Mô hình Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy

Sức khỏe, Tư vấn | 11:24:00 02/05/2019

"Mô hình Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy" (hay còn được gọi ngắn gọn là "Mô hình (cảnh sát) chuyển gửi") là mô hình đầu tiên tại Việt Nam có sự tham gia của lực lượng công an hành chính cấp phường, xã trong việc giới thiệu, kết nối, chuyển gửi người sử dụng ma túy đến với các cơ sở tư vấn và hỗ trợ điều trị tự nguyện tại cộng đồng. 

Hà Nội là địa phương đầu tiên trên toàn quốc triển khai thí điểm mô hình do Sở Lao động – Thương binh và Xã Hội và Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội Hà Nội phối hợp quản lý với sự hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng. Mô hình bước đầu được thực hiện tại hai quận Long Biên và Nam Từ Liêm trên tổng số sáu điểm phường (Ngọc Lâm, Ngọc Thuỵ, Bồ Đề, Cầu Diễn, Mỹ Đình 1 và Xuân Phương) chính thức khởi động từ tháng 4/2019.

Lực lượng thi hành pháp luật, cụ thể là công an các cấp phường xã tham gia vào mô hình không chỉ dưới cương vị hành chính mà còn dưới vai trò là người hỗ trợ, khiến cho mô hình mang điểm mới đó là sự thân thiện đối với người sử dụng/nghiện ma tuý tại cộng đồng – điều này rất quan trọng trong việc khuyến khích họ tiếp cận với các dịch vụ tư vấn và điều trị phù hợp với mong muốn, nhu cầu của từng cá nhân. Từ đó, mô hình sẽ cùng lúc giúp thúc đẩy các dịch vụ điều trị tự nguyện tại cộng đồng được phát triển và nhân rộng một cách chuyên nghiệp, bài bản. Sự phát triển này sẽ góp phần tạo điều kiện hơn nữa giúp người sử dụng ma tuý cũng như cộng đồng dân cư được tư vấn và tháo gỡ được các vấn đề liên quan đến sử dụng ma tuý trong bối cảnh phức tạp như hiện nay.

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) cho biết: “Với kinh nghiệm làm việc với các tổ chức quốc tế về tư vấn và điều trị nghiện ma tuý, chúng tôi nhận thấy mô hình này có nhiều ưu điểm về tính hiệu quả và khả thi. Sự tham gia của lực lượng thực thi pháp luật đóng vai trò vô cùng ý nghĩa trong mô hình vì họ là bộ phận tiếp xúc với người sử dụng/nghiện ma tuý tại địa bàn nhiều nhất (bên cạnh các nhóm cộng đồng của người sử dụng ma tuý) nên họ là “cánh cửa” đầu tiên để người sử dụng ma tuý được tiếp xúc với những thông tin về hỗ trợ, tư vấn, điều trị nghiện v.v…, sau đó được chuyển gửi đến các dịch vụ phù hợp với tình trạng và nhu cầu của họ. Mô hình cảnh sát chuyển gửi không chỉ giúp giải quyết duy nhất một vấn đề về sử dụng hay nghiện ma tuý, mà còn có tác động đến những khía cạnh quan trọng khác của người sử dụng ma tuý, như: giảm tỷ lệ vi phạm pháp luật gần 60% và tăng tỷ lệ có việc làm đến 30%”.

Các yếu tố khác phải kể đến vai trò của người Điều phối viên cộng đồng và Hệ thống các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn pháp lý xã hội và điều trị tự nguyện tại cộng đồng dành cho người sử dụng/nghiện ma tuý, cùng với Lực lượng thực thi pháp luậtmới tạo nên sự tổng hoà và đem đến hiệu quả tối ưu của mô hình. Điều phối viên cộng đồng sẽ được tuyển chọn trên địa bàn với các tiêu chí: nhiệt tình, cởi mở, không e ngại hay kỳ thị người sử dụng/nghiện ma tuý, ưu tiên những người đã có kinh nghiệm hỗ trợ người sử dụng ma tuý hoặc từng công tác trong đội ngành phòng, chống tệ nạn xã hội, đội công tác tình nguyện xã hội v.v…Với vai trò là đơn vị cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho mô hình, SCDI thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cho cả lực lượng công an và điều phối viên cộng đồng về khoa học não bộ - nghiện - ma tuý, kiến thức về giảm hại khi sử dụng ma tuý, kỹ năng tư vấn cho cá nhân, gia đình của người sử dụng/ nghiện ma túy, các thông tin và quy trình chuyển gửi đến các dịch vụ y tế cần thiết (HIV, Viêm gan B, C, Lao…), phòng tránh và xử lý sốc thuốc hay “ngáo đá”, …

Nói đến những thách thức đối với thành công của mô hình trong thời gian tới, Bs. Khuất Thị Hải Oanh chia sẻ thêm: “Vấn đề trở ngại đối với bất cứ mô hình hỗ trợ người sử dụng ma tuý ở bất cứ quốc gia, trong bất cứ điều kiện và hoàn cảnh nào đó chính là người sử dụng ma tuý luôn là một trong những nhóm ít nhận được sự cảm thông cũng như bị kỳ thị nhiều nhất trong xã hội. Nhưng có thể thấy, trong vòng 10 năm trở lại đây, chính sách của nhà nước cũng như nhận thức của xã hội về người sử dụng ma tuý tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi, điều đó chứng tỏ chúng ta có thể tiếp tục tạo ra những chuyển biến tích cực hơn nữa bằng sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ giữa nhiều ngành và lĩnh vực. Nếu mô hình này được thực hiện đúng, bài bản, chuyên nghiệp sẽ đem đến một diện mạo mới và quan trọng là lòng tin của xã hội, tiếp đó là sự chung sức của cộng đồng thực hiện các chính sách đầy tính nhân văn về người sử dụng ma tuý mang đến một cuộc sống ổn định, tốt đẹp hơn cho mọi người”.

Vũ Ngọc Hoa

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam