Diễn đàn đầu tư tiếp thị và bán lẻ

Doanh nhân, Hội nhập | 07:59:00 21/03/2019

Với mong muốn tìm ra những giải pháp giúp các nhà đầu tư và định hướng phát triển cho tương lai đối với thị trường bán lẻ tại Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam và Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức “Diễn đàn đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam” vào sáng ngày 20/03 tại Hà Nội.

Sau khi chính thức gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào 11/01/2007, thị trường bán lẻ Việt Nam đã có những bước tiến vững chắc và gặt hái được nhiều thành quả tích cực, với kênh bán lẻ hiện đại chiếm 26% thị phần với tốc độ tăng trưởng 11,8%. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết, thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường bán lẻ.


TS. Lê Xuân Đình – Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Công Thương)
phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây đang tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2010 là 88 tỷ USD thì đến năm 2017 là 130 tỷ USD, dự báo năm 2020 là 179 tỷ USD.

Theo nhận định chung thì thị trường bán lẻ Việt Nam đến nay đã hội tụ nhiều nhà phân phối lớn trong và ngoài nước, song sự phát triển cũng chỉ mới là giai đoạn đầu, cơ hội còn rất nhiều cho các nhà đầu tư đến sau, nhất là các nhà bán lẻ có thương hiệu, có sự khác biệt và ứng dụng các công nghệ quản lý bán hàng đang phát triển nhanh như hiện nay ở trên thế giới. Công nghiệp 4.0 đã lan tỏa vào lĩnh vực thương mại bán lẻ và lĩnh vực tiêu dùng xã hội ở các nước. Ở Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020 thực sự sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Đây cũng là thời điểm mà sự cạnh tranh mạnh mẽ sẽ quyết liệt hơn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài giữa các kênh bán hàng hiện đại và kênh bán hàng truyền thống.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Lê Xuân Đình – Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết: Thị trường bán lẻ Việt Nam tăng mạnh với nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là hình thức bán lẻ hiện đại như các siêu thị, trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại rộng lớn. Thị phần bán lẻ hiện đại chỉ mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Trung Quốc là 51%, Malaysia là 60% và Singapore lên đến 90%. Các siêu thị, trung tâm thương mại hầu hết tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành, khu vực nông thôn và ngoại thành còn bỏ ngỏ rất nhiều.

Quy mô thị trường bán lẻ tăng nhanh, tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, bất cập: Thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững; thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường; thiếu chiến lược phát triển kinh doanh, tính chuyên nghiệp không cao, năng lực tài chính hạn chế; thiếu các dịch vụ hậu mãi,  Ông cho biết thêm.

Tại Diễn đàn Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ  Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết về những Cơ hội và thách thức của thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay: Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsel, tại khu vực châu Á, trong thời gian gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao. Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi như thu nhập bình quân đầu người đang tăng, kinh tế vĩ mô đang đà phát triển và việc ký kết những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA hay Cộng đồng Kinh tế ASEAN trở thành hiện thực từ  năm 2015... Tất cả những điều kiện thuận lợi trên đã, đang và sẽ mang lại những điểm sáng nhất định cho kinh tế nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng.

Bà cũng đưa ra một số giải pháp và khuyến nghị và giải pháp để phát triển thị trường bán lẻ trong nước gắn liền với phát triển bền vữngtrong thời gian tới như: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động thương mại thị trường trong nước, trong đó chú trọng phát triển thị trường bán lẻ gắn với phát triển bền vững; Chú trọng tăng tổng cầu trong nước, đẩy mạnh các hoạt động gắn kết lưu thông, liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa; Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ…

Diễn đàn còn có sự tham dự của gần 300 đại biểu đại diện cho các cơ quan trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và nghề nghiệp. Diễn đàn Đầu tư Tiếp thị và Bán lẻ Việt Nam được tổ chức nhằm mục đích tạo một buổi thảo luận đa chiều để các nhà hoạch định chính sách, đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cùng nhau trao đổi, thảo luận và đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra cho thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay.

An Nhiên

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam