Xuất hiện những cách làm hay từ thực tiễn xây dựng Nông thôn mới ở Yên Bái

Thời sự, Xã hội | 10:00:00 12/05/2019

Yên Bái là tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn, nơi sinh sống của 30 dân tộc anh em, có huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải thuộc diện 30a – huyện nghèo nhất cả nước và 81 xã 135 (xã đặc biệt khó khăn) giai đoạn 2017 – 2020; hàng năm thường xuyên hứng chịu lũ ống, lũ quét, nhất là 2 cơn lũ lịch sử xảy ra vào tháng 8, 10/2017 và tháng 7/2018 đã tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng giao thông, cầu cống, trường học, nhà cửa, diện tích canh tác, hoa màu... cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân và đẩy hàng trăm người dân vào cảnh không nhà, không đất đai canh tác, không lương thực sinh sống, phải nhận sự ủng hộ và cứu trợ của Chính phủ và đồng bào cả nước càng làm cho công cuộc xây dựng Nông thôn mới của Yên Bái trở nên khó khăn hơn bội phần.

Nhưng cũng chính từ trong khó khăn, khắc nghiệt đó, người dân cùng cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở đã xuất hiện những cách làm hay và sáng tạo, có thể áp dụng nhân rộng ở khu vực miền núi phía Bắc và nhiều khu vực vùng miền trong cả nước. 

Những nương dâu xanh mướt ở xã Tân Đồng. Ảnh: P. Quỳnh.

Nhờ phát triển trồng dâu nuôi tằm, Tân Đồng trở thành xã Nông thôn mới điển hình của tỉnh

Từ xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, năm 2008, Tân Đồng vươn lên thành xã vùng 2 nhưng còn nhiều khó khăn, đồng bào thiểu số chiếm 55%, tỷ lệ hộ nghèo 40,2%, nằm cách trung tâm huyện Trấn Yên 17 km, đường xá đi lại rất khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản. Năm 2011, xã được chọn làm điểm xây dựng Nông thôn mới, được hỗ trợ nguồn lực phát triển giao thông thuận tiện về xã và các trục đường chính trong xã, rồi lan tỏa ra các đường nhánh thôn. Nhờ đó, từ năm 2014 đến nay, chính quyền xã vận động bà con chuyển diện tích lúa kém hiệu quả, đất ven suối, chân đồi thấp, soi bãi sang trồng dâu nuôi tằm, làm tăng diện tích lên gần gấp đôi. Cùng với trồng quế, nghề trồng dâu nuôi tằm đã trở thành nguồn thu nhập chính của bà con, hiệu quả kinh tế do trồng dâu nuôi tằm mang lại gấp 2,5 - 3 lần so với trồng lúa, nên bà con rất phấn khởi làm ăn, nhiều hộ còn thuê đất các xã lân cận để mở rộng nghề trồng dâu nuôi tằm.

Theo số liệu Phòng Nông nghiệp huyện, Tân Đồng dẫn đầu huyện về diện tích, số hộ, sản lượng và thu nhập từ dâu tằm, với 109,7 ha, 350 hộ làm nghề trồng dâu chăn tằm cho thu nhập trung bình mấy năm gần đây từ 25 - 30 tỷ đồng/năm, chiếm gần 30% nguồn thu dâu tằm cả huyện. Nhờ vậy, đời sống bà con cải thiện nhanh chóng, đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,11%, hộ khá và giàu tăng lên rõ rệt (hơn 60%), nhịp sống làng quê khang trang thanh bình bởi màu xanh của những nương dâu, đồi quế, của những nếp nhà mới xây, những con đường bê tông sạch sẽ. 


Tằm của hộ ông Đỗ Văn Thạch (Bí thư chi bộ thôn 3, xã Tân Đồng) đã lên né, đợi ngày xuất bán.
Ảnh: P. Quỳnh.

Ông Nhâm Xuân Trường (Phó Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Yên Bái) thông tin thêm: Tân Đồng là xã điển hình trong phong trào xây dựng Nông thôn mới của tỉnh, là xã thứ 3 của tỉnh đạt chuẩn Nông thôn mới (tháng 9/2015), nhưng là xã 135 đầu tiên và duy nhất cho đến nay (tháng 5/2019) của tỉnh về đích Nông thôn mới.

Thôn Khuôn Bổ tận dụng cơ sở vật chất điểm trường, xây dựng thôn Nông thôn mới

Hồng Ca là xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Trấn Yên, thời điểm tháng cuối năm 2017 cả xã mới đạt 10/19 tiêu chí Nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 31,9%; trong đó, 9 thông vùng thấp điều kiện và nguồn lực xây dựng Nông thôn mới thuận lợi hơn, 4 thôn vùng cao người Mông điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng vô cùng khó khăn. Để về đích Nông thôn mới theo kế hoạch đề ra, xã đã lựa chọn cách làm dần từng bước, thôn nào có điều kiện thuận lợi hơn thì được tập trung nguồn lực xây dựng trở thành thôn Nông thôn mới trước, tạo hiệu ứng thi đua học tập giữa các thôn, đưa phong trào xây dựng Nông thôn mới của xã trở nên sôi nổi. Chủ tịch xã Hồng Ca Phạm Xuân Toàn chia sẻ.

Tháng 10/2017, thôn Khuôn Bổ - cửa ngõ của bốn thôn vùng cao khó khăn nhất xã với 100% người Mông sinh sống và thôn Bản Cọ ở vùng thấp được xã chọn để triển khai xây dựng thôn Nông thôn mới. Mỗi đoàn thể được giao giúp thôn thực hiện một tiêu chí; tạo nguồn lực khuyến khích bà con nhất là lớp trẻ phát triển kinh tế trang trại.

Tận dụng cơ sở vật chất của điểm trường Tiểu học & THCS số 2 Hồng Ca để lại, tháng 5/2018 chính quyền xã đã bàn giao điểm trường cho bà con thôn Khuôn Bổ sử dụng làm nơi sinh hoạt, hội họp thay cho căn nhà gỗ nhỏ bé cũ nát bấy lâu nay. 

Cán bộ xã Hồng Ca trao đổi với bí thư và trưởng thôn Khuôn Bổ tại nhà văn hóa mới của thôn. Ảnh: P. Quỳnh.

Bí thư chi bộ thôn Tráng Thị Nhà nói, từ ngày có nhà văn hóa mới chi bộ không phải họp nhờ nhà bí thư nữa, bà con tham gia sinh hoạt thôn đông hơn do trụ sở mới rộng rãi, sạch sẽ, có đủ chỗ ngồi, chứ không còn phải đứng do chật chội, thiếu chỗ như trước. Bây giờ hễ có việc gì của thôn như luyện tập văn nghệ, thu lãi ngân hàng...là bà con lại bảo nhau ra nhà văn hóa thôn cho tiện - trưởng thôn Sổng A Dũng tiếp lời.

Khi được hỏi về kết quả xây dựng nông thôn mới, bí thư Nhà phấn khởi đọc vanh vách “thôn em đạt chuẩn Nông thôn mới ngày 21/12/2018 rồi đấy”. Thoáng chút ưu tư, bí thư Nhà nói tiếp: Khó khăn nhất đối với thôn là tiêu chí môi trường; do tập quán và nhận thức còn lạc hậu, nên đa phần các hộ đồng bào Mông trong thôn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, nhà cửa chưa được chăm sóc sạch sẽ, rác thải sinh hoạt chưa được thu gom xử lý đúng nơi quy định.

Được biết, nhờ sáng tạo trong cách làm, đến quý 2/2019, xã Hồng Ca đã có 8 thôn được công nhận Nông thôn mới. Theo Chủ tịch Toàn, đến tháng 10/2019 xã cơ bản đạt các tiêu chí xã Nông thôn mới, đủ điều kiện làm hồ sơ, chờ thẩm định, công nhận.

Phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, Quy Mông trở thành xã có nguồn thu từ hiến, góp của nhân dân lớn nhất tỉnh  

Như đa phần các xã thuộc huyện Trấn Yên, Quy Mông mới ra khỏi diện 135 năm 2009, nên còn rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ kiên trì tập trung phát triển kinh tế đồi rừng (trồng quế, keo), chế biến ván bóc, trồng đao giềng...từ nhiều năm nay, đặc biệt là phát triển chăn nuôi gà qui mô lớn có hiệu quả mà đời sống của bà con trong xã nâng lên rõ rệt. Đây chính là nguyên nhân quan trọng để xã triển khai xây dựng nông thôn mới được thuận lợi và thành công – ông Nguyễn Duy Khanh (Chủ tịch UBND xã) khẳng định. 

Ông Trần Văn Dũng (giữa)- người hiến 967 m2 đất cho thôn làm nhà văn hóa và sân
bóng chuyền - trò chuyện với Chủ tịch xã Quy Mông
Nguyễn Duy Khanh (áo trắng) và
trưởng thôn Tân Thịnh. Ảnh: T. Nhung.

Hiện xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí về đích nông thôn mới, tỉnh đã thẩm định xong hồ sơ để công nhận xã Nông thôn mới trong tháng 5 này. Ông Khanh hồ hởi nói tiếp, 5 năm lại đây xã tạo quỹ đất, vốn vay giúp bà con phát triển chăn nuôi, cả xã hiện có 70 trại chăn nuôi qui mô từ 1.000 – 12.000 con gà, nhiều hộ có thu nhập từ nuôi gà 200 – 300 triệu đồng/năm. 

Trại gà 5.000 con của thanh niên Hoàng Hữu Trang, thôn Thịnh Lợi, xã Quy Mông. Ảnh: T. Nhung.

Nhận thấy xây dựng nông thôn mới mang lại lợi ích thiết thực cho tiêu thụ, chế biến sản phẩm rừng trồng và các nông sản của gia đình mình, bà con đã hăng hái bảo nhau ủng hộ ngày công, hiến đất, góp tiền...làm đường giao thông, làm nhà sinh hoạt cộng đồng... với trị giá 80 tỷ đồng, chiếm 40% tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới của xã, trở thành xã có nguồn thu từ hiến, góp của nhân dân lớn nhất tỉnh; tiêu biểu như gia đình ông Trần Văn Dũng (thôn Tân Thịnh) hiến 967 m2  để làm nhà văn hóa và sân bóng cho thôn.

Cắm biển theo dõi cây màu tại ruộng ở xã Nghĩa An

Nghĩa An là xã có phong trào phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả của thị xã Nghĩa Lộ, đồng thời là xã có thương hiệu thịt trâu sấy ngon nổi tiếng, có đặc sản gạo séng cù và là vùng trồng màu để thâm canh tăng vụ, nâng cao giá trị canh tác cho bà con.

Ban đầu, để tận dụng lợi thế khi du khách về trải nghiệm địa phương mua nông sản sạch về tiêu dùng, trên những thửa ruộng trồng cây màu (cà chua, rau đỗ, rau ngót...) bà con đã có sáng kiến cắm biển ghi họ tên, số điện thoại để du khách đi thăm quan trải nghiệm đồng quê tiện giao dịch đặt mua nông sản địa phương khi có nhu cầu. Nắm bắt cơ hội này, 2 năm nay, UBND xã Nghĩa An đã giao Hội Phụ nữ xã phối hợp với Khuyến nông tập huấn cho bà con qui trình sản xuất rau màu an toàn và làm các biển theo dõi cây màu cho các hộ cắm ngoài đồng, giúp cán bộ Khuyến nông tiện việc nhắc nhở bà con chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh theo đúng qui trình canh tác an toàn. Bà Lường Thị Hoàn (Chủ tịch Hội Phụ nữ xã) cho biết. 

Biển theo dõi cây trồng của bà con nông dân xã Nghĩa An. Ảnh: T. Nhung.

Theo ông Vũ Văn Cường (cán bộ Khuyến nông phụ trách xã), ngoài phần ghi họ tên, số điện thoại để tiện liên hệ với chủ ruộng, biển theo dõi cây trồng còn ghi tên giống, thời điểm trồng, thời điểm thu hoạch, đặc biệt có phần để trống cho cán bộ Khuyến nông khi thăm đồng nếu phát hiện sâu bệnh sẽ ghi thời điểm, liều lượng, loại thuốc phun trừ sâu bệnh, vừa bảo đảm sinh trưởng tốt cho cây trồng vừa không tồn dư thuốc trong nông sản. Ông Cường nói tiếp, đầu vụ cà chua thường hay mắc bệnh héo lá, nên cần phun thuốc, còn lại hầu như cây màu ở Nghĩa An ít phải phun thuốc, công tác Khuyến nông chỉ chú trọng vào việc hướng dẫn bà con cách chăm bón sao cho nâng cao chất lượng nông sản, đạt hiệu quả kinh tế mà vẫn thân thiện với môi trường.

Xã có nhiều tỷ phú từ trồng cam

Về đích Nông thôn mới tháng 10/2016, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn được biết đến không chỉ bởi là địa phương có diện tích và số hộ trồng cam thuộc tốp đầu của tỉnh, mà còn là xã có số hộ giàu và tỷ phú nhiều nhất tỉnh.

Nhận thấy cây cam phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, là cây có tiềm năng giúp bà con phát triển kinh tế và làm giàu, từ gần hai chục năm trước chính quyền huyện, xã đã “ xé rào ” mạnh dạn chuyển đổi diện tích chè già cỗi sang trồng cam. Nhờ vậy, dăm năm lại đây thu nhập của nhân dân trong xã nâng lên trông thấy, do sản lượng cam tăng và thị trường tiêu thụ mở rộng. 

Gia đình bà Vũ Thị Lợi (Bí thư chi bộ thôn Thiên Tuế 2) là một trong số hàng chục tỷ phú cam
xã Thượng Bằng La. Ảnh: P. Quỳnh.

Ông Hoàng Đình Mưu (Chủ tịch xã) cho hay, hiện xã có 400 hộ sinh sống bằng nghề trồng cam với diện tích cam cả xã trên 500 ha; trong đó, có hơn 100 hộ có diện tích trồng cam từ 1 ha trở lên, thu nhập bình quân mỗi năm từ 300 triệu đến hơn 2 tỷ đồng/hộ; hàng chục hộ nông dân đã trở thành tỷ phú, đời sống sung túc, cả gia đình gắn bó với cây cam, như gia đình bà Vũ Thị Lợi, ông Hà Văn Dế, Trần Ngọc Bích, Hoàng Xuân Bách... Năm 2018, Thượng Bằng La là 1 trong 5 xã được tỉnh chọn xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, xã đang xây dựng mô hình sản xuất cam gắn với phát triển du lịch và tham gia liên kết chuỗi tiêu thụ để ổn định đầu ra.

 

Đến hết năm 2018, tỉnh Yên Bái có 46 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 29,2%; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Mục tiêu đến năm 2020, Yên Bái có 01 huyện (huyện Trấn Yên) đạt chuẩn nông thôn mới, với 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và tất cả 9 tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Trấn Yên đã hình thành vùng sản suất nông nghiệp hàng hóa tập trung như vùng trồng dâu nuôi tằm, vùng quế, vùng tre Bát Độ; có mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, như mô hình tre Bát Độ, trồng dâu nuôi tằm.

Triển khai Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm”, tỉnh Yên Bái đã tập trung hướng dẫn, hỗ trợ bà con tạo dựng thương hiệu 10 sản phẩm đặc sản của tỉnh gồm: Nếp Tú Lệ, bưởi Đại Minh, sơn tra, chè shan Suối Giàng, gà đen vùng cao, lợn bản địa Yên Bái, cam sành Lục Yên, vịt bầu Lâm Thượng, quế, cây dược liệu. 

 

Phạm Quỳnh

 TP Hồ Chí Minh

Thời tiết

 

 



 

Liên kết hữu ích

 

   Liên kết hữu ích

 
-  
Vattuminhanh.vn cung cấp vật tư quảng cáo

 - Mialock Việt Nam