Phát huy vai trò của thanh niên trong nhận diện và đấu tranh với các nhóm tiêu cực trên mạng xã hội

Lý luận trẻ | 10:09:00 09/04/2019

Tại Việt Nam, hiện có tới 46 triệu người dùng mạng xã hội chiếm 48% dân số với tần suất là 2 giờ 39 phút sử dụng, trong đó, có đến 55% người dùng thường xuyên kết nối với internet bằng điện thoại thông minh và các trang mạng được sử dụng thường xuyên là facebook, zalo, you tube, skyper, Instagram, FB Messenger, Google+, Zing....

Thực trạng tiếp cận và sử dụng mạng xã hội ở nước ta đang có xu hướng tăng nhanh theo cả số lượng người dùng lẫn thời gian sử dụng khi mà những thành tựu của công nghệ, của internet đang ngày càng trở nên phổ biến và có tính lan truyền cao trong xã hội.

Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong những năm gần đây có bước phát triển gắn liền với quá trình đất nước đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tính chất và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có nhiều biến đổi khi nước ta tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, sự thâm nhập và lan tỏa của các giá trị văn hóa ngoại lai diễn ra thường xuyên, vị thế của nước ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế; tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội,... đã và đang đặt ra cho thanh niên - thế hệ tương lai của nước nhà trọng trách lớn, nhất là trước các âm mưu, thủ đoạn chống phá  ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch thông qua các trang mạng xã hội. Do vậy, cần phát huy tổng lực của cả hệ thống chính trị, các lực lượng trong toàn dân, trong đó, thế hệ trẻ phải nhận thức rõ và nắm chắc sứ mệnh của mình.

 Đối với thanh niên Việt Nam, để nhận diện được những nhóm khác nhau trên mạng xã hội làm cơ sở cho việc đấu tranh bảo vệ những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước; đồng thời, đấu tranh với các nhóm sai lệch, có tư tưởng chống đối với sự nghiệp cách mạng mà đất nước ta đang thực hiện cần làm tốt một số biện pháp sau:

Nâng cao nhận thức, xây dựng động cơ, trách nhiệm cho thanh niên khi tham gia mạng xã hội.

Đây là nội dung biện pháp quan trọng tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ nhận diện và đấu tranh chống lại các nhóm tiêu cực trên mạng xã hội. Theo đó, các lực lượng chính trị từ Trung ương tới cơ sở cần tiếp tục bồi dưỡng cho thanh niên nắm được các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về mạng xã hội nói chung và thực trạng sử dụng mạng xã hội trong thanh niên Việt Nam nói riêng. Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho thanh niên, cần vận dụng linh hoạt nhiều hình thức phù hợp như tuyên truyền vận động thanh niên thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức các buổi diễn đàn, mạn đàm, trao đổi về những dấu hiệu nhận biết các nhóm tiêu cực trên không gian mạng; tổ chức các cuộc thi về các vấn đề có liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khi tham gia mạng xã hội.

Thực hiện tốt biện pháp này nhằm hình thành nên những thanh niên Việt Nam có tri thức, hiểu biết, bản lĩnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Công tác giáo dục, đào tạo thế hệ thanh niên là trách nhiệm chung của cả xã hội, mà trọng trách nặng nề hơn cả được đặt lên vai các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, cần chú trọng giáo dục cho thanh niên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chiến lược của Đảng và Nhà nước; những biến đổi của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và trên thế giới; sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của mạng xã hội; nội dung, kiến thức truyền dạy cần sát với thực tiễn cuộc sống, với những yêu cầu của công việc, của nhiệm vụ từng nhóm thanh niên; giáo dục lý luận phải đi đôi với thực hành, lý thuyết gắn liền với việc rèn luyện các kỹ năng xử lý những tình huống cụ thể trong đời sống, trên không gian mạng cho thanh niên. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi mặt các nhà trường, cần vận dụng hiệu quả những thành quả đó để đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tình hình mới.

Không ngừng xây dựng và hoàn thiện các cơ chế đãi ngộ, tạo dựng môi trường làm việc thuận lợi cho thanh niên.

Trong bối cảnh yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, việc tạo dựng môi trường làm việc thuận lợi kết hợp với những cơ chế, chính sách đãi ngộ tương xứng cho những thanh niên tài năng, có nhiều cống hiến là nội dung biện pháp hết sức quan trọng, thiết thực nhằm vận động, tập hợp thanh niên sống có mục tiêu, lý tưởng, có ước mơ, hoài bão và khát khao cống hiến cho Tổ quốc. Muốn vậy, Đảng và Nhà nước cần tạo ra các cơ chế khuyến khích thanh niên phát huy năng lực trong học tập, công tác; tạo ra những cơ chế đặc biệt về chế độ đãi ngộ đối với những thanh niên có tài năng vượt trội, có nhiều cống hiến cho xã hội; chủ động giao cho thanh niên những việc khó, việc mới đòi hỏi năng lực, trí tuệ và bản lĩnh để thử thách, rèn luyện; thực hiện tốt, đồng bộ công tác trẻ hóa đội ngũ cán bộ các cấp; trong công tác quy hoạch, đề bạt cán bộ, đặc biệt là đối với các cán bộ trẻ cần thực hiện theo nguyên tắc khách quan, đánh giá dựa trên năng lực và mức độ hiệu quả của việc thực hiện nhiệm vụ.

Phát huy vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với tư cách là “cầu nối” tập hợp, đoàn kết và định hướng cho thanh niên.

Đây là nội dung biện pháp có vị trí, vai trò quan trọng đối với công tác đoàn và phong trào thanh niên, bởi Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức Đoàn các cấp được ví như là “cầu nối” trong tập hợp, đoàn kết và định hướng cho hành động cách mạng của thanh niên. Các tổ chức Đoàn có phát huy tốt vai trò, chức trách của mình thì phong trào thanh niên mới có nhiều bước phát triển với sự định hướng về mặt chính trị, xã hội rõ ràng. Theo đó, Trung ương Đoàn, Đoàn Thanh niên các cấp và của các tổ chức chính trị, xã hội nơi thanh niên học tập, công tác cần chủ động xây dựng các trang Blog, Fanpage, Group trên mạng xã hội của tổ chức đoàn thể để tuyên truyền những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác đoàn và phong trào thanh niên và của chính những hoạt động của tổ chức, đơn vị mình; thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm lôi kéo đông đảo thanh niên tham gia học tập, trao đổi kiến thức và rèn luyện các kỹ năng sống. Tiếp tục đổi mới theo hướng đa dạng hóa cả nội dung và hình thức của các phong trào thanh niên tình nguyện, thanh niên góp đá xây Trường Sa, thanh niên hướng tới trẻ em vùng sâu, vùng xa, biên giới, thanh niên tình nguyện mùa hè xanh, thanh niên với việc ứng xử đúng khi tham gia mạng xã hội,... nhằm tập hợp, vận động đông đảo thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với đặc điểm là có số lượng người sử dụng đông đảo, thông tin truyền tải nhanh không hạn chế và lan truyền sâu rộng, mạng xã hội chính là mảnh đất vàng để các thế lực thù địch thực hiện diễn biến hòa bình đối với thanh niên bằng cách cho đăng tải, chia sẻ, lan truyền các bài viết, bình luận có quan điểm chính trị đối lập với Đảng và Nhà nước ta. Do vậy, đối với mỗi thanh niên Việt Nam hiện nay cần thực sự tỉnh táo, kiên định với lập trường cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng trước các quan điểm, luận điệu của các nhóm khác nhau có quan điểm đối lập, phá hoại cách mạng nước ta trên mạng xã hội.

                                                                                                           Nguyễn Hữu Tài

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam