Hờ A Sênh khởi nghiệp nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Hội Doanh nhân trẻ

Thời sự, Kinh tế | 01:52:29 23/12/2018

TNV - Cả hai bố con Hờ A Sênh cùng phấn khởi bày tỏ niềm tin tưởng từ nay đến cuối năm, 18 con lợn thương phẩm còn lại sẽ được tiêu thụ hết phục vụ nhu cầu thị trường tăng cao vào dịp đón Tết, vui xuân. Tính sơ bộ, ngay trong năm đầu thực hiện mô hình với rất nhiều điều còn bỡ ngỡ, nhưng Hờ A Sênh lãi được hẳn đàn lợn nái 10 con tương đương với gần 40 triệu đồng. Phá bỏ đồi chè – nguồn thu chính của gia đình – để khởi nghiệp Với khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng đất đai mầu mỡ, thuận lợi cho việc sinh trưởng và phát triển cây trồng. Những năm qua, đồng bào các dân tộc xã Hồng Ca (Trấn Yên – Yên Bái) đã trồng được gần 2.000 ha quế, 930 ha tre măng bát độ, 82ha cây ăn quả có múi. Đây là những cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, giúp bà con cải thiện đời sống, đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 35% (đầu năm 2017) xuống còn 20% hiện nay. Tuy nhiên, đối với 04 thôn tập trung đông đồng bào Mông, vẫn chưa hình thành được mô hình làm ăn có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (có thôn 50%), nên đa phần các thanh niên ở đây đều bươn trải đi làm ăn xa để mưu sinh và tìm kiếm cơ hội trở về quê hương lập nghiệp. Ông Hà Ngọc Toanh (Bí thư Đảng ủy xã Hồng Ca) chia sẻ.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà và Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đến thăm và động viên mô hình khởi nghiệp của Hờ A Sênh. Ảnh: DNYB.

Trăn trở trước những khó khăn của bà con và khát vọng của thanh niên địa phương, đích thân Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà đã đề nghị Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Yên Bái hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, bằng việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả; để lan tỏa tới nhiều người học tập làm theo, trở thành phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ của thanh niên Yên Bái trong cộng động, giúp người dân nâng cao thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn mới. Từ đây, mô hình trồng cây gỗ lớn xen canh cây dược liệu, kết hợp với nuôi lợn giống thương phẩm và hươu, được Hội doanh nhân trẻ tỉnh Yên Bái lập dự án và triển khai thực hiện từ tháng 2 năm 2018. Chàng thanh niên giàu khát vọng người dân tộc thiểu số Hờ A Sênh 23 tuổi (dân tộc Mông) ở thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, đã được chọn để hỗ trợ khởi nghiệp.

Chủ tịch Doanh nhân trẻ tỉnh Yên Bái Bùi Thành Dân (bìa trái) thường xuyên có mặt để hỗ trợ việc triển khai dự án đúng tiến độ, đạt hiệu quả. Ảnh: DNYB.

Là con cả trong gia đình có 3 anh em, điều kiện kinh tế điều kiện kinh tế không dư dả chỉ trông vào nguồn thu ít ỏi từ đồi chè, mấy mảnh ruộng…nên đang học năm thứ 3 Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Hờ A Sênh đã nghỉ học để đi làm, vừa đỡ gánh nặng cho gia đình vừa tích lũy vốn liếng, tri thức làm ăn về phát triển kinh tế gia đình. Trong mấy năm đi làm ăn xa ở Lào Cai và Hà Nội, dù cho thu nhập ít ỏi, công việc vất vả nhiều khi tủi nhục, nhưng Hờ A Sênh luôn tâm niệm phải ráng để học hỏi kinh nghiệm quản lý, cách làm ăn và chắt chiu gửi tiền về giúp gia đình di chuyển nơi ở do bị mưa lũ sạt lở. Khi được anh Bí thư Huyện đoàn báo tin, Hội Doanh nhân trẻ của tỉnh triển khai hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp, Hờ A Sênh mừng lắm nhưng vẫn bán tín bán nghi, bởi đâu dễ có “Ông Bụt” chợt hiện ra cho điều ước với chàng trai nghèo vùng sâu vùng xa như mình. Sau khi gọi điện về hỏi han thật kỹ mọi thắc mắc, phân vân, A Sênh vội khăn gói lên đường trở về quê hăng hái ghi tên tham gia dự án.

Đoàn viên thanh niên ở xã, ở thôn giúp sức làm đất trồng cây. Ảnh: DNYB.

Ngô Xuân Yên – người được Hội Doanh nhân trẻ “cắm chốt” ở thôn Khuôn Bổ hàng ngày sát cánh cùng Hờ A Sênh thực hiện dự án cho biết, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa như thế này có được thanh niên dám nghĩ, dám làm như Hờ A Sênh là quý hiếm lắm. Bằng quyết tâm cao của mình, Sênh đã thuyết phục bố phá bỏ toàn bộ đồi chè diện tích 2 ha tuy hiệu quả kinh tế không cao nhưng là nguồn thu nhập chính và ổn định từ nhiều năm nay của cả gia đình cho mình thực hiện dự án. Vững tin vào hiệu quả của mô hình Ngay sau đó, đồi chè được cải tạo làm đất trồng xen canh cây sa nhân dưới tán cây gáo vàng để tận dụng độ che phủ ánh sáng, độ ẩm của đất và phân bón hữu cơ thường xuyên. Khoảng 480m2 được san bạt để làm nhà điều hành, sân bê tông, sân chơi cho lợn, kho phân hữu cơ và chuồng trại để chăn nuôi lợn giống thương phẩm và hươu lấy nhung.

Hiện nay cây gáo vàng, cây sa nhân, cây nghệ…đã lên xanh tốt. Ảnh: P. Quỳnh.

Được Tỉnh đoàn và Hội Doanh nhân trẻ cử người trực tiếp xuống đôn đốc hướng dẫn triển khai thực hiện dự án, nên chỉ trong 2 tháng các công việc làm đất cải tạo đồi chè, xây dựng nhà điều hành, chuồng trại chăn nuôi…đã hoàn tất. Được gần 20 đoàn viên thanh niên ở xã, ở thôn giúp sức, chỉ trong một ngày cuối tháng 2/2018 mình đã trồng xong 400 cây gáo vàng; đợi cây bén rễ đâm chồi, đến cuối tháng 4/2018, các bạn trẻ lại giúp mình trồng tiếp 2.000 gốc sa nhân và 6 tạ nghệ giống xen canh dưới cây gáo vàng. Hờ A Sênh nói tiếp. Ngoài ra, còn có khu vực trồng măng bát độ, cỏ voi, giàn sắn dây xen với cây đinh lăng, hồ nuôi cá và mấy giàn gấc, khóm chanh leo được trồng quanh nhà điều hành và khu chuồng trại vừa tạo cảnh quan, bóng mát, cải thiện đời sống vừa làm nguồn thức ăn tại chỗ phong phú cho lợn và hươu.

Hờ A Sênh (mặc áo khoác) và bố vừa hái lá cho đàn lợn ăn xong. Ảnh: P. Quỳnh. Vào một ngày cuối tháng 11, khi chúng tôi đến thăm cũng là lúc bố con Hờ A Sênh đang cho đàn lợn rừng 30 con và 2 con hươu ăn xong. Thức ăn khoái khẩu của lợn rừng và hươu là các loại lá cây, nên hàng ngày Hờ A Sênh tỉa lá cây gáo vàng cho đàn lợn và hươu ăn. Phân lợn, phân hươu được ủ hoai mục đem rải ra đồi bón cho cây tươi tốt. Một chu trình chăn nuôi kết hợp với trồng trọt khép kín được vận hành nhuần nhuyễn.

Trao đổi kinh nghiệm trước khu chuồng trại chăn nuôi lợn và hươu rừng. Ảnh: P. Quỳnh.

Gần 7 tháng chăn nuôi, đàn lợn rừng nhập về nuôi phát triển tốt, từ 25kg/con ban đầu nay đạt chừng 40kg/con, 2 chú hươu cũng lớn lên trông thấy, đã cho lấy nhung và có thu nhập bước đầu. Ông Hờ A Chu (bố Hờ A Sênh) vui mừng tiết lộ, dịp tháng 7 vừa qua 2 chú hươu cho thu được 4 lạng nhung, một phần để lại dùng, một phần để biếu người già trong bản, và bán 1 lạng thu về 1,2 triệu đồng; đầu tháng 11 mới bán 01 con lợn thu được 4,8 triệu đồng, mấy ngày tới sẽ bán tiếp con nữa cho khách đặt mua.

Giới thiệu sơ đồ của dự án. Ảnh: P. Quỳnh.

Cả hai bố con Hờ A Sênh cùng phấn khởi bày tỏ niềm tin tưởng từ nay đến cuối năm, 18 con lợn thương phẩm còn lại sẽ được tiêu thụ hết phục vụ nhu cầu thị trường tăng cao vào dịp đón Tết, vui xuân. Tính sơ bộ, ngay trong năm đầu thực hiện mô hình với rất nhiều điều còn bỡ ngỡ, nhưng Hờ A Sênh lãi được hẳn đàn lợn nái 10 con tương đương với gần 40 triệu đồng.

Chăm sóc đôi hươu. Ảnh: P. Quỳnh.

Dự kiến, khoảng giữa năm 2019 đàn lợn nái sẽ sinh sản và đôi hươu tiếp tục cho nhung, từ năm 2020, có thêm cây gáo vàng, cây sa nhân và cây nghệ cho thu hoạch đều đặn hàng năm, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu khá cao và ổn định cho chàng thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số Hờ A Sênh.

Nhà điều hành được xây dựng khang trang. Ảnh: P. Quỳnh.

Theo ông Bùi Thành Dân (Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Yên Bái): Tín hiệu thành công của mô hình sẽ là hình mẫu để bà con dân tộc thiểu số học tập làm theo, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống thu nhập và hình thành nên vùng cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, phát triển kinh tế lâm nghiệp bằng việc trồng rừng, chăm sóc cây gỗ lớn, xen canh cây dược liệu còn gắn với bảo vệ môi trường rừng bền vững, giảm thiểu được lũ ống, lũ quét, xói lở đất và cháy rừng.
Cây gáo vàng sinh trưởng nhanh, trồng 1 lần thu hoạch nhiều năm. Thân cây dùng để sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng, ván sợi nhân tạo, ván ép, làm giấy…Vỏ, rễ cây gáo vàng được dùng làm thuốc, lá cây làm thức ăn cho vật nuôi. Đây là loại cây ăn nước, giữ ẩm tốt, làm giầu dinh dưỡng cho đất, chống sói mòn, tạo cảnh quan du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Sa nhân là cây bảo vệ rừng thân thấp, phòng chống cháy rừng, chống xói mòn đất, giảm thiểu lũ quét. Theo y học cổ truyền, sa nhân là cây thuốc quý có giá trị dược liệu cao, có tác dụng hành khí, điều trung, hòa vị, kích thích tiêu hóa…Ngoài công dụng dược liệu, sa nhân còn được chiết xuất tinh dầu làm hương liệu gia vị thực phẩm, nước hoa, dầu gội… Hiện nay, huyện Trấn Yên có một số cơ sở chăn nuôi lợn rừng, tuy nhiên còn nhỏ lẻ và nuôi theo hình thức thả rông là chủ yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu về thực phẩm sạch và chất lượng của thị trường. Do vậy, việc chăn nuôi lợn rừng với tiêu chí sạch và chất lượng phục vụ nhà hàng, khách sạn, tổ chức sự kiện là hướng đi khả quan. Trên địa bàn huyện hiện chưa có cơ sở sản suất, chăn nuôi hươu rừng, trong khi nhu cầu sử dụng nhung hươu khá cao. Hươu rừng chủ yếu ăn cỏ, dễ nuôi, có sức đề kháng tốt rất phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương. Đối với hươu từ 2-5 tuổi mỗi năm cho từ 150-500gram nhung, giá bán từ 10-15 triệu đồng/1kg; hươu từ 5 năm tuổi trở lên cho từ 500-800gram nhung, giá bán từ 15-20 triệu đồng/1kg. Hươu đực có thể cho nhung khoảng 25 năm. Thức ăn của lợn rừng chủ yếu là cỏ voi, các loại cỏ, cây sa nhân, cây nghệ, lá sắn dây, lá gáo vàng, lá đinh lăng, lá chuối vỏ và hạt quả gấc… nếu có điều kiện bà con có thể nuôi bèo để bổ sung nguồn thức ăn cho phong phú. Nếu lạm dụng thức ăn giàu dinh dưỡng để nuôi heo rừng, sẽ làm cho phẩm chất thịt của lợn rừng bị biến đổi, lợn dễ bị bệnh rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy...

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam