Tỷ phú trẻ với mô hình "Đa cây"

Khởi nghiệp | 09:23:00 05/03/2019

Ở Lâm Đồng, những năm gần đây, nhiều hộ thanh niên vươn lên làm giàu kinh tế gia đình, trở thành tỷ phú không hiếm. Ý chí và mục đích có lẽ giống nhau; song, hoàn cảnh, cơ hội và phương thức làm giàu ở mỗi bạn trẻ không giống nhau. Tỷ phú 31 tuổi ở thôn 5, xã Hòa Nam, huyện Di Linh là một câu chuyện cụ thể…

Mô hình “đa cây”

Cổ nhân có câu “Tam thập nhi lập”. Ở chàng tỷ phú trẻ Trần Đình Hạnh (sinh năm 1987), hiện sinh sống tại thôn 5 - xã Hòa Nam, huyện Di Linh không chờ đến 30 tuổi mới lập nghiệp. Ý thức tự lập, vượt khó và vươn lên làm giàu xuất hiện trong suy nghĩ của chàng trai này từ khi còn là cậu học trò THCS. Bởi một lẽ giản dị, ai đã sống trong đói nghèo mới thấm thía đói nghèo là nỗi nhục.

Cán bộ xã Hòa Nam (Di Linh) thăm vườn đa cây của tỷ phú tuổi 30. Ảnh T.D.H

Sau khi đưa chúng tôi đi tham quan khu vườn trồng “đa cây” đang vào mùa quả ngọt, chủ nhân trẻ kể chúng tôi nghe câu chuyện xa quê đi lập nghiệp của gia đình chàng trai cũng hết sức giản dị.

Vì quê cũ đất chật người đông, làm ăn khó khăn, năm 1984 bố mẹ Hạnh đã đưa cả gia đình rời Nam Định vào Hòa Nam (Di Linh) lập nghiệp. Gom góp vốn liếng mang theo, bố mẹ Hạnh sang vài sào đất nông nghiệp của bà con trong vùng để có chỗ cất tạm căn nhà làm chốn nương thân và sản xuất, lập nghiệp. Năm 1987, cậu bé Hạnh được sinh ra trên quê mới này.

Những năm đầu đi lập nghiệp trên quê mới dường như ai cũng nghèo, đều gặp khó khăn. Bố mẹ Hạnh dốc toàn bộ sức lực làm lụng để có cái ăn và nuôi các con học hành. Cậu học trò Trần Đình Hạnh đã từng mơ ước bước chân vào giảng đường đại học. Nhưng vì nhà đông anh em, thiếu sức lao động, kinh tế quá khó khăn…, học hết lớp 10, cậu học trò 16 tuổi đành nghỉ học để ở phụ giúp gia đình, tính chuyện mưu sinh.

Thời điểm đó, đất nông nghiệp ở Hòa Nam tương đối rẻ, gia đình Hạnh đã dành dụm và mua thêm để mở rộng diện tích sản xuất (cũng để làm vốn cho các con) sau này. Nhờ sức lao động của chàng trai mới lớn, cộng với đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó của những con người xuất thân từ các làng nghề nổi tiếng cần cù lao động, chắt chiu trong sinh hoạt. Nhờ đó, kinh tế gia đình của chàng trai dần dần cải thiện.

Để con trai yên tâm và chí thú làm ăn, bố mẹ đã cưới vợ cho Hạnh và chia đất sản xuất của gia đình để đôi vợ chồng trẻ này làm vốn ra sống riêng, phát triển kinh tế.

Với 6 sào đất được gia đình cho, những năm đầu đôi vợ chống trẻ chuyên trồng các loại cây công nghiệp “truyền thống” của địa phương như cà phê, chè…Nhận thấy các loại cây này chỉ giải quyết khâu “xóa nghèo” chứ khó bức phá vươn lên làm giàu, Hạnh đã đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, mô hình sản xuất nhiều nơi…Chàng trai bàn với gia đình và quyết định thay đổi cách thức sản xuất bằng việc trồng xen các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao trên diện tích đất đang trồng cà phê như: sầu riêng, bơ,  chuối Laba... Mô hình vườn “đa cây” hình thành từ đó và từng bước mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình chàng nông dân trẻ này…

Tỷ phú tuổi 30

Từ khi có thu nhập tương đối khá, chàng tỷ phú trẻ đã dành dụm, gom góp hơn 1 tỷ đồng mua thêm 1 ha đất canh tác, mở rộng diện tích sản xuất để vươn lên làm giàu từ chính mảnh vườn của mình. Đến nay, đôi vợ chồng trẻ đã có 1,7 ha đất sản xuất (tại 02 khu vườn riêng biệt). Ở khu vườn cũ (đất do gia đình cho trước đó), Hạnh đã trồng 190 cây sầu riêng (giống hạt lép); trong đó có 40 cây đã cho quả hơn 3 năm nay; 300 gốc chuối Laba (loại chuối hiện nay có giá bán rất cao trên thị trường) và 70 cây bơ (giống ngoại nhập) đang cho quả. Ba loại cây có giá trị kinh tế cao này được trồng xen trong vườn cà phê xanh ngát.

Sao không trồng chuyên canh một loại cây ăn quả như các hộ gia đình trong vùng mà trồng xen canh nhiều loại cây trên cùng một diện tích? Tỷ phú trẻ lý giải: trước việc giá cả các loại nông sản bấp bênh như hiện nay, trồng xen canh là giải pháp “an toàn” nhất. Bởi, nếu “thất bại” loại cây này thì vẫn còn có loại cây khác cho thu nhập; (tránh tình trạng bị trắng tay…).

Chàng tỷ phú trẻ cho biết, năm ngoái (2017), vợ chồng Hạnh đã thu hoạch gần 8,5 tấn sầu riêng (giá bán tại vườn từ 60 - 60.500 đồng/kg); hơn 2 tấn cà phê nhân (giá 35.000 đồng/kg) và vài tấn chuối Laba… Sau khi trừ chi phí, công lao động, đôi vợ chồng trẻ đã thu nhập, tích lũy gần 1 tỷ đồng.

Người ta nói “có tiền thì làm ra tiền…”. Để chuẩn bị “mùa sau” nâng cao mức thu nhập cho gia đình, chàng tỷ phú trẻ đã dùng số tiền tích lũy được tiếp tục đầu tư vào khu vườn mới mua (rộng 1 ha); hiện đã trồng xen 1.000 cây chuối con (giống Nam Mỹ) với 135 cây rầu riêng và 80 cây bơ. Đầu tư trên 200 triệu đồng để xây dựng  hàng rào, lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động, đầu tư công cán lao động...

Tỷ phú trẻ vui mừng chia sẽ, bên cạnh thu nhập ổn định ở khu vườn cũ, sang tháng 7 năm sau (2019), gia đình Hạnh sẽ có mùa thu hoạch đầu tiên từ 1.000 gốc chuối giống ngoại nhập (chuối sẽ cho quả sau 1 năm chăm sóc); Và, những năm tiếp theo, (khi 285 cây sầu riêng ở 02 khu vườn và 80 gốc bơ ngoại trồng ở khu vườn mới) cho quả, chắc chắn mức thu nhập của gia đình sẽ tăng cao gấp nhiều lần so với hiện tại…

Do công việc chăm sóc, thu hoạch cây trái ở 02 khu vườn chiếm nhiều thời gian (vợ lại làm thợ may) nên thiếu sức lao động, tỷ phú trẻ phải thuê từ 3 - 5 người dân trong vùng làm việc thường xuyên (trả công từ 200 - 300 ngàn đồng/người/ngày).

Dù mới 31 tuổi, song Trần Đình Hạnh đã có một cơ ngơi tiền tỷ - trở thành một trong những tỷ phú trẻ ở vùng cà phê Di Linh.

“Đất không phụ lòng người”! Với ý chí vượt khó làm giàu, Trần Đình Hạnh đã tìm được lối “đi riêng” sáng lạng cho tương lai của mình và gia đình mình. Từ phương thức lập nghiệp của tỷ phú trẻ này có lẽ nhiều bạn trẻ nên nghiên cứu, khảo nghiệm trước khi chọn lựa cho mình hướng “khởi nghiệp” trong tương lai!

 

 Bài, ảnh: Nguyễn Thanh Hồng

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam