Quản trị tài sản trí tuệ: Thực tế đáng quan ngại và giải pháp tối ưu

Thời sự, Pháp luật | 03:17:35 17/12/2018

TNV - Quản trị tài sản trí tuệ được coi là giải pháp hoàn hảo để xây dựng, phát triển, và góp phần bảo vệ quyền lợi của một thương hiệu. Thế nhưng, còn quá nhiều các doanh nghiệp, nhiều đơn vị,…chưa đánh giá đúng và chưa thực sự hiểu hết được tầm quan trọng của công tác này đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Thực tế đáng quan ngại

Hầu hết, các doanh nghiệp đang chỉ đầu tư phát triển các tài sản trí tuệ như: quảng bá nhãn hiệu, thiết kế KDCN. Các vấn đề khác ít được quan tâm. Các hoạt động khác thường được nhìn nhận như là những hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hoàn thiện quy trình kinh doanh của doanh nghiệp.

Hội thảo "Tăng cường khả năng quản lý, thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ trong viện nghiên cứu, trường đại học” là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 được tổ chức tại Hà Nội. Tại đây, TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Bộ môn Quản trị thương hiệu, Đại học Thương mại, chia sẻ:“Có quá nhiều chủ thể không quan tâm đến việc quản trị các nguồn tài sản trí tuệ cùng việc khai thác hiệu quả các nguồn tài sản trí tuệ này khi ứng dụng vào thực tiễn”.

Khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Thương mại thực hiện hàng năm với khoảng 125 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng cho thấy tỷ lệ thực tế các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa (27/33), kiểu dáng công nghiệp(4/5), quyền tác giả(3/5) còn quá khiêm tốn. Đa số các doanh nghiệp cũng chỉ đăng ký một đối tượng hàng hoá trong khi sản xuất hàng chục mặt hàng, kiểu dáng mẫu mã khác nhau.

Có tới 51/125 doanh nghiệp chưa hiểu về thủ tục và nơi đăng ký SHTT; 82/125 doanh nghiệp có chế độ thưởng cho các sáng kiến, sáng chế, nhưng mức độ thưởng khác nhau, có nhiều doanh nghiệp mức độ thưởng chưa thảo đáng với những gì người lao động bỏ ra. Điều này khó có thể nói là kích thích được người lao động đầu tư chất xám cho sáng kiến đem lại hiệu quả cao. Đó chính là một trong những nguyên do của một thực tế đau lòng ở nước ta hiện nay: những người giỏi có xu hướng lựa chọn thi trường ở bên ngoài để phát triển, để làm việc.

Để quản lý tốt tài sản trí tuệ, đảm bảo sự độc quyền thương hiệu của mình, doanh nghiệp phải tiếp cận cả ở cấp độ tư duy chiến lược và thực tiễn triển khai, nhưng không chỉ dừng lại ở việc nghĩ mà phải hành động, cần thiết phải tìm kiếm các nguồn lực để thực hiện cho được mục tiêu. Thực tế cho thấy rằng, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng TSTT (nhãn hàng sáng chế….) rất quan trọng. Thế nhưng, chỉ có 2/125 doanh nghiệp xây dựng danh mục và 5/125 doanh nghiệp phân công nhân sự quản lí các đối tượng sở hữu trí tuệ.

Và trên thực tế, hiện có tới 100% doanh nghiệp được khảo sát (125/125 DN) không có chiến lược khai thác tài sản trí tuệ và phát triển thương hiệu. Đáng chú ý khi gần như 100% doanh nghiệp không tiến hành định giá, kiểm toán tài sản trí tuệ, thương hiệu, không có quy chế bảo mật các bí mật thương mại, thông tin, dữ liệu…

Vì vậy không khó hiểu vì sao, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ (14/125 DN) có thể khai thác thương mại được các sản phẩm trí tuệ thông qua nhượng quyền. Còn lại, hầu như các giải pháp sáng chế đều không phát huy tác dụng.

Giải pháp khắc phục lỗ hổng

Sản phẩm, thương hiệu chính là thước đo giá trị, thước đo thành công; thể hiện chất riêng của một doanh nghiệp, của một cơ sở sản xuất. Chính vì vậy, cần có những giải pháp hữu hiệu khắc phục thực trạng đáng quan ngại và để lấp đầy những lỗ hổng về vấn đề quản trị tài sản trí tuệ-yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của sản xuất hàng hoá của doanh nghiệp.

Trước hết, các doanh nghiệp cần chủ động đưa ra các định hướng, hành động để kiểm soát tài sản trí tuệ, đảm bảo quyền lợi khai thác và bảo vệ các thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; tránh hiện tượng hàng giả, hàng nhái.

Thực hiện tốt hơn công tác đăng kí bảo hộ, đăng kí sở hữu trí tuệ. Thêm nữa, cần có chế độ thưởng hợp lí, xứng đáng đối với những cống hiến, những sáng kiến, những giải pháp hữu ích.

Tích cực thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc cung cấp thông tin, thẩm tra, xác minh khi phát hiện hàng hóa có dấu hiệu vi phạm thì phối hợp kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, cần có cơ chế thuận lợi; những buổi toạ đàm; hội thảo, để các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia có cơ hội tìm hiểu và hiểu tầm quan trọng của SHTT và những vấn đề liên quan như cách thức, nơi đăng kí SHTT. Hơn nữa tạo cơ hội để các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, đưa ra ý kiến, học hỏi lẫn nhau trong công tác quản trị tài sản trí tuệ: cách xây dựng danh mục, phân công nhân sự quản lý các đối tượng SHTT. Từ đó các doanh nghiệp, chủ động nắm thông tin và có đưa ra những bước đi, những định hướng đảm bảo cho sự an toàn của thương hiệu, sản phẩm của mình.

Các lực lượng chức năng, các cơ quan có thẩm quyền cần nâng cao vai trò của mình hơn nữa trong việc tổ chức, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện quản trị tài sản trí tuệ. Đồng thời, kiểm soát; giám sát hoạt động quản lí tài sản trí tuệ của doanh nghiệp và xử lí kịp thời những trường hợp sai phạm.

Thực hiện: Phi Yến-Sông Hương

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam