Phát triển khoai sọ nương dưới tán rừng trồng

Thời sự, Kinh tế | 07:58:00 08/03/2019

Với mục tiêu phát triển hàng hóa nông nghiệp theo hướng tập trung, góp phần nâng cao trình độ sản xuất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đưa xã Đồng Sơn (Hoành Bồ - Quảng Ninh) ra khỏi xã đặc biệt khó khăn vào năm 2019; đồng thời khuyến khích người dân đầu tư sản xuất hàng hóa, sản xuất sản phẩm OCOP, gia tăng giá trị thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.

Năm 2017, xã Đồng Sơn đã hỗ trợ 20 hộ dân ở thôn Tân Ốc 2 trồng 21ha theo phương án “Phát triển sản xuất trồng khoai sọ nương dưới tán rừng trồng”. Trong năm 2018, xã Đồng Sơn tiếp tục triển khai phương án với sự tham gia của 20 hộ trồng trên diện tích 19,8 ha khoai sọ nương tại 4/4 thôn của xã là: Tân Ốc 1, Khe Càn, Phủ Liễn và Tân Ốc 2. Trong đó, nhà nước hỗ trợ khoảng 50% tiền giống, kinh phí còn lại các hộ tham gia trồng đóng góp và tự chịu các khoản chi phí về nhân công, chăm bón, thu hoạch. 

 

 Bà con tận dụng đất trồng cây lâm nghiệp như keo, quế để trồng xen cây khoai sọ nương
tăng thêm thu nhập.
 Ảnh: T. Tịnh.

Theo đó, khoai sọ được trồng xen với rừng trồng từ 2 năm tuổi trở xuống, nhằm tận dụng khoảng không gian dinh dưỡng của rừng trồng chưa khép tán. Đất trồng được chọn có tầng đất dày, độ mùn cao, thuận tiện cho việc vận chuyển giống, phân bón khi trồng và thu hoạch sản phẩm, đặc biệt là tận dụng đất trồng các loài cây lâm nghiệp như keo, quế để trồng xen cây khoai sọ nương tăng thêm thu nhập.

Đây là giống khoai sọ nương bản địa của đồng bào Dao địa phương, khi trồng nên chọn các củ con trên củ cái khoẻ mạnh, không bị sâu bệnh, tròn đều, trọng lượng khoảng 50g. Không lấy củ đã mọc mầm dài và các củ cháu để làm giống (củ cháu là củ mọc từ củ con). Trước khi trồng cần phơi nắng củ giống 2-3 ngày để thúc nẩy mầm. Thời điểm trồng thường vào tháng giêng và tháng 2 âm lịch, tốt nhất là trồng vào thời điểm xung quanh tiết lập xuân để sau khi trồng gặp mưa xuân cây sinh trưởng thuận lợi. Chị Lý Thị Biên – hộ trồng khoai sọ nương ở thôn Tân Ốc 2 - vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm. 

Theo chị Lý Thị Biên (người trong ảnh): Khoai sọ thường trồng vào thời điểm xung quanh
tiết lập xuân, để sau khi trồng gặp mưa xuân cây sinh trưởng thuận lợi. Ảnh: P. Quỳnh.

Trước đây, trồng xong bà con thường để mặc cho cây phát triển tự nhiên cho đến khi thu hoạch nên năng suất không cao; nay bà con đã bón lót phân hữu cơ sau khi đào hố trồng và chỉ bón thúc phân đạm, lân, ka li từ 1- 2 lần sau khi trồng 3 - 6 tháng; nên sản lượng tăng lên rõ rệt bởi tỷ lệ cây sống cao, củ to và sai, nhưng vẫn giữ được chất lượng sạch và thơm ngon của khoai sọ nương truyền thống.

Vào trung tuần tháng 9 - 10 âm lịch, khi lá chuyển sang màu vàng và khô dần là lúc củ đã già, hàm lượng tinh bột cao, hương vị củ thơm ngon, cũng là lúc bà con bước vào vụ thu hoạch củ. Nếu củ dùng làm giống thì phải để thật già mới thu hoạch, sau khi thu hoạch, củ không cần rửa và đem vào nơi khô mát để bảo quản. 

Trung tuần tháng 9 - 10 âm lịch, khi lá khô dần là lúc củ đã già, hàm lượng tinh bột cao,
hương vị củ thơm ngon, cũng là lúc bà con bước vào vụ thu hoạch củ.
 Ảnh: T. Tịnh.

Theo số liệu của UBND xã, tính đến cuối vụ thu hoạch năm 2018, ước sản lượng bình quân đạt 2,7 đến 3 tấn/ha (so với trước đây là 2 tấn/ha) và giá bán 20 ngàn đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí (giống, phân, công), mỗi ha cho thu nhập thêm khoảng 15 - 18 triệu đồng/ha sau 01 năm thực hiện.

Thành công của phương án “Phát triển sản xuất trồng khoai sọ nương dưới tán rừng trồng”, góp phần thay đổi nhận thức của người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xen canh tăng vụ mở rộng vùng sản xuất sản phẩm OCOP của xã cũng như của huyện Hoành Bồ. Ông Linh Du Minh (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn) khẳng định. 

Khoai sọ nương củ dài, ruột màu tím nhạt hoặc trắng, ăn bở, mùi vị đặc biệt
thơm ngon đã trở thành món ăn quí của người dân địa phương. 
Ảnh: P. Quỳnh.

Nhìn ở phương diện quản lý và bảo vệ rừng, ông Mạc Văn Sự (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoành Bồ) cho biết, phương án “Phát triển sản xuất trồng khoai sọ nương dưới tán rừng trồng” là chủ trương đúng hướng của huyện Hoành Bồ, vừa góp phần bảo tồn, phát triển giống khoai quý của địa phương và nâng cao thu nhập cho bà con trên diện tích rừng trồng, vừa nâng cao ý thức gắn bó với rừng, phát triển sinh kế từ rừng đi đôi với việc quản lý, bảo vệ rừng của người dân địa phương.

Được biết, khoai sọ nương trồng chủ yếu ở xã Đồng Sơn với diện tích khoảng 50ha và sự tham gia của hơn 50 hộ (bao gồm cả hộ đã được nhà nước hỗ trợ và chưa được nhà nước hỗ trợ), ngoài ra còn được trồng ở xã Đồng Lâm và Kỳ Thượng. Diện tích trồng khoai sọ nương hàng năm của cả huyện khoảng 100 ha và sản lượng từ 200 - 250 tấn, khoai sọ nương có hình dáng dài, ruột màu tím nhạt hoặc trắng, ăn bở, mùi vị đặc biệt thơm ngon đã trở thành món ăn quí, chỉ đủ để bà con tích trữ ăn dần, để làm quà và tiêu thụ trong xã, trong huyện. 

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam