề làm miến ở thôn Ngòi Đong cho biết, gia đình ông và nhiều hộ sản xuất miến chưa tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, nên hàng năm cứ đến vụ bột là ông lại mang sổ đỏ ra ngân hàng “cầm” để lấy tiền mua bột tích trữ sản xuất đến gần vụ sau mới trả được. Bên cạnh đó, tâm lý bất an khi nghe chính quyền địa nói sẽ lấy đất của bà con quy hoạch thành đô thị sinh thái Đầm Xanh cũng như đang triển khai công trình cầu Tuần Quán, công trình Quốc lộ 32C mở rộng, đường nối Quốc lộ 32C với đường Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đã làm cho dự định đầu tư lò sấy mở rộng sản xuất từ mấy năm nay của ông và một số gia đình vẫn không triển khai được.

Một thách thức nữa đặt ra với các hộ làm miến ở thành phố Yên Bái là diện tích trồng dong ở xã Phúc Lộc và Giới Phiên còn rất ít, chưa đến 4 ha, lượng bột (khoảng 30 tấn) chỉ đủ cho các hộ sản xuất trong 3 - 4 ngày. Do vậy, chủ yếu các hộ làng miến phải nhập nguyên liệu bột dong từ các vùng trồng dong giềng trong tỉnh như xã Hưng Khánh, Quy Mông (huyện Trấn Yên), xã Phình Hồ (huyện Trạm Tấu), xã Yên Thắng, Mai Sơn, Tân Lĩnh huyện (Lục Yên), thị xã Nghĩa Lộ và ở cả một số tỉnh lân cận (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La,..), làm giá thành đầu vào cao, chất lượng sản phẩm không đồng đều.

Do ở xa đường giao thông, các khâu sản xuất được kiểm soát chặt chẽ đảm bảo an toàn thực phẩm, nên sản phẩm miến của gia đình ông Tôn (trong ảnh) và gia đình ông Tuấn luôn được HTX sản xuất kinh doanh miến đao Giới Phiên lựa chọn hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn. Ảnh: P. Quỳnh.

Ngay từ khi xây dựng Đề án (năm 2010) thành phố Yên Bái đã có chính sách khuyến khích bà con phát triển vùng nguyên liệu với diện tích 50 - 70ha, đảm bảo cung ứng tại chỗ 30% lượng bột trở lên cho sản xuất miến; đồng thời, phối hợp với UBND các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Văn Chấn... tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân liên doanh liên kết phát triển vùng nguyên liệu, chế biến bột đao để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, giúp cho sản xuất ổn định, có chất lượng, có xuất xứ. Nhưng đến nay, kết quả đạt được rất thấp, bà con sản xuất miến vẫn chưa chủ động được vùng và nguồn nguyên liệu trong tỉnh. Để tháo gỡ khó khăn, cuối năm 2015 thành phố đã tổ chức đoàn công tác tìm nguồn nguyên liệu có chất lượng và ổn định ở xã Tân Lang (Phù Yên - Sơn La), xã Nà Nhạn, Nà Tấu (Điện Biên) giúp bà con an tâm sản xuất. Ông Nguyễn Văn Minh (Phó phòng Kinh tế thành phố Yên Bái) chia sẻ.

Nếu pha trộn nguyên liệu khác, sợi miến sẽ không dai và bị gẫy nát

Hiện nay, bà con sản xuất miến dong ở đây đều áp dụng công nghệ đùn ép truyền thống, phơi khô nhờ năng lượng mặt trời hoặc sấy bằng không khí đã được tăng nhiệt. Bột dong mua về được lọc bằng nước sạch nhiều lần để loại bỏ tạp chất, sạn bẩn sau đó quấy thành hồ có độ đặc, dẻo nhất định và cho vào khuôn ép ra thành sợi nhỏ, tròn trải đều lên phên đem phơi sấy, rồi đóng gói đưa đi tiêu thụ.

Với công nghệ đùn ép để sợi miến rất nhỏ (chừng 1,5 ly) thì bắt buộc bột dong phải được sử dụng nguyên chất 100%, nếu không muốn sợi miến bị đứt gẫy. Do vậy, hộ nào có muốn pha trộn nguyên liệu gì khác cũng không thể sản xuất được, ngoại trừ một số hộ dùng nước đỗ đen khi quấy chín bột để tạo màu cho sợi miến. Đặc biệt, với lực ép lớn (10kg/cm2) cũng làm cho sợi miến dai hơn - ông Vũ Hữu Lê (Công ty Hồng Hà – đơn vị chế tạo và cung cấp máy ép miến) phân tích.

Đã thành thói quen, nhiều hộ sản xuất miến ra vẫn buộc thành con, bán cho bà con trong vùng mua về sử dụng. Ảnh: P. Quỳnh.

Do sản xuất ở quy mô hộ, nên bà con đều tận dụng năng lượng mặt trời để phơi khô sản phẩm. Bởi vậy, các hộ sản xuất đều cần mặt bằng rộng rãi, thoáng sạch để làm dàn phơi và chỉ sản xuất vào những ngày trời nắng. Riêng Công ty Hồng Hà đã thiết kế và đưa vào sử dụng dây chuyền sản xuất miến đao truyền thống với việc cơ khí hoá nhiều công đoạn hơn, có hệ thống sấy bằng nhiệt sạch nên có thể sản xuất ngay cả khi thời tiết mưa dầm và không có nắng. Đây là dây chuyền mẫu để doanh nghiệp giới thiệu, phổ biến cho bà con nhằm gia tăng giá trị cho nông sản.

Trước đây, việc sản xuất miến của các hộ thường gắn với vụ thu hoạch dong giềng từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch hàng năm. Đây cũng là thời điểm tiêu thụ nhiều nhất, phục vụ cho nhu cầu đình đám cuối năm, đón Tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân. Nay, do nhu cầu tiêu dùng tăng lên và miến dong của các hộ dân thành phố Yên Bái được người tiêu dùng nhiều nơi trong cả nước ưa chuộng, nên nhiều hộ đã tích trữ bột sản xuất quanh năm. Từ đó, thu nhập của các hộ sản xuất miến ổn định hơn, bình quân đạt 8 đến 10 triệu đồng/người/tháng.

 

Miến đao (hay còn gọi là miến dong) Giới Phiên được người tiêu dùng Thủ đô tìm mua tại BigC Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: P. Quỳnh.

Đã thành thói quen, từ nhiều năm nay miến sản xuất ra vẫn được các hộ buộc thành con, đóng vào bao cung cấp cho tư thương mang đi tiêu thụ. Nhưng từ khi Công ty Hồng Hà tham gia sản xuất và HTX sản xuất kinh doanh miến đao Giới Phiên ra đời, sản phẩm miến của các hộ tham gia HTX được UBND thành phố Yên Bái hướng dẫn, giúp đỡ xây dựng nhãn hiệu hàng hoá tập thể, kiểm soát an toàn thực phẩm, được đóng gói trong bao bì có nhãn mác để tăng thời gian bảo quản, thuận lợi cho người tiêu dùng và cung cấp cho các siêu thị, đưa sản lượng tiêu thụ mấy năm gần đây đạt hơn 700 tấn (tăng gấp đôi so với thời điểm trước năm 2010), nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Nhờ vậy, sản phẩm miến dong của làng Ngòi Đong, xã Giới Phiên (Tp. Yên Bái) với đặc điểm dai, giòn, đun nấu nhiều lần mà không bị nhũn nát đã có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng xa gần luôn nhớ tìm mua để thưởng thức và làm quà nhất là trong mỗi dịp tết đến xuân về./.

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam