Việt Nam bình quân phải mất 2,2 năm để tìm ra một cuộc tấn công mạng

Số hóa | 09:04:00 22/04/2019

Trong khi thế giới (tùy từng năng lực quốc gia) mất từ 3-7 tháng để phát hiện cuộc tấn công mạng, Việt Nam phải mất tới 2,2 năm.

Internet ngày càng phát triển, kéo theo nguy cơ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị tấn công mạng ngày càng cao, với quy mô và hình thức ngày một tinh vi, phức tạp.


Trung bình, các tổ chức ở Việt Nam phải mất 2,2 năm mới tìm ra cuộc tấn công mạng. (Ảnh minh họa: KT)

Tùy theo năng lực của mỗi doanh nghiệp, đơn vị hay quốc gia mà thời gian phát hiện các cuộc tấn công mạng khác nhau. Theo thông tin được đưa ra tại hội thảo về an ninh mạng diễn ra mới đây tại Hà Nội, nếu như trên thế giới, trung bình mất từ 3-7 tháng để tìm ra một cuộc tấn công mạng thì thời gian này ở Việt Nam trung bình là 2,2 năm.

Với thời gian phát hiện tấn công mạng dài như vậy, hậu quả thiệt hại là vô cùng lớn cũng như việc giành quyền kiểm soát lại là không dễ dàng.

Thống kê về an ninh mạng 2018 của Bkav cho thấy, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam trong năm đã lên mức kỷ lục 14.900 tỷ đồng, tương đương 642 triệu USD.

Trên phạm vi toàn cầu, tội phạm mạng gây thiệt hại lên tới khoảng 600 tỷ USD mỗi năm, tương đương 0,8% GDP toàn cầu. Trong đó, khu vực Đông Á thiệt hại ước tính từ 120 – 200 tỷ USD, tương đương 0,53 – 0,89% GDP khu vực.

Giới chuyên gia nhận định, trong cuộc đua chuyển đổi số, an ninh mạng là nhân tố quyết định tới việc thành công.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT nhấn mạnh, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải coi đảm bảo an toàn, an ninh mạng là vấn đề song hành với việc triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, có như vậy mới đảm bảo cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin một cách nhanh và bền vững.


Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin


Ông Dũng cũng cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, Bộ TT&TT đã tham mưu, soạn thảo và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số an toàn, an ninh thông tin toàn cầu của Việt Nam theo xếp hạng của ITU.

Dự thảo Chỉ thị này nhấn mạnh đến vai trò người đứng đầu, yêu cầu người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về mất an toàn, an ninh mạng của đơn vị mình. Mỗi đơn vị cũng phải tổ chức lực lượng an toàn, an ninh mạng tại chỗ, đồng thời phải có đơn vị chuyên trách bên ngoài cung cấp dịch vụ an toàn, an ninh mạng; kiểm thử xâm nhập, đánh giá mức độ và quản lý rủi ro về an toàn, an ninh mạng phải được thực hiện thường xuyên.

“Chúng tôi nghĩ là trong tháng 4 hoặc đầu tháng 5/2019, Chỉ thị về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số an toàn, an ninh thông tin toàn cầu của Việt Nam theo xếp hạng của ITU sẽ được ban hành. Khi Chỉ thị này được ban hành, đây sẽ là “kim chỉ nam” cho các cơ quan, tổ chức ở Việt Nam triển khai công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng tốt hơn trong thời gian tới”, ông Dũng cho biết.

Trong năm 2019, với lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, Bộ TT&TT đã xác định rõ mục tiêu là tạo ra được thị trường an toàn, an ninh mạng; phát triển các doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam đảm bảo an toàn hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước; đưa Việt Nam trở thành Trung tâm an ninh mạng của ASEAN. Một nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị khối an toàn thông tin của Bộ TT&TT trong năm nay là triển khai các giải pháp để cải thiện xếp hạng về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam theo đánh giá của ITU tăng thêm 20 bậc./.

Vân Anh/VOV

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam